29 Tháng Chín 2012
Ai Cập theo cách nhìn của ông Morsi và Phương Tây
Cũng liên quan đến lĩnh vực chính trị, Le Monde có viết phân tích đề tựa « Ai Cập của ông Morsi và phương Tây ». Tờ báo tổng kết điểm thay đổi trong chính sách ngoại giao của Ai Cập sau 100 ngày lên cầm quyền của ông Mohamed Morsi , người đầu tiên thuộc phe Huynh đệ Hồi giáo được bầu làm tổng thống.
Christophe Ayad, tác giả bài viết nhìn nhận rằng một người Hồi giáo cực đoan lên cầm quyền tại Ai Cập chưa hẳn là một sự quay ngoắt về chính sách ngoại giao và chiến lược. Mà đó lại là sự khởi đầu cho sự hoạch định lại. Khác với người tiền nhiệm, ông Mohamed Morsi không muốn lệ thuộc nhiều vào phương Tây.
Theo quan sát của ông Jean-Pierre Filiu , từng là nhà ngoại giao và giờ là giảng viên tại trường Đại học Chính trị Pháp (Sciences Po), thì ông Morsi muốn chứng tỏ cho thế giới thấy rằng phe Huynh đệ Hồi giáo không phải là « những kẻ tay sai của phương Tây, nhưng cũng không là kẻ thù không đội trời chung [….]. Họ cũng là người dân Ai Cập và họ làm chính trị theo cách của họ ».
Nhắc lại vụ đồn biên phòng Ai Cập bị một nhóm Hồi giáo djihad tấn công, nắm lấy cơ hội hiếm hoi, ông Morsi đã cho thực hiện một chiến dịch quân sự lớn tại Sinai, vùng đất mà Israel đòi hỏi chủ quyền từ rất lâu. Thậm chí Israel còn cảm thấy bối rối trước việc Ai Cập có phản ứng mạnh mẽ khi đòi hỏi xem xét lại thỏa thuận đã ký kết nhằm gia tăng sự hiện diện của quân đội để chống lại các nhóm khủng bố. Dĩ nhiên, đòi hỏi đã bị phía Israel từ chối vì lo ngại rằng Cairo sẽ tụ tập thêm binh lính ngay sát biên giới của mình.
Ông Morsi còn khôn khéo đề nghị phía Hoa Kỳ xem xét lại các thỏa thuận Trại David. Tuy nhiên, sau khi đã cùng nhau trải qua một tuần trăng mật trong suốt mùa hè này, quan hệ Mỹ - Ai Cập bắt đầu bước vào giai đoạn thử thách sau vụ 2000 người biểu tình tấn công Tòa đại sứ Mỹ tại Cairo hôm 12/9 vừa qua, để phản đối bộ phim báng bổ đạo Hồi. Washington cảm thấy bực tức trước thái độ thụ động của cảnh sát Ai Cập và nhất là hơn 48 giờ im lặng của Tổng thống Morsi. Nên nhớ rằng chính Hoa Kỳ đã ủng hộ ông Morsi trong việc nắm lấy quân đội và gạt họ ra khỏi các vấn đề chính trị.
Về phía Mỹ, Barack Obama, dưới áp lực của phe Cộng hòa và đang trong chiến dịch vận động tranh cử cũng không bỏ qua cơ hội để gây áp lực với ông Morsi. Với tuyên bố Ai Cập « không là đồng minh, cũng không là kẻ thù », Nhà Trắng cũng hiểu rõ rằng Tổng thống Ai Cập hiện nay đang rất cần khoản viện trợ 2,1 tỉ đô-la hằng năm để tái thiết đất nước.
Đáp trả lại lời tuyên bố trên, trả lời báo New York Times trước khi diễn ra Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Morsi cho rằng chừng nào Mỹ vẫn còn ủng hộ Israel chiếm đóng Palestine, thì họ sẽ không thể nào khôi phục lại được hình ảnh của mình trong thế giới Hồi giáo.
Một động thái khác cho thấy phe Hồi giáo Huynh đệ đang có xu hướng tái cân bằng lại mối quan hệ ngoại giao với phương Tây. Chuyến đi thăm Trung Quốc của ông Morsi hồi cuối tháng 8 năm nay là một tín hiệu rất rõ ràng. Đồng thời, ông còn ghé qua Teheran để tham dự Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia không liên kết. Tuy nhiên, ông Morsi đã dội một gáo nước lạnh lên Hội nghị khi công khai lên án chế độ Bachar Al Assad tại Syria.
Tóm lại, theo tác giả, Ai Cập mong muốn khẳng định vị trí cường quốc trong khu vực và không liên kết với bất kỳ trục nào. Thế nhưng, vấn đề là nước nào cũng muốn làm như thế. Và vô hình chung biến Syria thành một địa bàn cạnh tranh.
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120929-cac-nghi-van-xung-quanh-vu-xu-ba-coc-khai-lai
Geen opmerkingen:
Een reactie posten