Các cô gái Việt được giải cứu ở Malaysia (phần 1)
*Kỳ 1: Lời kể của chính các nạn nhân
Nghe bài tường trìnhTải xuống - download
Tệ nạn lường gạt các cô gái quê sang một nước khác để làm gái mãi dâm càng ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Nhiều cô gái đã bị các đường dây buôn người đưa sang Singapore và Malaysia. Riêng tại Malaysia, Lao Động Việt đã giải cứu được một số trường hợp các cô gái bị gạt sang đây làm gái mãi dâm.
Bị dụ dỗ, lường gạt?
Gần đây, tại Việt Nam tệ nạn buôn người đã trở thành một ngành kinh doanh dễ dàng và đem lại nhiều lợi nhuận cho một số tay cò mồi hoặc công ty môi giới trá hình.Đối tượng của mạng lưới buôn người này là các cô gái nhẹ dạ ở miền quê, họ vẽ vời một tương lai tốt đẹp khi đi xuất khẩu lao động.
Người ta nói người ta lo hết, qua bển rồi người ta cho tiền, người ta giới thiệu việc làm, rồi làm việc từ từ trả cho người ta. - Cô HồngCác cô gái chân quê này tin tưởng vào những lời hứa hẹn ngon ngọt đó, họ bỏ lại gia đình, làng quê, mang thân sang xứ lạ để mong tìm một cuộc đổi đời.
Nhưng cuối cùng họ nhận ra rằng chuyến đi tìm một cuộc đổi đời này chỉ đem lại những cay đắng, tủi nhục khi biết mình bị lường gạt, phải bán thân mình trong các quán bar.
Hai cô gái, tạm gọi là Hồng và Hoa là hai nạn nhân của một tay buôn người ở miền Tây. Trước khi trở thành kẻ buôn người , người đàn bà này– tạm gọi là bà Tân- qua môi giới lấy chồng là người Tàu ở Malaysia.
Chồng bà Tân làm chủ một quán bar, bà ta thường về Việt Nam, hoặc nhờ gia đình ở Việt Nam tìm những cô gái nhẹ dạ, cả tin đem qua Malaysia với lời hứa hẹn là qua bên đó sẽ vào bán nước trong quán bar- café với số lương gấp nhiều lần ở Việt Nam.
Cô Hồng trước đó là công nhân cho công ty Adidas, do cùng xóm, cô quen với bà Tân, được bà thuyết phục bỏ hảng qua Malaysia bán nước trong quán bar với những lời hứa hẹn qua đó làm chỉ khoảng 1 tuần là sẽ đủ tiền trả vé máy bay.
Nếu muốn ở lại thì họ sẽ gia hạn cho các cô mà không phải trả một chi phí nào. Cô Hồng kể lại:
“Người ta nói người ta lo hết, qua bển rồi… rồi… rồi người ta cho tiền, người ta giới thiệu việc làm rồi làm việc từ từ trả cho người ta. Nếu làm được thì khoảng 1-2 tuần là trả hết nợ”.
Khi ra đến sân bay, cô Hồng đổi ý, nhưng đã muộn, vì họ nói nếu đổi ý không đi thì cô vẫn phải trả tiền:
“Trước khi đi thì em thấy em không muốn đi rồi. Ở sân bay em hỏi người ở sân bay là bao nhiêu? bả nói: Bả đặt vé rồi, nếu đi thì bả tính theo đi, không đi thì bả tính theo không đi.”
Ép buộc phải bán dâm
Khi không còn đường trở lại, đã phóng lao cô Hồng đành phải theo lao. Bà Tân, tại Malaysia, được mọi người gọi là Má Mì. Má Mì ngon ngọt với cô rằng tại đây cô chỉ bán nước chứ không bị ép buộc phải “đi khách”:“Bên đây người ta nói qua bển phòng trà bán được lắm, vừa bán được nước, vừa có tiền khách cho tiền “bo” dư lắm. Vả lại, không có ép buộc là đi khách hay không đi khách, không ép”.
Sang đến Malaysia, cô bị đưa vào một quán bar tên Hitz Club, phải sau nhiều ngày làm việc tại đây cô Hồng mới hiểu ra rằng : dù không bị ép buộc, các cô vẫn phải “ đi khách” nếu muốn được yên thân.
Họ bắt đi khách. Qua có 3 ngày mà chỉ “đi” hết 3 ngày luôn. - Cô HồngVà vì sợ không có tiền trả nợ, người bạn gái của cô là cô Hoa đã phải chấp nhận bán thân. Riêng cô Hồng phải giả vờ đang có kinh nguyệt để khỏi phải đi khách. Cô Hồng cho biết tiếp:
“Họ nói là qua bển bán nước thôi chứ không ép mình đi cái vụ đó. Mấy ngày đầu họ không ép, nhưng với tư cách của người ta thì mình hiểu là ép hay không ép thì mình cũng đã mắc nợ họ rồi, trong thế kẹt thì mình phải đi thôi. Em suy nghĩ nên em không có đi.
Em biết quan niệm của chỉ (cô Hoa, bạn của cô Hồng) là chỉ tức giận, trong đầu lúc nào cũng nghĩ là mình mắc nợ người ta, tiếng thì không biết, tiền thì cũng không có nhiều.
Họ bắt “đi” (đi khách), qua có 3 ngày mà chỉ “đi” hết 3 ngày luôn. Nó cũng kêu em “đi” em không “đi”.
Con nhỏ quản lý trợn mắt nhìn em hỏi “ sao không đi ?” em vọt miệng nói “ trời, trời, em nói “ có kinh (kinh nguyệt) làm sao mà đi, đi gì mà đi , em không “đi” đâu.
Nó nói : chị “đi” thì mau có tiền chứ gì đâu. Rồi nó nhìn mình với ánh mắt… chính vì cái ánh mắt đó mà em mới hiểu ra đó.”
Ở Việt Nam , “Má Mì” hứa sẽ lo tất cả, các cô không phải đóng một chi phí nào cả, nhưng qua đây thì mọi việc đổi khác, các cô phải tự mua lấy thức ăn, nếu sau 1 tuần mà không trả hết nợ thì các cô phải đóng tiền để ở lại làm việc thêm trả nợ:
“Em qua quán bar, em chỉ bán nước cho khách, mấy ngày đầu em bán được nước, sau đó khi em biết tiếng chút đỉnh, quản lý đưa em qua quán Karaoke, ở đó tới chừng nào trả hết nợ, nếu không trả hết nợ thì em phải ở thêm.
Nếu tuần này em không về thì em phải ở thêm 2-3 tháng, 3-4 tháng nữa.
Vả lại, hai ngàn mấy mà em nợ qua bển, họ nói tiền đó là đi, về, ăn uống, bên đó lo hết. Nhưng mà qua bên đó thì không phải, ăn uống phải trả tiền thêm.
Còn nếu sau 1 tuần lễ mà ở lại thì phải nộp tiền cho nó chứ không phải nó đóng cho mình”
Được giải thoát
Trong tuần lễ ở đó, cô Hồng và cô Hoa đều muốn trốn đi, nhưng cả hai đều không biết mình đang ở đâu trên đất Mã, tiếng Malaysia thì không biết nên họ rất tuyệt vọng, vé máy bay của hai cô chỉ có giá trị 1 tuần lễ, nếu vé máy bay hết hạn thì các cô phải đóng tiền để mua lại vé máy bay khác.Điều đó có nghĩa là hai cô lại phải tiếp tục đi làm để trả nợ. Đó cũng là cách mà các tay buôn người cầm giữ chân của các nạn nhân.
May mắn thay, 1 tuần lễ sau, tình cờ gặp 1 người Việt Nam đi ngang qua tiệm, cô Hồng gọi lại hỏi thăm và nói sơ qua tình cảnh mình, người công nhân đó liên lạc với Uỷ ban bảo vệ người lao động Việt Nam - một thành viên của Lao Động Việt - và tổ chức này đã tìm cách cứu hai cô ra khỏi động mãi dâm trá hình.
Chủ tịch của Uỷ ban bảo vệ người lao động Việt Nam là ông Nguyễn văn Tánh kể lại quá trình giải cứu hai cô Hồng và Hoa như sau:
“Lúc đó là 3 giờ sáng, thành viên của chúng tôi tại Malaysia là anh Minh được báo tin về trường hợp của cô Hồng và cô Hoa, Minh đến quán bar đó giả vờ tìm gái.
Sau khi nói chuyện với hai cô để tìm hiểu câu chuyện, Minh đã giả vờ nói với người quản lý là muốn mướn hai cô này đi khách qua đêm.
Người quản lý bắt đóng tiền thế chân là 300 Ringgit (đơn vị tiền Malaysia) mỗi cô. Minh đóng trước 300 RM và hẹn còn 300 RM sẽ đưa cho hai cô khi tới khách sạn.
Sau đó, anh dẫn hai cô về nhà anh để thay quần áo đàng hoàng, mua thức ăn nước uống cho hai cô và gọi taxi đưa hai cô ra phi trường lúc 6 giờ sáng.
Tại phi trường, anh đã đợi hai cô qua khỏi cổng hải quan an toàn mới quay trở về. Máy bay của hai cô cất cánh lúc khoảng 9 giờ sáng cùng ngày hôm đó.”
Ở thời điểm này, cô Hồng và cô Hoa đã an toàn về đến Việt Nam, tuy nhiên, hai cô vẫn chưa dám về quê mà ở tạm nhà một người bà con vì hai cô vẫn sợ khi biết hai cô trốn đi “Má Mì” sẽ cho người về miền Tây tìm hai cô để đòi lại số tiền mà bà đã mua vé máy bay cho hai cô.
Cô Hồng cũng cho biết sau này “Má Mì” vẫn còn tiếp tục dụ dỗ các cô gái ngây thơ qua Malaysia bán bar.
Bài học mà cô Hồng rút được qua kinh nghiệm chua cay này là thực tế khác hẳn với những gì mà bọn con buôn, cò mồi hứa hẹn:
“Bây giờ có qua rồi em mới biết, làm tiền bên đây 100 ngàn, bên bển thì 600-700 ngàn nhưng mà qua bên đó mới biết tiền của họ tính từng đồng từng cắc chứ không phải như bên mình đâu.”
Tuy không có con số thống kê chính xác, nhưng báo chí trong nước liên tục đăng tin về các đường dây buôn người có mặt hầu hết trên khắp các tỉnh thành Việt Nam.
Các tỉnh miền Bắc thì buôn người sang Trung Quốc, các tỉnh miền Nam thì đưa người sang Đài Loan, Malaysia, Singapore..v.v… Vì không tiếp cận được thông tin nên lần lượt các cô gái quê nhẹ dạ, cả tin đều là nạn nhân của các mạng lưới buôn người.
Chỉ vì mơ ước có một cuộc đổi đời mà không biết bao nhiêu thân phận đã phải rơi vào cảnh tủi nhục. Phần sau, chúng tôi sẽ nói về một cô gái đã phải trốn nhiều ngày trong rừng để thoát khỏi tay của bọn buôn người.
(còn tiếp)
---------------------
Chú thích: Tên của các cô gái trong bài đã được thay đổi theo yêu cầu.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-humantrafficking-in-malaysia-p1-05292013101539.html
Các cô gái Việt được giải cứu ở Malaysia (phần 2)
Tiếp theo loạt bài về các nạn nhân buôn người, thông tín viên Tường An tiếp tục tường thuật về trường hợp của những công ty môi giới trá hình, gạt gẫm những phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa đi xuất khẩu lao động để bán vào các động mãi dâm ở Malaysia.
Mạng lưới buôn người tinh vi
Mạng lưới buôn người ở Đông Nam Á ngày càng phát triển, từ những cửa hàng bar hoăc karaoke trá hình, họ đi chiêu dụ các cô gái ở Việt Nam. Nhiều công ty xuất khẩu lao động là bộ phận của mạng lưới buôn người tinh vi này. Họ cho người về vùng nông thôn để tuyển phụ nữ với danh nghĩa là đi xuất khẩu lao động, với lời lẽ ngon ngọt, họ hứa hẹn một công việc nhẹ nhàng nhưng mau làm giàu ở xứ lạ.Đó là trường hợp của cô Nhàn, quê ở Thanh Hoá, Cô bị gạt sang Mã Lai để xuất khẩu lao động, làm hãng dệt may, nhưng qua đến nơi thì bị đưa vào làm ở một quán bar và bị ép phải bán dâm ròng rã 1 tháng trời. Một lần, nhân dịp chủ sơ hở, cô chạy trốn ra ngoài, ban ngày cô trốn trong bụi rậm, đêm moi thức ăn từ các thùng rác để sống qua ngày. Sau 3 ngày lẫn trốn tình cờ cô gặp được một người Việt Nam tên Thanh, anh Thanh là thành viên của Lao Động Việt, một tổ chức giúp đỡ cho người lao động. Anh Thanh kể lại cuộc gặp gỡ đêm đó bên bìa rừng của một thành phố nhỏ ở Mã Lai như sau:
“Em tên là Thanh, em là thành viên của Lao Động Việt, nửa đêm em đi làm về thì em thấy cô đang ngồi bên vệ đường run rẩy, quần áo thì chỉ có một mảnh để che thân. Cô run quá, em dừng xe lại hỏi, cô kể lại hoàn cảnh cô bị bán sang bên này, chủ nó bắt nhốt lại, hà hiếp, bắt đi làm quán bar, đi làm tiền. Sau đó cô chạy trốn ra được, không có chỗ nương tựa, cô hoảng sợ quá rồi, gặp em mà cô vẫn run rẩy. Em giải thích cho cô và đưa cô đến một cái quán nhờ ông ấy giúp cho làm một thời gian.”
Họ bảo sang bên này thì lương cao hơn, ở quê tụi em thì chỉ có khoảng 1 triệu đồng Việt Nam mỗi tháng. Người ta bảo sang bên này làm tốt lắm, lương 6-7 triệu tiền Việt mình là ít.Và sau đây là câu chuyện của Nhàn, bắt đầu từ những ngày còn ở quê nhà Thanh Hoá:
-Cô Nhàn
“Lúc em ở Việt Nam, bọn em ở quê. Có bà tên là Hà của Công ty Xung Công lên tuyển sang bên này làm máy đệt, bà nói chuyện rất ngọt. Họ bảo sang bên này thì lương cao hơn, ở quê tụi em thì chỉ có khoảng 1 triệu đồng Việt Nam mỗi tháng. Người ta bảo sang bên này làm tốt lắm, lương 6-7 triệu tiền Việt mình là ít. Thế là em mới nghe, em không hỏi rõ ràng. Em mới lên làm hộ chiếu, em được tuyển nhanh lắm, em làm hộ chiếu, làm thủ tục chỉ độ chục ngày sau là đi thôi.
Họ bảo là ký giấy để đi sang Mã Lai này thôi, sang cái chỗ mình làm thôi chứ còn em chả cam đoan gì cả. Chủ yếu là nó lừa bán mình thôi chị, nó nói ngọt lắm chị, nó nói đi sang đây em không phải khổ như ở nhà.”
Một cơn ác mộng
Người của công ty môi giới Xung Công đưa Nhàn vào một quán mà cô cũng không biết tên là gì, họ nói đợi 1 tuần rồi công ty sẽ sắp xếp việc nhưng sau 1 tuần thì thì chủ quán đưa người đến đánh bài trong đêm, rồi bắt cô tiếp khách Tàu, không tiếp khách thì họ đánh đập. Họ nhốt cô trong ngôi nhà đó hơn 1 tháng, ban ngày thì nhốt trong nhà, ban đêm bắt tiếp khách. Cô Nhàn kể tiếp:“Đi cùng với công ty môi giới đưa sang thì tưởng họ đưa mình về công ty làm, ai ngờ đâu họ lại đưa vào bán quán bia. Chủ yếu là nó lừa mình thôi chị. Nếu mà việc xứng đáng thì mình làm được, nhưng mà họ lại bảo mình làm những việc không xứng đáng. Họ bảo đưa đi quán bia tiếp khác này nọ, em không muốn, không phải việc của mình. Nếu mà tiếp bia không thì không sao, cứ người này cầm tay với người kia lôi, tối thì bắt đi này nọ thì làm sao mà mình làm được. Nó vớ được mình thì khác gì lợn vào rừng, nó bắt nó thịt luôn đó chị.”
Ban ngày cô phải bán nước trong quán, ban đêm cô bị ép ngủ với khách, tuy nhiên cô không được trả tiền, họ chỉ nuôi ăn. Cô không biết một chữ tiếng Mã nên dù uất hận, cô cũng không biết cách nào cãi lại ngoài những giọt nước mắt tủi nhục:
“Nó đưa vào nhốt trong nhà khổ sở lắm, nhưng mà tiền nong không có. Nó lợi dụng mình đủ điều nhưng tiền thì không có. Nếu mà cãi nó thì nó dọa mình nhưng mà mình thì không biết cãi. Cãi thì không biết cãi đâu chị. Cãi thì không cãi được, nói thì không nói được, ngậm đắng nuốt cay không nói gì được. Lúc nghĩ nước mắt tràn trụa ra.”
Một hôm, chủ quên đóng cửa thì cô vùng vẫy tìm cách chạy thoát ra ngoài, cô chạy qua băng qua một quả đồi mà cô cũng không biết mình đang ở đâu. Ngày trốn trong bụi rậm, đêm cô lần ra ven đường nhặt thức ăn dư thừa trong thùng rác, trên đường phố. Đêm thứ 3, đang ngồi bên vệ đường thì cô gặp anh Thanh, thành viên của Lao Động Việt như đã nói ở trên. Chưa hết run sợ, cô Nhàn kể tiếp:
“Lúc đấy nó bắt mình uống bia uống rượu vào nó cưỡng hiếp mình. Mình một thân một mình, con gái, không thể chấp nhận được chị, nó giật chân tay em bầm tím hết cả. Chân tay người đàn ông mà bóp vào mình thì còn cái gì nữa hả chị? Nó bắt em ngủ với nó, em run quá, em mới bỏ chạy. Em chạy ra ngoài, em sợ quá, run quá nên em bỏ chạy nằm trốn trong bụi rậm. Em sợ nó bắt được, em nghĩ nó mà bắt được chắc nó giết luôn mình. Không có gì để ăn nên em phải xin ăn, chả lẽ chết đói. Người ta thấy em tội nghiệp, tiếng thì em không biết, người ta bảo thôi thì ở đây rửa bát cho tao, họ chỉ vào cái bát thì em biết là họ kêu rửa bát. Nếu mà làm quán thì em làm, em vẫn sợ lắm, gái quê mình biết gì đâu, lang thang, lết thếch.”
Nghe tình cảnh của Nhàn, anh Thanh dẫn cô vào một quán quen để xin cho cô rửa bát. Sau 1 tháng bị hành hạ từ tinh thần đến thể xác, thoát khỏi cảnh địa ngục mà cô Nhàn vẫn chưa thoát khỏi nỗi kinh hoàng, cô vẫn còn run sợ trước người lạ và không tin ai được nữa. Anh Thanh phải xin vào cùng rửa chén với cô để cô yên tâm. Sau hơn một tháng trời rửa chén, anh Thanh và cô Nhàn đã dành dụm đủ tiền để mua vé máy bay trở về Việt Nam. Anh Thanh cũng đã giúp cô các thủ thục cần thiết để trở về xum họp với gia đình:
Họ bảo sang bên này thì lương cao hơn, ở quê tụi em thì chỉ có khoảng 1 triệu đồng Việt Nam mỗi tháng. Người ta bảo sang bên này làm tốt lắm, lương 6-7 triệu tiền Việt mình là ít.“Trong khi vào làm quán đó thì cô vẫn sợ cho nên em cũng vào đó làm để tạo cho cô ấy một niềm tin, đồng thời cũng rửa chén bát cho ông chủ để kiếm tiền mua vé cho cô ấy về. Em làm chỗ ấy hơn một tháng cũng kiếm được 600 Ringgit và cô ấy cũng làm được lương của cô ấy nữa, sau đó em giúp cô ấy làm thủ tục cho cô ấy về nước.”
-Cô Nhàn
Dù chỉ là một nạn nhân của sự lừa gạt, cô Nhàn vẫn xấu hổ không dám liên lạc với gia đình trong suốt thời gian còn ở Mã lai. Với cô niềm mơ ước đổi đời đã hoàn toàn trở thành một cơn ác mộng. Cô Nhàn chia sẻ suy tư của mình cho những ai còn mơ ước một cuộc đổi đời bằng con đường xuất khẩu lao động:
“Em nói thật em lạy, em về rồi em không bao giờ dám sang Mã Lai làm gì nữa. Em có gia đình và có con rồi, qua đây tiền chẳng gửi về được mà lại tiền mất, tật mang. Phải nói là những người Việt Nam sang đây đều khổ chứ không phải ai cũng được như ai cả. Em chỉ muốn một mình em khổ chứ em không muốn lây cho ai khổ theo em nữa.”
Theo bộ Công an, từ năm 2007 đến 2011 đã có gần 2.600 vụ buôn người với gần 5.800 nạn nhân. Tuy nhiên theo các tổ chức quốc tế thì con số này cao hơn nhiều, có thể trên 400.000 nạn nhân kể từ năm 1990. Theo Trung tướng Phạm Quý Ngọ, thứ trưởng bộ Công an Việt Nam tội phạm buôn bán người sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Bộ Công an đã có chương trình quốc gia phòng chống tội phạm buôn người giai đoạn 2011 - 2015. Chiến lược này thể hiện rõ những bước tiến mạnh mẽ của cơ quan chức năng trong cuộc chiến chống buôn người.
Tuy nhiên,, ông Michael Benge, đã từng 11 năm là nhân viên bộ ngoại giao tại Việt Nam và là nhà nghiên cứu Đông Nam Á, trong một bài viết có tên: “Cộng sản Việt Nam, kẻ buôn người lỗi lạc” đã nói rằng: “Việt Nam đang nắm giữ danh hiệu đầy quang vinh: ‘Quốc gia vi phạm Nhân quyền tồi tệ nhất Đông Nam Á’, theo lời điều trần trước Ủy Ban đối ngoại của Quốc hội Hoa kỳ. Các công ty xuất khẩu lao động có liên quan đến chính quyền là những nhà cung cấp chính về nam, nữ và trẻ em cho các thị trường cưỡng bức lao động và buôn bán tình dục, trong khi các quan chức chính quyền kiếm lợi từ việc lại quả.”
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-victims-of-h-trafficking-malaysia-2-ta-05312013124806.html
Geen opmerkingen:
Een reactie posten