woensdag 3 oktober 2012

Núi lửa Phú Sĩ sắp thức dậy ?

30 Tháng Chín 2012

Núi lửa Phú Sĩ sắp thức dậy ?

Núi Phú Sĩ nhìn từ hồ Kawaguchiko
Núi Phú Sĩ nhìn từ hồ Kawaguchiko

Thanh Phương
Sau hơn 300 năm ngủ yên, núi lửa Phú Sĩ có thể sắp thức dậy ? Đó là ghi nhận của các nhà nghiên cứu thuộc Viện quốc gia ngăn ngừa thiên tai của Nhật Bản.

Theo tính toán của giới chuyên gia vừa được tiết lộ hôm 06/09 vừa qua, áp suất của magma trong núi lửa Phú Sĩ có thể đã lên đến 1,6 megapascal, tức là vượt quá mức áp suất của lần cuối cùng mà Phú Sĩ phun lửa, tức là vào năm 1707. Nên biết rằng chỉ cần áp lực 0,1 megapascal là có thể xảy ra núi lửa.
Lời báo động nguy cơ Phú Sĩ sẽ lại nổi cơn thịnh nộ đã được đưa ra sau khi vào tháng Năm vừa qua, người ta phát hiện một vết nứt, rất có thể là đang hoạt động, dưới ngọn núi lửa nổi tiếng này của Nhật. Vào cuối tháng Tám, chính phủ Tokyo cũng vừa công kết quả một nghiên cứu về những tác động của một trận động đất cường độ 9 ở Nakai, ngoài khơi bờ biển miền trung của Nhật Bản ở Thái Bình Dương.
Nhưng đối với dân Nhật, nguy cơ núi lửa Phú Sĩ thức giấc không chỉ đơn thuần là một hiểm họa thiên tai mới, bởi vì từ xưa đến nay, họ vẫn xem ngọn núi này như là biểu tượng thiêng liêng. Với đỉnh cao đến 3.776 mét, núi Phú Sĩ có hình dáng hoàn mỹ như trong tranh vẽ. Qua biết bao lần núi lửa phun trào, vẻ đẹp tuyệt trần của Phú Sĩ vẫn nguyên vẹn.
Trong lần núi lửa phun vào năm 1707, kéo dài suốt 15 ngày, khiến hàng ngàn người thiệt mạng, một miệng núi lửa nhỏ đã xuất hiện ở sườn phía tây bắc của Phú Sĩ. Lần đó, lượng tro núi lửa phủ lên thành phố Yokohama phía nam dày đến 10 cm, còn ở Tokyo, lớp tro cũng dày đến 5 cm. Thật ra, đa số các nạn nhân chết chủ yếu là do nạn đói sau vụ núi lửa phun, chứ không phải là chết trực tiếp vì bị nham thạch chôn vùi.
Vụ phun núi lửa vào thời đó đã xảy ra sau một trận động đất dữ dội ở vùng Osaka phía nam núi Phú Sĩ. Lần này, nguy cơ núi lửa Phú Sĩ thức dậy gia tăng kể từ sau trận động đất ngày 11/03/2012 và trận động đất cường độ 6,4 ngày 15/03 ở ngoài khơi Shizuoka.
Tuy nhiên, đối với các nhà khoa học, núi lửa Phú Sĩ khó có thể thức dậy trong một tương lai gần. Thật ra, áp suất không phải là điều kiện duy nhất cho hiện tượng này. Hiện giờ, lượng magma tích tụ vẫn còn tương đối ít và chưa đủ để khiến núi lửa phun trào.
Dầu sao, vào năm 2004, chính phủ Tokyo đã từng tính toán là núi Phú Sĩ phun lửa có thể gây thiệt hại đến 2.700 tỷ yen, tức khoảng 27 tỷ euro. Tro bụi núi lửa Phú Sĩ có thể gây cản trở hoạt động kinh tế, mà đầu tiên là giao thông hàng không và đường bộ sẽ bị gián đoạn. Ấy là chưa kể những nguy cơ về mặt y tế đối với hàng triệu người.
Công trình nghiên cứu của Viện quốc gia ngăn ngừa thiên tai của Nhật Bản có vẻ như là nhằm thúc giục dân chúng chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Sau trận động đất ngày 11/03, các nhà nghiên cứu của hai tỉnh Shizuoka và Yamanashi, tức là hai tỉnh có núi Phú Sĩ, cũng như của tỉnh láng giềng Kanagawa, đã thảo luận những biện pháp sơ tán người dân. Đến năm 2014, một cuộc thao dược sơ tán trong điều kiện thật dự kiến sẽ được thực hiện.

http://www.viet.rfi.fr/tong-hop/20120930-nui-lua-phu-si-sap-thuc-day

Geen opmerkingen:

Een reactie posten