woensdag 26 september 2012

Mẫu hạm của Trung Quốc chỉ là 'cọp giấy'


Triệu Phong/Người Việt (tổng hợp)



BẮC KINH -Chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc vừa được hạ thủy hôm Thứ Ba. Lễ hạ thủy có sự tham dự của các lãnh đạo nhà nước như Hồ Cẩm Ðào và Ôn Gia Bảo, theo báo The New York Times.

Thủy thủ Hải Quân Trung Quốc dàn chào trên mẫu hạm Liêu Ninh trong buổi lễ hạ thủy tại cảng Ðại Liên vào hôm Thứ Ba, 25 Tháng Chín. (Hình: AP/Zha Chunming)


Trước sự kiện này, Trung Quốc muốn tỏ cho thấy quân đội của họ tăng cường thêm sức mạnh, trong khi đang có sự leo thang căng thẳng giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng về vấn đề lãnh hải.

Mặc dù quảng cáo rầm rộ về ngày hạ thủy và đánh giá cao về tầm quan trọng của chiếc mẫu hạm, con tàu vẫn chỉ được dùng cho việc huấn luyện và thử nghiệm. Theo các chuyên gia về vấn đề Trung Quốc và quân sự, số “16” sơn trước mạn tàu cho thấy hoạt động của nó chỉ trong giới hạn của việc tập luyện. Trung Quốc chưa có máy bay đủ khả năng đáp xuống một hàng không mẫu hạm và mãi đến nay họ chỉ mới tập đáp xuống tàu ở mô hình trên mặt đất.

Dù sao, việc ra mắt chiếc Liêu Ninh, tên của hàng không mẫu hạm này, ở cảng Ðại Liên, phía Ðông Bắc Trung Quốc, là một cơ hội để Trung Quốc kích động lòng ái quốc, vốn đang lên cơn sốt trong 10 ngày qua về vụ tranh chấp lãnh hải giữa họ với Nhật tại đảo Senkaku/Ðiếu Ngư ở biển Hoa Ðông.

Bộ Quốc Phòng Trung Quốc tuyên bố rằng chiếc mẫu hạm này “làm tăng thêm sức mạnh của Hải Quân Trung Quốc,” đồng thời giúp “Trung Quốc bảo vệ chủ quyền quốc gia một cách hữu hiệu hơn.”

Ðại Hội Ðảng CS Trung Quốc tổ chức vào mỗi thập niên, dự trù được tổ chức vào tháng tới để chuyển giao quyền lãnh đạo, và việc trình làng công khai chiếc hàng không mẫu hạm, dường như là một phần nỗ lực nhằm củng cố sự đoàn kết quốc gia, trước khi bắt đầu đại hội.

Về mặt quốc tế, việc ra mắt công khai con tàu có vẻ như để tỏ dấu hiệu với các nước nhỏ ở trong khu vực biển Ðông, gồm Philippines, một đồng minh của Mỹ, và Việt Nam, thấy rằng Trung Quốc có dồi dào nguồn sức mạnh để triển khai.

Trong khi đó, các nhà hoạch định quân sự Hoa Kỳ đánh giá thấp tầm quan trọng của việc hạ thủy chiếc Liêu Ninh. Một số viên chức Hải Quân Hoa Kỳ còn nói rằng không những thế mà họ còn khuyến khích Trung Quốc cứ tiến tới trong việc đóng riêng hàng không mẫu hạm của mình cùng các chiến thuyền hộ tống, vì làm như vậy họ sẽ tiêu phí hết tiền của.

Ông You Ji, một khách mời khảo cứu tại đại học National University of Singapore, phát biểu trong cuộc phỏng vấn: “Thực tế là chiếc mẫu hạm này hoàn toàn vô dụng đối với Hải Quân Trung Quốc. Nếu nó được dùng để đối đầu với Hoa Kỳ thì nó sẽ sớm bị tiêu diệt. Trong khi nếu đem ra để chống lại các nước láng giềng thì đó là dấu hiệu 'lớn ăn hiếp nhỏ.'”

Ông You tiếp rằng, Việt Nam, một nước láng giềng mà Trung Quốc đã nhiều lần có chiến tranh, có các chiến đấu cơ Sukhoi 30 do Nga chế tạo. Những chiến đấu cơ này sẽ là mối đe dọa đối với chiếc hàng không mẫu hạm. Ông nhận định: “Ở biển Ðông, một khi mà chiếc mẫu hạm Liêu Ninh bị Việt Nam gây hư hại thì sự mất mặt của Trung Quốc quả không phải nhỏ. Thật không đáng chút nào.”

Ông You cho biết, mãi tới nay, phi công Trung Quốc chỉ mới thực tập đáp xuống mẫu hạm qua những đường băng bê tông trên mặt đất, bằng những chiếc J-8 do Trung Quốc chế tạo, mô phỏng theo chiếc Mig-23 do Liên Xô sản xuất cách đây 23 năm. Theo ông You, phi công Trung Quốc chưa có khả năng đáp xuống một hàng không mẫu hạm đang di chuyển vì họ chưa có được loại phi cơ thích ứng.

Khi được hỏi liệu Trung Quốc có tiến đến việc tự đóng lấy một chiếc và liệu họ có chế được phi cơ đáp được lên đó hay không, ông đáp: “Muốn đóng được một con tàu như vậy cần phải qua một quá trình dài, hết sức dài.”

Ngược lại, với suy nghĩ hoài nghi như trên, ông Li Jie, một nhà nghiên cứu tại Viện Khảo Cứu Hải Quân Trung Quốc, phát biểu trong cuộc phỏng vấn của báo Nhân Dân rằng chiếc mẫu hạm này làm thay đổi nếp suy nghĩ truyền thống của Hải Quân Trung Quốc, đồng thời mang lại những thay đổi phẩm chất về hoạt động cũng như cơ cấu của quân chủng này.

Mặc dù Trung Quốc không minh bạch về chi tiêu quốc phòng, các chuyên gia quân sự ngoại quốc nói rằng hải quân của Trung Quốc không được cấp nhiều ngân khoản bằng lục quân và không quân. (TP)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=155492&zoneid=403

Geen opmerkingen:

Een reactie posten