dinsdag 12 september 2017

Nhiều người Việt ở Houston, Texas bị bão Harvey không mua bảo hiểm, phải xin FEMA giúp + có thể được hoãn trả nợ + Giá nhà bán và cho thuê ở Houston tăng sau bão Harvey

Nhiều người Việt bị bão Harvey không mua bảo hiểm, phải xin FEMA giúp

Ðằng-Giao/Người Việt (tường trình từ Houston, Texas)
Ông Vũ Chí Công (thứ hai từ phải) và các thiện nguyện viên giúp điền đơn xin FEMA trợ cấp. (Hình: Ðằng-Giao/Người Việt)
HOUSTON, Texas (NV) – Sáng Thứ Năm, 31 Tháng Tám, số lượng người Việt đến xin nghỉ qua đêm tại nhà thờ giáo xứ Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam, Houston, giảm hẳn xuống vì nước đã rút đi nhiều, nhưng số người đến nhờ giúp điền đơn xin Cơ Quan Cứu Trợ Khẩn Cấp (FEMA) trợ giúp tăng hẳn lên.
Ðối với đa số nạn nhân bão Harvey, FEMA, cái tên còn xa lạ mới vài ngày trước, bỗng trở thành một niềm hy vọng hết sức lớn lao.
Ông Vũ Chí Công, chánh văn phòng giáo xứ, đại diện nhà thờ đảm trách việc này, nói với nhật báo Người Việt: “FEMA là một cơ quan có chức năng trợ giúp những nạn nhân của những vụ thiên tai lớn, như trận bão Harvey.”
“Ða số những người đến đây nhờ chúng tôi giúp điền đơn đều không có bảo hiểm lũ lụt. Họ gồm đủ mọi thành phần, ở mọi mức thu nhập khác nhau. Ðiểm giống nhau là lỗi không phải của họ là không mua bảo hiểm lụt trong bảo hiểm nhà,” ông nói thêm.
Theo ông Công, ngay trước mắt, FEMA chỉ có thể trợ giúp cho nạn nhân lũ lụt không bảo hiểm bằng cách cấp phiếu đi xe buýt, phiếu ở khách sạn, và phiếu mướn xe để phần nào đưa họ trở lại sinh hoạt thường nhật như đi làm, đi chợ.
“Trận bão Harvey này ảnh hưởng tới 18 quận hạt ở Houston và đài truyền hình chỉ biết rằng hiện giờ có ít nhất 500,000 xe hơi đang nằm trong nước lụt,” ông nói. “FEMA phối hợp cùng thành phố Houston để hỗ trợ những nạn nhân này.”
Cô Christina Võ, một người đang ngồi chờ được giúp đỡ điền đơn, nói: “Tôi không biết sẽ được FEMA giúp đỡ như thế nào và giúp đỡ bao nhiêu nhưng vẫn phải hy vọng vì cả nhà lẫn tiệm làm tóc của tôi cùng bị thiệt hại nặng nề.”
Cô vừa về thăm nhà và tiệm buổi sáng, và chạy ngay ra nhà thờ để xin trợ giúp vì một mình cô không thể nào lo nổi chuyện sửa sang cho tiệm hoặc nhà nổi.
Cô giải thích: “Ngân hàng không bắt mua bảo hiểm lụt lội nên tôi không mua. Tôi chưa thấy ai có bảo hiểm này cả.”
Những nạn nhân không có bảo hiểm lũ lụt. (Hình: Ðằng-Giao/Người Việt)
Bà Lê Kim Hoa nói: “Tôi ở đây 35 năm rồi. Năm nay tôi 42 tuổi mà chưa hề nghe nói tới bảo hiểm lụt ở vùng này. Ở các vùng xa hơn thì thỉnh thoảng có nghe. Mấy khu đó, nhà băng bắt họ phải mua (bảo hiểm lũ lụt). Khu tôi thì tuyệt nhiên không ai bắt hết.”
Rồi bà so sánh: “California là xứ động đất mà cả bốn người anh tôi ở đó đâu có ai bị nói gì tới bảo hiểm động đất đâu.”
Ông Trần Hữu Quý nói: “Sau trận lụt ở Huoston năm 2016, thành phố Houston đã có nhiều cải tổ về hạ tầng cơ sở để phòng chống lụt. Không ai ngờ lại có chuyện này xảy ra tại đây. Ngay cả ngân hàng cũng không ngờ nên họ mới không bắt ai phải có bảo hiểm lụt cho nên tụi tôi mới lâm vào tình trạng không bảo hiểm này.”
Ông Lương Quang Sang nói về tình trạng của mình: “Tôi có hai căn nhà cùng bị ngập tới tầng trên, cả ba cái xe cùng trở thành phế liệu. Xe thì chỉ có bảo hiểm để lái thôi. Nhà thì cũng như tất cả các vị ở đây, không ai bảo tôi phải mua cả. Mà cả hai căn cũng chưa trả hết nên chỉ còn biết trông mong vào FEMA mà thôi. Không thì tôi sạt nghiệp luôn. Tôi là công chức thì không có cách chi mà xoay sở được.”
Ông cho biết căn nhà thứ hai ông phải làm chủ là do bà vợ cũ, sau khi được tòa bắt ông phải nhường cho bà và đứa con 11 tuổi. Sau đó bà đổi ý không thèm nhận làm ông phải bất đắc dĩ phải nhận mà chưa kịp bán.
Theo những thông tin chưa chính thức, FEMA có thể đền bù cho mỗi căn nhà tối đa là $20,000 để sửa chữa.
Tuy nhiên, ông Công không thể bảo đảm được sự chính xác của nguồn tin này.
Ông nói: “Ngay bây giờ, FEMA chỉ chú trọng đến việc giải quyết việc cấp bách trước mắt thôi. Chuyện bồi hoàn bao nhiêu, tôi không biết họ đã nghĩ đến chưa, hoặc bao giờ mới bắt đầu chuyện này.”
—————–
Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com
Nước lụt khu vực Houston rút xuống nhưng vẫn còn nguy hiểm

https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/bao-hiem-phai-xin-fema-giup/

Hàng ngàn chủ nhà bị lụt ở Houston có thể được hoãn trả nợ

Một căn nhà ngập trong nước ở Houston sau cơn bão Harvey. (Hình: Getty Images)
(CNBC) – Các cư dân trong những vùng bị ngập lụt ở Houston vì cơn bão Harvey đang tập trung vào việc sống còn và tìm một nơi để trú ngụ, không phải là tìm cách trả các hóa đơn hàng tháng hoặc trả nợ thế chấp đối với những căn nhà có thể đã bị phá hủy của họ.
Ðó là lý do tại sao Fannie Mae, Freddie Mac và Cơ Quan Gia Cư Liên Bang, những tổ chức hiện đang yểm trợ đa số lớn lao các món thế chấp, loan báo rằng họ sẽ đề nghị cho những người vay trong vùng Houston được hoãn trả nợ trong ít nhất 90 ngày, và có thể, trong vài trường hợp, kéo dài thời kỳ đó tới một năm.
Ðiều đó có nghĩa những người vay tiền sẽ không phải trả tiền nhà hàng tháng và không phải chịu tiền phạt nào. Tuy nhiên, tiền lời cũng vẫn tiếp tục tích tụ. Ðề nghị có tính cách chắp vá tạm thời, không phải là một sự chữa trị.
Thật khó biết chính xác những chủ nhà ở Houston sẽ thấy gì một khi nước lụt rút đi – liệu căn nhà của họ có thể làm cho khô ráo trở lại, làm sạch và làm cho nó có thể ở được một cách nhanh chóng hay không, hoặc liệu vài căn nhà sẽ bị coi như thiệt hại hoàn toàn. Với lượng nước mưa kỷ lục, có thể nhiều căn nhà rơi vào tình trạng thứ nhì.
Bản chất chưa từng thấy của một thiên tai như Harvey làm cho những so sánh lẫn tiên đoán khó khăn nhưng không phải là không thực hiện được. Trận cuồng phong Katrina, với mức độ ngập lụt trầm trọng của nó, có thể là sự so sánh tốt nhất đối với những người đang tìm cách đo lường những gì sẽ xảy ra với nhà cửa và những món nợ thế chấp.
Trong vùng Houston và những vùng bị trận cuồng phong Harvey tàn phá ở chung quanh, có hơn gấp đôi các bất động sản nợ tiền thế chấp với kết toán tiền nợ chính gần gấp bốn so với các quận ở Louisiana và Mississippi đã bị ảnh hưởng bởi trận cuồng phong Katrina vào năm 2005. Nếu hậu quả tương tự đối với nhà ở, hơn 75,000 người vay tiền ở Houston có thể không có khả năng thanh toán tiền thế chấp hàng tháng trong hai tháng tới đây, và 45,000 người vay tiền có thể không trả nợ các món vay của họ trong bốn tháng tới, theo Dịch Vụ Tài Chánh Black Knight.
Những người vay tiền ở Houston hiện làm chủ trị giá căn nhà của họ nhiều hơn so với những chủ nhà bị bão Katrina, bởi vì Mississippi và Louisiana sử dụng những món thế chấp với tiền trả trước thấp hơn vào năm 2005. Thị trường thế chấp ngày nay khó khăn hơn nhiều, và những người vay tiền thường phải bỏ tiền túi ra nhiều hơn. Trong năm 2005, khoảng 20% người vay trong những vùng bị bão Katrina làm chủ chưa tới 10% trị giá nhà của họ (sau khi trừ đi tiền thế chấp còn nợ). Tại Houston ngày nay, số người đó chỉ lên tới 4%, điều sẽ giúp họ có thêm lý do để ở lại, nhưng không chắc chắn như vậy.
Sự kiện giản dị là không ai có thể tiên đoán những gì người vay tiền sẽ làm cho tới khi sự hư hại được lượng định và phân loại. Ðó là một trận lụt, một thiên tai, hay một hành vi của Thượng Ðế? Mọi thuật ngữ này trong kỹ nghệ bảo hiểm đều được giải thích bằng tiền. Nước ngấm qua nền nhà được bảo hiểm che chở khác với gió thổi bay một cửa sổ và nước vào nhà qua cửa sổ.
Hiệp Hội Ngân Hàng Thế Chấp đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng ứng phó, đang gởi những bản liệt kê sự kiện cho người vay tiền, gởi các dữ kiện về các món vay cho chính phủ Trump. Nhưng không thể biết liệu các chủ nhà sẽ cần bao nhiêu tiền để sửa chữa hoặc xây dựng lại, điều sẽ quyết định liệu họ ở lại căn nhà của họ hay bỏ đi. Cũng không thể xác định các dịch vụ thế chấp sẽ trả tiền các nhà đầu tư như thế nào, nếu những người vay ngưng trả nợ.
Nhận được những lời giải đáp cho những câu hỏi đó sẽ là một tiến trình rất dài. Bộ Phát Triển Gia Cư và Ðô Thị (HUD) đã loan báo các giải pháp thu hồi tiền cho vay cũng như việc tài trợ có thể được cung cấp, nhưng sự tài trợ đó đi tới các tiểu bang và thành phố, không trực tiếp tới các chủ nhà. Dù vậy khoản tiền đó sẽ mất nhiều tháng mới nhận được, nếu không muốn nói là nhiều năm, theo lời ông Brian Sullivan, một phát ngôn viên của HUD. (N.N.)
Đa số nhà trong khu vực dễ có lụt ở Florida không được bảo hiểm

Bài liên quan:


https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/hang-ngan-chu-nha-bi-lut-o-houston-co-duoc-hoan-tra-no/

Giá nhà bán và cho thuê ở Houston tăng sau bão Harvey

Hàng ngàn căn nhà ngập trong nước và hư hại khiến cho nhu cầu về chỗ ở của người dân Houston tăng vọt. (Hình: Getty Images)
HOUSTON, Texas (NV) – Có vẻ như trận lụt lịch sử ở Houston sẽ khiến cho thành phố lớn thứ tư nước Mỹ này ít còn là nơi lý tưởng để sống, nhưng theo giới chuyên môn về địa ốc, không những vậy nhà cửa ở đây đang trở thành đắt đỏ hơn nữa.
Theo hãng thông tấn Reuters, số nhà và chung cư cho thuê dự trù sẽ thiếu hụt trầm trọng với việc hàng chục ngàn căn nhà bị hư hại.
Dựa theo kinh nghiệm ở New Orleans sau trận bão Katrina, giá nhà bán và nhà cho thuê ở những vùng khô ráo tăng vọt, do người mua lẫn người thuê nhà tranh nhau cho một số bất động sản rất giới hạn.
Trước khi xảy ra trận lụt do bão Harvey, Houston từng là khu đô thị lớn lý tưởng hiếm có vì phát triển nhanh mà thị trường địa ốc vẫn giữ được giá cả vừa khả năng người mua, mặc dù có tăng trong những năm gần đây nhưng vẫn đứng yên qua cơn khủng hoảng giá xăng dầu hạ bắt đầu từ năm 2014 tại trung tâm kỹ nghệ năng lượng này của nước Mỹ.
Giá nhà trung bình trong Tháng Bảy ở Houston là $230,000, không thay đổi so với một năm trước, trong khi giá nhà trung bình toàn quốc là $293,000.
Kinh nghiệm rút được từ New Orleans có thể giúp hình dung được tương lai của thị trường địa ốc ở Houston.
Trong 10 năm sau bão Katrina, giá nhà trung bình ở New Orleans tăng từ $228,620 của năm 2005 lên đến $339,743 vào năm 2015, tức tăng 48%.
Giá nhà bán và cho thuê tăng vùn vụt lập tức sau cơn bão. Nước từng bao phủ bốn phần năm thành phố, khiến không đủ nhà cho hằng chục ngàn người dân New Orleans bị mất chỗ ở.
Houston với diện tích rộng gấp sáu lần New Orleans liệu có tiếp nhận tốt hơn cơn sốc mất quá nhiều nguồn cung của thị trường địa ốc chăng.
Vấn đề cũng tương tự đối với chung cư cho thuê. Ông Bruce McClenny, giám đốc trang mạng ApartmentData ở Houston, nói, tiền cho thuê ở khu vực Houston tăng 6.1% sau bão Allison vào năm 2001, rồi lại tăng 5.7% vào năm 2008 sau bão Ike.
Theo ông, một số chủ chung cư cho biết số chung cư trống không còn chỗ chỉ mấy ngày sau khi có bão Harvey. Ông McClenny nói: “Mức cầu hoàn toàn vượt quá mức cung.” (TP)
TT Donald Trump bỏ chương trình DACA, cho Quốc Hội sáu tháng để giải quyết

https://www.nguoi-viet.com/tin-chinh/gia-nha-ban-va-cho-thue-o-houston-tang-sau-bao-harvey/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten