Chiến tranh Ukraine: Tổng thống Biden muốn hỗ trợ Ukraine 33 tỷ USD
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden yêu cầu Quốc hội thông qua 33 tỷ USD để hỗ trợ Ukraine "trong 5 tháng tới".
Ông Biden cho biết việc các nhà lập pháp Mỹ thông qua gói viện trợ này là "cực kỳ quan trọng".
Gói này bao gồm hơn 20 tỷ USD viện trợ quân sự, 8,5 tỷ USD viện trợ kinh tế và 3 tỷ USD viện trợ nhân đạo.
Ông nói Mỹ không thể "khoanh tay đứng nhìn" cuộc xâm lược - nhưng khẳng định rằng đất nước của ông không "tấn công" Nga.
Mặc dù Hoa Kỳ đã tuyên bố giúp Ukraine, các đề xuất mới này là một sự gia tăng đáng kể viện trợ của Mỹ.
Trong một bức thư gửi Quốc hội, ông Biden nói rằng ngay cả khi Liên minh châu Âu và các đồng minh Nato tăng cường đóng góp "lớn hơn" của họ cho quốc phòng Ukraine, nhu cầu cung cấp viện trợ cho Ukraine sẽ "đòi hỏi một khoản đầu tư bổ sung đáng kể từ phía chúng ta".
"Điều tôi muốn nói rõ với Quốc hội và người dân Mỹ là: cái giá phải trả cho việc thất bại trước hành động xâm lược bạo lực ở châu Âu luôn cao hơn cái giá để đứng vững trước những cuộc tấn công như vậy," ông viết.
Khoản yêu cầu tài trợ đầu tiên của ông Biden sau khi chiến tranh bắt đầu, được Quốc hội thông qua vào tháng trước, là 14 tỷ USD.
Mỹ đã nhanh chóng giúp đỡ Ukraine kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào cuối tháng Hai. Bao gồm:
- Giải ngân 3,7 tỷ USD trong hỗ trợ quân sự và an ninh
- Triển khai hơn 100.000 quân đến các nước thành viên Nato ở Châu Âu
- Áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với hàng trăm nhà tài phiệt và chính trị gia Nga
- Áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng và thực thể quốc phòng của Nga
- Chặn các ngân hàng quan trọng của Nga khỏi hệ thống Swift
- Cấm nhập khẩu dầu của Nga
- Cấm máy bay Nga sử dụng không phận Mỹ
Nhà Trắng hôm thứ Năm cũng đề xuất tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Mỹ trong việc thu giữ và bán tài sản của các nhà tài phiệt Nga, đồng thời chuyển số tiền thu được cho Ukraine.
Các đồng minh phương Tây, bao gồm các nước thành viên Liên minh châu Âu, đang làm việc cùng nhau suốt từ tháng Ba để theo dõi tài sản của giới tinh hoa Nga, từ tác phẩm nghệ thuật và bất động sản cho đến trực thăng và du thuyền.
Theo Nhà Trắng, Mỹ hiện đã trừng phạt và phong tỏa các tàu thuyền và máy bay trị giá hơn 1 tỷ USD, trong khi EU đã đóng băng tổng cộng hơn 30 tỷ USD.
Nhưng các kế hoạch mới do chính quyền đặt ra thậm chí còn đi xa hơn. Hoa Kỳ muốn sử dụng số tiền từ việc bán các tài sản bị tịch thu "để khắc phục hậu quả của hành động xâm lược của Nga ở Ukraine".
https://www.bbc.com/vietnamese/world-61257657
Geen opmerkingen:
Een reactie posten