donderdag 23 mei 2024

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ (em cố chủ tịch Trần Đại Quang) được giao tạm quyền lãnh đạo Bộ Công an

 

Trần Quốc Tỏ được giao tạm quyền lãnh đạo Bộ Công an

Ông Trần Quốc Tỏ quê ở Bắc Ninh, vốn được cho là không cùng phe Hưng Yên với ông Tô Lâm
Ông Trần Quốc Tỏ quê ở Bắc Ninh, vốn được cho là không cùng phe Hưng Yên với ông Tô Lâm

Ông Trần Quốc Tỏ, thứ trưởng Bộ Công an, đã được giao tạm thời điều hành cơ quan này cho đến khi tìm được nhân sự chính thức lên thay Đại tướng Tô Lâm, báo chí trong nước đưa tin.

Quyết định này vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký vào ngày 22/5 ngay sau khi ông Tô Lâm được Quốc hội miễn nhiệm bộ trưởng Công an để làm Chủ tịch nước, Cổng thông tin Điện tử Chính phủ cho biết.

Ông Trần Quốc Tỏ, quê Ninh Bình. Ông mang hàm Thượng tướng, là ủy viên trung ương Đảng, phó bí thư Đảng ủy Công an Trung ương và là một trong 6 thứ trưởng của Bộ Công an. Tuy nhiên, ông vẫn chưa được vào Bộ Chính trị, vốn là một điều kiện tiên quyết để lên lãnh đạo Bộ Công an theo quy định của Đảng.

Theo tiểu sử của ông được báo chí trong nước đăng tải, ông Tỏ cũng là giáo sư-tiến sỹ giống như ông Tô Lâm. Ông được cho là phó giáo sư ngành Khoa học An ninh, tiến sĩ Tội phạm học và Điều tra tội phạm.

Năm nay 62 tuổi và là ủy viên trung ương Đảng đã được hai khóa, ông Tỏ có khả năng sẽ được cho vào Bộ Chính trị tại Đại hội Đảng 14 vào năm 2026 khi ông 64 tuổi.

Trong quá trình công tác, ông Trần Quốc Tỏ đi lên từ Bộ Công an, từng là phó cục trưởng Cảnh sát môi trường, Phó cục trưởng Cảnh sát phòng, chống tội phạm; Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra. Ông là thứ trưởng Bộ công an từ tháng 5 năm 2020 đến nay.

Ông có một khoảng thời gian được Trung ương điều động về tỉnh Thái Nguyên để làm phó bí thư thường trực Tỉnh ủy rồi là Bí thư Tỉnh ủy tỉnh này từ tháng 3 năm 2014.

Trong công cuộc đốt lò do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động, Bộ Công an có vai trò quan trọng và có quyền lực rất lớn trong việc điều tra, phanh phui ra sai phạm của các quan chức cấp cao, trong đó có các vụ điều tra khiến cho Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phải ra đi.

Do đã được bầu lên làm Chủ tịch nước nên ông Tô Lâm vào sáng ngày 22/5 đã được Quốc hội đồng ý cho miễn nhiệm chức Bộ trưởng Công an, chức vụ mà ông đã nắm từ năm 2016, với toàn bộ 465 đại biểu tán thành, trang mạng VnExpress đưa tin.

Trong số 6 thứ trưởng Bộ Công an dưới thời ông Tô Lâm, có hai người cùng quê Hưng Yên với ông là các Thượng tướng Lương Tam Quang và Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc vốn được cho người thân tín của ông Tô Lâm và được ông đỡ đầu để lên làm bộ trưởng thay ông.

Tuy nhiên, quyết định đưa một Thượng tướng khác không cùng quê với ông Tô Lâm là ông Trần Quốc Tỏ lên tạm quyền ở Bộ Công an là dấu hiệu cho thấy giới lãnh đạo Việt Nam đang muốn giảm bớt ảnh hưởng của ông Lâm ở Bộ Công an, các nhà quan sát cho biết.

Ba thứ trưởng còn lại ở Bộ Công an là các Trung tướng tướng Lê Quốc Hùng, Nguyễn Văn Long và Lê Văn Tuyến.

Đảng Cộng sản Việt Nam nhiều khả năng sẽ chọn một ủy viên Bộ Chính trị để lên thay ông Tô Lâm ở Bộ Công an. Hiện tại trong Bộ Chính trị 16 người có tới 4 người có xuất thân công an là Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình và Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc.

Video : https://youtu.be/FBm2lw5z9cY


Tô Lâm mất chức bộ trưởng Công An, Ba Đình hỗn loạn!


Hiếu Chân/Người Việt

Vở tuồng “trò chơi vương quyền” trên sân khấu chính trị Ba Đình đang có những diễn biến bất ngờ và đầy kịch tính, báo hiệu một cuộc hỗn loạn càng lúc càng sâu sắc.

Ông Tô Lâm tìm mọi cách để có thể làm chủ tịch nước, vừa kiêm nhiệm bộ trưởng Công An, nhưng kế hoạch đó của ông bất ngờ bị gãy, ông phải bị miễn nhiệm chức bộ trưởng Công An. (Hình minh họa: Nhac Nguyen/AFP via Getty Images)

Truyền thông trong nước đưa tin trong phiên họp chiều 21 Tháng Năm, có 468/469 đại biểu Quốc Hội (QH) đã bỏ phiếu đồng ý điều chỉnh chương trình của kỳ họp thứ 7 QH khóa 15, bổ sung thêm nội dung “miễn nhiệm chức bộ trưởng Bộ Công An với Đại Tướng Tô Lâm.” Diễn biến này bất ngờ, “gây sửng sốt” vì chỉ mới hai hôm trước, ông Bùi Văn Cường, tổng thư ký QH, loan báo kỳ họp này chưa phê chuẩn hoặc miễn nhiệm chức danh bộ trưởng Công An bởi vì kỳ họp thứ 9 Ban Chấp Hành (BCH) Trung Ương khóa 13 chưa giới thiệu nhân sự để QH “bầu” vào chức bộ trưởng Công An.

Có lẽ nên lật lại những diễn biến chính trong cuộc đấu đá quyết liệt để giành ghế trên thượng tầng chính trị của đảng CSVN để thấy, diễn biến mới nhất và bất ngờ vừa kể trên đang hàm chứa nhiều bất ngờ lớn hơn nữa trong vài ngày tới.

Chỉ trong vòng hai tháng, bộ sậu chóp bu của đảng Cộng Sản (CS) và nhà nước Việt Nam đã có tới ba vị bị đứt gánh giữa đường: ông Võ Văn Thưởng bị mất chức chủ tịch nước ngày 20 Tháng Ba, ông Vương Đình Huệ mất chức chủ tịch QH ngày 28 Tháng Tư và mới nhất là bà Trương Thị Mai mất chức thường trực Ban Bí Thư kiêm trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương hôm 16 Tháng Năm. Cả ba quan chức chóp bu này đều bị loại vì “có nhiều sai phạm” nhưng không mấy ai biết cụ thể họ đã sai phạm gì. Có điều, cú sụp hầm của ba người này, cộng với ba ủy viên Bộ Chính Trị đã bị loại trước đó (Trần Tuấn Anh, Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Bình Minh) làm cho cơ quan quyền lực nhất nước bị mất một phần ba, từ 18 ủy viên nay chỉ còn 12 người; và “tứ trụ” bị gãy mất hai trụ.

“Sát thủ” thực hiện những vụ hạ bệ ngoạn mục này không ai khác hơn là ông Tô Lâm, bộ trưởng Công An, kẻ đang nuôi tham vọng chiếm chiếc ghế quyền lực nhất, tổng bí thư đảng CSVN, thay ông Nguyễn Phú Trọng chưa biết đứt bóng lúc nào vì tuổi cao sức yếu.

Các nhân vật bị Tô Lâm hạ bệ có phần do tội lỗi của chính họ, nhưng cũng có phần do đây là những “đối thủ cạnh tranh” mà ông Lâm phải loại trừ khỏi cuộc đua quyền lực để bảo đảm một mình một ngựa đi tới đỉnh vinh quang. Đánh ngã cùng một lúc hai trong bốn “tứ trụ,” loại cả thường trực Ban Bí Thư và trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương, thế lực của ông Tô Lâm lên mạnh như diều gặp gió và cái ghế tổng bí thư béo bở tưởng như sắp vào tay ông Lâm. Nhưng sự đời nhiều khi thật tréo ngoe khi gần tới đích thì ông Tô Lâm lại đối mặt với một đòn hồi mã thương thật cay đắng.

Vụ thanh lọc đội ngũ ở cấp “tứ trụ” và Bộ Chính Trị tất nhiên đã gây ra những tai họa lớn về kinh tế và ngoại giao của đất nước trong thời gian qua. Nó cũng buộc đảng CSVN phải cấp tốc triệu tập hội nghị BCH Trung Ương 9 khóa 13 từ ngày 16 đến 18 Tháng Năm để “lấp chỗ trống.” Hội nghị đã “bầu” bổ sung bốn thành viên mới vào Bộ Chính Trị và “giới thiệu” để QH bầu ông Trần Thanh Mẫn làm chủ tịch QH và ông Tô Lâm làm chủ tịch nước. Ông Mẫn đã tuyên thệ nhậm chức hôm Thứ Hai, 20 Tháng Năm, và ông Tô Lâm sẽ nhậm chức vào sáng 22 Tháng Năm. Chỗ trống trong “tứ trụ” như vậy đã được lấp lại, và vở tuồng chuyển sang một cao trào mới, hấp dẫn hơn nữa.

Đáng chú ý là trong bốn ủy viên Bộ Chính Trị mới bầu lên không có ai là thành viên ban lãnh đạo chính phủ và các “đệ tử” mà ông Tô Lâm bảo kê như các tướng Lương Tam Quang, Nguyễn Duy Ngọc (hiện đều là thứ trưởng Bộ Công An) đều không được “bầu” với lý do những người này chưa ngồi đủ một nhiệm kỳ trong BCH Trung Ương.

Hồi Tháng Ba, khi ông Võ Văn Thưởng mất chức chủ tịch nước, ông Tô Lâm đã tuyên bố sẽ không ngồi vào chiếc ghế “có dớp” này. Nhưng vấn đề của ông Lâm là do tuổi tác, ông ta sẽ phải về vườn trước đại hội (nếu có) của đảng CSVN lần thứ 14 vào năm 2026; muốn được tiếp tục leo cao thì ông Tô Lâm phải kiếm được một “suất tứ trụ,” tức là dù không muốn Lâm cũng phải ngồi vào chiếc ghế xui xẻo mà ông Thưởng để lại thì mới có cơ may được ưu đãi “trường hợp đặc biệt” tiếp tục làm lãnh đạo khi đã quá tuổi quy định.

Trong hai tháng qua, ông Lâm tìm mọi cách sao cho ông ta vừa có thể làm chủ tịch nước, vừa kiêm nhiệm bộ trưởng Công An, nếu không được như vậy thì cũng phải cố cài đệ tử vào chiếc ghế bộ trưởng Công An để bảo đảm an toàn cho chính ông ta, tránh đi vào vết xe đổ của ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Võ Văn Thưởng, hay tệ hơn là chết bất đắc kỳ tử như ông Trần Đại Quang, sếp cũ của ông ta ở Bộ Công An.

Nhưng sau hội nghị BCH Trung Ương 9 vừa qua, kế hoạch đó của ông Tô Lâm bất ngờ bị gãy. Theo thông lệ, bộ trưởng Công An phải do một ủy viên Bộ Chính Trị đảm trách, không có cửa cho các đàn em của ông Lâm từ thứ trưởng lên bộ trưởng.

Có lẽ do ông Tô Lâm phản ứng mạnh, hội nghị BCH Trung Ương đã không giới thiệu được người làm tân bộ trưởng để QH đóng con dấu cao su vào như thông báo hôm 19 Tháng Năm của Tổng Thư Ký QH Bùi Văn Cường. Tình hình bất ngờ thay đổi vào chiều 21 Tháng Năm, khi QH điều chỉnh chương trình kỳ họp, “bổ sung nội dung miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng Bộ Công An” – nghĩa là ông Tô Lâm không thể ngồi một đít hai ghế, không giữ được chiếc ghế bộ trưởng Công An đầy quyền lực mà chuyển sang chiếc ghế chủ tịch nước hữu danh vô thực.

Chắc chắn chiếc ghế bộ trưởng Công An sẽ do một ủy viên Bộ Chính Trị ngồi vào. Dư luận đồn đoán – có thể đúng hoặc không đúng – ủy viên đó có thể là ông Phan Đình Trạc, trưởng Ban Nội Chính Trung Ương, hoặc ông Trần Cẩm Tú, trưởng Ban Kiểm Tra Trung Ương. Ông Trạc hay ông Tú thì ông Tô Lâm đều gặp khó. Hai ban kiểm tra và nội chính thực chất là những cơ quan “siêu công an,” chuyên điều tra, thu thập tài liệu chứng cứ và đề nghị trừng phạt các tổ chức đảng và đảng viên cao cấp trước khi cho phép Bộ Công An bắt giữ, truy tố những quan chức đó. Nếu ông Lâm là hung thần của toàn xã hội thì ông Trạc, ông Tú chính là hung thần của đám cán bộ đảng viên. Thêm nữa, nếu được cử làm bộ trưởng Công An thì ông Phan Đình Trạc – từng là giám đốc Công An rồi bí thư Tỉnh Ủy Nghệ An và là một anh chị có số má trong băng Nghệ An do ông Vương Đình Huệ cầm đầu – sẽ làm cho tân Chủ Tịch Nước Tô Lâm thất điên bát đảo.

Ông Tô Lâm đã hạ bệ ông Thưởng và ông Huệ bằng đòn “hồi tố” hành vi tham nhũng của hai người này liên quan tới các công ty Phúc Sơn và Thuận An xảy ra nhiều năm trước thì ai dám chắc ông Phan Đình Trạc sẽ không dùng chính đòn “hồi tố” đó để triệt hạ ông Tô Lâm qua điều tra các vụ mua bán MobiFone-AVG trước đây hoặc vụ điều tra công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Thương Mại Dịch Vụ Xuân Cầu (Xuân Cầu Holdings) do các em, các cháu của ông Tô Lâm điều hành. So với các ông Huệ hoặc ông Thưởng, “hồ sơ tội phạm” của ông Tô Lâm hẳn phải dày hơn, trầm trọng hơn – có vụ liên quan tới quan hệ đối ngoại của nhà nước như vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh làm đứt gãy quan hệ với Đức và Slovakia – nên ông Lâm sẽ ăn không ngon (dù ăn thịt bò dát vàng), ngủ không yên khi ghế bộ trưởng Công An do người không thân tín nắm.

Truyền thông loan tin kỳ họp QH thứ 7 hiện đang diễn ra sẽ “bổ sung nội dung miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng Bộ Công An” theo đề nghị của ông Phạm Minh Chính, thủ tướng, dù không cho biết ai sẽ được ngồi vào chiếc ghế bộ trưởng Công An sau khi ông Tô Lâm bị miễn nhiệm chức vụ. Liệu đề nghị bất ngờ, làm cho ông Tô Lâm không kịp trở tay của ông Chính, có dẫn tới một vụ “tái đấu” quyết liệt giữa ông Lâm và ông Chính hay không?

Nên để ý, ông Lâm và ông Chính đều từng là thứ trưởng Công An và giành ghế nhau rất gay gắt trước khi ông Chính chuyển sang chính trị làm bí thư Tỉnh Ủy Quảng Ninh, còn ông Lâm thẳng tiến lên ghế bộ trưởng. Cả ông Lâm và ông Chính đều có thâm niên phụ trách an ninh và tình báo nên đều nắm nhiều bằng chứng về nhau, sẵn sàng sử dụng để triệt hạ nhau khi cần thiết. Thời gian qua, ông Tô Lâm đã ráo riết săn lùng bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – chủ tịch Hội Đồng Quản Trị kiêm tổng giám đốc công ty Cổ Phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) – nhằm mục tiêu triệt hạ ông Phạm Minh Chính mà chưa có kết quả.

Trang BBC nhận định, “với cương vị là nguyên thủ quốc gia, ông Tô Lâm có quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm chức vụ của thủ tướng là ông Phạm Minh Chính.” Nói như vậy không sai về lý thuyết, nhưng trong thực tế chính trị Việt Nam, chức vụ thủ tướng là do tập thể Bộ Chính Trị của đảng CSVN quyết định, không phải ông Tô Lâm muốn mà được.

Một cuộc chiến “sống mái” giữa tân Chủ Tịch Nước Tô Lâm với Thủ Tướng Phạm Minh Chính sẽ là “cao trào” của vở tuồng quyền lực trên sân khấu chính trị Ba Đình do gánh hát có tên đảng CSVN diễn; bà con nhớ đón xem! [qd]

Tô Lâm mất chức bộ trưởng Công An, Ba Đình hỗn loạn! (nguoi-viet.com)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten