maandag 24 september 2012

Miến Điện : Aung San Suu Kyi khẳng định uy tín trên trường quốc tế

23 Tháng Chín 2012       
Miến Điện : Aung San Suu Kyi khẳng định uy tín trên trường quốc tế
Bà Aung San Suu Kyi nói chuyện tại Đại học Columbia, New York, Hoa Kỳ, 22/09/2012
Bà Aung San Suu Kyi nói chuyện tại Đại học Columbia, New York, Hoa Kỳ, 22/09/2012
REUTERS

Tú Anh
Hơn bao giờ hết, bà Aung San Suu Kyi xứng danh là ngọn đuốc soi đường cho cách mạng dân chủ tại Miến Điện. Tại Hoa Kỳ, đi đến đâu, giải Nobel Hòa bình 1991 đều được đón tiếp với vinh dự dành cho một nhà lãnh đạo tầm cỡ quốc tế. Nhưng, liệu nhược điểm thiếu kinh nghiệm chuyên môn có phải là trở lực trên đường xây dựng dân chủ hay không ?

Trước cử tọa ngồi chật đại giảng đường đại học Queens College ở New York vào thứ Bảy 22/09/2012, lãnh đạo đối lập Miến Điện tuyên bố, bà « đến đây để cám ơn và cầu mong tất cả hãy tiếp tục ủng hộ Miến Điện hoàn tất hành trình dân chủ hóa, để mai đây, Miến Điện tìm lại được (hình ảnh) của một đất nước của niềm hy vọng… và sẽ đến phiên mình trợ giúp những quốc gia khác…. ».
Lời tuyên bố này của bà Aung San Suu Kyi có giá trị như một kim chỉ nam, vạch rõ hướng đi về tương lai của quốc gia Đông Nam Á có nhiều tiềm năng kinh tế, nhưng vẫn còn ở trong tình trạng chậm tiến do 40 năm chế độ độc tài quân phiệt.
Tuy được công luận và giới lãnh đạo quốc tế tôn kính và cảm phục, nhưng tại Miến Điện, một số nhà phân tích thân chính phủ và trong giới đối lập lại tỏ ra hoài nghi tài năng của bà Aung San Suu Kyi đảm nhận trọng trách lãnh đạo quốc gia.
Tuy tốt nghiệp đại học Oxford lừng danh, nhưng trong 22 năm qua, bà Aung San Suu Kyi bị ở tù và quản chế hết 15 năm. Hầu hết những nhân vật cột trụ của Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ cũng bị giam cầm và nay không ít người đã đến tuổi 80.
Một nhà ngoại giao Tây phương lo ngại là đối lập Miến Điện không có một cơ cấu chính trị và nhân sự vững chắc : Bên trên là hình ảnh một nhà lãnh đạo có sức thu hút và bên dưới là đông đảo quần chúng. Ngoài ra thì đảng không có chương trình hành động.
Doanh nhân có thế lực Myat Thin Aung phê bình các dân biểu đối lập là thiếu kinh nghiệm thương trường, trái với thành phần đa số có nhiều dân biểu rất giỏi kinh doanh.
Trong các cuộc tranh luận tại nghị trường về luật đầu tư, nhiều dân biểu đối lập đã không che dấu được sự yếu kém của họ về chuyên môn.
Tuy nhiên doanh nhân này công nhận, ông hài lòng được sống trong không khí tự do hơn so với trước đây và mang ơn cuộc đấu tranh của đối lập.
Không phải chỉ có những người thân chính quyền mới tỏ ra hoài nghi khả năng điều hành quốc gia của Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ. Ngay trong nội bộ đảng, dù rất tôn kính Aung San Suu Kyi, cũng đã lộ ra một số lo âu.
Nhà báo Zaw Thet Htwe là một trong số những người muốn cải cách nhân sự khẩn cấp trong nội bộ đối lập.Người cựu tù chính trị nhận định rằng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ phải nhanh chóng tạo cơ hội cho thế hệ trẻ tham gia chính trị chuẩn bị cho bầu cử 2015. Ông lưu ý là bà Aung San Suu Kyi, năm nay 67 tuổi, khó có cơ may trở thành tổng thống. Một chướng ngại khác là Hiến pháp Miến Điện không cho phụ nữ có chồng nước ngoài, có con là người nước ngoài trở thành nguyên thủ quốc gia.
Thật ra, giới quan sát đều có cùng quan điểm là ít ra là trong ba năm tới đây, bà Aung San Suu Kyi vẫn tiếp tục giữ một vai trò trọng yếu trên chính trường Miến Điện, trước khi hoàn toàn nhường chỗ cho thế hệ mới, xây dựng một quê hương « hy vọng » ở tương lai.
Lãnh đạo đối lập lưu ý là đất nước của bà đã thay đổi khá nhiều, mặc dù chưa phải là một chế độ dân chủ thực sự : « Cách nay hai năm, tôi còn bị quản thúc, trong nước chỉ có hai tờ báo chính thức. Giờ đây, tôi là dân biểu, tôi được xuất ngoại, được trở về và nhật báo, tạp chí xuất bản nhiều và tự do hơn ».
Về phần tổng thống Thein Sein, nhân dự hội chợ Trung Quốc-ASEAN tại Quảng Tây, ngay trên lãnh thổ Trung Quốc, ông đã khẳng định con đường dân chủ hóa của Miến Điện.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120923-mien-dien-aung-san-suu-kyi-khang-dinh-uy-tin-tren-truong-quoc-te

Geen opmerkingen:

Een reactie posten