woensdag 12 juni 2013

Thêm người ra sinh sống ở Trường Sa

Thêm người ra sinh sống ở Trường Sa


Cập nhật: 04:38 GMT - thứ tư, 12 tháng 6, 2013

Đảo Trường Sa
Huyện đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Khánh Hòa
Trong động thái khẳng định chủ quyền, Việt Nam vừa chuyển thêm gần 100 người ra sinh sống và làm việc tại huyện đảo Trường Sa.
Báo trong nước cho hay số gần 100 người này bao gồm 12 công chức cấp xã, 6 giáo viên tiểu học, một y sỹ và 21 hộ gia đình ngư dân của tỉnh Khánh Hòa.
Những người này sẽ sống và làm việc tại thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây và xã Sinh Tồn, đều thuộc huyện đảo Trường Sa.
Lễ tiễn những người này ra đảo được tổ chức chiều thứ Ba 11/6 tại quân cảng Cam Ranh dưới sự chủ trì của Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa và Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân.
Họ được tàu hải quân HQ-936 chở ra Trường Sa.
Trường Sa là một đơn vị hành chính cấp huyện thuộc quản lý của tỉnh Khánh Hòa từ năm 1989 tuy được thành lập từ năm 1982.
Huyện Trường Sa có ba đơn vị hành chính trực thuộc là thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây và xã Sinh Tồn. Thị trấn Trường Sa, bao gồm đảo Trường Sa và các đảo, bãi đá, bãi phụ cận, là nơi tập trung dân cư đông nhất.

Trung Quốc phản đối?

Theo thống kê năm 2009, dân số toàn huyện Trường Sa là 195 người, trong đó thị trấn Trường Sa có trên 80 người.
Như vậy sau đợt di dân mới nhất, dân số huyện Trường Sa sẽ được tăng thêm 1/3.
Tăng cường hiện diện dân sự là biện pháp khẳng định chủ quyền được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng.
Chùa Song Tử Tây
Chùa Song Tử Tây là chùa lớn nhất ở Trường Sa
Hiện Trung Quốc chưa có phản ứng trước thông tin nói trên.
Tuy nhiên Bắc Kinh luôn luôn lên tiếng phản đối khi Việt Nam có các hành động khẳng định chủ quyền tại quần đảo Trường Sa, mà Trung Quốc cũng đòi chủ quyền.
Tháng Ba năm ngoái, khi Việt Nam đưa sáu chư tăng ra trị vì ở các chùa ngoài Trường Sa, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản đối và cảnh báo Việt Nam nên tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc.
Việt Nam có nhiều điểm thờ tự trên các đảo thuộc Trường Sa, trong đó có ba chùa lớn.
Trước đó, việc Việt Nam tổ chức bầu cử Quốc hội tại Trường Sa cũng khiến Trung Quốc tức giận.
Về phần mình, Bắc Kinh đang nỗ lực phát triển hạ tầng và tăng dân số tại 'thành phố Tam Sa', đơn vị hành chính mà Trung Quốc thành lập năm ngoái, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.


Thêm về tin này

Geen opmerkingen:

Een reactie posten