dinsdag 3 mei 2022

Nhật Bản, Việt Nam thảo luận về Ukraine và Biển Đông

 

Nhật Bản, Việt Nam thảo luận về Ukraine và Biển Đông

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (phải) trao tặng chữ thư pháp cho Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm 1/5 trong chuyến thăm đầu tiên của ông Kishida tới Hà Nội kể từ khi nhậm chức cách đây hơn 6 tháng.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã thảo luận về cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine và vấn đề Biển Đông khi gặp mặt các lãnh đạo Việt Nam hôm 1/5, trong đó hai bên nhất trí tôn trọng luật pháp quốc tế và không sử dụng vũ lực.

Nhật Bản là một trong số ít các quốc gia châu Á lên án cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine và cùng với các nước phương Tây áp đặt nhiều chế tài chống lại Moscow. Trong khi đó Việt Nam, giống như nhiều quốc gia Đông Nam Á khác, đã tránh chỉ trích Nga và kêu gọi kiềm chế, tôn trọng hiến chương của Liên Hợp Quốc cũng như đối thoại để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột.

Sau hai lần bỏ phiếu trắng để tránh lên án Nga, Việt Nam, một đồng minh lâu năm của Moscow, đã bỏ phiếu chống trong lần thứ 3 tại Đại hội đồng LHQ nhằm phản đối việc đình chỉ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền của tổ chức này.

Theo Thông Tấn xã Việt Nam, Thủ tướng Kishida, người nhậm chức hồi tháng 10 năm ngoái và được cho là nhà lãnh đạo “chống Nga” mạnh mẽ nhất của Nhật Bản từ trước đến nay, và người đồng cấp phía Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính, đã “trao đổi lập trường về vấn đề Ukraine.”

TTXVN không đưa ra chi tiết cụ thể những gì hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về vấn đề này nhưng nói rằng ông Chính chia sẻ quan điểm toàn diện của Việt Nam về vấn đề nhân đạo trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Thủ tướng Chính thông báo trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Kishida rằng Việt Nam sẽ hỗ trợ nhân đạo 500.000 USD cho Ukraine thông qua các tổ chức nhân đạo quốc tế. Theo TTXVN, ông Kishida đã hoan nghênh quyết định này của Việt Nam.

Còn theo Reuters, ông Kishida nói sau cuộc hội đàm với ông Chính hôm 1/5 rằng: “Chúng tôi nhất trí rằng bất kỳ hành động nào nhằm làm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực là điều không thể chấp nhận được” khi ngụ ý tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

“Chúng tôi nhất trí về việc cần thiết phải chấm dứt ngay lập tức cuộc chiến tranh này,” ông Kishida được Reuters trích lời nói.

Cũng tại cuộc gặp với ông Chính hôm 1/5 , ông Kishida đã nêu vấn đề Biển Đông, và theo TTXVN, hai nhà lãnh đạo “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không” cũng như “giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, bao gồm tôn trọng đầy đủ tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế.”

Trong khi truyền thông Việt Nam không đưa ra chi tiết hai nhà lãnh đạo đã nói gì về vấn đề này, Thủ tướng Kishida được Reuters trích lời nói rằng ông và ông Chính “cũng đã nhất trí phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực nào nhằm làm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực trên Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông).”

Cả Việt Nam và Nhật Bản đều có những mối lo ngại trước sự bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc trên biển. Việt Nam được xem là trọng tâm trong chính sách “Hướng Nam” của Nhật nhằm kiềm chế sự ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực.

Tại cuộc gặp với ông Chính hôm 1/5, Thủ tướng Kishida khẳng định khả năng hợp tác trong mối quan hệ giữa Nhật Bản với Việt Nam là “không giới hạn”, theo Báo điện tử Chính phủ.

“Tôi mong muốn cùng ngài Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa quan hệ giữa hai nước mạnh mẽ hơn, mang lại lợi ích cho cả hai nước,” ông Kishida được Báo Chính phủ trích lời nói.

Trong khi đó ông Chính nói rằng hai bên “nhất trí thúc đẩy hợp tác về thương mại sau đại dịch, tăng cường chuỗi cung ứng và chuyển đổi năng lượng, phù hợp với các lợi ích chung.”

Nhật Bản là nhà cung cấp hỗ trợ phát triển chính thức lớn nhất cho Việt Nam và là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ 3 của quốc gia Đông Nam Á. Theo dữ liệu chính thức, thương mại hai chiều giữa hai nước tăng 8,4% trong năm ngoái lên 42.9 tỷ USD.

Trước khi ông Kishida tới Việt Nam, tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch kêu gọi người đứng đầu Nhật Bản dùng đòn bẩy kinh tế để thúc giục các lãnh đạo của Đảng Cộng sản cải thiện nhân quyền khi gặp mặt ở Hà Nội. Không rõ vấn đề nhân quyền có được nêu lên trong chuyến thăm của ông Kishida hay không. Cả truyền thông Việt Nam và quốc tế đều không nói đến nhân quyền trong nghị trình thảo luận của ông Kishida tại Hà Nội.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Kishida sau hơn 6 tháng nhậm chức thủ tướng Nhật và sau 5 tháng kể từ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của ông Chính. Chuyến thăm của ông Kishida diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Nhật Bản tiếp tục phát triển sâu rộng quan hệ Đối tác chiến lược và chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm tới.

Nhật Bản, Việt Nam thảo luận về Ukraine và Biển Đông (voatiengviet.com)

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten