vrijdag 25 augustus 2017

Châu Âu tự vệ trước sự bành trướng đầu tư Trung Quốc

Châu Âu tự vệ trước sự bành trướng đầu tư Trung Quốc

mediaThủ tướng Đức Angela Merkel và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thượng đỉnh G20 Hambourg, Dức, ngày 07/07/2017.REUTERS/John MACDOUGALL,POOL
Không phải đến bây giờ các nước Liên Hiệp Châu Âu mới ý thức được nguy cơ bành trướng kinh tế của Bắc Kinh. Nhưng bây giờ là lúc EU có hành động cụ thể để tự bảo vệ mình trước các vụ thôn tính tràn lan của các nhà đầu tư Trung Quốc trong đủ mọi lĩnh vực kinh tế. Đó là chủ đề chính của nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay, với bài xã luận khẳng định: « Đối mặt với Bắc Kinh, Châu Âu tự vệ là đúng ».
Les Echos nhận thấy việc Bắc Kinh bành trướng kinh tế sang sân châu Âu không phải là mới. Người ta vẫn « luôn nghĩ tới nhưng chưa bao giờ nói đến. Chưa một lần nào Trung Quốc được nêu tên trong các công việc của các nước châu Âu liên quan đến vấn đề tự bảo vệ chống lại các đầu tư nước ngoài bị coi là không được mong đợi ». Giờ đây, các nước châu Âu mới bắt đầu thực sự để mắt đến chuyện đầu tư của nền kinh tế thứ 2 thế giới.
Tờ báo kinh tế cho biết, từ tháng 02/2017, Pháp, Đức và Ý đã lên tiếng kêu gọi Ủy Ban Châu Âu bàn thảo về hồ sơ này. Tháng 06 vừa qua, ba nước đã gửi một văn kiện cụ thể đề nghị Liên Hiệp Châu Âu có biện pháp với chiến dịch thâu tóm dữ dội của các nhà đầu tư nước ngoài. Tài liệu trên đề cập đến việc châu Âu phải đặt ra các lằn ranh đỏ để ngăn chặn các thương vụ thâu tóm từ nước ngoài, không chỉ đối với các trường hợp liên quan đến an ninh quốc gia. Đó có thể là các thương vụ mà bên mua được hỗ trợ của Nhà nước hay các vụ thâu tóm nằm trong chỉ thị của chính phủ.
Les Echos nhận thấy, rõ ràng nội dung văn kiện trên nhằm vào Trung Quốc là chính. Bởi vì chương trình Made in China 2025 của Bắc Kinh đang được cụ thể hóa bằng làn sóng các tập đoàn lớn Trung Quốc thâu tóm đầu tư vào các ngành công nghệ cao cấp của châu Âu.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc tạo ra vô số các trở ngại đối với các nhà đầu tư nước ngoài, như bắt buộc họ phải thành lập công ty liên doanh, phải chuyển giao công nghệ, cấm đầu tư vào một số lĩnh vực … Đó rõ ràng là không có đi có lại một cách công bằng. Vì thế trong tài liệu gửi lên Ủy Ban Châu Âu, Đức, Pháp, Ý cũng đề nghị biện pháp ngăn chặn các vụ mua bán đối với các nhà đầu tư ở những nước không mở cửa tương xứng cho châu Âu.
Les Echos bình luận, ba nước chủ chốt của châu Âu đã rất đúng khi có ý định dập tắt cơn thèm khát công nghệ châu Âu của Trung Quốc. Cho dù các văn kiện kiến nghị của họ không nhắc đến Trung Quốc, nhưng ngôn từ rất kiên quyết đủ để hiểu việc gia tăng kiểm soát bảo hộ nhằm vào quốc gia nào.
Hai góc độ tấn công trong tài liệu đều rất đúng, không ảnh hưởng đến các quy định kinh tế thị trường, mà chỉ để bảo đảm các vụ mua bán không phải do chủ trương chỉ đạo của chính phủ và được hỗ trợ tài chính từ chính phủ.
Les Echos nhận thấy là sự chồng chéo quyền lực chính trị trên các hoạt động kinh tế ở Trung Quốc rất lớn. Sự nghi ngại của các nước là hoàn toàn chính đáng. Hơn nữa, châu Âu có quyền trông đợi nhiều hơn vào quan hệ làm ăn « có đi, có lại ».
Bài báo dẫn lại một sự kiện liên quan đến nước Đức. Năm 2016, vụ tập đoàn về thiết bị điện gia dụng Trung Quốc Midea mua lại Kuka, hãng chế tạo robot công nghiệp của Đức đã gây rúng động trong giới công nghiệp Đức. Thủ tướng Angela Merkel đã phải sử dụng những quyết định pháp lý thích hợp để ngăn chặn thương vụ thâu tóm này.
Theo Les Echos, năm ngoái các công ty Trung Quốc đã đầu tư hơn 35 tỷ euro vào châu Âu, tăng 76% trong một năm. Vẫn còn một số nước châu Âu như Hà Lan, Bồ Đào Nha hay Phần Lan có nhu cầu và họ vô tư đón nhận đầu tư của Trung Quốc. Nhưng nhiều nước thành viên khác đều thấy EU cần trang bị các phương tiện để không còn là con cừu giữa đàn sói trong quá trình toàn cầu hóa.
Cửa ải giấy tờ của người nước ngoài ở Pháp
Chuyển qua nhật báo Libération, trên trang mục nước Pháp, qua bài một phóng sự dài, tờ báo quan tâm đến nỗi khổ của những người nước ngoài định cư tại Pháp mỗi khi phải đi làm giấy tờ
Họ là những người có giấy tờ định cư hợp lệ từ nhiều năm qua. Nhưng giờ đây, mỗi khi phải đi gia hạn thẻ cư trú, họ phải thức cả đêm ở ngoài trời để xếp hàng, chờ đợi. Phóng viên báo Libération đã đến sở cảnh sát Nanterre, ngay gần Paris, để gặp gỡ với những người mà tờ báo gọi là những « người bị hành chính Pháp xử tệ ».
Tờ báo ghi nhận, « một ngày trong tháng 8 này, trước hàng rào sở cảnh sát Nanterre, trên dọc vỉa hè, gần 200 con người nằm dài trên các tấm bìa, cuốn tạm một tấm chăn từ 3 giờ sáng. Họ đang chờ xếp hàng để làm lại giấy tờ định cư ».
Đến 9 giờ 30, sở cảnh sát làm việc, số người xếp hàng lên tới gần 1.000 người. Không ít người thấp thỏm không biết có đến lượt khi hết giờ làm việc vào buổi chiều hay không.
Libération kể lại trường hợp của một thanh niên Trung Quốc. Anh Lưu, 30 tuổi, là kỹ sư có hợp đồng làm việc dài hạn. Để có giấy tờ hợp lệ làm việc, cứ 3 tháng một lần, anh phải trở lại nơi đây để gia hạn giấy tờ. Mỗi lần như vậy, anh lại phải nghỉ cả cả một ngày làm việc. Hôm trước, anh phải đợi đến 5 tiếng, gần đến lượt thì hết giờ làm việc của sở và đành phải « về không ». Trường hợp như anh Lưu không phải là hiếm, mỗi ngày có cả trăm người bỏ cả ngày làm việc chỉ để xếp hàng, cuối cùng chẳng được việc gì.
Tác giả bài viết còn trao đổi tại chỗ với một người khác. Đó là ông Mohan, 76 tuổi, người Algéri, định cư ở Pháp từ năm 1962, nay đã về hưu. Ông cho biết đã phải ở trong tình trạng không giấy tờ suốt nửa năm qua vì sở cảnh sát không gia hạn thẻ cư trú 10 năm cho ông. Không có giấy tờ thì ông không đi lại được, nhất là khi cần về quê nhà thăm thân…
Thực trạng quá tải này được sở cảnh sát Nanterre cho biết đã trở nên trầm trọng từ tháng 06/2017 và không chỉ có ở Nanterre mà còn ở khắp các sở cảnh sát trong khu vực Paris và vùng phụ cận. Thậm chí, giờ đây bắt đầu xuất hiện dịch vụ bán chỗ xếp hàng. Một chỗ có giá từ 150 đến 300 euros.
Tai nạn đụng tàu khiến hải quân Mỹ lúng túng
Tiếp tục với Libération, tờ báo trở lại vụ khu trục hạm mang tên lửa của hải quân Mỹ USS. S. McCain va chạm với một tàu chở hàng tại vùng biển Malaca gần Singapore sáng thứ Hai (21/08). Vụ tai nạn làm chiến hạm hiện đại Mỹ thủng một lỗ lớn trên thân và 10 thủy thủ của tàu vẫn còn mất tích.
Tờ báo nhận định vụ đụng tàu mới này đang khiến hải quân Mỹ trở nên lúng túng. Đây là vụ đụng với tàu hàng thứ 2 trong vòng chưa đầy hai tháng của Hải Quân Mỹ trong khu vực châu Á. Sự việc khiến đô đốc Hải Quân Mỹ John Richarson phải ra lệnh « dừng hoạt động » của các tầu chiến Mỹ. Theo tờ báo, khó có khả năng hải quân hùng hậu nhất thế giới ngừng các hoạt động được. Nhưng tuyên bố trên cho thấy hải quân Mỹ đã ý thức được mức độ nghiêm trọng của sự việc. Mặt khác, nó cho thấy sự lúng túng của các lãnh đạo lực lượng này.
Đúng là eo biển Malacca nằm giữa Singapore, Indonesia và Malaysia là tuyến hàng hải đông tàu bè qua lại thứ hai trên thế giới. Nhưng điều đó cũng không lý giải được làm sao mà một chiến hạm Mỹ không thể tránh được tai nạn. Trên CNN, hôm qua, nhà phân tích quân sự Mỹ Rick Franconna thắc mắc: « Làm sao một khu trục hạm hiện đại của Hải Quân được trang bị biết bao nhiêu là hệ thống radar, thiết bị liên lạc và một đài kiểm soát hoạt động thường trực, lại có thể không phát hiện và tránh được con tầu hàng 30.000 tấn có tốc độ chỉ 10 hải lý ? »
Theo các chuyên gia, đơn giản là những vụ tai nạn như vậy xảy ra do sai sót của con người và tình trạng làm việc quá tải của thủy thủ đoàn. Những sự cố trên biển này xảy ra trong bối cảnh Hải Quân Mỹ đang muốn đẩy mạnh hoạt động giám sát an ninh hàng hải trong khu vực và căng thẳng với Bắc Triều Tiên, nhưng năng lực và sức mạnh của Hải Quân Mỹ đang có vấn đề.
Neymar bắt đầu gây sốt báo chí
Phần cuối mục điểm báo xin được dành cho tin thể thao. Báo chí Pháp đã thực sự bị Neymar, danh thủ bóng đá người Brazil, mê hoặc sau trận đấu thứ 2 của anh trong giải vô địch quốc gia Pháp gặp Toulouse, dưới màu áo của câu lạc bộ Paris Saint Germain. Trong trận này, Neymar ghi 2 bàn thắng và đã cống hiến cho khán giả Pháp màn trình diễn kỹ thuật tuyệt vời. Le Figaro thốt lên rằng : « Paris phát hiện ra niềm vui sướng của bóng đá ». Tờ thể thao l’Equipe thì chạy tựa : « Neymar, người quyến rũ ». Còn theo Libération, ngôi sao mới về PSSG đã chơi một « bản hùng ca của bóng đá ». Báo chí không ngớt lời ca ngợi, còn chuyên gia tiếp thị thể thao thấy ở Neymar một tiềm năng khác. Danh thủ này sẽ đem lại hiệu quả kinh doanh rất lớn cho câu lạc bộ thành Paris, nhất là trên thị trường châu Á, trong thời gian tới.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170822-chau-au-chuan-bi-tu-ve-truoc-su-banh-truong-dau-tu-trung-quoc

Trung Quốc tăng tốc thâu tóm các đại công ty Pháp và châu Âu

mediaKhu nghỉ dưỡng du lịch tại Tam Á (Sanya), Hải Nam của tập đoàn du lịch Pháp Club Med hiện do các nhà đầu tư Trung Quốc kiểm soát. Ảnh chụp ngày 12/10/2016.AFP
Dưới tựa đề « Trung Quốc háu ăn », nhật báo Pháp Le Monde ngày 08/02/2017 đã nêu bật sự kiện cường quốc kinh tế thứ hai của thế giới đang gia tăng tốc độ vung tiền ra để mua lại các doanh nghiệp lớn tại Pháp và châu Âu, buộc một số nước phải tăng cường phản ứng tự vệ. Thông tin này rất đáng chú ý trong bối cảnh mọi tờ báo Pháp, kể cả Le Monde, đều tập trung cho thời sự Pháp, và cho vô số sự kiện liên quan đến tân tổng thống Mỹ Donald Trump.
Bài báo Le Monde trước hết đã nhắc lại một thông tin mà theo tờ báo đã nhàm đến mức mà hiện nay chẳng ai thèm quan tâm : Tập đoàn Phục Tinh (Fosun) của Trung Quốc sắp giành quyền kiểm soát công ty quản lý bất động sản Pháp Paref đang được yết giá trên thị trường chứng khoán Paris. Tập đoàn Phục Tinh không lạ gì với người Pháp vì đã nuốt chửng biểu tượng của ngành du lịch Pháp là Club Med, và đang ngấp nghé la Compagnie des Alpes một công ty nổi tiếng khác.
Đối với Le Monde, từ bất động sản, du lịch, cho đến nông sản thực phẩm hay công nghiệp, các nhà đầu tư Trung Quốc đã bắt đầu thiết lập cơ sở một cách lâu dài tại Pháp và châu Âu, và đà thâu tóm các doanh nghiệp đã tăng tốc đáng kể trong ba năm gần đây.
Theo số liệu của công ty luật Baker McKenzie, từng nghiên cứu trong nhiều năm đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc, riêng trong năm 2016, Trung Quốc đã cam kết bỏ ra gần 94,2 tỷ đô la, chủ yếu để mua lại các doanh nghiệp, tăng gấp đôi so với năm 2015 và gấp 40 lần so với mười năm trước đây…
Tại châu Âu, sau khi một thời gian bám trụ ở miền Nam, các công ty Trung Quốc đã bắt đầu tiến lên chinh phục miền Bắc. Họ đã vung tiền ra mua các doanh nghiệp tại Đức (12 tỷ đô la), tại Anh (9 tỷ), tại Phần Lan và Thụy Sĩ. Họ không còn chỉ chú ý đến các tài sản mang tính đầu cơ như bất động sản, tài chính, mà đã mở rộng thu mua trong lãnh vực công nghiệp, công nghệ và cơ sở hạ tầng.
Theo Le Monde, quả là chính quyền Trung Quốc đang tung lực lượng đánh chiếm các pháo đài phương Tây, dùng đến các đội lính đánh thuê, vì lẽ 70% những vụ mua lại doanh nghiệp đều do các công ty tư nhân ngoài quốc doanh thực hiện.
Ngày càng có nhiều phản ứng chống lại
Chiến dịch tấn công tăng tốc của Trung Quốc tuy nhiên đã làm dấy lên làn sóng phản ứng tương xứng. Theo Le Monde, số lượng thương vụ thu mua bị thất bại đã tăng cao trong thời gian qua. Riêng trong năm 2016 chẳng hạn, ba mươi vụ thâu tóm đã bị ngăn chặn, với tổng trị giá lên đến 75 tỷ đô la, tăng gấp bảy lần so với năm trước.
Thái độ nghi kỵ Trung Quốc đã tăng cao ở mọi nơi chứ không riêng gì ở Mỹ. Sự kiện một hãng điện lực Trung Quốc bị loại ra khỏi danh sách các tập đoàn tham gia vào việc cơ cấu lại nguồn vốn của tập đoàn năng lượng Pháp Areva là ví dụ nổi đình đám nhất.
Nước Đức cũng đã bắt đầu lo âu trước nguy cơ các báu vật công nghiệp của mình bị Trung Quốc bỏ vào túi.
Dẫu sao thì theo Le Monde, năm 2017 này cũng vẫn sẽ tốt đẹp cho Trung Quốc, đặc biệt với vụ hãng hóa chất Trung Quốc ChemChina, mua lại tập đoàn Thụy Sĩ Syngenta với giá hơn 40 tỷ đô la.
Nhưng sau đó thì đà thâu tóm doanh nghiệp có thể chậm lại vì Bắc Kinh đang tìm cách ngăn chặn tình trạng thất thoát vốn, đặc biệt tác hại đến giá trị đồng nhân dân tệ Trung Quốc.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170208-trung-quoc-tang-toc-thau-tom-cac-dai-cong-ty-phap-va-chau-au

Trung Quốc vung tiền thâu tóm các công ty phương Tây

mediaNghiên cứu bắp biển đổi gien trong phòng thí nghiệm của Syngenta tại Bắc Kinh, 19/02/2016. ChemChina đã bỏ ra đến 43 tỉ đô la để mua tập đoàn Thụy Sĩ này.REUTERS/Kim Kyung-Hoon/Files
Thông tín viên Libération tại Bắc Kinh hôm nay 22/03/2016 có bài viết mang tựa đề « Trung Quốc thâu tóm nhiều công ty ngoại quốc ». Đang suy sụp về kinh tế, Bắc Kinh tung ra số dự trữ ngoại hối khổng lồ để mua lại các công ty lớn của phương Tây cùng với công nghệ của họ.
Libération nhận xét, Trung Quốc không còn bằng lòng với vai trò công xưởng thế giới nữa. Bắc Kinh đã cắm những lá cờ đỏ của mình tại khắp nơi trên thế giới, và không còn tự giới hạn ở việc tham gia góp vốn vào các công ty ngoại quốc, nhằm thương lượng chuyển giao công nghệ để đổi lấy thị phần nội địa. Các tập đoàn quốc doanh và tư nhân Trung Quốc nay không ngần ngại mua lại các tập đoàn đa quốc gia trong những lãnh vực chiến lược như năng lượng hay nông hóa.
Doanh nghiệp Trung Quốc không chờ đợi việc kinh doanh trong nước trở nên tệ hại hơn mới đầu tư ra nước ngoài. Từ nhiều năm qua, việc quốc tế hóa các tên tuổi hàng đầu Trung Quốc vẫn là ưu tiên của chính quyền Bắc Kinh. Đất nước có dự trữ ngoại hối khổng lồ đã thành công trong việc lăng-xê các tập đoàn đa quốc gia của mình như Hoa Vi (Huawei) trong ngành viễn thông, Haier về thiết bị điện tử gia đình.
Nhưng việc ChemChina tung đến 43 tỉ đô la để mua tập đoàn Syngenta của Thụy Sĩ vào đầu tháng Hai đã đánh dấu một bước ngoặt mới, là biểu tượng cho tham vọng quốc tế hóa của Bắc Kinh. Đây là vụ thâu tóm quan trọng nhất từ trước tới nay, so với vụ tập đoàn dầu khí Trung Quốc CNOOC mua công ty năng lượng Nexen của Canada với giá 15,2 tỉ đô la hồi năm 2013. Và đây không phải là vụ cuối cùng, vì kinh tế Trung Quốc cần tìm những lối thoát bằng cách vươn ra ngoài biên giới.
Libération nêu ra bối cảnh u ám hiện nay để giải thích. Xuất khẩu sụt giảm đến 25% vào tháng Hai (cao nhất kể từ tháng 5/2009), tăng trưởng chỉ còn 6,9% trong năm 2015 (tệ hại nhất từ một phần tư thế kỷ), hoạt động sản xuất công nghiệp tháng vừa rồi xuống thấp nhất từ bốn năm qua…Những đám mây xám xịt vần vũ trên bầu trời Trung Quốc vào đầu năm 2016, làm ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán thế giới.
Vẫn còn có một tin vui : sự năng động của các công ty Trung Quốc ở nước ngoài. Theo quỹ ACapital có trụ sở tại Bắc Kinh và Hồng Kông, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư 118 tỉ đô la ra ngoại quốc trong năm 2015, tăng 15% so với năm trước. Với các mục tiêu đa dạng : sở hữu được các nhãn hiệu nổi tiếng, công nghệ và chuỗi phân phối để tăng thêm giá trị, chiếm được thị phần tại các vùng đất chưa khai thác, đồng thời chia nhỏ rủi ro tài chính.
Đua nhau đầu tư ra ngoại quốc để bảo toàn vốn
Lần đầu tiên trong lịch sử, đường cong biểu thị đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đã tiệm cận, và trong năm 2016 có thể vượt qua số vốn được các tập đoàn đa quốc gia trên khắp thế giới đầu tư vào nước này. Khoảng cách giữa hai con số nay chỉ có 8 tỉ đô la, so với 48 tỉ đô la của mười năm trước.
Chủ tịch ACapital, ông André Loesekrug-Pietri nhận định : « Các tập đoàn công nghiệp Trung Quốc không còn triển vọng tăng trưởng, mà nay tăng trưởng phải đi tìm ở nước ngoài ».
Một nguồn tin phương Tây ở Bắc Kinh cho biết : « Liên Hiệp Châu Âu về mặt công nghệ, là một loại tiệc buffet được ăn xả giàn của người Trung Quốc ». Lợi dụng châu Âu bị khủng hoảng, Bắc Kinh đã thâu tóm được nhiều doanh nghiệp với giá rẻ ; đồng thời đặt chân được vào thị trường châu lục này.
Sau Anh và Đức, Pháp là nước thứ ba bị Trung Quốc dòm ngó. Chẳng hạn Phục Sơn (Fosun) mua lại công ty du lịch Club Med, Jinjiang kiểm soát Louvres Hotel Group, một tập đoàn khác chiếm được 49,9% vốn của phi trường Toulouse-Blagnac. Đang cần tiền, chính phủ Pháp không còn phản đối việc Trung Quốc mua lại các công ty được coi là chiến lược, với điều kiện phần góp vốn phải dưới 50%. Có thể kể tập đoàn xe hơi PSA, tập đoàn nguyên tử Areva, tập đoàn điện lực Pháp EDF…
Tuy nhiên tại Hoa Kỳ thì khó khăn hơn, chủ trương bảo hộ của Mỹ đã phần nào ngăn lại tham vọng của Trung Quốc. Năm 2005, CNOOC đành phải rút lui, không mua được công ty dầu lửa Unocal ; năm 2008 chính quyền liên bang Mỹ không cho Hoa Vi mua lại 3Com, và mới đây, chuỗi khách sạn Starwood đã chọn lựa đồng hương Marriott thay vì bán lại cho nhóm Angbang của Trung Quốc. Tuy vậy, đầu tư của Bắc vào Hoa Kỳ cũng đã tăng 30% so với năm 2014, và sẽ còn tiếp tục tăng.
Các tập đoàn quốc doanh muốn đáp ứng những nhu cầu chiến lược của Trung Quốc : tự cung ứng được thực phẩm, bảo đảm nguồn cung năng lượng, nâng cấp kỹ nghệ và công nghệ mới…Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tư nhân thì tìm cách bảo vệ nguồn vốn của mình, mang đi xa khỏi thị trường tài chính Trung Quốc đang chao đảo. Về phía các quỹ đầu tư Trung Quốc cũng không chịu bó tay, khi thị trường nội địa quá nhiều cạnh tranh, tỉ lệ lãi ít, lãnh vực đầu tư hạn chế.
Theo nhà phân tích Christine Lambert-Goué của ngân hàng Invest Securities, nếu cách đây bốn, năm năm, người Trung Quốc chủ yếu mua các công ty trong lãnh vực nguyên vật liệu, thì nay họ đã đa dạng hóa, từ nông sản thực phẩm, địa ốc cho đến công nghệ.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160322-trung-quoc-vung-tien-thau-tom-cac-cong-ty-phuong-tay

Geen opmerkingen:

Een reactie posten