vrijdag 17 mei 2024

NHÀ SƯ THÍCH MINH TUỆ + Toàn cảnh bất chiến tự nhiên thành của sư thầy Thích Minh Tuệ

 NHÀ SƯ THÍCH MINH TUỆ

Kan een afbeelding zijn van 1 persoon

Trong thời gian qua, nhà sư Thích Minh Tuệ đã tạo nên một hiện tượng hiếm thấy tại Việt Nam. Nhà sư đã đi bộ qua nhiều nơi, “đầu đội trời, chân đạp đất”, chỉ nhận đồ bố thí vừa đủ ăn, không nhận tiền.
Với hình ảnh giản dị, với lối nói mộc mạc, ông đã thu hút nhiều người ủng hộ tại những nơi ông đi qua và trên không gian mạng. Một nguồn cảm hứng mãnh liệt đã tỏa ra từ con người nhỏ nhắn này.
Thế nhưng, sự cuốn hút của ông đã khiến các hội đoàn Phật giáo do nhà nước quản lý lên tiếng.
Ngày 16/5, thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã gửi công văn đến ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở các tỉnh, thành phố. Công văn viết:
“Trong những ngày vừa qua, trên mạng xã hội TikTok, Facebook, YouTube, Instagram, Twitter xuất hiện nhiều hình ảnh, clip về người đàn ông mang hình dáng nhà sư đi bộ hành dọc tuyến đường từ Khánh Hòa ra Hà Giang và ngược lại.
“Qua tìm hiểu xác minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định người đàn ông này không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.”
Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam cũng ra thông báo: “Ông Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.”
Đây là hai phản ứng chính thức của một giáo hội Phật giáo do nhà nước quản lý và một cơ quan nhà nước phụ trách tôn giáo về trường hợp nhà sư Thích Minh Tuệ.
Công văn của thượng tọa Thích Đức Thiện đã vấp phải sự phê phán của nhiều người.
Một trong số những câu hỏi được đặt ra là: Liệu Giáo hội Phật giáo Việt Nam có quyền và có tư cách để công nhận một ai đó là tu sĩ Phật giáo hay không?
Các bạn có quan điểm như thế nào về vấn đề này?
6,2 d.

SƯ MINH TUỆ VỪA TRẢ LỜI BÁO VN-EXPRESS XONG!
🙏 Ý nghĩa tên Thích Minh Tuệ: "Minh có nghĩa là sáng, tuệ là trí tuệ, ý nghĩa cái tên là con đường soi sáng. Sau này khi cảm thấy không còn duyên ở chùa, con ra ngoài và vẫn giữ pháp danh này."
🙏 Về tu sĩ Phật giáo: “Con không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Những năm qua, con chỉ nghe lời giảng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tập học tu hạnh đầu đà. Tu hạnh này có 13 pháp khổ hạnh, trong đó hạnh đầu đà là một trong những pháp môn cao nhất và kinh điển nhất của Phật pháp. Người tu hạnh đầu đà chấp nhận những khó khăn trong các vấn đề ăn, mặc, ở (mặc áo vá, khất thực, ngày ăn một bữa, không nhận tiền cúng dường, khước từ mọi tiện nghi...).”
🙏 Bước chân đã đến: “Con đã đi khắp mọi miền đất nước, chỉ còn ba tỉnh Tây Ninh, Trà Vinh, Bến Tre là chưa tới bởi những địa phương này không nằm trên trục đường chính.”
🙏 Khi nào dừng lại: “Hành trình của con là muốn bộ hành trọn đời. Mục đích không nhằm truyền tải điều gì, bởi mọi điều trong Phật pháp đã có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy rồi. Con chỉ muốn thực hành những lời dạy của đức Phật, nhằm giúp hoàn thiện bản thân. Lúc đi bộ con luôn ước nguyện cho mọi người khi nào cũng được hạnh phúc, sống vui vẻ với gia đình."
🙏 Y phục và ăn uống: “Con tự nhặt các tấm vải vứt ở bên đường hoặc trong thùng rác rồi may lại làm quần áo mặc, ai đó cố tình vứt cho con sẽ không nhận. Mỗi ngày chỉ ăn một bữa. Khi đi trên đường, nếu gặp người có tâm, có duyên gửi cơm chay hoặc nước thì con dùng vừa đủ. Qua các con sông, suối con dừng lại tắm rửa. Buổi tối, con thường nghỉ ngơi bên đường, những lúc muốn đi vệ sinh thì ghé vào các cây xăng. Đối với con thì tất cả hành trình đi bộ đều không khó khăn. Khi di chuyển, nếu tâm mình an lạc, hạnh phúc và vượt qua được những trắc trở thì sẽ cảm thấy không còn bất cứ trở ngại gì ở phía trước nữa."
🙏 Về sự kiện người dân đi theo mấy ngày qua: “Nếu mọi người đi theo mình để tập bộ hành, rèn luyện sức khỏe, bước thẳng hàng, giữ yên lặng trật tự thì tốt. Còn tập trung chen nhau xô đẩy để ghi hình, phát trực tiếp, la ó lộn xộn thì không nên, bởi việc tạo ra ồn ào sẽ gây ra sự khó chịu cho những người xung quanh. Quá trình đi bộ, có nhiều người mang áo giống nhà sư đi theo nhưng họ không phải đệ tử của con, nhưng nếu ai muốn đi cùng thì con cũng không cản. Thỉnh thoảng nghỉ ngơi trò chuyện, con luôn khuyên họ nhớ xin phép gia đình, nếu khi nào cảm thấy không muốn tiếp tục hành trình thì có thể trở về nhà. Còn nếu ai đó phát tờ rơi hay nhận tiền bạc rồi nói con chung với họ là không đúng. Đồ đạc con tự mang, không cần những người đi cùng bảo vệ hay nhận tiền thay. Họ nhận thì họ tự chịu, ai làm tự nhận lấy hậu quả và bị xử lý."
🙏 Về cha mẹ: “Dù không liên lạc với gia đình suốt 6 năm qua bởi không đùng điện thoại, mạng xã hội, nhưng lúc nào con cũng nhớ tới công ơn sinh thành, dưỡng dục của bố mẹ. Bản thân con luôn tâm niệm làm theo lời Phật dạy để đền ơn, cầu nguyện cho người thân, gia đình được may mắn, bình an. Không có tài sản, vật chất, nhưng con cho người thân niềm tin là không bao giờ làm khổ họ, ví dụ như không để xảy ra vi phạm pháp luật hay làm ảnh hưởng tới các tổ chức Phật giáo.”
❤️ Đọc những câu trả lời của Sư Thích Minh Tuệ tôi cảm nhận rõ về trí tuệ uyên thâm, ý chí nghị lực phi thường và tấm lòng từ bi bao la của bậc tu hành 🙏
Xin gửi đến Sư một chữ “Thương!” của người luật sư nhỏ bé này ❤️
P/S: Hình ảnh báo VnExpess đăng và nội dung trên tôi trích ra từ báo nhưng chỉ nêu những câu trả lời để người đọc rõ dễ hiểu!
Sài Gòn, 17/5/2024
LS Lê Ngọc Luân ❤️🌹

Toàn cảnh bất chiến tự nhiên thành của sư thầy Thích Minh Tuệ


Nam Việt/SGN

Sự kiện vị hành cước tu sĩ Thích Minh Tuệ khởi cuộc hành pháp đơn độc xuyên Việt Nam lần thứ 6 đã trở thành cái gai trong mắt Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam do nhà nước CS dựng lên, vốn nhằm kiểm soát tín ngưỡng theo mô hình của Trung Quốc: tôn giáo – trại lính.

Hình ảnh vị sư gầy gò, khiêm tốn, không nhận cúng dường tiền bạc và chỉ đi theo lối khất sĩ để tu tập đã làm cảm động dân chúng mộ đạo cả nước. Khởi đầu thì một ngày người chặn đường hỏi thăm, rồi đến gửi thức ăn cúng dường…  cho đến ngày 15 Tháng Năm, người ta chứng kiến cả trăm người đi bộ theo sư Thích Minh Tuệ để bày tỏ lòng kính trọng, nhiều người dân chạy trước để quét đường, không để tổn thương chân trần của vị sư.

Từng bước chân của nhà sư Thích Minh Tuệ đang được nhiều Phật tử dõi theo. (Hình: Tiền Phong)

Vấn đề của sư Thích Minh Tuệ, là các tu thanh bạch, chân chính và khiêm tốn, không nhận tiền của của ông đã bất ngờ tạo thành một sự đối nghịch gay gắt với những lời rao giảng hù dọa Phật tử, hối thúc cúng dường và vạch rõ sự vô nghĩa, se sua của các quan chức Phật giáo nhà nước, hay tự xưng mình là đại đức, hòa thượng… không ngượng miệng.

Trên các trang mạng hàng ngày, tràn ngập các video ca ngợi cách tu của ông Thích Minh Tuệ, cùng với các bản video của các tăng sĩ nhà nước, tạo nên nghịch cảnh dở khóc dở cười.

Tức giận và bẽ bàng, ông Thích Chân Quang, sư nhà nước đã đăng đàn gọi sư Tuệ là “thằng ba trợn’ nhưng ngay lập tức sự phản ứng đã dữ dội đến mức khiến ông Quang phải vội vã kéo video xuống, và cắt bỏ những phần chửi bới xúc phạm sư Tuệ, nhưng vẫn chậm hơn sự nhận biết của dân chúng.

Như để tiếp sức với ông Quang, ngày 16 Tháng Năm, Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh đã phát đi một văn thư, như một loại truy nã tôn giáo,  ký tên Thích Đức Thiện, phó chủ tịch, tổng thư ký Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội quốc doanh gửi khắp các cơ quan địa phương, kể cả ban tôn giáo, và A02 của Bộ Công An, tức phân ban chuyên chống phản động của Hà Nội.

Văn bản ghi số 151/HĐTS-VP1, hỏa tốc gửi đi từ Hà Nội, báo cáo rằng “Trong mấy ngày nay, ông Lê Anh Tú đang đi bộ trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh hướng về Khánh Hòa. Ban thường trực Hội Đồng Trị Sự đề nghị Ban Trị Sự GHPGVN các tỉnh, thành phố có thông báo tới đông đảo Phật tử và nhân dân được biết để không ngộ nhận ông Lê Anh Tú là nhà sư, liên hệ với chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn hành vi sử dụng mạng xã hội tạo làn sóng dư luận xúc phạm Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.”

Chính văn bản này khi bị tiết lộ, chính là cao trào của những những nhận rõ về cái gọi là Giáo Hội Phật Giáo do nhà nước dựng lên từ năm 1981.

Cùng ngay trong chiều ngày 16 Tháng Năm, giới sử dụng mạng Việt Nam đã truy tìm tài sản che giấu của ông Thích Đức Thiện, qua số điện thoại và tên thật của ông, cho thấy, ít nhất ông Thiện đang có số tiền của riêng, từ 5 đến 7 tỷ đồng, từ những tài khoản bị tiết lộ.

Nhiều trang đã đưa lại tin tức này, trong đó có trang facebook của nhà báo Hoàng Mạnh Hà. Nội dung bài viết có hướng dẫn cách tìm “Lên Goolge gõ chữ ‘Thượng toạ Thích Đức Thiện,’ dẫn vào các trang mạng Phật giáo, mình biết được tên thật của thầy là Nguyễn Tiến Thiện, số ĐT là 0912019747, địa chỉ 73 Quán Sứ, Hà Nội.”

Cũng số điện thoại này, khi tìm đến trang Scribd. Người ta tìm thấy một file excel. Trong bảng excel, khách hàng Nguyễn Tiến Thiện với số điện thoại và địa chỉ như trên, đang có số dư 2 tỷ đồng từ năm 2020.

Khi tiếp tục tìm với google, lại tìm được bảng dữ liệu, kê 34,500 số điện thoại “Gửi tiết kiệm Hà Nội từ 5 tỷ.” Trong bảng này, lại có số điện thoại 0912019747. Tức là số điện thoại của ông Thiện, đang là khách hàng thân thiết có số dư gửi tiết kiệm từ 5 tỷ.

Vài tiếng sau khi có phát hiện về những tài sản bí mật này của ông Thiện, được lan truyền trên mạng, đồng loạt các bài liên quan đều bị đánh sập vào từ 6 giờ 30 phút tối, ngày 17 Tháng Năm. Truy từ các dấu vết ngăn chận các bài viết, cho thấy có liên quan đến an ninh mạng của Nhà nước Việt Nam.

Thế nhưng, nhiều người nói, ông Thiện đang có chức vụ cao cấp hơn ông Quang, nên tiền không thể ít hơn được, trong khi theo tìm kiếm của dân cư mạng, tài sản từ kêu gọi cúng dường của Quang, có thể lên đến khoảng 300 tỉ, theo tố cáo từ nhiều trang, có thể tìm thấy nội dung với từ khóa “kê biên tài sản Thích Chân Quang”.

Hình ảnh của ông Thiện hay ông Quang, chỉ là đại diện nhỏ lẻ của một hệ thống tăng ni được nhà nước Việt Nam nuôi dưỡng, thao túng và lạm quyền trong âm mưu kiểm soát cả Việt Nam bằng tôn giáo – xã hội chủ nghĩa. Những con số tài sản rủng rỉnh đang được đồn thổi trên mạng có thể là không chính xác, nhưng hoàn toàn đối lập với hình ảnh một người tu sĩ nhẫn nại và an nhiên trên con đường hành đạo của mình, mà không hề có bóng dáng tư lợi.

Để ra vẻ là có sự công bằng và xoa dịu công chúng, sau khi phát đi công văn đòi công an phải có hành động với thầy Thích Minh Tuệ, ông Thiện cũng cho loan đi nội dung rằng Giáo Hội nhà nước đã tổ chức buổi làm việc với ông Thích Chân Quang “để kiểm điểm, chấn chỉnh phát ngôn.” Tin báo ngày việc kiểm điểm ngày 17 Tháng Năm, nhưng có tin chuyện đã cũ, và cũng đã xử êm nội bộ từ ngày 19 Tháng Tư.

Ông Thích Đức Thiện là ai mà ra mặt, có nhiều quyền lực như vậy? Hiện ông Thiện là con át chủ bài mới của Ban Tôn Giáo, đang được chuẩn bị cho nhiều nhiệm vụ đối ngoại. Năm 2023, Thích Đức Thiện đại diện cho Phật Giáo, Nguyễn Thanh Lý đại diện cho Công Giáo đã đi sang Hoa Kỳ để “minh oan” cho Hà Nội về vấn đề đàn áp tôn giáo, và kêu gọi Hoa Kỳ hãy bỏ Việt Nam ra khỏi danh sách SWL (Special Watch List).

Sau sự lồng lộn tức giận của các quan chức tôn giáo cộng sản, sư Thích Minh Tuệ nói mình sẽ ẩn tu để tránh làm phiền mọi người.
Trong toàn bộ câu chuyện của sư Thích Minh Tuệ, hình ảnh một người tu áo vá, an nhiên với hành trình đạo pháp của mình đã bất chiến tự nhiên thành với cả một hệ thống tay sai tôn giáo điên cuồng muốn hủy diệt hình ảnh thanh bạch truyền thống của Phật Giáo Việt Nam.

Điều đáng ngạc nhiên, cho thấy giữa chằng chịt các luật lệ, những ngôn luận vuốt đuôi nhà nước với cái gọi là “thế lực thù địch,” bẫy rập chực chờ… Tôn giáo chân chính vẫn điềm nhiên đi xuyên qua, không mất một chút lực nào.

Toàn cảnh bất chiến tự nhiên thành của sư thầy Thích Minh Tuệ (nguoi-viet.com)


Geen opmerkingen:

Een reactie posten