zondag 12 mei 2024

Lucy Hsu, cô gái gốc Việt du lịch đến 193 nước Liên Hiệp Quốc

Lucy Hsu, cô gái gốc Việt du lịch đến 193 nước Liên Hiệp Quốc

Kalynh Ngô/Người Việt

SAN JOSE, California (NV) – Nếu sự giàu có của một người được xét theo tiêu chuẩn kinh nghiệm từ những chuyến du lịch vòng quanh thế giới, thì chắc chắn cô gái gốc Việt Lucy Hsu ở San Jose sẽ có tên trong “top 10.” Tháng Năm, 2023, cô chính thức đặt chân đến Syria, quốc gia thứ 193 trong tổng số 195 nước trên bản đồ thế giới.

Lucy Hsu gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Ấn Độ. (Hình: Lucy Hsu cung cấp)

“Tên tôi là Lucy Hoàng. Sau khi lập gia đình thì tôi dùng họ của chồng là Hsu. Tôi đang dạy lớp Hai ở trường tiểu học Cadwallader Elementary School. Dạy học là giấc mơ của tôi. Tôi xin lỗi tôi không nói rành tiếng Việt,” từ San Jose, cô giáo Lucy Hsu kể lại “sự giàu có” cô tích lũy được ở tuổi mới ngoài 40.

Từ giấc mơ khi bé và cuốn sổ thông hành năm 23 tuổi

Cô gái gốc Việt có giọng nói và cách kể chuyện từ tốn, nhẹ nhàng, rõ chữ, đúng phong cách của một giáo viên đang kể cho học trò của mình về những cuộc phiêu lưu ký.

Cha mẹ của Lucy là thuyền nhân. Họ rời Việt Nam năm 1979. Lucy sinh ra và lớn lên ở California. Cô tốt nghiệp đại học University of California, Berkeley năm 22 tuổi. Cho đến thời điểm ấy, cô chưa bao giờ rời nước Mỹ.

Khi còn là một cô bé, Lucy đã mơ về những chuyến du lịch. Nhưng như nhiều gia đình Việt tị nạn buổi đầu khác, du lịch là một điều rất xa xỉ với gia đình cô.

“Cha mẹ tôi không dư dả tài chính. Do đó chúng tôi đã không đi đâu cả, ngoại trừ một lần đi Canada thăm bà con bên mẹ của tôi. Khi đó tôi còn rất nhỏ, và là người Mỹ nên không cần phải có sổ thông hành để qua Canada,” cô Lucy kể.

Sau khi tốt nghiệp University of California, Berkeley, cô làm việc một năm tại đại học Stanford University. Khoảng thời gian đó, Lucy tiết kiệm được một số tiền, và cô quyết định học lên cao học.

Đó cũng là lúc cô có một khoảng thời gian trống. Không ngờ là vài tháng ngắn ngủi đó đã đặt viên gạch đầu tiên cho cô gái 23 tuổi bước ra với thế giới rộng lớn bên ngoài. Cô làm sổ thông hành, bắt đầu chuyến lịch đầu tiên trong đời.

Giấc mơ thuở nhỏ của cô bé Lucy Hoàng đã thành hiện thực.

“Tôi quyết định thực hiện chuyến du lịch vòng quanh các nước Châu Âu, đến các địa danh nổi tiếng như London, Paris, Rome…,” Lucy nhớ lại. “Cha mẹ dạy tôi cách sống tự lập từ nhỏ. Nếu tôi muốn làm điều gì đó, tôi sẽ thực hiện bằng mọi cách. Và tôi đã không chờ đợi ai cả. Tôi là người có cá tính rất độc lập.”

Sau chuyến đi Châu Âu, vẫn còn một chút thời gian trước khi vào học cao học, Lucy thực hiện chuyến đi thứ hai. Lần này cô đến Thái Lan, Singapore, Malaysia và Hồng Kông. Hai chuyến đi này đã “định hình” một mục tiêu mà Lucy đã thực hiện nó suốt cho đến hôm nay, bằng tất cả đam mê, cố gắng, và bản tính độc lập của cô.

“Tôi khám giá ra thế giới thật kỳ diệu. Từ sau hai chuyến đi Châu Âu và Châu Á, mục tiêu của tôi chỉ là đi du lịch mỗi mùa Hè, hai tuần nghỉ Giáng Sinh, nghỉ ‘Spring break,’ ngay cả tuần lễ ‘President’s week’ tôi cũng đi du lịch,” Lucy nói.

Bí kíp của “UN Master” và 193 quốc gia

Đến Tháng Năm, 2023, cô gái người Mỹ gốc Việt chỉ có sổ thông hành vào năm 23 tuổi đã trở thành “UN Master” – một biệt danh do câu lạc bộ du lịch nổi tiếng Nomadmania dành cho những ai đã đi đến tất cả các nước của Liên Hiệp Quốc.

Chuyến du lịch gần nhất của Lucy là Tháng Tư năm nay, cô đã đến Ấn Độ, được vinh dự, lẫn duyên lành, gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma.

“Phái đoàn của tôi đã đến thăm nhiều trại mồ côi, trường học do ngài sáng lập và tài trợ. Chúng tôi cũng làm tình nguyện viên ở các tu viện do ngài mở ra,” Lucy kể.

Lucy Hsu (thứ hai từ trái) ở Afghanistan. (Hình: Lucy Hsu cung cấp)

Cô nói: “Rất nhiều người thắc mắc vì sao tôi có đủ khả năng để chi trả cho bấy nhiêu chuyến du lịch. Khi còn độc thân, tôi thuê một căn phòng hoặc một căn chung cư nhỏ. Tôi rất tiết kiệm, không tiêu xài nhiều. Tôi học tận dụng tối đa điểm thẻ tín dụng một cách hiệu quả nhất. Tôi cũng ghi danh chương trình tích lũy điểm sau mỗi chặng bay. Tôi thích nhất là Star Alliance vì nó ứng dụng đến 30 hãng hàng không. Do đó cứ mỗi lần tôi bay hãng nào, tôi cũng tích lũy được điểm.”

Không chỉ là thế, cô còn dùng chuyên môn của mình để tìm việc trong những chuyến du lịch dài. Có một lần, cô đến Guatemala và dạy học vài tuần. Cô đón xe buýt từ Guatemala đến Belize rồi trở lại Guatemala. Tương tự, cô đi xe buýt đến Honduras và El Salvador. Cả mùa Hè năm đó, Lucy đã du lịch từ bốn đến năm quốc gia.

“Xe buýt rất rẻ, chỉ khoảng $5. Và tôi ở ‘hostel’ (một dạng nhà trọ, lữ quán) chỉ tốn $5. Khi tôi ghi danh tình nguyện viên, tôi sẽ ở nhà người bảo trợ. Tôi đã tình nguyện dạy học khi đến Africa và ở nhà một gia đình người dân,” Lucy kể lại kinh nghiệm của những chuyến đi.

Lucy nói cô tin rằng ai cũng có thể vươn tới những điều tưởng chừng là không thể, chỉ cần theo đuổi những điều thật sự có ý nghĩa với chúng ta.

Để minh chứng, Lucy kể câu chuyện thực tế của chính mình: “Ví dụ, mặc dù tôi là một giáo viên, mức lương của tôi không ‘great’ nhưng tôi sẵn sàng làm việc rất chăm chỉ. Ngoài việc đi dạy, tôi làm nhiều việc khác. Tôi dạy thêm mỗi ngày sau giờ ở trường. Tôi dạy đàn dương cầm vào mỗi cuối tuần. Ngay cả tôi đã đi giao hàng để có thêm thu nhập. Vì tôi rất, rất muốn đạt được giấc mơ của tôi. Do đó tôi chăm chỉ làm việc chứ không xin cha mẹ phải cho tôi tiền để thực hiện ước mơ, cũng không mơ tưởng mình trúng số.”

Lucy nói thêm: “Nhưng quan trọng là tích cực săn tìm giá vé rẻ. Tôi rất thích dùng skyscanner.com. Tôi vào đó, ghi vào khoảng thời gian tôi có thể đi du lịch để xem nơi nào có giá vé rẻ.”

Quan trọng hơn, là tìm hiểu kỹ về nơi mình sẽ đến. Cô gái này đã đến những quốc gia “nóng” nhất tính theo tình hình chính trị thế giới: Bắc Hàn, Afghanistan, và cả Iraq.

“Đừng vội nghĩ là sao tôi khờ khạo quá lại du lịch đến Bắc Hàn hay Afghanistan. Tôi đã tìm hiểu, tham khảo rất nhiều từ những du khách trước. Tôi là thành viên của những nhóm du lịch đến hơn 150 quốc gia. Họ chia sẻ kinh nghiệm khi biết nơi tôi muốn đến,” cô nói.

Lucy Hsu đã đến Bắc Hàn, chụp ảnh ngay ở biên giới DMZ. Cô đến Afghanistan, dùng cơm với gia đình người bản xứ.

Lucy Hsu chụp ảnh tại DMZ ở Bắc Hàn. (Hình: Lucy Hsu cung cấp)

Thay đổi nhân sinh quan

Câu chuyện với “UN Master” Lucy Hsu ngày càng thêm thú vị và ý nghĩa khi cô chia sẻ về sự thay đổi nhân sinh quan của một cô gái gốc Việt sinh ra và lớn lên ở Mỹ.

“Rất nhiều thứ,” Lucy nói. “Chính tôi đã không thể tin được. Tôi là con gái của gia đình tị nạn, tôi lớn lên trong cuộc sống không có nhiều điều kiện và tôi có thể đạt được ước mơ của mình là du lịch đến mỗi quốc gia trên thế giới.”

Phần thưởng lớn nhất Lucy Hsu có được chính là bạn bè và kinh nghiệm. Cô nói: “Tôi đã thật sự khám phá thế giới và hiểu con người có nhiều cách khác nhau để sinh tồn. Dù tôi ở bất cứ nơi nào, Africa hay Châu Á, Châu Âu, Nam Mỹ, tôi đều có thể có bạn. Dù chúng ta khác văn hóa, khác nền tảng, nhưng tất cả chúng ta đều có điểm giống nhau là chăm lo cho gia đình, quan tâm đến giáo dục, đến cơ hội tốt…”

Sau những chuyến đi đầu tiên, Lucy nói cô đã đẩy lùi khỏi tư tưởng của mình những suy nghĩ mà cô gọi là “American mindset:” “Khi tôi bắt đầu du lịch, tôi chọn những nơi nổi tiếng như Vạn Lý Trường Thành, tháp Eiffel, London Bridge… Tư tưởng của tôi còn rất ‘American mindset.’ Tôi thường so sánh cái này, cái kia với nước Mỹ. Nhưng khi tôi quyết định du lịch nhiều hơn và lâu hơn, tôi bắt đầu kết bạn với người địa phương và hiểu về văn hóa của họ. Đó là lúc tôi thấy cách nghĩ đó không còn thích hợp nữa.”

Từ những quốc gia mà Lucy chọn để du lịch và làm thiện nguyện, cô đã nhìn thấy nhiều điều ý nghĩa hơn, đẹp đẽ hơn là hai từ “địa danh.” Cho dù, đó là những nơi không có nhà vệ sinh, không có nước sạch, những lớp học chỉ là một túp lều mong manh.

“Tôi đến Kenya, nhà vệ sinh chỉ là một cái hố dưới mặt đất. Tôi phải mang theo nước uống. Nếu muốn nước nóng, tôi phải đi nấu. Không có nhà tắm, chỉ là thau nước và miếng bọt biển. Khi tôi đưa ra những tấm ảnh về cuộc sống ở đó, mọi người đều cho rằng cuộc sống quá khó khăn. Tôi không cho là thế. Tất cả chỉ là chúng ta nghĩ như thế,” Lucy nói.

“Đừng cứ mãi than phiền, xe tôi không đẹp như xe kia, nhà tôi không to như nhà kia, thời tiết hôm nay tệ quá, đường phố hôm nay đông xe quá… Chúng ta sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều nếu chúng ta trân trọng những gì chúng ta đang có mỗi ngày. Tôi nghĩ rằng đó là giá trị mà tôi học được, trân quý những gì tôi có, công việc tôi đang làm, ngôi nhà tôi đang ở. Tôi biết mình hạnh phúc,” cô gái “UN Master” nở nụ cười viên mãn.

Mùa Hè sắp đến, Lucy Hsu lại chuẩn bị cho chuyến hành trình kế tiếp. Chắc chắn học trò của cô sẽ lại được nghe về cuộc phiêu lưu kỳ thú của cô giáo mình.

Trước khi kết thúc buổi trò chuyện, cô chân thành nhắn gửi: “Nếu các bạn cần hỏi gì về những chuyến du lịch, đừng ngại liên lạc với tôi ở Instagram: Calgirl2003.” [qd]

—–
Liên lạc tác giả: ngo.kalynh@nguoi-viet.com

Lucy Hsu, cô gái gốc Việt du lịch đến 193 nước Liên Hiệp Quốc (nguoi-viet.com)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten