Cơ quan hàng không vũ trụ của Ấn Độ phóng một tên lửa hôm thứ Sáu 14/7, đưa một tàu vũ trụ vào quỹ đạo và tiếp đến trong kế hoạch là cho tàu đổ bộ vào tháng sau xuống cực nam của mặt trăng, một kỳ tích chưa từng có sẽ nâng cao vị thế của Ấn Độ thành một cường quốc trong hoạt động vũ trụ.
Tên lửa LVM3 của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã được phóng đi từ sân bay vũ trụ chính của đất nước ở bang Andhra Pradesh thuộc miền nam vào chiều 14/7.
Khoảng 16 phút sau, bộ phận điều khiển chương trình bay của ISRO thông báo rằng tên lửa đã đưa tàu đổ bộ Chandrayaan-3 vào quỹ đạo trái đất thành công, và điều này sẽ đưa tàu bay đi thực hiện cuộc đổ bộ trên mặt trăng vào tháng tới.
Nếu chương trình này thành công, Ấn Độ sẽ đứng chung hàng ngũ với 3 quốc gia khác đã thực hiện được đáp tàu xuống mặt trăng một cách có kiểm soát, bao gồm Hoa Kỳ, Liên Xô cũ và Trung Quốc.
Tàu vũ trụ Chandrayaan-3 cũng sẽ là tàu đầu tiên hạ cánh xuống cực nam của mặt trăng, một khu vực được các cơ quan vũ trụ và công ty vũ trụ tư nhân đặc biệt quan tâm vì có sự hiện diện của băng từ nước có thể hỗ trợ một trạm vũ trụ trong tương lai.
Tên lửa phóng đi từ sân bay vũ trụ chính của Ấn Độ lúc 2h35 chiều, giờ địa phương (9h05 sáng, giờ chuẩn quốc tế GMT).
Chandrayaan, có nghĩa là "tàu mặt trăng" trong tiếng Phạn, bao gồm một phương tiện đổ bộ cao 2 mét được thiết kế để triển khai một xe tự hành gần cực nam của mặt trăng, ở đó, nó dự kiến sẽ duy trì hoạt động trong hai tuần để thực hiện một loạt thí nghiệm.
ISRO cho hay cuộc đổ bộ lên mặt trăng dự kiến sẽ diễn ra hôm 23/8.
Vụ phóng này là chương trình lớn đầu tiên của Ấn Độ kể từ khi chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi công bố các chính sách thúc đẩy đầu tư vào các cuộc phóng lên vũ trụ và các hoạt động kinh doanh gắn với vệ tinh có liên quan.
Kể từ năm 2020, khi Ấn Độ mở cửa cho tư nhân phóng các tên lửa, số lượng các công ty khởi nghiệp về vũ trụ đã tăng hơn gấp đôi. Cuối năm ngoái, Skyroot Aerospace, với các nhà đầu tư bao gồm cả quỹ đầu tư quốc gia GIC của Singapore, đã phóng tên lửa do tư nhân chế tạo đầu tiên của Ấn Độ.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten