woensdag 22 mei 2019

Ba lý do khiến tổng thống Mỹ mạnh tay "đánh" Hoa Vi


Ba lý do khiến tổng thống Mỹ mạnh tay "đánh" Hoa Vi


mediaẢnh minh họa : Logo Hoa Vi và quốc kỳ Mỹ.REUTERS/Dado Ruvic
Dồn dập tung ra một loạt biện pháp mạnh tay, rồi hoãn thi hành một số điều khoản, tổng thống Mỹ tiếp tục sử dụng ngón đòn quen thuộc từng giúp ông thành công trong kinh doanh để gây sức ép với Hoa Vi. Sau ZTE, biện pháp này đang được áp dụng với Hoa Vi, nhưng lại là một đối thủ nặng ký, theo hai bài phân tích trên Le Monde và Le Figaro.
Vậy đâu là những lý do giải thích cuộc khủng hoảng mà Hoa Vi đang trải qua ? Nhật báo Le Monde đưa ra ba suy luận trong bài viết : « Giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là cuộc chiến tranh lạnh về công nghệ ».
Thứ nhất, Hoa Kỳ trừng phạt Hoa Vi để gây sức ép trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Sai lầm có lẽ bắt đầu từ việc chủ tịch Tập Cận Bình đánh giá tổng thống Trump dường như bị suy yếu vì nền kinh tế Mỹ chững lại (nhưng thực tế ngược lại) và đổi giọng không muốn đưa các cam kết liên quan đến chuyển giao công nghệ, mở cửa nền kinh tế Trung Quốc… vào thỏa thuận. Dĩ nhiên Bắc Kinh không để yên cho Washington trừng phạt niềm tự hào của Trung Quốc.
Thứ hai, hồ sơ Hoa Vi có lẽ còn liên quan đến mối quan ngại chiến lược-quân sự. Trên thực tế, các sản phẩm của Hoa Vi đã bị loại khỏi lãnh thổ Mỹ từ năm 2012. Hiện Washington muốn ngăn cản tập đoàn Trung Quốc triển khai công nghệ 5G trên khắp thế giới. Mạng 5G mạnh hơn và mang tính chiến lược hơn 4G vì có thể xử lý những dữ liệu rất nhạy cảm, kết nối với Internet, để điểu khiển ô tô tự động, thiết bị y tế hoặc các nhà máy.
Lý do thứ ba đơn thuần chỉ là một cuộc chiến công nghệ. Washington không chấp nhận việc Trung Quốc trở thành một đối thủ chiến lược trong thế kỷ XXI và đứng ngang hàng với các tập đoàn Mỹ. Trong cuộc đối đầu này, việc Trung Quốc bị cáo buộc đánh cắp, sao chép công nghệ chỉ là lý do thứ yếu, mà phải làm thế nào để các tập đoàn Trung Quốc không tiếp cận được công nghệ tân tiến.
Trung Quốc bị phụ thuộc vào bộ vi xử lý của các tập đoàn Mỹ nhiều hơn là dự báo của giới quan sát. Chỉ cần lấy vị dụ tập đoàn ZTE lao đao trong vòng ba tháng sau khi Mỹ cấm xuất khẩu chíp bán dẫn. Chính quyển của tổng thống Trump muốn giữ ưu thế này.
Vẫn theo Le Monde, nếu chiến lược của tổng thống Mỹ tiếp tục được duy trì, tiến trình toàn cầu hóa có thể bị đảo lộn với việc hình thành hai cực công nghệ trong tương lai. Khi muốn cô lập Trung Quốc hòng ngăn chặn cường quốc này bắt chước và phổ biến công nghệ, nhưng trên thực tế, những biện pháp trừng phạt càng làm Trung Quốc tự phát triển công nghệ riêng, trong mọi lĩnh vực, để không còn bị phụ thuộc vào Mỹ.
Đánh Hoa Vi, Trump làm các tập đoàn Mỹ bị vạ lây
Vẫn bài viết trên của Le Monde lẫn bài « Trump gây mập mờ về Hoa Vi » của Le Figaro đều cho rằng Hoa Vi, bị tổng thống Trump liệt vào danh sách đen gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, đang chịu chiến thuật dồn dập gây sức ép, rồi nới lỏng một vài biện pháp với hy vọng đổi lấy nhượng bộ từ phía đối thủ trước khi đánh đòn quyết định.
Nhật báo Le Monde trích nhận định của nhà sáng lập Hoa Vi, tỉ phú Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei), rằng Hoa Kỳ đã « đánh giá thấp đối thủ ». Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến Vu Đô (Yudu), nơi xuất phát cuộc « Trường Chinh » năm 1934, và thăm nhà máy sản xuất đất hiếm ngày 20/05 như cho thấy rằng Trung Quốc sẵn sàng quyết chiến đến cùng với Mỹ.
Các tập đoàn Mỹ muốn làm ăn với Hoa Vi phải xin giấy phép, mà theo ông Trump hứa, thì « có lẽ sẽ không nhận được ». Dĩ nhiên, Hoa Vi là bên chịu thiệt hại nặng nhất. Nhưng các tập đoàn Mỹ cung ứng công nghệ cho Hoa Vi cũng hứng chịu cú tát bất ngờ.
Sau Qualcomm, Intel, hai nhà cung cấp chip điện tử, đến lượt Alphabet, công ty mẹ của Google, lần lượt thông báo ngừng cung cấp cho tập đoàn công nghệ Trung Quốc hệ điều hành Android được sử dụng trong điện thoại thông minh Hoa Vi, cũng như một số ứng dụng như Chrome, YouTube, Gmail, Maps. Phải chăng vì vậy mà tổng thống Mỹ lại hoãn chiến, cho phép Hoa Vi tiếp tục sử dụng sản phẩm của Google trong vòng 90 ngày ?
Trái lại, cuộc chiến thương mại, công nghệ Mỹ-Trung đang thổi bùng ngọn lửa dân tộc ở Trung Quốc. Và điều này chỉ có lợi cho chủ tịch Tập Cận Bình và nâng cao tính chính đáng của đảng Cộng Sản. Những lời kêu gọi tẩy chay hàng Mỹ nở rộ trên mạng internet. Các công ty Trung Quốc, điển hình là HiSilicon, chi nhánh sản xuất chip điện tử của Hoa Vi, kêu gọi tự lực tự cường.
Một ví dụ tự chủ về công nghệ của Hoa Vi được Le Figaro nhắc đến là Hoa Vi đã phát triển hệ điều hành riêng cho sản phẩm bán tại thị trường Trung Quốc, mà không sử dụng đến Android, và có cửa hàng ứng dụng riêng. Android hiện được Hoa Vi sử dụng cho các thị trường khác trên thế giới.
Hoa Vi dường như đang cười vào chiến lược của Washington chặn tập đoàn công nghệ Trung Quốc phát triển được mạng 5G trên thế giới khi khẳng định mọi chuyện sẽ diễn ra như kế hoạch, sẽ không có bất kỳ chậm trễ nào.
Tăng trưởng thế giới giảm vì chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE) đã giảm dự kiến tăng trưởng trung bình của thế giới xuống còn 3,2% cho năm 2019. Lý do được nhật báo Kinh tế Les Echos nêu lên : « Tăng trưởng thế giới, nạn nhân của cuộc chiến thương mại ».
Theo thẩm định của OCDE, tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc (GDP) đạt 6,2% vào năm 2019 nhưng sẽ chỉ còn 6% vào năm 2020. GDP của Mỹ không bị ảnh hưởng, duy trì mức tăng 2,8% trong năm 2019 và xuống còn 2,3% vào năm 2020. Ngược lại, GDP của Nhật Bản, các nước Đông Á và các nước xuất khẩu sẽ bị tác động nặng nhất. Tăng trưởng trung bình của khối sử dụng đồng euro chỉ ở mức 1,2%, trong đó Đức và Ý chịu thiệt hại hơn cả, còn tăng trưởng Pháp có thể đạt mức 1,3%.
Bầu cử Nghị Viện Châu Âu : Nhập cư và tự do đi lại trong khối Schengen
Bầu cử Nghị Viện Châu Âu tiếp tục là chủ đề chính trên các nhật báo Pháp. Các cuộc vận động tại Pháp, hai chủ đề nhập cư và tự do đi lại trong khối Schengen được các báo Pháp phân tích.
Trang nhất của Le Monde là hình ảnh tổng thống và thủ tướng Pháp với hàng tựa : « Macron và Philippe lên tuyến đầu trong cuộc bầu cử ». Tổng thống Pháp không hài lòng khoanh tay làm « khán giả », còn thủ tướng Edouard Philippe liên tục tham gia các buổi mit-tinh để thu hút cử tri trung hữu.
Le Monde phác chân dung « Ba gương mặt cực hữu đang cầm quyền ở châu Âu » : Từ « sắc lệnh an ninh » cấm cứu di dân bị nạn ở ngoài khơi của bộ trưởng Nội Vụ Ý Matteo Salvini (đảng cực hữu Liên Đoàn) đến nền dân chủ « khác biệt », nhưng thực ra là độc đoán hơn, ít mở cửa hơn cho nhập cư và đa văn hóa, mà thủ tướng Hungary Victor Orban muốn thực hiện đến loạt từ chức của bốn bộ trưởng Áo sau khi bộ trưởng Nội Vụ bị bãi nhiệm, cho thấy sự tan rã của liên minh cánh hữu và cực hữu tại Áo.
Vẫn về cực hữu tại châu Âu, Libération phân tích những phát biểu, hành động chống phụ nữ của « Trục nam quyền » của các đảng cực hữu từ Ý, đến Hungary, Tây Ban Nha và Ba Lan.
« Nhập cư, một chủ đề vận động tranh cử được ưa chuộng trong khắp Liên Hiệp Châu Âu » được Les Echos phân tích. Nhật báo Le Figaro quan tâm đến : « Đường biên giới : Khối Schengen trong tâm điểm tranh luận châu Âu ». Trả lời phỏng vấn một nhật báo địa phương, tổng thống Pháp « muốn lập lại hoàn toàn khối Schengen, với một không gian có thể nhỏ hơn nếu cần thiết, nhưng đường biên giới chung được bảo vệ tốt hơn và có chính sách hài hòa về quyền tị nạn ».
Tuy nhiên, xã luận của Le Figaro cho rằng ý tưởng của tổng thống Macron không phải là mới. Đã có rất nhiều sáng kiến về chủ đề này, nhưng lại không được các nước Liên Hiệp Châu Âu cùng chia sẻ. Theo bài xã luận, « Châu Âu bị dồn vào chân tường », giờ đến lúc « ngừng những khẩu hiệu nhân danh bảo vệ nhân quyền. Các thỏa thuận về khối Schengen đã lỗi thời, phải xóa bỏ. Chính sách phân bổ người nhập cư chưa bao giờ là một giải pháp… ».
Hơn 1 triệu người nhập cư vào châu Âu trong năm 2015, vì vậy chủ đề di dân vẫn là mối bận tâm của công dân châu Âu. Nhờ đó, có thể các đảng bài nhập cư sẽ thu thêm được phiếu trong cuộc bầu cử diễn ra từ 23-26/05/2019. Tuy nhiên, theo một bài viết trên Le Figaro, « tỉ lệ vắng mặt cao khiến các ứng viên lo lắng » vì bầu cử châu Âu chưa bao giờ thu hút đông đảo cử tri.
Brexit : Anh Quốc là nước đầu tiên đi bầu Nghị Viện Châu Âu
Anh Quốc tham gia bầu cử Nghị Viện Châu Âu vì vẫn dùng dằng chưa cắt đứt được với Bruxelles. Cử tri Anh nằm trong số những người đầu tiên đi bầu Nghị Viện Châu Âu ngày 23/05, trong bối cảnh « Anh Quốc bị mất phương hướng », theo trang nhất của nhật báo Công Giáo La Croix.
Xã luận của La Croix đặt câu hỏi : Liệu Anh Quốc đang trả giá cho « sự quá ích kỷ » ? Chính phủ từ chức, phe bảo thủ có nguy cơ mất điểm trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu, nội bộ đảng cầm quyền bất đồng, xã hội bị chia rẽ sâu sắc…, những thù hằn, những lời nói dối định hướng đa số cử tri Anh bỏ phiếu rời Liên Hiệp Châu Âu năm 2016 đã không mang lại những kết quả như trông đợi của những người ủng hộ Brexit.
Trong khi đó, « Tại Ai Len, làn sóng Brexit lại kích thích phe thân châu Âu », theo nhận định của Le Monde, vì có đến 93% ý kiến thăm dò ủng hộ Ai Len ở lại Liên Hiệp.
Dân Mỹ tuần hành bảo vệ quyền được phá thai
Le Figaro và Le Monde chú ý đến lệnh cấm phá thai mới được công bố tại bang Alabama, sắp tới là bang Missouri, nhưng đã được áp dụng ở nhiều bang Mỹ (Ohio, Kentucky, Mississippi, Georgia). Trong bài xã luận, Le Monde đánh giá « Phá thai : Sự thụt lùi nguy hiểm của Mỹ ».
Hơn 500 cuộc tuần hành đã diễn ra ngày 21/05/2019 để bảo vệ quyền được phá thai. Le Figaro đánh giá sự kiện này qua bài viết : « Tại Mỹ, phá thai trở thành chủ đề trong cuộc vận động tranh cử cho năm 2020 ». Hiện tại, những người tiến hành nạo phá thai bị trừng phạt, nhưng ứng viên Donald Trump, trong đợt vận động tranh cử tổng thống năm 2016, từng gợi ý « trừng phạt những phụ nữ » phá thai.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190522-ba-ly-do-khien-tong-thong-my-manh-tay-danh-hoa-vi

Hoa Vi lao đao với đòn công nghệ cao của Washington

mediaGoogle thông báo ngưng cung cấp phần mềm ứng dụng cho Hoa Vi.REUTERS/Marko Djurica/Illustration
Trong lúc các cuộc đàm phán thương mại giữa Bắc Kinh và Washington tiếp tục bế tắc từ hàng tháng qua, Nhà Trắng dùng đòn công nghệ cao tấn công vào Hoa Vi. Đại tập đoàn viễn thông Trung Quốc có thể sẽ còn khốn đốn vì bị nhắm trúng điểm yếu là sự lệ thuộc vào công nghệ Mỹ.
Trong cuộc thương chiến Mỹ - Trung, chiến trường công nghệ cao được Washington khai hỏa, khi hôm 15/5 tổng thống Trump ký sắc lệnh đưa Hoa Vi vào danh sách các công ty có thể gây rủi ro cho an ninh quốc gia Mỹ. Tập đoàn truyền thông hàng đầu Trung Quốc, nhà sản xuất điện thoại di động đứng thứ 2 thế giới và đang đi đầu trong việc triển khai mạng truyền dẫn dữ liệu 5G, bị cấm mua các thiết bị, linh kiện, phần mềm viễn thông Mỹ.
Giới quan sát nhận định, bằng cách khóa cửa không cho Hoa Vi tiếp cận công nghệ Mỹ, tổng thống Donald Trump đã nhắm vào gót chân Achille của người khổng lồ Trung Quốc. Đây sẽ là một đòn đánh mạnh gây choáng váng cho tập đoàn Hoa Vi, vốn dĩ lớn mạnh được là nhờ vào công nghệ Mỹ, đặc biệt là các chíp điện tử và phần mềm. Nếu Hoa Vi bị cắt hoàn toàn nguồn công nghệ Mỹ, đó sẽ là điều tồi tệ nhất, đe dọa sự tồn vong của tập đoàn viễn thông Trung Quốc, theo nhận định của văn phòng tư vấn Eurasia Group. Hoa Vi có thể sẽ không giữ được hình hài như hiện nay nữa.
Hệ quả đòn tấn công của Washington là việc Google thông báo cắt cầu với Hoa Vi, trong khi mà sản phẩm của công ty Trung Quốc hoàn toàn phụ thuộc vào hệ điều hành Android do công ty Mỹ làm chủ.
Không có Android, Hoa Vi làm sao có thể thuyết phục được khách hàng mua các  điện thoại di động không có các ứng dựng Gmail, Youtube hay ứng dụng bản đồ Maps. Đó mới chỉ là vài ứng dựng cơ bản không thể thiếu ở các máy điện thoại thông minh ngày nay. Giáo sư Ryan Whalen, thuộc Trung Tâm Công nghệ Đại học Hồng Kông, khẳng định đây là đòn đánh mạnh vào mảng điện thoại di động của Hoa Vi.
Về phần mình, Hoa Vi quả quyết đã chuẩn bị hệ điều hành riêng. Hiện chỉ có hai hệ điều hành thống trị thế giới điện thoại thông minh: Android  chiếm tới 75% thiết bị, còn lại là iOS, độc quyền của Apple. Khó có thể tạo ra được một phần mềm mới nào để thay thế. Những tên tuổi lớn như Nokia, Blackberry và Microsoff đã từng thử và đều thất bại.
Về mảng công nghệ truyền dẫn dữ liệu, không thể phủ nhận Hoa Vi đã đi đầu trong lĩnh vực thiết bị mạng 5G. Nhưng ở đây Hoa Vi không phải không có điểm yếu. Mỗi năm công ty phải chi 67 tỷ đô la mua thiết bị, trong đó 11 tỉ chi cho các nhà cung cấp thiết bị Mỹ.
Tuy nhiên, một loạt công ty Mỹ trong lĩnh vực này như Qualcomm, Qorvo và Texas Instrument đã tạm ngừng cung cấp thiết bị cho Hoa Vi. Nhà chế tạo phần mềm Oracle và Microsoft cũng làm ăn nhỏ giọt với vị khách hàng lớn Trung Quốc này. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo những yếu tố như vậy có thể làm tổn hại tham vọng của Hoa Vi trong lĩnh vực 5G,
Trước các đòn tấn công cấp tập của Washington, Hoa Vi vẫn phải tỏ ra tự tin, sẵn sàng chấp nhận thách thức, bảo đảm rằng công ty đã chuẩn bị được giải pháp thay thế, phần mềm, linh kiện Mỹ… Nhưng điều này khó thuyết phục được các chuyên gia của Eurasia. Văn phòng tư vấn này nhấn mạnh: “Hoa Vi không thể tích trữ phần mềm và công ty không có cơ hội sống sót lâu dài nếu không tiếp cận dây chuyền cung ứng của thế giới
Để cưỡng lại cuộc tấn công của Washington, Hoa Vi chỉ có thể nhắm tới sự ủng hộ của các nước châu Âu. Nhưng trong trường hợp Washington gây áp lực mạnh thì, “sẽ rất khó mà Liên Hiệp Châu Âu tiếp tục hợp tác với Hoa Vi”, giám đốc văn phòng tư vấn của Bỉ Grueguel, ông Guntram Wolff cảnh báo.
Có thể nói số phận của tập đoàn Trung Quốc giờ phụ thuộc chủ yếu vào ý đồ thực sự của tổng thống Mỹ, hiện đang dùng Hoa Vi như là con tốt trong ván cờ thương mại với Trung Quốc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190521-hoa-vi-lao-dao-don-cong-nghe-cao-washington

Washington tạm hoãn một phần lệnh cấm Hoa Vi

mediaWashington tạm hoãn thi hành lệnh cấm đối với Hoa Vi trong vòng ba tháng.©REUTERS/Dado Ruvic
Chưa đầy một tuần sau khi xếp Hoa Vi vào danh sách đen, chủ yếu vì lý do an ninh quốc gia, chính quyền Donald Trump hôm qua, 20/05/2019, đã quyết định tạm hoãn 3 tháng cho một phần lệnh cấm đối với tập đoàn viễn thông số 1 Trung Quốc.
Bộ Thương mại Mỹ sẽ cho phép Hoa Vi được mua hàng hóa do Mỹ sản xuất để duy trì hoạt động cho hệ thống mạng hiện có, theo Reuters. Công ty Trung Quốc cũng được phép tiếp cận các bản cập nhật cho thiết bị di động của Hoa Vi hiện bán tại thị trường Mỹ.
Hôm 15/05, tổng thống Donald Trump đã xếp công ty viễn thông Trung Quốc vào danh sách đen những công ty có thể gây rủi ro cho an ninh quốc gia Mỹ. Theo đó, Hoa Vi bị cấm mua các linh kiện của các công ty Mỹ,  nếu không được chính phủ cho phép. Trong khi đó các kiểu điện thoại di động của Hoa Vi đều có các linh kiện và phần mềm Mỹ.
Chính quyền Washington không hủy trừng phạt mà chỉ tạm hoãn áp dụng một phần lệnh cấm trong vòng 90 ngày để tập đoàn Trung Quốc và các đối tác thương mại Mỹ có thời gian thích ứng. Bộ Thương Mại Mỹ cũng cho biết sẽ nghiên cứu khả năng kéo dài hay không thời hạn tạm hoãn trên.
Ngày 19/05, Google tuyên bố « tuân thủ sắc lệnh và đang xem xét các vấn đề liên quan », đồng thời cho biết sẽ ngừng cho phép Hoa Vi sử dụng phần mềm Android, nền tảng hoạt động của điện thoại di động.
Các biện pháp cấm vận Hoa Vi đã gây ngay hệ quả đối với nhiều doanh nghiệp Mỹ trên thị trường tài chính. Cổ phiếu của Google mất 2% tại Wall Street. Các nhà chế tạo bán dẫn và bộ vi xử lý như Qualcomm mất 6%, Intel mất 3% tài sản.
Hoa Vi sẵn sàng đương đầu với thách thức Mỹ
Về phía tập đoàn Trung Quốc, nhà sáng lập Hoa Vi, ông Nhậm Chính Phi hôm nay tuyên bố tập đoàn đã chuẩn bị trước để đương đầu với lệnh cấm của Nhà Trắng, đồng thời cho rằng « Hoa Kỳ đã đánh giá quá thấp công ty của ông ».
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường thuật :
« "Thời hạn 90 ngày là vô nghĩa với chúng tôi. Chúng tôi không cần phải có thêm 3 tháng làm gì, chúng tôi đã sẵn sàng”, người sáng lập Hoa Vi sáng nay (21/5) nhấn mạnh.
Đòn bí mật của Hoa Vi đối phó với lệnh cấm của Mỹ có thể đó sẽ là hệ điều hành thay thế  Android, có tên là “Hồng Mông - Hong Meng”, theo tiết lộ của Viện nghiên cứu công nghệ cao của tập đoàn trên We Chat.
Hệ điều hành có tên gọi mượn từ trong kinh sách của Lão Tử này đã “sẵn sàng”, ông Dư Thừa Đông, tổng giám đốc mảng điện thoại thông minh của Hoa Vi, hôm nay khẳng định trên nhật báo Tin tức Bắc Kinh.
Trong cuộc họp báo tại trụ sở của tập đoàn ở Thẩm Quyến, nhà sáng lập đồng thời là tổng giám đốc Hoa Vi đã gửi lời cảm ơn đến 5000 nhân viên được huy động trong kỳ nghỉ Tết hồi tháng Hai vừa qua để chuẩn bị đối phó với các biện pháp của Washington giờ đây.
Ông cũng gửi lời cảm ơn đến những công ty Mỹ đã “góp phần vào sự phát triển của Hoa Vi”, cố gắng “thuyết phục chính phủ Mỹ không sử dụng trừng phạt”. Phát biểu trên ám chỉ đến các nhà chế tạo linh kiện bán dẫn Mỹ, mà các thiết bị viễn thông 5G của Hoa Vi phải cần tới. Các công ty đó đóng trụ sở tại Mỹ nhiều năm qua đã cộng tác với tập đoàn Trung Quốc. »

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190521-washington-tam-thoi-gia-han-lenh-cam-hoa-vi

Sau Hoa Vi, Mỹ có thể trừng phạt thêm 5 công ty công nghệ Trung Quốc

mediaMột gian triển lãm của Hikvision tại hội chợ trí thông minh nhân tạo thế giới tại Thiên Tân, 16/05/2019.REUTERS/Jason Lee
Sau khi cho Hoa Vi (Huawei) vào danh sách đen, các mục tiêu sắp tới của chính quyền Donald Trump có thể là năm công ty Trung Quốc sản xuất camera giám sát, đặc biệt là Hikvision chuyên về công nghệ nhận diện, được sử dụng rộng rãi ở Tân Cương. Các hãng tin Bloomberg và Reuters hôm nay 22/05/2019 cho biết như trên.
Cũng như Hoa Vi vào tuần trước, nay đến lượt Hikvision (Hải Khang Uy Thị) có nguy cơ bị liệt vào danh sách đen, tức là các nhà cung cấp Mỹ phải được chính phủ cho phép mới có thể buôn bán với công ty này. Nhà Trắng từ chối bình luận về thông tin của New York Times.
Những nguồn thạo tin khác cho Bloomberg hay, chính quyền Mỹ lo ngại Hikvision lẫn Dahua Technology (Đại Hoa), với các camera có công nghệ nhận diện được sử dụng để đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, có thể phục vụ cho gián điệp.
Trên thị trường chứng khoán Thâm Quyến, cổ phiếu của Hikvision và Dahua đã giảm mạnh ngay sau khi New York Times đưa tin. Đồng nhân dân tệ cũng bị mất giá sau bản tin Bloomberg.
Reuters cho biết thêm, Hikvision và Dahua Technology đã bị 40 dân biểu Mỹ nêu tên trong một lá thư gởi đến các cố vấn chính của tổng thống Donald Trump vào tuần trước. Lá thư tố cáo nạn đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, đòi hỏi kiểm tra chặt chẽ hơn để các công ty Mỹ không bị gián tiếp dính líu.
Theo Bloomberg, bên cạnh hai nhà sản xuất thiết bị giám sát lớn nhất thế giới là Hikvision và Dahua Technology, danh sách đen của Mỹ có thể gồm cả Yitu Technology (Y Đồ), cùng với SenseTime Group Ltd. (Thương Thang) và Megvii (Khoáng Thị), công ty mẹ của Face++ chuyên về phần mềm xử lý hình ảnh.
Hikvision trong một thông cáo bày tỏ « hy vọng sẽ được đối xử công bằng ». Bốn công ty công nghệ Trung Quốc còn lại không trả lời hãng tin Mỹ.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190522-sau-hoa-vi-my-co-the-trung-phat-them-5-cong-ty-cong-nghe-trung-quoc

Geen opmerkingen:

Een reactie posten