dinsdag 15 augustus 2017

Zhang Yong (Trương Dũng) thành "tỷ phú Trung Quốc" nhờ bán... lẩu hải sản với 200 cửa hàng ăn “Haidilao” (Hải Để Lao = mò đáy biển) và phương châm "Khách hàng là... Vua"

Thành tỷ phú Trung Quốc nhờ bán lẩu hải sản

Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)
Lẩu là món ăn thông dụng ở Trung Quốc, có thể ăn ngay ở một cửa hàng bên hè phố Bắc Kinh. (Hình minh họa: Fred DufourAFP/Getty Images)
“Haidilao” (Hải Để Lao = mò đáy biển) là hệ thống hơn 200 cửa hàng ăn ở Trung Quốc và nhiều nước khác trên thế giới với lẩu là món chính.
Theo Bloomberg News, bằng sự thành công của Haididao, đồng sáng lập viên và chủ tịch Zhang Yong (Trương Dũng) bây giờ là một trong những tỷ phú Trung Quốc. Doanh thu của hệ thống cửa hàng này tăng 30% lên tới 10 tỷ nhân dân tệ ($1.5 tỷ). Ông Trương Dũng thường trú từng thời gian ở Trung Quốc và Singapore, nơi vợ và con sống trong một căn nhà $20 triệu ông mới mua năm ngoái.
Theo Business Times, ông Trương Dũng gốc dân Tứ Xuyên, lúc 19 tuổi làm thợ hàn trong một xưởng cơ khí quốc doanh ở thành phố Jianyang (Giản Dương) với lương tháng 92 nhân dân tệ ($14). Số phận run rủi khiến ông bị đuổi việc trong những năm sau đó do tranh cãi với ban giám đốc một hãng sản xuất máy kéo về căn hộ dành cho mình và người vợ chưa cưới.
Năm 1994, ông mở tiệm đầu tiên ở Giản Dương, chỉ có bốn bàn ăn. Lẩu là món ăn quen thuộc của người Trung Quốc, và mỗi tỉnh, mỗi sắc dân có một cách chế biến riêng. Người Việt từ lâu đã quen biết với món “tạp pín lù” (tạp phẩm lô) của dân Quảng Đông. Nói chung, lẩu là lối ăn với nhiều loại thực phẩm tươi sống gồm các loại thịt, hải sản, rau, nấm, đậu, mì… được nhúng vào một nồi nước dùng đun sôi đặt ngay tại bàn ăn. Đặc điểm của lẩu Tứ Xuyên là có nhiều gia vị và thường rất cay.
Các tiệm Haidilao xuất hiện vào thời điểm Trung Quốc phát triển kinh tế, tạo ra một lớp dân trung lưu thế hệ trẻ ở các thành phố. Giới này có nhu cầu ăn uống bên ngoài và thường không đi một mình mà là một nhóm, cho nên ăn theo kiểu lẩu rất phù hợp.
Theo Bloomberg News, hiện nay hệ thống Haidilao có 196 cửa hàng ở 60 thành phố tại Trung Quốc và theo dự trù sẽ thêm 80 cửa hàng khác trong năm 2017. Haidilao cũng mở nhiều cửa hàng ở các nước khác như Singapore, Nam Hàn, Nhật, và Mỹ.
Cửa hàng đầu tiên của Haididao ở Nam California là trong thương xá Westfield, thành phố Arcadia, nơi có 59.2% dân gốc Châu Á. Tiếp đó Haididao cũng đang mở thêm cửa hàng ở một khu vực đông dân Châu Á khác là San Gabriel Valley, nơi có hai thành phố Alhambra và Monterey Park.
Nhưng yếu tố chính đưa đến thành công cho Haidilao là dịch vụ khách hàng và tiếp thị, ở những cửa hàng sang trọng cũng như bình dân. Một số cửa hàng Haidilao phục vụ khách trong lúc chờ đợi những việc như đánh giầy, sửa móng tay hay tẩm quất vai lưng miễn phí. Khách có tấm khăn che quần áo để tránh đồ ăn rơi rớt và nếu có điện thoại thì được cung cấp bao đựng. Quản lý các cửa hàng được tự do có sáng kiến để thu hút khách và làm cho họ thành những khách ăn trung thành.
Tuy nhiên, nếu những phương cách ấy có thể khiến Haidilao thành công ở thị trường Trung Quốc thì cũng chưa hẳn đã có hiệu quả ở các thị trường ngoại quốc. Tạp chí thương mại Forbes nói là trong thực tế không có đủ nhân viên để nên chỉ khoảng 1/30 khách được phục vụ những nhu cầu phụ như thế. Trang mạng Yelp chuyên nhận định về các cửa hàng ăn uống chỉ đánh giá Haidilao vào hạng 3 trên 5 sao.
Chỉ có học lực chưa hết bậc trung học, trong việc tuyển dụng nhân sự, ông Trương Dũng không đặt căn bản trên bằng cấp dù là Đại Học Bắc Kinh hay Harvard. Ông chú trọng tới việc đề bạt trong nội bộ những nhân viên có khả năng và kinh nghiệm. Tổng giám đốc điều hành Yang Xiaoli khởi đầu chỉ là một nữ nhân viên phục vụ bàn ăn. Wang Bin, 32 tuổi, dân tỉnh Thiểm Tây, là một nhân viên làm công tác vệ sinh cho Haididao, bây giờ là quản lý một cửa hàng mở 24 giờ ở khu thương mại Sanlitun, Bắc Kinh, và mới được mở một đại lý (franchise) ở thành phố Vệ Hải, Quảng Đông. Quản lý các cửa hàng đại lý được đánh giá theo sự vừa ý của khách hàng thay vì bằng thu nhập.
Những nhân viên vào làm việc cho Haididao ban đầu chỉ có lương thấp nhưng có thể tăng rất nhanh căn cứ trên thành tích. Ban giám đốc cũng như các nhân viên Haidilao đều có gốc gác là dân lao động tầm thường từ vùng nông thôn ra kiếm việc làm ở các đô thị. Do đó, ông Trương Dũng hiểu rất rõ những thách thức trong cuộc sống tại các thành phố lớn. Nhân viên Haididao và gia đình được cấp những căn hộ có đủ tiện nghi và trợ cấp hàng tháng cho người có cha mẹ già. Công ty cũng có một quỹ cứu trợ khẩn cấp đề phòng những trường hợp bất trắc xảy ra.
Ông Trương Dũng bây giờ không còn vướng bận công việc điều hành hệ thống Haidilao, dùng thời gian để nghiên cứu hoạch định chiến lược cho sự phát triển với những điều kiện phức tạp của thị trường quốc tế.
Tờ Wall Street Journal cho biết Haidilao có kế hoạch mở khoảng 75 cửa hàng trên thị trường Mỹ. Ông Trương Dũng nói là ông quyết tâm phát triển Haidilao thành một hệ thống toàn cầu. Ông tỏ ra không vừa lòng với cửa hàng đã mở ở Arcadia, Los Angeles, cho rằng việc kinh doanh quá chú trọng đến dân gốc Hoa. Theo ông, để có thể thu hút đông đảo khách hàng hơn, những cửa hàng tương lai của Haidilao phải quan tâm đến văn hóa và lối sinh hoạt của dân Mỹ.
Ông nói: “McDonald’s, Coca-Cola, Starbucks tất cả đều phản ánh văn hóa Mỹ. Bây giờ cả thế giới đều chú ý đến Trung Quốc, dịch vụ ẩm thực Trung Quốc có cơ hội phát triển với điều kiện hòa nhập cùng quốc tế.”

https://www.nguoi-viet.com/nhin-tu-hoa-ky/thanh-ty-phu-trung-quoc-nho-ban-lau-hai-san/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten