woensdag 5 juni 2013

Giới đầu tư quốc tế đổ xô đến Miến Điện

Thứ ba 04 Tháng Sáu 2013

Giới đầu tư quốc tế đổ xô đến Miến Điện

Cổng chào cửa ngõ thành phố Naypyidaw, thủ đô Miến Điện
Cổng chào cửa ngõ thành phố Naypyidaw, thủ đô Miến Điện
Reuters

Thanh Phương
Khoảng 900 đại biểu đến từ hơn 50 quốc gia hiện đang có mặt ở Naypyidaw, thủ đô mới của Miến Điện, để dự Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á, sẽ khai mạc ngày mai 05/06/2013 và kéo dài trong ba ngày. Đây là một sự kiện mang đầy tính biểu tượng vào lúc mà Miến Điện, sau 50 năm bị cô lập trên trường quốc tế, bắt đầu mở cửa cho đầu tư nước ngoài, trở thành một địa điểm hấp dẫn giới doanh nghiệp toàn cầu.


Những cải tổ ngoạn mục mà chính phủ của tổng thống Thein Sein thực hiện : Trả tự do cho tù chính trị, cho bà Aung San San Suu Kyi trở lại chính trường, ngưng bắn với các lực lượng nổi dậy sắc tộc thiểu số, ... đã được các nước phương Tây tặng thưởng với việc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt Miến Điện. Nhật Bản cũng vừa loan báo các khoản cho vay và viện trợ mới tổng cộng hơn 300 triệu euro để hỗ trợ các cải tổ ở Miến Điện.
Năm tới, Miến Điện cũng sẽ nắm chức chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và với tư cách này sẽ tổ chức nhiều cuộc họp thượng định quốc tế, với sự tham gia của các cường quốc châu Á và kể cả Hoa Kỳ.
Những thay đổi nhanh chóng của một quốc gia mà mới gần đây còn bị gần như toàn bộ cả thế giới tẩy chay đã gợi sự thèm thuồng của các nhà đầu tư ngoài quốc đang rất muốn đến khai thác những nguồn tài nguyên dồi dào tại Miến Điện. Chưa bao giờ, Diễn đàn kinh tế thế giới về châu Á lại thu hút đông người dự như thế, theo ghi nhận của ông Sushant Palakurthi Rao, đặc trách về khu vực này của Diễn đàn. Thủ đô trẻ của Miến Điện Naypyidaw ( Miến Điện chỉ mới dời đô vào năm 2005 ) coi như sẽ trải qua cuộc trắc nghiệm quốc tế đầu tiên.
Nhưng sự mong đợi quá lớn của giới doanh nghiệp ngoại quốc càng tạo thêm áp lực lên chính quyền Naypyidaw, bởi vì nước này phải vượt qua rất nhiều trở ngại. Đúng là trong thời gian qua, Miến Điện đã có một số nỗ lực vực dậy nền kinh tế : thả nổi đồng nội tệ, tăng cường tính độc lập của Ngân hàng Trung ương, ra luật đầu tư ngoại quốc. Nhưng Miến Điện hiện vẫn chưa có một khuôn khổ luật pháp hoàn chỉnh, hệ thống tư pháp thì tham nhũng nặng nề, hệ thống ngân hàng thì còn sơ khai và cơ sở hạ tầng phải được xây dựng lại từ đầu. Những vụ bạo động tôn giáo đẫm máu mới đây cũng đã gây lo ngại cho tiến trình cải tổ ở Miến Điện.
Trong ba ngày Diễn đàn, các đại biểu sẽ hiểu rõ hơn về những thách đố đang chờ đón Miến Điện. Thật ra thì họ cũng đã đối diện ngay với thực tế rồi, vì trong bản hướng dẫn các đại biểu quốc tế, ban tổ chức Diễn đàn đã ghi rõ là ở Miến Điện không có máy rút tiền cho người nước ngoài, không thể chi trả bằng thẻ tín dụng và sẽ không xài được điện thoại thông minh smartphone vì không có mạng lưới điện thoại di động 3G. Chính thứ trưởng bộ Kế hoạch và Phát triển kinh tế của Miến Điện, Set Aung cũng nhìn nhận rằng : « Chúng tôi như đang ngồi trên đống lửa ».
Dầu sao, lịch sử Miến Điện vừa được đánh dấu bằng một sự kiện quan trọng, đó là sau hơn sáu thập niên vắng mặt, tập đoàn nước giải khát Coca-Cola nay vừa quay trở lại Miến Điện với việc khai trương một nhà máy mới hôm nay.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130604-gioi-dau-tu-quoc-te-do-xo-den-mien-dien

Thứ ba 04 Tháng Sáu 2013

Miến Điện : ''Sắp trả tự do'' tất cả tù nhân lương tâm

Một phụ nữ chờ người thân là tù chính trị được trả tự do trước nhà tù Hpa-an. Ảnh chụp ngày 13/01/2012.
Một phụ nữ chờ người thân là tù chính trị được trả tự do trước nhà tù Hpa-an. Ảnh chụp ngày 13/01/2012.
REUTERS/Soe Zeya Tun/Files

Anh Vũ
Theo AFP, tổng thống Thein Sein, người cầm cương công cuộc cải cách sâu rộng tại Miến Điện từ 2 năm qua, hôm nay 04/06/2013, đã hứa sắp tới sẽ trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm của nước này. Ông cũng nói thêm là chính quyền sẽ xem xét cẩn thận từng hồ sơ.


Trong một diễn văn trên đài phát thanh hôm nay, ông Thein Sein tuyên bố : « Tôi muốn không có một tù nhân lương tâm thực sự nào còn phải ở trong tù ». Điều quan trọng hơn là tổng thống Miến Điện khẳng định rằng tất cả những người được coi là tù nhân lương tâm đích thực « sắp được tự do ». Ông Thein Sein cũng giải thích thêm : « những ai phạm các tội khác như bạo lực, giết người, hãm hiếp mà dính líu đến chính trị sẽ không nằm trong diện ân xá". Giải thích này của tổng thống Miến Điện có thể liên quan đến một số nhóm nổi dậy sắc tộc thiểu số bị bắt giữ.
Kể từ khi tiến hành cải cách, chính phủ dân sự Miến Điện đã trả tự do trong nhiều đợt khác nhau hàng trăm tù chính trị. Trong những tiến bộ ở Miến Điện trong thời gian qua được ghi nhận, cần phải nói đến việc hủy bỏ chế độ kiểm duyệt báo chí, cho phép biểu tình và chấp nhận để nhà đối lập Aung San Suu Kyi ra ứng cử vào Quốc hội và bà đã trở thành dân biểu sau gần 20 năm bị quản thúc dưới chế độ độc tài quân sự.
Theo một số nhà bảo vệ nhân quyền tại Miến Điện, hiện tại còn khoảng 200 tù chính trị ở nước này. Cách đây vài tháng, chính quyền đã cho thành lập một ủy ban chuyên trách xác định tù chính trị trong các nhà tù hiện nay.
Trả lời những chỉ trích của một số người cho rằng chính quyền muốn dùng hồ sơ tù nhân lương tâm để mặc cả ngoại giao với quốc tế, tổng thống Thein Sein khẳng định : « Chúng tôi không hề muốn mưu lợi chính trị » trong hồ sơ này.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130604-tong-thong-mien-dien-khang-dinh-%C2%AB-sap-tra-tu-do-%C2%BB-tat-ca-tu-nhan-luong-tam

Coca-Cola mở nhà máy ở Miến Điện


Cập nhật: 04:34 GMT - thứ tư, 5 tháng 6, 2013

Coca-Cola nói sẽ tạo hàng nghìn việc làm mới ở Miến Điện
Coca-Cola đã mở nhà máy đầu tiên ở Miến Điện sau hơn 60 năm.
Coca-Cola là nhà sản xuất đồ uống lớn nhất thế giới là một trong những tập đoàn đầu tiên của Hoa Kỳ đổ vốn đầu tư vào Miến Điện sau quyết định của Washington tháo dỡ cấm vận đối với nước này.
Coca-Cola đã cam kết đầu tư trị 200 triệu đô la và tạo hàng nghìn việc làm.
Như vậy với quyết định này, hiện chỉ có hai nước trên thế giới mà Coca Cola không có mặt.
Coca Cola đã rời Cuba sau cuộc cách mạng ở nước này mà khi đó Chính phủ Fidel Castro đã sung công tài sản tư hữu. Họ cũng chưa bao giờ hoạt động ở Bắc Triều Tiên.
Tại buổi lễ khánh thành nhà máy ở ngoại ô Rangoon, công ty này nói họ sẽ tạo khoảng 2.500 việc làm ở Miến Điện trong thời gian 5 năm tới.
"Chúng tôi dự kiến sẽ tạo khoàng 20.000 việc làm, cả trực tiếp và gián tiếp, ở đất nước tuyệt vời này," ông Muhtar Kent, giám đốc điều hành Coca-Cola, phát biểu.
Từ năm 1962 tới năm 2011, Miến Điện do một tập đoàn quân phiệt cai trị và tất cả lực lượng đối lập bị đàn áp. Sau khi Washington cấm vận thì gần như toàn bộ đầu của Hoa Kỳ vào nước này đều bị cấm.
Tuy nhiên kể từ khi Tổng thống Thein Sein tiến hành cải cách hai năm trước, nhiều công ty đa quốc gia quốc tế đã quan tâm tới tiềm năng đầu tư ở nước này.


Thêm về tin này

Geen opmerkingen:

Een reactie posten