woensdag 17 oktober 2012

10 thông số bạn là người đàn ông khỏe mạnh

17/10/2012

10 thông số bạn là người đàn ông khỏe mạnh


Sai lầm hầu hết cánh mày râu mắc phải đó là tưởng "sức khỏe" đồng nghĩa với cơ bắp. Để được coi là khỏe mạnh, các chàng trai cần nhiều hơn lớp vỏ hình thể.
> Những nội tạng dễ mắc bệnh của đàn ông/ 10 vấn đề sức khỏe nam giới không nên bỏ qua


Hãy đối chiếu bản thân với những thông số dưới đây để theo dõi sức khỏe của mình xem sao:

Ảnh: Askmen.
Nếu khỏe mạnh, bạn có thể thực hiện 20 cái chống đẩy liên tục. Ảnh: Askmen.

1. Bạn có nhịp tim khoảng 70 lần mỗi phút


Yếu tố sức khỏe đầu tiên cần kiểm tra là nhịp tim của bạn. Lý tưởng nhất là khoảng 70 lần mỗi phút. Nếu cao hơn, có thể là dấu hiệu bạn cần rèn luyện thể lực nhiều hơn để khiến trái tim khỏe và hoạt động hiệu quả hơn.

2. Bạn có móng tay màu hồng ổn định


Dù bạn không bao giờ tưởng tượng rằng móng tay là dấu hiệu chỉ báo sức khỏe, thì chúng vẫn nói lên nhiều điều về tình trạng của bạn. Lý tưởng nhất chúng có màu hồng, bề mặt nhẵn, chắc chắn.

Nếu có vài điểm trắng hoặc vài sọc kẻ trên móng tay, đó có thể là lúc bạn nên đi gặp bác sĩ, vì rất dễ là dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Nếu móng tay màu vàng, là chỉ báo của bệnh đường hô hấp, hãy cẩn trọng.

3. Nước tiểu có màu vàng nhạt


Kiểm tra nước tiểu ngay sau khi đi toilet là cách rất tốt để biết bạn có thiếu nước hay không. Nếu có màu vàng sẫm, bạn đã uống (ăn) không đủ nước. Ngoài ra, nếu phát biện bất cứ thay đổi nào trong mùi vị hoặc có đốm máu trong nước tiểu, phải đi gặp bác sĩ ngay.

Nếu khỏe mạnh, bạn có thể chạy một dặm (1,6 km) dưới 15 phút. Ảnh: Askmen.

4. Bạn có thể chạy một dặm (1,6 km) dưới 15 phút


Để kiểm tra sức khỏe tim mạch, hãy thử chạy một dặm. Nếu mất hơn 15 phút, bạn ở dưới mức trung bình. Càng chạy nhanh hơn mức này, và nhịp tim càng chậm hơn sau khi chạy, sức khỏe của bạn càng tốt.

5. Bạn có thể thực hiện 20 cái chống đẩy


Một thông số của sự khỏe mạnh là số lần chống đẩy bạn có thể thực hiện liên tục. Thực hiện 20 lần hoàn chỉnh, có thể trong thời gian nghỉ trưa ở cơ quan, là điều các chàng trai nên làm. Nếu bạn thực hiện không đạt số đó, đã đến lúc cần đầu tư hơn cho việc luyện tập thể thao.

6. Bạn đi đại tiện đúng giờ mỗi ngày


Trong một cơ thể khỏe mạnh, vận hành tốt, nhu động ruột phải rất đều đặn, và đi ngoài đúng giờ mỗi ngày.

Nếu đi ngoài không đều đặn, thường xuyên phân quá cứng hoặc quá lỏng, có thể là yếu tố báo động. Hãy kiểm tra lượng chất xơ ăn vào, thử thay đổi chế độ ăn nếu cần và đánh giá lại tình trạng, trước khi tìm lời khuyên ở bác sĩ.

7. Thức dậy đúng giờ mỗi ngày mà không cần chuông


Ngủ đủ là yếu tố cực kỳ quan trọng với sức khỏe, vì thiếu ngủ không chỉ gây ra suy kiệt về tinh thần trong ngày, mà còn là dấu hiệu bạn có nguy cơ đột quỵ, tiểu đường, hoặc bệnh tim.

Nếu bạn được nghỉ ngơi tốt, đồng hồ sinh học trong cơ thể sẽ hoạt động hiệu quả, và đánh thức bạn một cách tự nhiên, không cần chuông báo.

8. Sau bài tập thể dục mạnh, tim bạn trở lại bình thường trong 5 phút


Thời gian trở lại nhịp bình thường càng nhanh, sức khỏe của bạn càng tốt. Lý tưởng nhất là nó trở lại bình thường trong vòng 5 phút hoặc ít hơn.

9. Cân nặng của bạn chỉ dao động khoảng 5 kg quanh mức lý tưởng


Muốn biết sức khỏe của mình, hãy kiểm tra chỉ số cân nặng BMI. Tốt nhất cân nặng của bạn chỉ nên dao động vài kg quanh chỉ số lý tưởng của mình.

10. Bạn nhớ ngày gần đây nhất kiểm tra sức khỏe toàn diện


Lần gần đây nhất chứ không phải là duy nhất, hỏi xem bạn đã kiểm tra sức khỏe là khi nào. Nhiều người đàn ông chỉ làm việc này sau nhiều năm trời, và đây là một lý do chính khiến bệnh tật không mong muốn xuất hiện.

Nếu bạn không thể nhớ nổi lần cuối cùng đến gặp bác sĩ, đã đến lúc xếp một lịch hẹn đi khám sức khỏe.

Thuận An (Theo Askmen)
 
12/9/2012

Những nội tạng dễ mắc bệnh của đàn ông

Vì thói quen uống rượu bia, hút thuốc lá, ăn nhiều thịt mà đàn ông cũng mắc nhiều bệnh hơn ở những nội tạng chịu ảnh hưởng của các chất này, như tim, ruột, dạ dày...

1. Trái tim

Theo các dữ liệu lâm sàng, đàn ông bị chứng nhồi máu cơ tim gấp từ 7 đến 10 lần phụ nữ. Bệnh chủ yếu gây ra do quá nhiều mỡ, nghiền thuốc lá và uống rượu. Ngoài ra làm việc căng thẳng và suy nghĩ tiêu cực cũng có liên quan đến tình trạng này.
Ảnh:
Ảnh: Peopledaily.

2. Ruột

Hiển nhiên là đàn ông bị ung thư ruột cao hơn rất nhiều so với phụ nữ. Đàn ông nói chung tiêu thụ nhiều chất béo và chất đạm hơn. Các nghiên cứu y học chỉ ra rằng việc ăn vào quá nhiều hai chất này trong khi lại ăn ít chất xơ có thể dẫn tới ung thư ruột.

3. Dạ dày

Hầu hết đàn ông thích uống rượu bia và hút thuốc. Các nghiên cứu y khoa đã tìm thấy rằng tỷ lệ mắc bệnh dạ dày của đàn ông trung bình cao gấp 6,2 lần phụ nữ. Nguyên nhân phần nhiều từ những sở thích trên.

4. Tuyến tiền liệt

Theo các nghiên cứu, khoảng 60% nam giới trên 50 tuổi sẽ mắc bệnh ở tuyến tiền liệt. Lý do là sự thay đổi của hàm lượng hooc môn nam steroid dẫn tới sự phình to của túi tuyến ở trong đó. Tuyến này phình to gây chèn ép lên bàng quang và gây khó đi tiểu.
T. An (theo Peopledaily)
 
23/10/2011

10 vấn đề sức khỏe nam giới không nên bỏ qua

Ảnh minh họa:Funkydowntown.com.
Vòng eo quá khổ là một dấu hiệu cảnh báo với sức khỏe nam giới. Ảnh minh họa: Funkydowntown.com.

Đàn ông có nguy cơ mắc các bệnh nặng cao hơn phụ nữ, từ tim mạch tới ung thư. Nhưng hầu hết nam giới lại rất ngại đi khám nên cơ hội phát hiện sớm bệnh và chữa khỏi càng thấp.
> Nam giới chết vì ung thư nhiều hơn phụ nữ / Nam giới cần cảnh giác trước các vết thương hở

Theo Mirror, các chuyên gia y tế khuyến cáo, phái mạnh không nên bỏ qua những kiểm tra về sức khỏe dưới đây:

Huyết áp

Lý do: Một phần tư số người trung niên bị huyết áp cao. Nếu không điều trị, hiện tượng này có thể dẫn tới bệnh tim, đột quỵ và bệnh thận.
Dấu hiệu cảnh báo: Cách duy nhất để biết bạn có gặp vấn đề này không là đi khám, đặc biệt quan trọng nếu trong gia đình bạn có người mắc bệnh này.
Cách khám: Rất đơn giản, bác sĩ sẽ đo huyết áp cho bạn bằng dụng cụ chuyên dụng và cho bạn lời khuyên cần thiết.

Ung thư tuyến tiền liệt

Lý do: Đây là bệnh ung thư hay gặp nhất ở nam giới. Đàn ông trên 50 tuổi nên đi khám định kỳ bệnh này.
Dấu hiệu cảnh báo: Khó đi tiểu hoặc đi tiểu thường xuyên hơn và đau ở lưng hoặc vùng hông. Khi bệnh tiến triển có thể gây ra hiện tượng liệt dương.
Cách khám: Bác sĩ sẽ kiểm tra trực tràng đồng thời thực hiện xét nghiệm máu kiểm tra mức tăng của hoóc môn tuyến yên. Việc phát hiện sớm bệnh có ý nghĩa quan trọng, giúp đưa ra phương án điều trị kịp thời, hiệu quả.

Ung thư tinh hoàn

Lý do: Ung thư tinh hoàn là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới dưới 35 tuổi. Đây cũng là bệnh dễ chữa nhất nếu phát hiện sớm.
Dấu hiệu cảnh báo: Bất cứ hiện tượng nào khác thường: Sưng hay có một u cứng bằng hạt đậu trên tinh hoàn hoặc bị nhức, đau nhói ở vùng này. Bạn có thể tự kiểm tra thường xuyên, đặc biệt nếu bạn từng bị tinh hoàn lạc chỗ hoặc tiền sử gia đình có người mắc bệnh này.
Cách khám: Nếu nghi ngờ bạn mắc bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn siêu âm hai tinh hoàn và có thể làm thêm xét nghiệm máu để xác định mức tăng cụ thể của loại hoóc môn có thể dẫn đến loại ung thư này.

Bệnh đái đường

Lý do: Có hàng triệu nam giới có thể mắc đái tháo đường tuýp 2 mà không biết. Nếu không được chẩn đoán kịp thời và tầm soát hiệu quả, bệnh có thể dẫn tới những biến chứng phức tạp, như đau tim, suy thận, đột quỵ, mù và phải cắt cụt chi.
Nam giới nên khám bệnh này nếu họ có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào, bao gồm béo phì, vòng eo to, hơn 40 tuổi và có người thân mắc bệnh này.
Dấu hiệu cảnh báo: Hay khát nước, mệt mỏi và giảm cân. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp lại không có các triệu chứng trên.
Cách khám: Bác sĩ sẽ thực hiện một xét nghiệm máu đơn giản để đo mức đường gluco trong máu. Mức này cao chứng tỏ bạn bị bệnh.

Cholesterol cao

Lý do: Cholesterol cao là một trong những yế tố chính gây các bệnh tim mạch, dẫn tới xơ cứng động mạch.
Dấu hiệu cảnh báo: Không có triệu chứng, nhưng nếu bạn ăn theo chế độ giàu chất béo bão hòa, thừa cân hay trong gia đình có người bị tim mạch, bạn nên đi khám.
Cách khám: Bác sĩ sẽ lấy mẫu máu để đo mức cholesterol của bạn.

Ung thư da

Lý do: Số lượng nam giới chết vì ung thư da đã tăng gấp đôi trong 30 năm qua. Mặc dù phụ nữ được chẩn đoán mắc u hắc tố nhiều hơn, nhưng căn bệnh nguy hiểm nhất về da là ung thư lại giết chết nhiều nam giới hơn vì họ có khuynh hướng đi khám chữa muộn.
Dấu hiệu cảnh báo: Thay đổi kích thước và màu sắc của nốt ruồi, ngứa, chảy máu...
Cách khám: Sinh thiết da sẽ giúp bạn phát hiện loại ung thư này.

7. Vòng eo

Lý do: Hiện nay, kích thước vòng eo được cho là chỉ số xác định nguy cơ về sức khỏe chính xác hơn là cân nặng hay chỉ số khối cơ thể BMI. Quá nhiều chất béo ở khoảng giữa cơ thể sẽ tăng nguy cơ bạn mắc bệnh tim mạch và tiểu đường.
Dấu hiệu cảnh báo: Quần áo bắt đầu trở lên chật.
Cách kiểm tra: Đơn giản, chỉ cần đo vòng eo - điểm giữa xương sườn thấp nhất và xương hông của bạn. Nếu số đo này trên 94cm đối với nam giới là quá cao. Hãy đi khám sức khỏe tổng quát hoặc xin lời tư vấn của bác sĩ quen.

8. Chlamydia

Lý do: Đây là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất. Nếu không được điều trị, bệnh có thể lây sang bạn đời và ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của người nữ.
Dấu hiệu cảnh báo: Cảm giác nóng rát khi đi tiểu hay xuất tinh nhưng đôi khi người bị bệnh cũng không có triệu chứng gì.
Kiểm tra: Nếu bạn từng quan hệ tình dục không an toàn và chưa bao giờ làm xét nghiệm kiểm tra chlamydia, nên đi khám và test tại một phòng khám chuyên khoa.

9. Bệnh glocom

Lý do: Glocom là bệnh có thể dẫn tới tăng nhãn áp. Bệnh phổ biến ở nam giới hơn và nếu không điều trị có thể dẫn tới mù. Nếu bạn hơn 40 tuổi, bị bệnh tiểu đường và chứng đau nửa đầu, nhìn kém hay có người thân mắc bệnh này, thì nguy cơ của bạn rất cao.
Dấu hiệu cảnh báo: Việc tăng nhãn áp sẽ diễn ra chậm và mất thị lực từ từ, vì vậy người ta thường không nhận ra cho tới khi gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc nhìn.
Cách khám: Các bác sĩ nhãn khoa sẽ đo nhãn áp cho bạn bằng một loại máy đặc biệt trong vài phút.

Ung thư ruột

Lý do: Đây là "kẻ giết người thầm lặng" đứng thứ hai trong các bệnh ung thư và có thể chữa trị được nếu phát hiện sớm.
Dấu hiệu cảnh báo: Chảy máu ở hậu môn, thay đổi trong thói quen của đường ruột, như táo bón hoặc tiêu chảy, trở nên nặng hơn hoặc kéo dài trên 2 tuần, đau bụng hoặc khó chịu kéo dài trên 2 tuần, giảm cân không rõ nguyên nhân...
Cách khám: Bác sĩ sẽ cho bạn kiểm tra trực tràng và quyết định làm những xét nghiệm cần thiết khác. Bệnh này cần đi khám ngay. Những người trên 60 tuổi nên tham gia sàng lọc ung thư ruột định kỳ.
Vương Linh

Geen opmerkingen:

Een reactie posten