Tài sản kếch sù của thủ tướng Ôn Gia Bảo
Sự kiện báo New York Times đăng bài điều tra cho biết thủ tướng Trung Quốc che giấu tài sản trị giá đến 2,7 tỷ đô-la đang làm xôn xao dư luận trong nước. Liên quan đến đề tài này, báo Le Figaro có nhận định mang tựa đề « Tài sản kếch sù của thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo ». Đây cũng là một trong những tít chính trên trang nhất Le Figaro.
« Bom nổ ngay dưới chân các nhà lãnh đạo Trung Quốc » là nhận định của Le Figaro, khi chỉ còn cách có 10 ngày là diễn ra Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 18. Ngay khi New York Times cho đăng bài điều tra, chính quyền Trung Qu ốc đã có một phản ứng như thường lệ : chặn mọi cổng vào các trang mạng báo chí Mỹ và nghiêm cấm các công cụ tìm kiếm có liên quan đến chủ đề này.
Tuy vậy, thông tin vẫn tiếp tục lan truyền trên các trang mạng xã hội. Người dân Trung Qu ốc có cảm giác là giới quan chức cộng sản rất giàu có, thậm chí là quá tham nhũng. Tại Bắc Kinh, nhà cầm quyền tỏ ra giận dữ. Phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc cho là các thông tin trên đang « bôi nhọ » quốc gia và « phục vụ cho những kẻ xấu ».
Theo nội dung bài viết đăng trên New York Times, kể từ khi lên cầm quyền cách đây 10 năm, gia đình ông Ôn Gia Bảo đã tích lũy và hiện đang nắm trong tay một gia sản kếch sù tổng trị giá khoản 2,7 tỷ đô-la. Tờ báo thuật lại chi tiết từ việc mẹ ông, một giáo viên tiểu học bình thường nhưng lại đầu tư đến 120 triệu đô-la vào công ty bảo hiểm Bình An – một tập đoàn bảo hiểm và dịch vụ tài chính khổng lồ, cho đến việc vợ ông là bà Trương B ội Lê – được mệnh danh là « nữ hoàng kim cương » tích lũy được một tài sản to lớn từ các mỏ đá quý v.v…
Đây không phải là lần đầu tiên một lãnh đạo cao cấp bị báo chí nước ngoài phanh phui chuyện che dấu tài sản. Vào tháng sáu năm nay, hãng thông tấn Bloomberg đã từng đăng một bài điều tra gây chấn động về tài sản của ông Tập Cận Bình, nhân vật số một tương lai của Trung Quốc, cho biết gia sản của họ Tập có thể lên đến gần 300 triệu euro. Tuy nhiên, bài viết cũng ghi rõ là những cổ phiếu đầu tư đó không trực tiếp mang tên ông Tập, cũng như là vợ ông và cô con gái của ông.
Nhưng tất cả những điều đó cũng cho thấy rõ là giới lãnh đạo Bắc Kinh đều có dính líu đến tiền bạc. Bài viết đó đã khiến cho nhà cầm quyền Trung Qu ốc nổi dóa và họ đã ra lệnh khóa cổng vào trang mạng của hãng Bloomberg.
Le Figaro xem những tiết lộ mới về đời sống xa hoa của giới « quý tộc đỏ » như giống như là một quả mìn mới cho đảng Cộng sản, vốn đang mất dần tính hợp pháp và ngày càng tách xa rời dân chúng. Sự việc xảy ra khiến nhiều người dân tỏ ra nghi ngờ về hình ảnh một ông Ôn Gia Bảo nổi tiếng là khiêm tốn, người đi đầu kêu gọi cải cách chính trị và tự do ngôn luận. Số khác thì nhận định rằng kẻ thù của ông, nhất là những kẻ cầm đầu phe bảo thủ, có lẽ đã cung cấp các thông tin về tài sản của ông ra ngoài.
Ukraina : gian lận phiếu bầu đe dọa bầu cử Quốc hội
Tại châu Âu, bầu cử quốc hội tại Ukraina cũng là đề tài thời sự quốc tế nóng bỏng trên các trang báo Pháp. Hầu hết các bài viết đều cùng có chung nhận định là khả năng xảy ra gian lận trong bầu cử là rất cao và đây cũng là một trắc nghiệm cho tổng thống đương nhiệm.
Le Monde nhận định rằng « Bầu cử quốc hội tại Ukraina bị gian lận và hiện tượng mua phiếu đe dọa ». Với kết quả thăm dò cho biết 23% cử tri bỏ phiếu cho « Đảng của các vùng », đảng ủng hộ Nga, cho thấy chiến thắng gần như nắm chắc trong tay của đảng cầm quyền. Tuy nhiên, sau hai năm rưỡi lên cầm quyền, những kết quả đạt được của tổng thống Viktor Ianoukovitch không mấy sáng sủa.
Điểm tín nhiệm thấp (20%), quản lý kinh tế tồi tệ (lạm phát 6%, IMF ngưng cấp vốn vay, điều kiện kinh doanh xấu, giá đồng tiền sụt giảm) và dưới sự điều hành của ông Ianoukovitch, Ukraina bị Tổ chức Minh bạch Thế giới xếp hạng thứ 152 trên tổng sắp 183 quốc gia vì nạn tham nhũng và chính sách gia đình trị.
Trên thực tế, dưới khẩu hiệu chống tham nhũng, ông Ianoukovitch đã giành được thắng lợi trong bầu cử tổng thống năm 2010. Ông cũng đã giảm thiểu đáng kể sự lệ thuộc tài chính vào giới tài phiệt qua việc tự xây dựng cho mình một đế chế tài chính riêng.
Phe đối lập, giới truyền thông và giới doanh nhân đồng lên án chính sách gia đình trị và bè phái của ông trên mọi lãnh vực kinh tế của đất nước : từ Ngân hàng trung ương, quản lý thuế, Bộ tài chính và phần lớn các vùng hành chính.
Theo quan sát của Le Monde, đất nước Ukraina bị phân thành hai cực « xanh và cam » rõ rệt. Phía đông đất nước mang màu xanh, biểu trưng cho phe ủng hộ chủ trương theo Nga. Còn phía tây mang màu cam, tượng trưng cho phe thân phương Tây. Theo đánh giá của một vị giám đốc đài truyền hình, sự phân chia theo địa giới này phản ảnh rõ sự chia rẽ về tư tưởng của người dân.
Một số người ủng hộ cho mô hình phát triển theo phương Tây ; số khác lại muốn quay về với thời kỳ Xô viết cũ.
Le Monde cho biết, để giám sát đợt bầu cử lần này, gần 4000 quan sát viên quốc tế sẽ được triển khai vào ngày mai, chủ nhật 28/10/2012. Tuy nhiên, theo nhận định của phe đối lập cũng như của các nhà phân tích thì mức độ gian lận cũng sẽ ngang bằng với kỳ bầu cử tổng thống năm 2004. Nhưng trình độ kỹ thuật sẽ tinh vi hơn. Nhóm vận động tranh cử của đảng cầm quyền dường như đã học hỏi mô hình của Nga : mua chuộc cử tri, bỏ phiếu tại gia hay tại chỗ làm, danh sách ứng viên đối lập giả mạo…
Đối với Le Figaro « Ukraina : bầu cử quốc hội là bài trắc nghiệm cho Ianoukovitch ». Bởi vì, nhìn từ khía cạnh Kiev, bầu cử lần này là cú thử nghiệm cho cuộc chiến quyết định : bầu cử tổng thống vào năm 2015. Nhìn từ Bruxelles, đây sẽ là bài trắc nghiệm về « những cam kết dân chủ » do tổng thống Ukraina đề ra. Mối quan hệ hai bên bị xấu đi từ khi vụ cựu Thủ tướng, bà Ioulia Timochenko – đối thủ đáng gờm của tổng thống đương nhiệm bị kết án 7 năm tù. Phương Tây tố cáo một nền « tư pháp chọn lọc » và quan ngại về cách quản lý độc tài của tổng thống Ianoukovitch. Do đó, ngày họp Hội nghị thượng đỉnh thường niên Liên hiệp châu Âu – Ukraina năm nay lệ thuộc nhiều vào kết quả bầu cử lần này.
« Tại Ukraina : Ianoukovitch thực hiện bước cuối cùng cho đợt bầu cử » là tựa đề bài viết trên báo Libération. Tờ báo giải thích vì sao đảng cầm quyền sẽ giành được thắng lợi trong đợt bầu cử này. Kể từ khi bà Ioulia Timochenko bị kết án tù, phe đối lập thiếu các gương mặt sáng giá và thiếu ý tưởng. Theo một vị cựu Ngoại trưởng dưới thời bà Timochenko, « có quá nhiều đảng phái ra tranh cử và các chính khách lại không đưa ra một phong trào hay triển vọng nào cho đất nước, nhưng lại tiêu tốn hàng triệu euro cho chiến dịch tranh cử ». Mặt khác, người dân Ukraina đã mất dần niềm tin vào giới chính khách. Một kết quả thăm dò cho biết « 50% người dân Ukraina đặt niềm tin vào Giáo hội, 25% cho quân đội và 25% cho giới truyền thông. Họ không tin tưởng vào Tổng thống, lẫn Thượng viện và cả công lý ».
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20121027-truyen-thong-chau-au-dong-suc-chong-google
Geen opmerkingen:
Een reactie posten