Dù Chính phủ chưa cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tích
nước hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 sau khi xử lý sự cố thấm, nhưng nhiều chuyên
gia vẫn lo ngại mất an toàn công trình trong mùa mưa lũ năm nay.
>
Động đất ở khu vực Sông Tranh gây thiệt hại một tỷ đồng/ Chính
phủ chỉ đạo chưa tích nước thủy điện Sông Tranh
Trao đổi với VnExpress.net ngày 22/9, GS Vũ Trọng Hồng,
Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, dù Chính phủ chưa cho phép chủ đầu tư
tích nước, song do đập thủy điện Sông Tranh 2 thiết kế không có cửa xả đáy nên
phần lớn lượng nước mưa, lũ sẽ lưu lại hồ chứa. Hồ tích nước ở cao trình 140 mét
trở lên thì nước mới xả tràn, còn dưới 140 mét thì phía hạ lưu khô cạn.
"Do đập thiết kế không có cửa xả đáy, trong tình huống xấu, công
trình gặp sự cố thì áp lực nước ở cao trình 140 mét kèm theo những trận lũ lớn
bất ngờ tràn về thì cũng đủ sức gây nguy hiểm cho đập, hiểm họa khó lường cho hạ
lưu", GS Hồng lo lắng.
Ông Hồng cũng bày tỏ e ngại khi cho rằng, trước khi xây dựng
công trình thủy điện Sông Tranh 2, các nhà khoa học từng cảnh báo trong quá khứ
vùng đất này đã xảy ra động đất, có những đới đứt gãy đang hoạt động. Song,
không hiểu sao EVN vẫn kiên quyết làm.
Đập chính thủy điện Sông Tranh 2 sau khi xử lý hoàn tất sự cố
thấm, Chính phủ vẫn chưa cho phép chủ đầu tư tích nước trở lại hồ chứa. Ảnh:
Trí Tín.
Trong khi đó, GS Cao Đình Triều, Chuyên gia Viện Vật lý địa cầu
băn khoăn, dù Chính phủ vẫn chưa cho phép EVN tích nước trở lại hồ chứa thủy
điện Sông Tranh 2, nhưng động đất dồn dập bên đập thủy điện kém chất lượng sau
sự cố rò rỉ thì hiểm họa vẫn còn "treo" lơ lửng trên đầu người dân.
GS Triều phân tích, căn cứ vào những vết trượt lở vai trái đập
và một số điểm "đẩy nổi" mạch nước ở phía chân hạ lưu đập cho thấy đới đứt gãy
Trà My đang hoạt động mạnh. Đới đứt gãy chạy dọc qua vai trái đập, xuyên qua
lòng hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2. "Nếu trận động đất cực đại của đới đứt gãy
này lên đến 5,5 đến 6,1 độ ritcher (theo dự báo), độ sâu chấn tiêu nông, có tâm
chấn ngay trong lòng hồ hoặc sát chân đập vào mùa mưu lũ thì hiểm họa thật khó
lường", vị giáo sư nhận định.
Đồng quan điểm với giáo sư Triều, một số nhà khoa học tham gia
đoàn khảo sát còn cho rằng, tại đây từng có suối nước nóng Tà Vi dài khoảng một
km trước khi đổ ra Sông Tranh. Khu vực xây đập thủy điện Sông Tranh 2 có tình
hình địa chất rất phức tạp với hai đới đứt gãy Hương Nhượng – Ta Vi và Trà Bồng
gây ra. Ngoài ra, ở khu vực lòng hồ từng có điểm nước nóng do có đứt gãy và rãnh
rất sâu đi ra từ lòng đất mang tên đới đứt gãy Trà My.
|
TS Lê Huy Minh (phải), giám đốc Trung tâm báo tin động đất và sóng thần khảo sát, thu thập thông tin động đất ở huyện Bắc Trà My hồi giữa đầu tháng 9. Ảnh: Trí Tín. |
Sau chuyến khảo sát vảo giữa đầu tháng 9 vừa qua, Viện Vật lý
Địa cầu vừa công bố kết luận "những trận động đất liên tục xảy ra trong tháng
qua ở huyện Bắc Trà My và một số địa phương lân cận là động đất kích thích liên
quan tới việc tích nước hồ thủy điện Sông Tranh 2".
Theo TS Lê Huy Minh, Trưởng đoàn khảo sát thống kê, từ năm 1715
đến năm 2003 trước khi thủy điện Sông Tranh 2 tích nước, tại khu vực này chỉ xảy
ra 8 trận động đất. Trong đó, trận động đất mạnh nhất vào ngày 25/7/1957 lên đến
4,8 độ ritcher.
Tháng 11/2010 thủy điện Sông Tranh 2 bắt đầu tích nước. 4 tháng
sau, chính quyền địa phương cùng người dân nơi đây bắt đầu ghi nhận tiếng nổ
trong lòng đất kèm theo rung động nhẹ. Đến tháng 11/2011, khi hai trận động đất
3,4 độ ritcher phát ra tiếng nổ kèm theo hiện tượng rung lắc nhà cửa thì lúc này
người dân mới nhận biết đó là động đất. Từ đó đến nay, các trạm địa chấn đã ghi
nhận 59 trận động đất xảy ra tại đây.
"Rõ ràng ở khu vực này xảy ra động đất kích thích liên quan đến
hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2. Thời gian tới động đất tiếp tục xảy ra nhưng khó
thể vượt quá động đất cực đại 5,5 độ ritcher", TS Minh cho biết thêm.
Sơ đồ đường đẳng chấn động động đất M=4,2 độ ritcher xảy ra lúc 20h46 ngày 3/9 tại khu vực Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Viện Vật lý địa cầu cung cấp. |
Theo các chuyên gia, hầu hết các trận động đất ở khu vực thủy
điện trong tháng qua xảy ra trên đới đứt gãy cấp III có phương Tây Bắc - Đông
Nam, các đứt gãy phương Á kinh tuyến, vĩ tuyến. "Đáng lo nhất hiện nay là hệ quả
của các dịch chuyển nhỏ trên đứt gãy bậc III lại tác động đến các đứt gãy cổ bậc
II (đới đứt gãy Trà My) hoạt động trở lại dễ gây nên những trận động đất mạnh
hơn thời gian tới", một chuyên gia quan ngại.
Trước đó, sáng 21/9, tại cuộc họp với các Bộ, ngành, địa phương
về vấn đề thủy điện Sông Tranh 2, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, đây
là trường hợp đầu tiên ngành xây dựng công trình của Việt Nam phải cân nhắc
trước nguy cơ thảm hoạ thiên nhiên. Cần phải nghiên cứu, cân nhắc hết sức cẩn
trọng, nghiêm túc, khoa học, chặt chẽ với yêu cầu cao nhất “tất cả vì sự an toàn
của công trình, của đời sống người dân”.
Phó Thủ tướng yêu cầu Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Viện Vật lý
địa cầu cùng các Bộ ngành liên quan thuê các tổ chức, chuyên gia nước ngoài tiếp
tục kiểm tra, đánh giá về tác động của động đất ở khu vực đến an toàn của công
trình thuỷ điện Sông Tranh 2. Khi có kết quả đánh giá chính thức, toàn diện hơn
nữa, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước sẽ xem xét, quyết định việc tích nước thuỷ
điện sông Tranh 2 sau khi xử lý hoàn tất sự cố thấm ở đập chính.
Trí Tín
Geen opmerkingen:
Een reactie posten