vrijdag 6 mei 2022

5 phim Hollywood về tình mẫu tử phải xem nhân dịp Mother’s Day : Turning Red, The Lost Daughter, Mother’s Day, Freaky Friday, Stepmom

 5 phim Hollywood về tình mẫu tử phải xem nhân dịp Mother’s Day

Nhất Anh/Người Việt

HOLLYWOOD, California (NV) – Mother’s Day sắp đến là dịp để tất cả chúng ta cùng tôn vinh những người bà, người mẹ, người chị và người em ở vai trò làm mẹ. Cho dù là ở vị trí và hoàn cảnh nào, làm mẹ luôn là thiên chức thiêng liêng và đáng được trân trọng.

Mẹ Ming (trái) trong phim “Turning Red” vô cùng sửng sốt khi đọc được những dòng nhật ký của bé Mei. (Hình: themoviedb.org)

Cùng điểm qua năm bộ phim xoay quanh mối quan hệ giữa mẹ và con cái mà các nhà làm phim Hollywood khai thác một cách chân thật, gần gũi đánh động vào tim của khán giả, khiến khán giả càng thuơng và yêu mẹ mình hơn.

Turning Red (2021)

“Turning Red” là bộ phim hoạt họa mới nhất của hãng Pixar và Disney, tập trung vào câu chuyện của gia đình cô bé gốc Á tên Mei ở Toronto, Canada. Các dạy dỗ của người Á Châu luôn nghiêm khắc và truyền thống so với người phương Tây. Đặc biệt, người ta còn hay dùng từ “Tiger Mom” để nói về những bà mẹ Á Châu luôn có tư tưởng sắp đặt con cái vào khuôn khổ.

Mei là hình ảnh đại diện cho nhiều trẻ em gốc Á ở phương Tây khi luôn được kỳ vọng học hành giỏi giang, luôn phải điểm A, ngoan ngoãn nghe lời và không được cãi lời, không đưa ra ý kiến và suy nghĩ cá nhân.

Áp lực ngày càng lớn khi Mei luôn phải khoác lên mình chiếc áo hoàn hảo trong mắt mẹ Ming, người luôn lo lắng, túc trực và đi theo sát con mình từng li từng tí khiến Mei phải cố gắng trở thành một người như mẹ muốn, đồng thời phải giấu giếm những cảm xúc tuổi mới lớn như rung động với người bạn khác giới hay thần tượng nhóm nhạc yêu thích.

Khi bắt đầu tuổi dậy thì, những biến đổi trong cơ thể Mei dần thay đổi, đặc biệt là bé sẽ biến thành con gấu trúc đỏ mỗi khi có cảm xúc dâng trào. Đây cũng là hình ảnh ẩn dụ đầy sâu sắc mà các nhà làm phim lồng ghép trong phim, khi việc biến thành gấu đỏ tượng trưng cho những suy nghĩ mà Mei cho rằng đó chính là khuyết điểm mà mẹ em không bao giờ chấp nhận.

Trải qua nhiều hiểu lầm tuổi mới lớn giữa bậc phụ huynh và con cái, cuối cùng, cả mẹ Ming và bé Mei đều dần hiểu nhau hơn, đặc biệt là khi mẹ Ming “nới lỏng” sự kiểm soát và cho con mình có khoảng không gian tự do phát triển hơn. Đôi khi chỉ vì tình yêu thương con vô bờ bến và mong mỏi con được thành công, cha mẹ gò ép con vào khuôn khổ mà quên mất những cảm xúc của con mình.

Trong “The Lost Daughter,” sâu thẳm trái tim Leda (phải), bà xem Nina như đứa con của mình vì nó gợi nhớ đến người con gái mà bà từng dứt khoát bỏ lại để theo đuổi sự nghiệp. (Hình: themoviedb.org)

The Lost Daughter (2021)

Không giống như những câu chuyện về mẹ đầy vui vẻ, “The Lost Daughter” tái hiện lại nỗi đau của một người mẹ trung niên luôn đè nặng lên trái tim khi quyết định bỏ rơi đứa con gái còn đỏ hỏn để theo đuổi sự nghiệp riêng. Cho đến khi thành đạt, trở thành một nhà văn nổi tiếng, có tất cả danh tiếng, sự nghiệp lẫy lừng và tài sản trong tay, bà Leda vẫn luôn cô độc và day dứt về những gì mình làm.

Khi đến Hy Lạp để nghỉ mát và tìm kiếm nguồn cảm hứng cho cuốn sách mới của mình, bà Leda vô tình gặp gỡ cô hầu bàn Nina và đứa con gái 3 tuổi. Hình ảnh một Nina vất vả làm việc kiếm sống, đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống khi là một bà mẹ đơn thân trẻ tuổi gợi nhớ cho bà Leda quá khứ trước đây của bà.

Nina chính là hiện thân của bà Leda trước đây, khi bà cũng từng trải qua những khủng hoảng tâm lý khi lần đầu làm mẹ, vừa đóng vai trò là trụ cột chính trong nhà, vừa khao khát có một cuộc sống hạnh phúc và sự nghiệp riêng cho mình.

Bộ phim đã thành công trong việc khai thác về những tâm tư, suy nghĩ và cả những thử thách mà người phụ nữ trong cuộc sống hiện đại đối diện phải. Và có lẽ đâu đó những nỗi buồn của bà Leda trong phim cũng là những nỗi lo lắng, cô đơn mà người phụ nữ từng làm mẹ đều trải qua.

Bốn câu chuyện trong “Mother’s Day” sẽ khiến ngày lễ về Mẹ sẽ càng đặc biệt và ý nghĩa hơn. (Hình: themoviedb.org)

Mother’s Day (2016)

Nhân dịp Ngày Của Mẹ năm 2016, hãng Open Road Films phát hành tác phẩm “Mother’s Day,” tôn vinh những người phụ nữ làm mẹ, do đạo diễn Gary Marshall thực hiện, dựa trên kịch bản của nhà biên kịch Tom Hines.

Phong cách đặc trưng của vị đạo diễn lừng danh ở mảng phim tình cảm một lần nữa được thể hiện qua “Mother’s Day” rất gần gũi và dễ thương. Bộ phim là tập hợp bốn câu chuyện khác nhau nhưng đâu đó chúng ta đều thấy trong đời sống hằng ngày.

Chẳng hạn, bà mẹ hai con Sandy sau khi ly hôn phải san sẻ việc nuôi con với chồng cũ và vợ mới của chồng, hay như gia đình nhà Bradley phải đối mặt với ngày Mother’s Day đầu tiên không có mẹ khi người mẹ trong gia đình chết vì hy sinh ở chiến trường.

Hay như cô nàng Kristin vừa mới sinh con đầu lòng với bạn trai, lại từ chối việc kết hôn vì những vết thương quá khứ khi mẹ cô bỏ cô ra đi, khiến cô không tin vào lòng chung thủy gia đình.

Mỗi gia đình là mỗi hoàn cảnh khác nhau, và họ luôn có những cách khác nhau để ăn mừng Ngày Của Mẹ. Nhưng cho dù là hoàn cảnh nào đi nữa, Mother’s Day vẫn luôn là ngày rất đặc biệt trong mỗi gia đình.

Những tình huống hài hước, “dở khóc dở cười” khi hai mẹ con hoán đổi xác cho nhau trong “Freaky Friday” sẽ khiến khán giả cười suốt. (Hình: themoviedb.org)

Freaky Friday (2003)

Có bao giờ bạn từng ước rằng giá như mẹ mình hiểu mình hơn một chút khi bạn còn đang tuổi mộng mơ? Hay như hiện tại bạn đã trở thành một người cha và người mẹ, bạn mong sao đứa con tuổi teen của mình dễ hiểu và dễ nghe lời hơn? Đó cũng chính là điều mong mỏi của nữ sinh 16 tuổi Anna khi luôn cảm giác mình bị mẹ kiểm soát trong khi bà mẹ Tess là một chuyên gia tâm lý nhưng lại không hiểu tâm tư con gái của mình.

“Ước gì được nấy,” sau một đêm ngủ thức dậy, Anna biến thành mẹ, còn bà Tess thì biến thành cô nữ sinh trung học khi cả hai bị hoán đổi xác cho nhau. Từ đây, những tình huống “dở khóc dở cười” xảy ra đem lại cho khán giả nhiều tiếng cười giòn giã qua sự diễn xuất đầy duyên dáng của minh tinh gạo cội Jamie Lee Curtis và nữ diễn viên Lindsay Lohan.

Nhờ sự hoán đổi mà hai mẹ con có dịp hiểu rõ những tâm tư và vấn đề của nhau hơn. Bà Tess có cái nhìn bớt khắt khe đi và ủng hộ đứa con gái mình chơi nhạc rock, trong khi Anna lại càng cảm thấy thương mẹ hơn khi phải đối diện với đủ thứ công việc hằng ngày mà bà Tess phải làm để đem lại cuộc sống thoải mái cho hai đứa con của mình. Từ đây, những xích mích, mâu thuẫn và hiểu lầm giữa hai mẹ con được hóa giải, đồng thời mối quan hệ ngày càng gắn kết hơn bao giờ hết.

Cho dù bạn đang ở vai trò nào đi nữa trong cuộc sống, có thể bạn đã làm cha mẹ hoặc chưa thì “Freaky Friday” là một bộ phim tuyệt vời để bạn hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái tuổi mới lớn.

Một người là mẹ ruột (trái), một bên là mẹ kế trong phim “Stepmom.” (Hình: themoviedb.org)

Stepmom (1998)

Năm 1998, đạo diễn Chris Columbus kết hợp với hãng phim Columbus Pictures thực hiện bộ phim “Stepmom,” khiến người xem phải rưng rưng nước mắt khi khai khác mối quan hệ gia đình giữa mẹ ruột-mẹ kế, giữa vợ cũ-vợ mới và giữa mẹ kế-con chồng.

Ba năm sau khi ly dị vợ cũ, Luke Harrison đi bước tiếp theo với Isabel, cô nhiếp ảnh gia nổi tiếng ở New York. Tuy nhiên, hai đứa con của Luke là Anna và Ben dường như không chấp nhận một người mới trong nhà sau khi sự tổn thương trong tâm hồn con trẻ chưa được chữa lành do hôn nhân đổ vỡ của cha mẹ.

Nếu như Isabel phải đối mặt với những trò nghịch ngợm và lạnh lùng từ con chồng thì Jackie, mẹ của đứa trẻ, cũng trải qua những cung bậc cảm xúc đố kỵ, cho rằng Isabel không xứng đáng làm mẹ và đau xót, hoang mang khi biết mình bị ung thư.

Chính tình yêu thương và lòng bao dung với hai đứa con mà cả Jackie và Isabel vượt qua những rào cản để có thể cùng ngồi lại chuyện trò và thông cảm cho nhau hơn. Bản năng làm mẹ đã giúp Isabel bình tĩnh hơn, kiên nhẫn hơn và mở lòng chân thành với hai đứa nhỏ, trong khi tình mẫu tử thiêng liêng đã giúp Jackie chấp nhận và tin tưởng Isabel là người mẹ toàn tâm cho Anna và Ben.

Câu nói “I am my children’s past but you are their future,” tạm dịch là “Tôi là quá khứ của con tôi nhưng cô mới chính là tương lai của chúng” từ Jackie sẽ khiến người xem không khỏi xúc động. Tình mẫu tử thiêng liêng đến nỗi có thể vượt qua mọi cảm xúc tiêu cực giữa hai người phụ nữ ở hai tâm thế nhạy cảm để đem lại những điều tốt nhất và trọn vẹn nhất cho con trẻ. (Nhất Anh) [qd]

—–
Liên lạc tác giả: nguyen.nhatanh@nguoi-viet.com

5 phim Hollywood về tình mẫu tử phải xem nhân dịp Mother’s Day (nguoi-viet.com)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten