woensdag 5 juni 2013

Dệt may : Con gà đẻ trứng vàng của Bangladesh bị đe dọa ?

Thứ ba 04 Tháng Sáu 2013
Dệt may : Con gà đẻ trứng vàng của Bangladesh bị đe dọa ?
Cấp cứu các nạn nhân vụ sập khu nhà xưởng dệt may Rana Plaza , tại Savar, 10/05/2013.
Cấp cứu các nạn nhân vụ sập khu nhà xưởng dệt may Rana Plaza , tại Savar, 10/05/2013.
REUTERS/Sohel Ahmed
Thanh Hà
Bangladesh trong thế tiến thoái lưỡng nan : Cải tổ ngành công nghiệp dệt may hay đánh mất con gà đẻ trứng vàng ? Đâu là trách nhiệm của các thương hiệu may mặc nổi tiếng của Âu, Mỹ trong những tai nạn liên tiếp xảy ra tại những xưởng may của thế giới ?
Thảm họa sập tòa nhà Rana Plaza ở Savar, ngoại ô Dacca, Bangladesh làm hơn 1100 người thiệt mạng, phơi bày ra ánh sáng những điều kiện lao động vô cùng tồi tệ của công nhân trong gần 5000 xưởng may ở Bangladesh. Hầu hết các cơ sở này gia công cho các thương hiệu may mặc lớn của Âu, Mỹ.
Khác với các chương trình di dời cơ sở sản xuất của các tập đoàn công nghiệp xe hơi chẳng hạn, các nhãn hiệu may mặc của châu Âu hay Mỹ khi di dời cơ sở sản xuất sang một quốc gia có nhân công rẻ như Bangladesh không cần phải xây dựng nhà máy, mà chỉ cần cung cấp hàng cho các nhà thầu địa phương. Tự họ sẽ phân phối lại cho các hãng gia công phụ.
Công việc chỉ đòi hỏi có chiếc máy may, máy theo hay vắt sổ, máy dệt. Công nhân có thể làm việc ở bất cứ nơi nào, trong bất kỳ những điều kiện nào. Đây là lý do vì sao các chủ thầu gia công thường đặt cơ sở tại những khu nhà có giá thuê rẻ mạt. Đó là bước đầu dẫn đến những tai nạn lao động như hỏa hoạn, hay thảm họa ngày 24/04/2013 : Chỉ trong vài phút; tòa nhà 9 tầng ở Savar, ngoại ô thủ đô Bangladesh trở thành một đống gạch đổ nát. Tòa nhà bị sập vào lúc khoảng 3500 người đang có mặt tại đây. 1127 người thiệt mạng, đại đa số là công nhân dệt may. Vài ngày sau đó, hàng chục cơ sở sản xuất hàng may mặc tại Bangladesh phải tạm đóng cửa để kiếm tra lại về mức độ an toàn của các tòa nhà.
Một tháng sau thảm họa ở Savar, công nhân trong ngành dệt may tại Bangladesh liên tục đình công đòi cải thiện điều kiện lao động.
Một buổi sáng, có gần 30 công nhân ập vào trụ sở của Liên đoàn dệt may Bangladesh tại Dacca. Một người trong số đó là Mohamed đã cho phóng viên của đài RFI, Sébastien Farcis xem những bức ảnh chụp những tòa nhà với rất nhiều vết nứt. Những tấm ảnh đó chụp được từ chỗ làm việc của nhiều thợ may Bangladesh. Mohammed cho biết là đã nhiều lần báo với chủ về những vết nứt này và thường được đề nghị một số tiền để ém nhẹ luôn chuyện đó.
Mohammed cùng với 1200 công nhân khác, làm việc tại nhà máy Stitchwell. Hàng tháng, họ sản xuất cả ngàn sản phẩm cho các nhãn hiệu nổi tiếng của châu Âu như hãng Zara của Tây Ban Nha, một chi nhánh của nhóm hàng may mặc Inditex.
Tương tự như những gì đã xảy tới với tòa nhà Rana Plaza, chủ nhân của nhà máy Stitchwell luôn khẳng định rằng những vết nứt không đe dọa đến an toàn của những công nhân. Sau tai họa hôm 24/04/2013 không một ai còn tin vào lời nói của các ông chủ thầu.
Xưởng may của Stitchwell tại Dacca là một tòa nhà 8 tầng, thay vì 5 tầng như quy định trong giấy phép xây dựng.
Căng thẳng giữa giới công nhân với giới chủ các hãng gia công càng thêm rõ nét sau vụ sập xưởng may ở Savar. Cốt lõi vấn đề là công nhân tại đây làm việc quần quật từ 10 đến 15 giờ mỗi ngày và 6 ngày trong tuần với đồng lương rẻ mạt chưa đầy 50 euro hàng tháng. Nhiều người than phiền với thông tín viên đài RFI rằng họ phải thường xuyên làm thêm giờ. Trên nguyên tắc mỗi giờ phụ trội được trả giá 30 xu euro. Nhưng thực tế họ không bao giờ nhận được những khoản thù lao « rộng rãi » đó.
Một vấn đề khác đặt ra là hiện có rất ít trong số gần 5000 nhà may gia công của Bangladesh được các hãng quần áo nổi tiếng của Âu Mỹ kiểm soát về tiêu chuẩn an toàn và lao động. Stitchwell là một ngoại lệ và vẫn được thanh tra. Nhưng thực tế theo lời phóng viên Sébastien Farcis của đài RFI kể lại, ngay cả khi các « thanh tra viên đến tham quan, công nhân không bao giờ được tiếp xúc trực tiếp với họ hay chỉ được ‘trả bài’ theo những gì ông chủ đã căn dặn trước ».
Son Youssuf kể lại : Anh được chủ bảo phải khai báo với khách hàng là nhận lương tháng đầy đủ và đúng hạn kỳ, là anh được quyền nghỉ phép, và rất hài lòng với công việc của mình.
Trên thực tế, khi công nhân ở đây thường bị đánh đập hoặc trừ lương khi nói chuyện với đồng nghiệp. Ông chủ của Youssuf công khai tuyên bố có thể đánh chết nhân viên, mà không sợ bị tù tội, vì có ô dù của chính quyền địa phương.
Áp lực suông của quốc tế
Vài tháng trước vụ sập tòa nhà Rana Plaza, nhiều nhà máy dệt may gia công ở Bangladesh đã bị hỏa hoạn làm nhiều người thiệt mạng. Mỹ đã yêu cầu chính quyền Dacca bảo đảm an toàn cho công nhân và tôn trọng luật lao động. Hoa Kỳ dọa « xét lại » những điều khoản ưu đãi về thương mại mà Washington đã dành cho Dacca. Sau vụ sập nhà may Rana Plaza, Liên Hiệp Châu Âu cũng đã tỏ thái độ cứng rắn.
Với gần 40 % dân số sống dưới ngưỡng nghèo khó, Bangladesh là một trong những quốc gia kém phát triển nhất trên thế giới. Từ đầu những năm 1970 chính quyền nước này đã tập trung vào ngành công nghệ dệt may. Do đây là một lĩnh vực có tiềm năng phát triển nhanh tạo công ăn việc làm cho nhiều người, mà chỉ đòi hỏi rất ít vốn đầu tư ban đầu.
Trong những năm gần đây, vào lúc nhân công ở Trung Quốc bắt đầu tăng giá, Bangladesh trở thành miền đất đầy hứa hẹn của các tập đoàn may mặc tên tuổi trên thế giới : với mức lương trung bình 30 euro một tháng, một công nhân Bangladesh phải làm việc 60 giờ mỗi tuần. Để so sánh, theo số liệu của Ngân Hàng Thế Giới, thì lương trung bình của Ấn Độ là 75 euro/tháng. Theo các số liệu thống kê mới nhất, thuê gia công dệt may ở Bangladesh có lợi hơn nhiều so với ở các nước lân cận từ Pakistan, đến Việt Nam, Cam Bốt hay Indonesia.
Với giá rẻ mạt như vậy, theo thẩm định của cơ quan tư vấn Hoa Kỳ, McKinsey, đến năm 2015 doanh thu của ngành công nghiêp dệt may Bangladesh sẽ tăng lên gấp đôi so với hiện tại và doanh thu trong ngành sẽ được nhân lên gấp ba vào khoảng năm 2020. Nhờ vào đội ngũ từ 3 đến 4 triệu công nhân làm việc trong gần 5 000 nhà máy, hiện tại ngành dệt may chiếm đến 85 % tổng kim ngạnh xuất khẩu của toàn quốc và đem lại 15 % GDP cho Bangladesh.
Ngoài hai lợi thế nhất định là có nguồn nhân lực dồi dào và nhân công rẻ, Bangladesh còn được hưởng một lợi thế thứ ba đó là hàng may mặc của xứ này xuất khẩu sang Mỹ và Liên hiệp Châu Âu ít bị đánh thuế. Trong năm 2012, Liên Hiệp Châu Âu nhập khẩu hơn 8 tỷ euro hàng dệt may từ Bangladesh và hiện tại Bangladesh là nguồn cung cấp quan trọng thứ nhì của Liên Hiệp Châu Âu, đứng sau Trung Quốc, nhưng trước Thổ Nhĩ Kỳ.
Báo cáo của cơ quan tư vấn McKinsey chỉ nói rất qua loa về những « thách thức » Bangladesh phải vượt qua mà không đi vào chi tiết những trở ngại của ngành công nghệ dệt may của xứ này. McKinsey nêu lên một số vấn đề như là Bangladesh để tiếp tục là xưởng may của thế giới phải củng cố hạ tầng cơ sở, cải thiện hệ thống giao thông, cung cấp điện cho các khu phố và nâng cao các điều kiện vệ sinh cho công nhân. Vẫn theo McKinsey « Bangladesh còn rất chậm trễ về phương diện áp dụng các chuẩn mực quốc tế về luật lao động, từ việc đào tạo nhân công đến chính sách bài trừ mọi hình thức bóc lột lao động trẻ em ».
Bangledesh, xưởng may của thế giới
Vấn đề đặt ra là trong 10 năm qua, giá thành của hàng may mặc Bangladesh xuất khẩu ra nước ngoài đã giảm mạnh.
Khách hàng của Bangladesh luôn gây sức ép lên các nhà thầu để ghìm giá. Như trong trường hợp của một doanh nhân trả lời phóng viên đài RFI, một hãng quần áo của Ý sẵn sàng trả cho ông ta 3 đô la rưỡi một chiếc áo thun. Cũng mặt hàng này, nhưng khách hàng người Mỹ chỉ trả giá chưa đầy 2 đô la. Đổi lại thì khách hàng Mỹ mua nhiều áo T shirt hơn !
Trên cơ sở đó, McKinsey cho rằng chính những nhà đầu tư và những khách hàng thuê gia công của Bangladesh có trách nhiệm giúp cho các hãng gia công của nước này cải thiện điều kiện lao động cho người dân.
Tăng cường mức độ an toàn cho công nhân
Sau thảm họa ở Rana Plaza, đã có khoảng 30 tập đoàn may mặc quốc tế ký tên vào một thỏa ước về an toàn cho công nhân Bangladesh. Trong số đó có những nhãn hiệu quen thuộc với người tiêu dùng như Benetton của Ý, nhãn, hiệu nổi tiếng Zara của Tây Ban Nha hay Marks& Spencer của Anh, H&M của Thụy Điển, dây chuyền phân phối Carrefour của Pháp … Tất cả đã cam kết tăng cường mức độ an toàn tại các cơ sở ở Bangladesh. Cụ thể là, trên nguyên tắc các nhà máy tại đây sẽ thường xuyên bị kiểm tra đề phòng hỏa hoạn, kiểm tra về mức độ an toàn của các nhà máy.
Về phía Mỹ, thì có Tommy Hilfiger và Calvin Klein đã ký kết vào thỏa ước này. Riêng dây chuyền phân phối Carrefour của Pháp còn đi xa hơn, khi cho biết đã có hẳn một chính sách để « cải thiện » đời sống cho công nhân tại đây.
Hiện tại có khoảng 60 nhà máy gia công cho nhãn hiệu Marks& Spencer của Anh. Còn tập đoàn phân phối Wal-Mart của Mỹ thì có cả gần 280 cơ sở trên quốc gia nhỏ bé này của châu Á. Bangladesh hiện là nguồn cung cấp hàng dệt may thứ nhì cho thế giới, chỉ sau có Trung Quốc. Đối với Pháp, Bangladesh đứng hạng ba trong số các nhà cung cấp, sau Trung Quốc và Ý, nhưng đứng trước cả Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo một số tổ chức điều tra độc lập, sau vụ sập nhà máy ở Rana Plaza người ta đã tìm thấy nhiều nhãn hiệu của Tex, quần áo của dây chuyền siêu thị Carrfour và In Extenso của Auchan.
Tuy nhiên thỏa ước vừa đạt được chỉ liên quan đến chưa đầy 1/3 các cơ sở gia công hàng dệt may của Bangladesh trên toàn quốc. Nói cách khác 2/3 trên tổng số gần 5000 nhà máy vẫn không bị gò bó về luật lệ hay điều kiện vệ sinh tối thiểu …
Chi tiết hơn, thì các bên cam kết rà soát lại điều kiện làm việc của công nhân, bảo đảm là họ phải được trả lương theo hợp đồng, phải được nghỉ giải lao theo quy định, các cơ sở sản xuất phải bảo đảm có lối thoát hiểm …
Trong trường hợp những điều kiện đó không được bảo đảm thì công nhân có quyền bãi công. Bangladesh trong những tuần lễ tới sẽ chỉ định các toán thanh tra viên độc lập để giám sát tình hình tại gần 5000 cơ sở sản xuất hàng dệt may trên toàn quốc.
Tuy nhiên, trước mắt đó mới chỉ là những thỏa thuận trên giấy tờ. Theo nhận định của bà Martine Combemale, giám đốc tổ chức phi chính phủ mang tên Nhân sự không biên giới, thỏa thuận bảo đảm an toàn cho công nhân dệt may ở Bangladesh không được mở rộng đến những xưởng gia tại các quốc gia khác như Cam Bốt hay Việt Nam, Pakistan …
Bà Combemale cho biết thêm là trên thực tế, thỏa thuận giữa khách hàng với các hãng gia công đã được thông qua từ cuối năm ngoái, nhưng các tập đoàn Âu Mỹ vì quyền lợi tài chính, còn chần chừ cho đến khi tai nạn sập nhà may ở Rana Plaza và hơn một ngàn người bị cướp đi mạng sống.
Theo giám đốc tổ chức Nhân sự không biên giới thì những thương hiệu nổi tiếng từ Benetton đến Mango, Calvin Klein … chỉ hành động khi hình ảnh của các nhãn hiệu này có nguy cơ bị xấu đi vì những tai nạn lao động chết người như vừa qua mà thôi.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130604-gia-cong-det-may-con-ga-de-trung-vang-cua-bangladesh-bi-de-doa

Geen opmerkingen:

Een reactie posten