Hệ quả của một cuộc chiến thương mại Nhật - Trung
Các nhà hàng và siêu thị Nhật bị phá, các sản phẩm Nhật bị đập
trong những cuộc biểu tình của người Trung Quốc. Đó có phải màn dạo đầu của một
cuộc chiến thương mại Nhật-Trung, và các bên sẽ được lợi hại gì?
> Trung
Quốc khoe sức mạnh hải quân
> Doanh
nghiệp Nhật chịu 'thảm họa' hơn sóng thần
Panasonic và Toyota cũng như Nissan đã công bố các thiệt hại về
tài sản do người biểu tình Trung Quốc gây ra. Hãng Canon đóng cửa một số dây
chuyền sản xuất; hãng bán lẻ thời trang Uniqlo ngừng hoạt động ở một số nơi, và
che biển quảng cáo ở một số nơi khác trên đất Trung Quốc, trong khi nhiều người
nước này đang kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật.
Người hiếu kỳ chụp ảnh một chiếc xe Nhật bị phá hủy tại thành phố Tây An, Thiểm Tây trong cuộc biểu tình hôm 15/9. |
Phong trào tẩy chay nếu xảy ra sẽ gây thiệt hại lớn cho Nhật
Bản, nó phản ánh một nguy cơ mang tính chính trị đối với việc làm ăn ở nước
ngoài, mà trong trường hợp này là ở Trung Quốc, nơi các diễn biến tương đối khó
lường. Nguy cơ này luôn gây khó cho các doanh nghiệp, nhưng bởi vì thị trường
Trung Quốc quá lớn, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn phải chấp nhận "nguy cơ
chính trị mang màu sắc Trung Quốc", và coi đó là một phần của môi trường kinh
doanh, James Parker, chuyên gia tư vấn kinh tế tài chính, làm việc 8 năm tại Bắc
Kinh, nhận xét.
Những người quan tâm đến Nhật Bản và Trung Quốc còn nhớ sự kiện
giữa năm 2010, khi tuần duyên Nhật bắt tàu cá và thuyền trưởng người Trung Quốc
với cáo buộc xâm phạm lãnh hải Nhật. Một làn sóng biểu tình khi đó dấy lên cùng
những lời kêu gọi tẩy chay.
Trong một thế giới toàn cầu hóa, các nhãn hiệu lớn ngày nay cũng
được coi như một biểu tượng quốc gia, chẳng khác nào quốc kỳ hoặc các đại sứ
quán. Nếu một nhãn hiệu nào đó thành công lớn ở nước ngoài, nó cũng sẽ trở thành
cái bia đỡ đạn đầu tiên mỗi khi người tiêu dùng sở tại bực tức.
Các công ty Nhật nhiều khả năng sẽ đối mặt với một thời kỳ khó
khăn trong những tháng tới ở Trung Quốc, ngay cả khi Bắc Kinh không hề đưa ra
một biện pháp trả đũa kinh tế nào. Nhưng báo chí chính thống của Trung Quốc đã
đề cập đến vấn đề này, coi đó là một trong những lá bài. Với mức tiêu thụ 20%
hàng xuất khẩu của Nhật, thị trường Trung Quốc là cả một vấn đề lớn đối với các
công ty của quốc đảo.
Tuy nhiên việc công khai trừng phạt sẽ rất khó, bởi theo các quy
định của WTO điều đó là khó khả thi, vả lại nó sẽ ảnh hưởng đến uy tín quốc gia.
Thế nhưng, ngoài hai cách là người tiêu dùng tẩy chay và các biện pháp trừng
phạt, Trung Quốc còn vũ khí thứ ba.
Tẩy chay phi chính thức là điều có thể diễn ra ở Trung Quốc, bởi
tại đây các công ty quốc doanh có đầy quyền lực và phạm vi ảnh hưởng của lĩnh
vực quốc doanh rất lớn, Parker nhận xét trên tờ The Diplomat. Có các
tài liệu cho thấy những nước từng làm mất lòng Trung Quốc đã bị ảnh hưởng như
thế nào đến thương mại.
Hai học giả của Đại học Goettingen ở Đức mới xuất bản một tài
liệu nghiên cứu về ảnh hưởng thương mại đối với các nước từng đón tiếp Dalai
Lama, người mà Trung Quốc coi là thủ lĩnh phong trào ly khai trái phép của người
Tây Tạng. Hai học giả này chỉ ra rằng xuất khẩu sang Trung Quốc của các nước đó
có thể giảm từ 8,1 đến 16,9% và sẽ còn gặp khó khăn trong vòng hai năm sau đó.
Theo nghiên cứu này, các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi kiểu "tẩy chay
không tuyên bố" là máy móc hạng nặng và giao thông, đều thuộc phạm vi ảnh hưởng
mạnh của các công ty quốc doanh.
Con dao hai lưỡi
Cho dù thế lực và ảnh hưởng của nền kinh tế số 2 thế giới lớn
đến đâu, hình thức trừng phạt thương mại nào cũng là con dao hai lưỡi. Các công
ty trên thế giới sẽ được nhắc nhớ về các nguy cơ khi làm ăn ở nước này, và nếu
tiền bảo hiểm đầu tư tăng lên tức là chi phí tăng lên, sẽ làm chùn bước người
định bỏ vốn.
Các công ty nước ngoài khi làm ăn ở Trung Quốc đều tạo ra việc
làm và đóng thuế, cung cấp các sản phẩm mà người Trung Quốc muốn dùng. Quan
trọng hơn, người Nhật cũng mua các sản phẩm mà Trung Quốc làm ra. Tẩy chay trả
đũa lẫn nhau khiến cả đôi bên thiệt hại. Các công ty đang có ý định đầu tư vào
hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh ở Trung Quốc sẽ nghĩ đến các nước khác.
Vì thế, sau những lời ủng hộ ý muốn tẩy chay mà dân chúng đưa ra
tuần trước, hôm qua giới chức Trung Quốc bắt đầu nhắc đến nguy cơ ảnh hưởng tới
thương mại của cả đôi bên trên các báo lớn, như China Daily.
Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku
hẳn nhiên sẽ ảnh hưởng đến đầu tư và thương mại của Nhật, và đó "là điều chúng
ta không mong xảy ra", Shen Danyang, phát ngôn viên bộ này phát biểu tại họp báo
hôm thứ tư.
Trung Quốc và Nhật đang đàm phán về khả năng thiết lập khu vực
mậu dịch tự do FTA. "Tranh chấp sẽ có tác động nghiêm trọng, thậm chí là quyết
định đến việc đàm phán FTA", ông Yao Haitian, nghiên cứu viên của Viện Nhật Bản
tại Viện khoa học xã hội Trung Quốc, nói.
Huo Jianguo, chủ tịch Viện Hợp tác kinh tế thương mại quốc tế
của Bộ Thương mại Trung Quốc, cũng cho rằng tranh chấp biển đảo sẽ có ảnh hưởng
nghiêm trọng đến đầu tư và thương mại của Nhật ở Trung Quốc.
"Thương mại hai chiều sẽ giảm mạnh hơn nữa trong tháng 9 và 10,
đầu tư của Nhật vào Trung Quốc sẽ tiếp tục chậm lại do các nhà đầu tư lo ngại về
sự an toàn".
Trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc phải tìm các biện pháp vực
nền kinh tế đang trên đà giảm tốc, thì sự suy giảm trong thương mại và đầu tư
chắc hẳn không phải là điều họ mong muốn. Giới quan sát cho rằng trước sức ép từ
dân chúng muốn chính phủ mạnh hơn trong tranh chấp chủ quyền, giới chức Trung
Quốc đang xoay sở giữa việc đáp ứng phần nào đòi hỏi của công chúng, với việc
giảm thiểu thiệt hại do những hành động quá khích gây ra đối với ngoại giao và
kinh tế.
Chuyên gia Yao của Viện Nhật Bản e rằng nếu môi trường làm ăn
không còn hấp dẫn, các nhà đầu tư Nhật sẽ nhắm tới các nước khác.
"Họ sẽ đẩy dòng vốn Nhật di chuyển khỏi Trung Quốc để đến các
nền kinh tế mới nổi như Thái Lan và Việt Nam".
Thanh Mai
http://vnexpress.net/gl/the-gioi/phan-tich/2012/09/he-qua-cua-mot-cuoc-chien-thuong-mai-nhat-trung/25/9/2012
Thủ tướng Nhật: 'Trung Quốc có thể tự hại mình'
Thủ tướng Nhật Bản cảnh báo rằng những phản ứng thái quá như đập
phá hay trừng phạt chỉ khiến các nhà đầu tư nước ngoài xa lánh Trung Quốc và làm
suy yếu kinh tế nước này.
> Nhật
thay đổi trước Trung Quốc
> Hàng
Nhật bị ứ trước cửa khẩu Trung Quốc
> Hệ
quả một cuộc chiến thương mại
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đưa ra lời cảnh báo trên trong
cuộc phỏng vấn độc quyền hôm 22/9 với Wall Street Journal. Lời cảnh báo
cho thấy mối căng thẳng chính trị Trung-Nhật có nguy cơ lan sang lĩnh vực thương
mại giữa hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới như thế nào.
"Trung Quốc cần phát triển thông qua các khoản đầu tư nước ngoài
mà nước này thu hút được", ông Noda nói. "Tôi hy vọng Trung Quốc nhận thức được
rằng bất kỳ hành động nào gây cản trở đầu tư nước ngoài cũng là làm hại chính
nước này. Gây tổn hại mối quan hệ bằng những hành vi như thế thì không chỉ làm
ảnh hưởng đến nền kinh tế của hai nước mà còn cả kinh tế toàn cầu".
Cảnh sát Trung Quốc được triển khai để trấn áp những người biểu tình chống Nhật. Ảnh: AFP |
Căng thẳng gia tăng quanh tranh chấp nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư ở
biển Hoa Đông đã khiến hàng nghìn người Trung Quốc đổ ra phố biểu tình, đập phá,
cướp bóc hàng loạt nhà hàng, công ty, nhà máy, phương tiện, trụ sở ngoại giao
của Nhật Bản. Người Nhật ở Trung Quốc sống trong thấp thỏm. Công ty bảo hiểm
Nhật Bản cho biết số tiền thanh toán bảo hiểm cho các doanh nghiệp bị thiệt hại
do biểu tình có thể lên đến hàng chục tỷ yen.
Thực tế, trong khi Nhật Bản dường như khá chắc chân trong các
tranh chấp lãnh thổ, giới chức nước này vẫn tìm mọi cách hạ nhiệt căng thẳng. Về
phần mình, ông Noda bày tỏ hy vọng rằng những hạn chế liên lạc ngoại giao chính
thức gần đây sẽ được nới lỏng, và ngoại trưởng của hai nước Trung-Nhật sẽ gặp
nhau tại Liên Hợp Quốc ở New York như một bước tiến tới xoa dịu căng thẳng. "Nếu
có cơ hội, chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc gặp như thế".
Tuy nhiên, Bắc Kinh hôm 23/9 tuyên bố không sẵn lòng để tiến tới
hợp tác. Hãng thông tấn Xinhua cho biết chính phủ Trung Quốc quyết định
hủy bỏ nhiều hoạt động dự kiến tổ chức trong tuần này nhân kỷ niệm 40 bình
thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Bắc Kinh cũng điều hàng loạt tàu tuần tra bán quân sự đến vùng
biển gần đảo tranh chấp, thậm chí có khi thâm nhập vào cả vùng nước mà Nhật Bản
tuyên bố là lãnh hải, rồi chơi trò "mèo vờn chuột" với Lực lượng Bảo vệ Bờ biển
nước này suốt hơn một tuần qua.
Các nghị sĩ phe đối lập Nhật Bản đã lên tiếng kêu gọi củng cố
quốc phòng quanh nhóm đảo. Tuy nhiên, ông Noda cho biết ông không thấy cần thiết
phải điều hải quân Nhật Bản đến khu vực này và bác bỏ khả năng xảy ra xung đột
quân sự. "Không hay ho gì khi nói về những kịch bản bi quan", nhà lãnh đạo 55
tuổi nói.
Ông yêu cầu giới chức Trung Quốc nỗ lực xoa dịu căng thẳng, và
khẳng định "bản thân chính phủ Trung Quốc đang kêu gọi kiềm chế và tôi tin nước
này đang cố gắng để xỏa bỏ những thái độ và hành động như thế", ông nhắc đến làn
sóng biểu tình. "Tuy nhiên, tôi nghĩ họ chưa thành công hoàn toàn".
Dù nhấn mạnh rằng bạo lực đã tạm lắng, ông vẫn dẫn ra những trì
hoãn về thương mại để cho thấy tác động của tranh chấp đến nền kinh tế đang lan
rộng. Trong những ngày gần đây, các công ty Nhật Bản báo cáo về những vụ chậm
trễ trong thủ tục hải quan, gây lo ngại Trung Quốc đang trả đũa bằng kinh
tế, như nước này từng làm sau một cuộc tranh cãi về lãnh thổ tương tự hồi năm
2010, dẫn đến cắt giảm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản. Đất hiếm là nguyên liệu
dùng trong sản xuất các mặt hàng công nghệ cao - lĩnh vực quan trọng hàng đầu
trong công nghiệp Nhật Bản.
Ông Noda cho rằng các nước khác cũng có thể nhận thấy họ dễ bị
tổn hại trước động thái quấy rối tương tự như những gì Nhật Bản đang hứng chịu,
và có khả năng sẽ cắt giảm các khoản đầu tư đến Trung Quốc trong tương lai. Ông
dẫn ra vụ việc người biểu tình chống Nhật bao vây xe hơi của đại sứ Mỹ hồi tuần
trước, tuy gây thiệt hại không đáng kể. "Ngay cả sứ quán Mỹ và xe công vụ của họ
cũng bị tấn công", ông Noda nói.
Trước phát biểu của ông Noda, các lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản
cũng tuyên bố bắt đầu suy nghĩ lại về chuyện hợp tác với Trung Quốc. Tokyo có
một quyền lực phi chính thức: Nhật là nhà đóng góp chính cho sự tăng trưởng của
Trung Quốc, trong khi Trung Quốc cũng trở nên quan trọng thiết yếu đối với kinh
tế Nhật. Các công ty Nhật Bản đã bơm 12 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài vào
Trung Quốc năm ngoái, theo số liệu của chính phủ Nhật. Nhật Bản là đối tác
thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc, còn Trung Quốc là đối tác lớn nhất của
Nhật Bản.
Trong khi Nhật Bản tỏ ra mềm mỏng so với giọng điệu cứng rắn của
Trung Quốc, giới chức và truyền thông Trung Quốc vẫn tiếp tục nhắc đến những
biện pháp trừng phạt kinh tế giữa căng thẳng chính trị.
China Daily với bài "Xem xét trừng phạt Nhật Bản" là
một ví dụ. Bài viết cảnh báo "kinh tế Nhật Bản sẽ hứng chịu hậu quả nghiêm trọng
nếu bị Trung Quốc áp đặt cấm vận. Sự thiệt hại về kinh tế của Trung Quốc là
tương đối ít".
Biểu đồ cho thấy tỷ lệ xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc trong tổng giá trị xuất khẩu của nước này (trái) và biểu đồ đầu tư trực tiếp của Nhật Bản sang Trung Quốc từ năm 2006 đến 2011. Đồ họa: WSJ |
Bên cạnh căng thẳng với Trung Quốc, Nhật Bản cũng đang mắc kẹt
trong cuộc tranh cãi với một nước láng giềng khác là Hàn Quốc quanh chủ quyền
lãnh thổ và vấn đề liên quan đến Thế chiến II. Trong cuộc phỏng vấn trên, ông
Noda khẳng định Tokyo không có ý định nhân nhượng theo yêu cầu Seoul nhằm hàn
gắn mối quan hệ rạn nứt gần đây.
Hàn Quốc yêu cầu Nhật Bản bồi thường cho những phụ nữ bị đưa vào
nhà thổ phục vụ cho binh sĩ Nhật trong thời gian chiến tranh. Vấn đề âm ỉ bấy
lâu được dịp khơi lại trong thời gian qua, sau khi tòa án hiến pháp Hàn Quốc kết
luận rằng các nhà lãnh đạo nước này phạm luật vì không thỏa thuận được khoản bồi
thường mới với phía Nhật Bản. Seoul đã hai lần yêu cầu Tokyo tổ chức thương thảo
nhưng đều bị từ chối.
Trái với những phát biểu có phần mềm mỏng đối với Trung Quốc khi
ngụ ý đến những cuộc thảo luận giữa hai bên, ông Noda lại kiên quyết bác bỏ yêu
cầu bồi thường của Seoul. Ông khẳng định Seoul đã hủy khiếu kiện đòi bồi thường
khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1965.
Ông Noda thực hiện cuộc phỏng vấn ngay trước khi lên đường tham
dự kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khai mạc hôm qua, nơi ông dự kiến phát biểu
về tầm quan trọng của luật pháp trong việc giải quyết tranh chấp quốc tế. Trong
khi các trợ lý cho hay bài phát biểu ngụ ý đến những cuộc tranh chấp lãnh thổ
của Nhật Bản, thủ tướng khẳng định ông sẽ không nêu đích danh bất kỳ nước nào.
"Tôi không nghĩ là một lãnh đạo nên dông dài và tiểu tiết về
từng vấn đề riêng lẻ", ông nói.
Đối mặt với những chỉ trích trong nước rằng Nhật Bản chưa nỗ lực
hết sức để khẳng định lập trường của mình trong tranh chấp với Hàn Quốc trước
thế giới, ông Noda cho biết hai bên "đang tiến hành các cuộc đàm phán ngầm về
vấn đề này".
Anh Ngọc (theo WSJ)
|
|
|
Geen opmerkingen:
Een reactie posten