dinsdag 31 december 2024

Nhìn lại 10 sự kiện tin tức nổi bật ở Việt Nam trong năm 2024

 

Nhìn lại 10 sự kiện tin tức nổi bật ở Việt Nam trong năm 2024


10. Hiện tượng Thích Minh Tuệ gây xôn xao xã hội

Mạng xã hội Việt Nam năm qua xôn xao với hình ảnh nhà sư chân trần, mặc áo vá, tay ôm nồi cơm điện đi bộ hành. Ông Thích Minh Tuệ, thế danh là Lê Anh Tú, nói mình tu theo hạnh đầu đà – một lối tu khổ hạnh trong Phật giáo – và đã ba lần đi bộ từ Nam ra Bắc và ngược lại. Trong khi đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng ông Lê Anh Tú ‘không phải là tu sĩ Phật giáo và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội’. Lối tu khổ hạnh và hành trình gian nan của ông đã khơi dậy sự tôn kính của đông đảo người dân. Ở mỗi nơi ông đi qua đều có đám đông, có khi lên đến cả ngàn người, đến đảnh lễ, cúng dường, quay phim, chụp ảnh phát lên mạng xã hội. thậm chí có người còn tháp tùng ông trong hành trình, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại các địa phương. Đến tháng 6, ông quyết định dừng bộ hành để trở về quê nhà ở tỉnh Gia Lai, để ẩn tu. Tuy nhiên, mỗi ngày vẫn có cả ngàn người tìm chòi rẫy nơi ông ẩn tu để gặp ông, khiến ông quyết định ngừng khất thực vào giữa tháng 11. Ông đã lên đường bộ hành để hành hương đến đất Phật ở Ấn Độ kể từ ngày 12 tháng 12 với hành trình băng qua năm quốc gia.

9. Các nhân vật bất đồng nổi bật bị bắt và được thả

Trong hồ sơ dân chủ-nhân quyền, trong năm 2024 nhà cầm quyền Việt Nam đã không lơi lỏng trấn áp đồng thời cũng thả trước thời hạn một số nhân vật bất đồng nổi bật. Ngay trước thềm chuyến đi của Tổng bí thư-Chủ tịch nước Tô Lâm đến New York dự kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và gặp bên lề Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Trần Huỳnh Duy Thức, một trong những tù nhân chính trị bị mức án nặng nhất Việt Nam, hôm 21 tháng 9 đã được thả trước thời hạn 8 tháng sau khi đã thụ án hơn 15 năm. Cùng được thả với ông Thức còn có bà Hoàng Thị Minh Hồng, nhà hoạt động môi trường bị tuyên ba năm tù về tội trốn thuế và đã thụ án được một năm. Bên cạnh việc thả, hồi tháng 6 Hà Nội cũng bắt giữ hai tiếng nói chỉ trích được nhiều người biết đến là nhà báo Trương Huy San, tức blogger Huy Đức, và luật sư Trần Đình Triển với cùng cáo buộc là ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân’. Trong khi đó, nhà báo Nguyễn Vũ Bình, người viết về các vấn đề tham nhũng, đất đai và môi trường, hồi tháng 9 đã bị tuyên án bảy năm tù về tội ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’ sau khi đã bi tuyên án năm năm tù về tội ‘Làm, lưu trữ và phát tán tài liệu chống đối’ hồi tháng 8.

8. Bão Yagi và lũ lụt tàn phá các tỉnh miền Bắc

Bão Yagi, mà Việt Nam đánh dấu là bão số 3, hôm 7 tháng 9 đã đổ bộ vào các tỉnh ven biển Quảng Ninh và Hải Phòng trước khi quần thảo thủ đô Hà Nội. Đây là cơn bão mạnh nhất châu Á trong năm 2024 và mạnh nhất Việt Nam trong vòng 30 năm qua, làm cho đường phố tan hoang, cây cối đổ rạp, nhà cửa tốc mái ở những nơi mà nó quét qua. Tuy nhiên, tai hại hơn nữa, mưa lớn trong nhiều ngày sau đó do ảnh hưởng của hoàn lưu bão đã nhấn chìm các tỉnh phía bắc, gây lũ quét, sạt lở đất, thậm chí là sập một cây cầu ở tỉnh Phú Thọ, khiến nhiều người thương vong. Cá biệt có những nơi như Làng Nủ ở tỉnh Lào Cai đã bị lũ quét sạch hoàn toàn vào rạng sáng ngày 10 tháng 9 khiến cho hơn 100 người chết và mất tích. Có đến 20 trong tổng số 25 tỉnh, thành miền bắc đã bị ngập lụt, trong đó Hà Nội đã phải di dời dân ven bãi sông Hồng khi mực nước dâng cao. Cho đến cuối tháng 9, giới chức Việt Nam đã thống kê có 334 người chết và mất tích, thiệt hại sơ bộ là trên 81.000 tỉ đồng, tức khoảng 3,3 tỷ đô la Mỹ, và GDP cả năm ước tính giảm 0,15%. Cơ quan thường trú Liên Hợp Quốc ước tính Việt Nam cần gần 54.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

7. Thêm đối tác chiến lược toàn diện được thiết lập

Chỉ trong một năm, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với ba nước, nhiều nhất từ trước đến nay, đưa tổng số nước có mức độ quan hệ này với Hà Nội lên chín. Trước tiên là Úc nhân chuyến thăm Canberra của Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng 3, kế đó là Pháp trong tháng 10 và Malaysia trong tháng 11 nhân chuyến công du cấp nhà nước của Tổng bí thư Tô Lâm đến hai nước này. Theo đó, Pháp đã trở thành nước Châu Âu đầu tiên và Malaysia là nước Đông Nam Á đầu tiên có khuôn khổ quan hệ cao nhất với Hà Nội. Các mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Úc, Pháp và Malaysia bao trùm các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đầu tư, an ninh, quốc phòng, đổi mới sáng tạo, hợp tác biển và cả tranh chấp Biển Đông… Cả ba nước này đều ủng hộ cách tiếp cận của Việt Nam là tôn trọng luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trong khi bày tỏ mong muốn Biển Đông cũng như khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và được tự do giao thương. Trước ba nước này, Hà Nội đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản.

6. Trương Mỹ Lan bị đưa ra xét xử trong hai đại án

Trong năm 2024 đã diễn ra phiên tòa xét xử vụ án kinh tế lớn nhất lịch sử Việt Nam. Nữ tỷ phú Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã ra tòa trong hai vụ án riêng rẽ. Vụ án thứ nhất là vụ bà Lan rút ruột ngân hàng SCB được xử sơ thẩm từ tháng 2 đến tháng 4 với kết quả là bà bị tuyên tử hình cho tội ‘Tham ô’ và hai án đồng mức 20 năm tù cho hai tội ‘Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng’ và ‘Đưa hối lộ’, đồng thời phải bồi thường 27 tỷ đô la cho ngân hàng này. Đến phiên phúc thẩm từ tháng 11 đến tháng 12, mặc dù bà Lan được cho là đã ăn năn hối cải, thừa nhận tội trạng, thành khẩn khai báo và tích cực khắc phục hậu quả nhưng chỉ được giảm bốn năm tù, còn án tử hình vẫn giữ nguyên cho đến khi bà khắc phục được ít nhất ba phần tư thiệt hại. Trong vụ án thứ hai được xử sơ thẩm từ tháng 9 đến tháng 10, bà Lan bị cáo buộc ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ vì đã thông qua SCB phát hành trái phiếu rác để lừa đảo gần 1,2 tỉ đô la của 36.000 nạn nhân khắp cả nước. Bà đã bị tuyên án chung thân và có trách nhiệm bồi thường các nạn nhân. Ngoài ra, bà còn bị kêu án 12 năm tù cho tội ‘Rửa tiền’ và tám năm tù về tội ‘Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới’.

5. Nhiều nhân sự mới trong tứ trụ, Bộ Chính trị

Hàng ngũ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong năm 2024 đã có những xáo trộn lớn sau các vụ từ chức gây sốc, khiến Đảng phải tìm người thế vào các chức vụ bỏ trống trong bối cảnh Bộ Chính trị đã mất gần một nửa số thành viên – nhiều nhất từ trước đến nay. Hồi tháng 5, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn được đôn lên làm Chủ tịch Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ đồng thời Bộ trưởng Công an Tô Lâm trở thành Chủ tịch nước thay ông Võ Văn Thưởng. Trước đó tại hội nghị trung ương 9 cũng trong tháng 5, ông Lương Cường, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đã được chỉ định thay bà Trương Thị Mai làm Thường trực Ban bí thư. Sau khi ông Tô Lâm được bầu làm Tổng bí thư vào tháng 8, đến cuối tháng 10 ông đã nhường chức chủ tịch nước lại cho ông Lương Cường, người sau đó cũng đã bàn giao lại chức Thường trực Ban bí thư cho Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú. Hội nghị Trung ương 9 cũng đã bầu bổ sung 4 ủy viên Bộ Chính trị bao gồm các ông Lê Minh Hưng, Nguyễn Trọng Nghĩa, Đỗ Văn Chiến và bà Bùi Thị Minh Hoài. Đến tháng 8 đến lượt ông Lương Tam Quang, tân bộ trưởng Công an đồng thời là người thân tín của ông Tô Lâm, được vào Bộ Chính trị.

4. Hàng loạt lãnh đạo hàng đầu bị mất chức, kỷ luật

Năm 2024 cũng là năm chứng kiến các lãnh đạo trong hàng ngũ Bộ Chính trị ngã ngựa nhiều nhất từ trước đến nay, trong đó có cả chức vụ tứ trụ, bắt đầu với Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh hồi tháng 1, sau đó đến Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong tháng 3, rồi đến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong tháng 4, đến tháng 5 là Thường trực Ban bí thư Trương Thị Mai rồi qua tháng 6 đến lượt Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đã chịu cùng số phận trong năm trước đó. Tất cả những vị này đều được cho là đã ‘nhận thức trách nhiệm nên đã có đơn xin thôi tất cả các chức vụ’ trong khi sai phạm của họ không hề được nói rõ mà ghi theo khuôn mẫu chung chung là ‘vi phạm những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả nghiêm trọng’. Họ ra đi sau khi công an mở rộng điều tra các vụ án kinh tế tại các tập đoàn như Phúc Sơn, Thuận An, Việt Á… Mặc dù đã được cho ‘hạ cánh an toàn’ nhưng đến cuối năm nay, lần lượt các ông Huệ, ông Phúc và bà Mai đều bị nhận các mức án kỷ luật của Đảng trong khi ông Thưởng được tạm tha do đang chữa bệnh.

3. Đảng phát động cuộc ‘cách mạng’ tinh gọn bộ máy

Dưới sự chỉ đạo của tân Tổng bí thư Tô Lâm, hồi cuối tháng 11 Trung ương Đảng đã họp hội nghị bất thường để tuyên bố thực hiện ‘cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy’, vấn đề được nhiều khóa trước nêu ra nhưng chưa thực hiện được. Đảng xác định đây là ‘nhiệm vụ đặc biệt quan trọng’ cần sự thống nhất rất cao trong toàn bộ hệ thống chính trị và đặt quyết tâm phải thực hiện xong trong quý 1 năm sau. Sau hội nghị Trung ương, Đảng và Chính phủ đã liên tục mở các hội nghị toàn quốc để quán triệt cũng như các cuộc họp nội các để triển khai chủ trương này. Bản thân ông Tô Lâm liên tục trong những lần phát biểu trước công chúng cũng nhấn mạnh kiên quyết làm cho được cho dù khó, cho dù có đụng đến tâm tư, tình cảm và quyền lợi con người, đồng thời kêu gọi các cán bộ, công chức Nhà nước hy sinh vì quyền lợi đất nước với lập luận ‘thà ít mà tốt’, ‘nhẹ mới bay cao’. Việc tinh gọn bộ máy sẽ dẫn đến nhiều bộ, ban, ngành ở Việt Nam bị giải thể hay sáp nhập, khiến nhiều quan chức bị mất chức và hàng chục ngàn công nhân viên chức bị sa thải.

2. Bộ trưởng Công an Tô Lâm lên làm Tổng bí thư

Lần đầu tiên trong lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam có tổng bí thư xuất thân từ công an sau khi ông Tô Lâm được Trung ương Đảng ‘nhất trí suy tôn’ vào vị trí lãnh đạo Đảng thay cho ông Nguyễn Phú Trọng tại một hội nghị bất thường hôm 3 tháng 8. Trước đó, ông Tô Lâm đã trở thành nguyên thủ khi ông được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước hồi tháng 5. Ông Tô Lâm đã rộng đường lên đỉnh quyền lực sau khi ông Trọng qua đời và hàng loạt nhân vật khác vốn được xem là những ứng viên tiềm năng thay ông Trọng bị lật đổ trong các cuộc điều tra chống tham nhũng mà ông Lâm đã giám sát khi còn là bộ trưởng công an. Sau khi trở thành tổng bí thư, ông Lâm cam kết tiếp tục công cuộc đốt lò cũng như di sản đối ngoại của ông Trọng, kêu gọi tháo gỡ ‘điểm nghẽn thể chế’, chống lãng phí và phát động công cuộc tinh gọn bộ máy. Về đối ngoại, ông Lâm đã có các cuộc tiếp xúc và hội đàm song phương với các nguyên thủ Mỹ, Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, tai tiếng ‘ăn bò dát vàng’ cũng như thành tích đàn áp khi còn là bộ trưởng Công an đặt ra dấu hỏi về sự trong sạch của ông cũng như khả năng ông mở rộng tự do, dân chủ cho người dân Việt Nam.

1. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời

Vào cuối tháng 7, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng qua đời ở tuổi 80 khi đang tại nhiệm, khép lại một nhiệm kỳ tổng bí thư kéo dài 14 năm trải qua liên tục ba khóa 11, 12, 13. Nhiệm kỳ của ông Trọng được ghi dấu bằng công cuộc đấu tranh chống tham nhũng do chính ông phát động và giám sát mà ông cho là ‘không có vùng cấm, không có ngoại lệ’ nhưng đồng thời cũng ‘đánh chuột đừng để vỡ bình’. Ông Trọng được xem là nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Việt Nam kể từ Tổng bí thư Lê Duẩn. Ông ra đi để lại di sản sâu đậm cho Việt Nam với hàng trăm quan chức cao cấp, trong đó có cả những lãnh đạo chóp bu, bị mất chức, kỷ luật thậm chí ngồi tù, cùng với chính sách ‘ngoại giao cây tre’ giúp Hà Nội mở rộng quan hệ với nhiều nước lớn. Tuy nhiên, vốn là nhà lý thuyết của Đảng với tư tưởng bảo thủ, giáo điều, thời kỳ nắm quyền của ông Trọng chứng kiến sự gia tăng đàn áp những tiếng nói bất đồng để củng cố sự cai trị của Đảng. Tang lễ ông Trọng là sự kiện hiếm thấy ở Việt Nam khi hàng ngàn người dân đã đứng chật trên các con phố ở Hà Nội để tiễn đưa ông.


https://d34iuj6n1uey68.cloudfront.net/a/su-kien-tin-tuc-noi-bat-viet-nam-2024/7916824.html?fbclid=IwY2xjawHhoP9leHRuA2FlbQIxMAABHbJuI8OiQ5R_2FTG_No7N4Jv0WgYCePCthmHa6z0qGHQctpR45-fpIgniQ_aem_A95cVfOWQzFZAAE85cJcnw

Nhìn lại 10 sự kiện tin tức nổi bật của thế giới trong năm 2024

 

Nhìn lại 10 sự kiện tin tức nổi bật của thế giới trong năm 2024


Từ sự đổ nát trở về sự nguyên vẹn, từ hòa bình biến thành chiến tranh, hay từ vực sâu pháp lý vươn tới đỉnh cao chính trị, đây là 10 câu chuyện tin tức nổi bật toàn thế giới trong năm 2024:

10. Nhà thờ Đức Bà Paris mở cửa lại

Nhà thờ Đức Bà Paris, công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của nước Pháp, lấy lại vẻ tráng lệ khi mở cửa trở lại trước sự chứng kiến của các nhà lãnh đạo thế giới. Năm năm trước, vào tối ngày 15 tháng 4 năm 2019, người dân Paris bàng hoàng chạy đến hiện trường và khán giả truyền hình trên toàn thế giới kinh hãi nhìn theo đám cháy bừng bừng khắp tòa thánh đường cổ kính, chóp tháp bị đổ và mái nhà bị sập. Hàng ngàn chuyên gia - từ thợ mộc, thợ xây đá đến nghệ nhân làm cửa sổ kính màu - đã làm việc suốt ngày đêm trong năm năm, sử dụng các phương pháp lâu đời để trùng tu, sửa chữa hoặc thay thế mọi thứ đã bị phá hủy hoặc hư hỏng. "Tôi đứng đây trước quý vị để tỏ lòng biết ơn của toàn thể nước Pháp, lòng biết ơn của chúng tôi đối với tất cả những người đã cứu giúp, bang trợ và tái thiết nhà thờ," Tổng thống Emmanuel Macron phát biểu bên trong nhà thờ trong lễ mở cửa lại vào ngày 7 tháng 12, nói thêm rằng với quá trình trùng tu nhanh chóng, nước Pháp đã "đạt được điều không tưởng." Giáo hội Công giáo kì vọng nhà thờ sẽ đón 15 triệu du khách mỗi năm.

9. Thế vận hội Mùa hè Paris 2024

Thế vận hội Mùa hè năm 2024 quay trở lại Paris lần thứ ba và đúng 100 năm sau khi nó được tổ chức lần gần đây nhất tại đây. Trong hai tuần rưỡi, người dân thủ đô nước Pháp và người hâm mộ thể thao khắp thế giới theo dõi những cuộc tranh tài gay cấn không chỉ trong nhà thi đấu mà còn trên dòng sông Seine, bãi cỏ dưới chân tháp Eiffel, bờ biển ở Marseille, và thậm chí trên những con sóng cao ngất ở Tahiti, lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở Nam Thái Bình Dương. Léon Marchand trở thành “chàng trai vàng” của nước Pháp vì giành được bốn huy chương vàng và một huy chương đồng ở môn bơi, khiến anh trở thành vận động viên đạt được nhiều huy chương nhất tại kì Olympics này. Simone Biles, vận động viên thể dục dụng cụ Mỹ nổi tiếng, quay trở lại với thành tích gây ấn tượng là ba huy chương vàng và một huy chương bạc sau khi rút lui đầy tiếc nuối khỏi Thế vận hội Tokyo năm 2021. Khoảng 5 tỉ người – 84% khán giả toàn cầu tiềm năng – đã theo dõi Thế vận hội Paris, Ủy ban Olympic Quốc tế cho biết.

8. Donald Trump bị kết án ở New York

Donald Trump trở thành cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị tuyên phạm trọng tội khi một bồi thẩm đoàn ở bang New York vào tháng 5 phán quyết ông có tội đối với tất cả 34 cáo buộc trong một âm mưu gây ảnh hưởng bất hợp pháp đến cuộc bầu cử năm 2016 thông qua khoản tiền bịt miệng trả cho một diễn viên phim khiêu dâm, người nói rằng hai người họ từng quan hệ tình dục. Trong suốt phiên tòa xét xử trước đó, ông Trump luôn khẳng định ông không làm gì sai và vụ án này lẽ ra không bao giờ nên được đưa ra xét xử. Khoản thanh toán 130.000 đôla đến từ cựu luật sư cá nhân của ông Trump là Michael Cohen để mua sự im lặng của Stormy Daniels trong những tuần cuối cùng của cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 2016 mà các công tố viên cáo buộc là một nỗ lực can thiệp vào cuộc bầu cử. Vụ án tiền bịt miệng là vụ duy nhất trong bốn cáo buộc hình sự nhắm vào ông Trump được đưa ra xét xử. Các vụ án cấp liên bang về nỗ lực của ông đảo ngược kết quả cuộc bầu cử năm 2020 và cách ông xử lý các tài liệu mật sau khi rời nhiệm sở đã được bãi bỏ, theo chính sách của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ nói rằng tổng thống không thể bị truy tố ở cấp liên bang. Một vụ án hình sự khác liên quan đến cuộc bầu cử năm 2020 tại tòa án cấp bang Georgia hiện đang lâm vào bế tắc. Ông tuyên bố không có tội trong tất cả các vụ án.

7. Biến loạn chính trị ở Hàn Quốc

Hàn Quốc đang trải qua biến loạn chính trị trầm trọng nhất trong gần bốn thập niên giữa bối cảnh tổng thống tạm quyền và tổng thống chính thức của nước này bị luận tội và đình chỉ mọi quyền hành. Tổng thống Yoon Suk Yeol gây sốc cho cả nước và thế giới với loan báo vào tối muộn ngày 3 tháng 12 rằng ông sẽ áp đặt thiết quân luật để vượt qua bế tắc chính trị và xóa bỏ "các thế lực chống nhà nước." Tuy nhiên, chỉ trong vòng vài giờ, các nhà lập pháp đã bất chấp rào chắn của quân đội và cảnh sát mà vào nghị trường để biểu quyết chống lại sắc lệnh của ông Yoon. Dù nhanh chóng hủy bỏ sắc lệnh, ông Yoon bị quốc hội luận tội và đình chỉ quyền hành về cáo buộc nổi loạn. Kể từ đó ông đã từ chối chấp hành lệnh triệu tập của nhà chức trách và các công tố viên điều tra vụ việc trong khi chờ đợi một phiên xét xử của Tòa án Hiến pháp về việc có nên khôi phục quyền hành tổng thống của ông hay không. Thủ tướng Han Duck-soo, người được chỉ định làm tổng thống tạm quyền từ ngày 14 tháng 12, hôm thứ Sáu bị quốc hội luận tội vì từ chối bổ nhiệm ba vị chánh án cho đủ sĩ số Tòa án Hiến pháp.

6. Cuộc chiến ở Ukraine đứng trước bước ngoặt

Cuộc chiến tranh xâm lược của Nga nhắm vào Ukraine tiếp diễn trong năm 2024 với việc Nga đang chiếm thế thượng phong trên các mặt trận khắp miền đông và nam Ukraine và đang tiến quân với tốc độ nhanh nhất kể từ những ngày đầu khi quân Nga tràn sang nước láng giềng vào năm 2022. Cuộc chiến của Moscow cũng được yểm trợ bởi khoảng 10.000 binh sĩ mà Triều Tiên gửi sang cùng với đạn pháo, tên lửa chống tăng cũng như lựu pháo cơ giới và bệ phóng tên lửa. Ukraine tiếp tục chống trả cuộc xâm lược và thậm chí mở một cuộc xâm nhập bất ngờ nhằm chiếm giữ lãnh thổ bên trong Nga ở vùng Kursk vào tháng 8 nhằm buộc Nga rút bớt lực lượng ở miền đông. Dù vậy Nga vẫn tiến quân. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đang ráo riết vận động các nước Liên minh Châu Âu tăng cường hỗ trợ Ukraine trong bối cảnh Mỹ, nước cấp viện trợ quân sự nhiều nhất cho Ukaine hiện nay, có thể đóng hầu bao sau khi Donald Trump nhậm chức tổng thống vào tháng 1. Ông Trump đã nhiều lần đặt câu hỏi về sự can dự của Mỹ trong cuộc xung đột, nói rằng các đồng minh Châu Âu nên chịu thêm gánh nặng tài chính.

5. Trung Quốc quyết liệt khẳng định chủ quyền

Năm 2024 chứng kiến một nước Trung Quốc tiếp tục có những hành động quyết liệt nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền của mình ở những khu vực có tranh chấp với các nước láng giềng. Tại Biển Đông, tàu hải cảnh của Trung Quốc thường xuyên đụng độ với các tàu tiếp tế của Philippines làm nhiệm vụ hỗ trợ các binh sĩ và ngư dân ở Bãi cạn Second Thomas (Cỏ Mây) và Scarborough, xịt vòi rồng và tông va vào những tàu này gây thiệt hại về tài sản và khiến một thủy thủ Philippines bị mất một ngón tay vào tháng 6. Trong khi đó, các ngư dân Việt Nam đánh bắt tại vùng biển Quần đảo Hoàng Sa và Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng Trung Quốc kiểm soát đã bị tấn công, cướp phá tài sản, và bắt giữ vào cuối tháng 9. Một diễn biến khác cũng khơi lên phản đối của Việt Nam là việc Trung Quốc dường như đang xây dựng một hệ thống radar chống tàng hình mới trên đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa, được nói là sẽ mở rộng đáng kể khả năng giám sát của Trung Quốc trong khu vực.

Trung Quốc tiếp tục gia tăng áp lực lên đảo Đài Loan được cai trị dân chủ mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của mình. Trong năm năm qua, Trung Quốc đã điều chiến hạm và chiến đấu cơ gần như hàng ngày vào vùng biển và vùng trời xung quanh Đài Loan trong một nỗ lực tăng cường đe dọa quân sự nhắm vào hòn đảo này. Vào đầu tháng 12, Đài Loan đi vào tình trạng báo động trong bốn ngày để ứng phó với điều mà họ nói là đợt tụ hội lực lượng hải quân Trung Quốc lớn nhất trong ba thập niên quanh Đài Loan và ở Biển Hoa Đông và Hoa Nam (tức Biển Đông). Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức, người nhậm chức vào tháng 5 và bị Bắc Kinh coi là “kẻ ly khai,” nói sự cưỡng ép của trung Quốc không thể khuất phục người dân Đài Loan và chỉ có họ mới quyết định tương lai của chính mình.

4. Nga, Triều Tiên xoay chuyển bàn cờ chính trị

Lần đầu tiên trong 24 năm, Tổng thống Nga Vladimir Putin đến công du Triều Tiên và kí một thỏa thuận với lãnh tụ Kim Jong Un bao gồm một tuyên bố hỗ trợ quốc phòng tương trợ. Sự kiện này mở ra một thế trận chiến lược mới cho Nga, nước đang bị phương Tây cô lập vì cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, và Triều Tiên, nước chịu nhiều chế tài nặng nề của Liên Hợp Quốc liên quan đến chương trình hạt nhân của mình. Ông Putin cáo buộc Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và nói Triều Tiên có quyền tăng cường khả năng phòng thủ của mình. Về phần mình, ông Kim bày tỏ "sự ủng hộ vô điều kiện" đối với "mọi chính sách của Nga," bao gồm "sự ủng hộ trọn vẹn và liên minh vững chắc" cho cuộc chiến của ông Putin với Ukraine. Triều Tiên, vốn đã bị cáo buộc cung cấp cung cấp phi đạn đạn đạo và đạn pháo mà Nga sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine, vài tháng sau đó gửi thêm khoảng 10.000 binh sĩ đến để yếm trợ cuộc chiến của Moscow. Dù vậy, Mỹ và Ukraine cho biết binh sĩ Triều Tiên đang chịu thương vong hàng loạt trên các chiến tuyến.

3. Chế độ Assad sụp đổ ở Syria

Chế độ chuyên quyền 24 năm của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ nhanh chóng ở Syria vào đầu tháng 12 trong một sự kiện gây chấn động vùng Trung Đông và khiến thế giới sững sờ. Phiến quân Syria chiếm quyền kiểm soát thủ đô Damascus vào ngày 8 tháng 12, buộc ông Assad phải tháo chạy sau hơn 13 năm nội chiến và chấm dứt nền cai trị nhiều thập niên của gia đình ông. Cuộc càn quét của phiến quân cũng kết thúc một cuộc chiến đã giết chết hàng trăm ngàn người, gây ra một trong những cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất thời hiện đại và khiến các thành phố bị tàn phá thành đống đổ nát, vùng nông thôn bị bỏ hoang và nền kinh tế lụn bại vì chế tài khắp toàn cầu. Sự sụp đổ của chế độ Assad cũng hé lộ mức độ tàn bạo của sự trấn áp mà ông ta đem tới cho những người chống đối nền cai trị của mình. Một mồ chôn tập thể được phát hiện ở phía bắc Damascus gần đây chứa thi thể của ít nhất 100.000 người bị sát hại bởi chính quyền Assad, một tổ chức vận động nhân quyền cho người Syria cho biết. Bên cạnh đó, tương lai chính trị của Syria vẫn là một dấu chấm hỏi lớn và cũng khơi lên lo ngại. Nhà lãnh đạo nắm thực quyền hiện thời của Syria là Ahmed al-Sharaa, thủ lĩnh nhóm phiến quân Hayat Tahrir al-Sham mà trước đây từng là một chi nhánh của nhóm khủng bố al Qaeda.

2. Chiến tranh Israel-Hamas lan rộng ở Trung Đông

Cuộc chiến giữa Israel và nhóm chủ chiến người Palestine, Hamas, tiếp tục là một trong những cuộc xung đột vũ trang nóng nhất thế giới trong năm 2024. Israel tiếp tục ráo riết truy kích các phần tử Hamas bằng cách gia tăng áp lực quân sự ở Dải Gaza nhằm buộc họ phóng thích những con tin người Israel vẫn còn đang bị cầm giữ. Hàng loạt những thủ lĩnh cao cấp của Hamas đã bị Israel trừ khử trong lúc tiến hành chiến dịch này, bao gồm Ismail Haniyeh ở Iran và Yahya Sinwar ở Gaza. Hassan Nasrallah, thủ lĩnh nhóm chủ chiến Hezbollah liên minh với Hamas và Iran, cũng bị tiêu diệt trong một cuộc không kích khi Israel mở rộng giao tranh sang miền nam nước láng giềng Lebanon. Các cuộc oanh kích của Israel cũng vươn xa tới Iran vào tháng 10, và Yemen vào cuối tháng 12 để tấn công các mục tiêu của nhóm người Houthi có liên kết với Iran. Chiến tranh Israel-Hamas nổ ra sau cuộc tấn công của Hamas nhắm vào miền nam Israel ngày 7 tháng 10 năm 2023, khiến 1.200 người thiệt mạng và 251 người bị bắt làm con tin ở Dải Gaza, theo số liệu của Israel. Chiến dịch của Israel ở Gaza đã giết chết hơn 45.300 người Palestine kể từ đó, theo các quan chức y tế Hamas. Phần lớn trong số 2,3 triệu người dân phải tản cư và phần lớn Gaza đã bị tàn phá.

1. Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump giành chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 trong một sự trở lại vô tiền khoáng hậu trong lịch sử bầu cử tổng thống hiện đại của Mỹ. Bất chấp vai trò bị cáo buộc trong cuộc bạo loạn tấn công Điện Capitol vào năm 2021 - luận tội tại Hạ viện nhưng được tha bổng tại Thượng viện - và đối diện hơn 90 cáo buộc hình sự từ cấp bang tới liên bang, vị tỉ phú trực ngôn, ứng cử viên Đảng Cộng hòa, giành được sự tín nhiệm của người dân Mỹ một lần nữa và đánh bại ứng cử viên Đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Kamala Harris, giữa những lo ngại về nền kinh tế và tình trạng nhập cư bất hợp pháp. Cuộc vận động tranh cử năm nay đi vào lịch sử với những cơn địa chấn chính trị làm rung chuyển và xóc lại cuộc đua, như việc Tổng thống Joe Biden buộc phải dừng tranh cử vào tháng 7 sau cuộc tranh luận thảm hại và nhường lại chỗ cho cấp phó của ông là bà Harris, và việc ông Trump thoát chết trong gang tấc trong một vụ ám sát hụt khiến ông bị thương ở vành tai tại một cuộc tập hợp vận động tranh cử ở Pennsylvania cũng vào tháng 7. Với một nhiệm kì thứ hai và cũng là cuối cùng, ông Trump được dự báo sẽ đưa chủ thuyết MAGA (Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại) của mình trở lại vào hàng loạt những chính sách đối nội lẫn đối ngoại với cường độ mạnh mẽ hơn nhiệm kì đầu tiên, định vị lại vị thế và hình ảnh của nước Mỹ trong một thế giới mà kể từ sau khi ông rời đi đã chứng kiến chiến tranh liên miên và cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt.


https://d34iuj6n1uey68.cloudfront.net/a/nhin-lai-2024-10-su-kien-in-tuc-the-gioi/7918170.html?fbclid=IwY2xjawHhoIFleHRuA2FlbQIxMAABHXMZaWHAF5iBatUjB17fENGI1-MPlJv8lY1ujTMsibQ1DhS-G06gDNyt9g_aem_wX82a-BQTIcXv-8DrdW-kA