vrijdag 4 februari 2022

Olympic Bắc Kinh 2022 : Nghi ngờ Trung Quốc theo dõi các vận động viên quốc tế

 

Olympic Bắc Kinh 2022 : Nghi ngờ Trung Quốc theo dõi các vận động viên quốc tế

Một rừng cờ trước giờ khai mạc Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh 2022.
Một rừng cờ trước giờ khai mạc Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh 2022. AP - Mark Schiefelbein

Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Canada, Úc và đương nhiên là Mỹ có tên trong danh sách khá dài những quốc gia khuyến cáo vận động viên tham gia Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh « thận trọng » với ứng dụng MY2022. Đó có thể là « tai mắt » của Trung Quốc để theo dõi, đọc trộm thư điện tử, rút tỉa thông tin cá nhân của các phái đoàn quốc tế dự Olympic 2022.

MY2022 là gì vào đâu là thực hư chung quanh những báo động về mức độ nguy hiểm của phần mềm Trung Quốc cung cấp cho các phái đoàn quốc tế đến dự Thế Vận Hội Bắc Kinh ?

Lỗi tại ứng dụng MY2022 

Tất cả những ai tham dự Thế Vận Hội Bắc Kinh lần này được khuyến cao cài ứng dụng MY2022 vào điện thoại di động. Về mặt chính thức công cụ đó có hai chức năng chính, một là thu thập mọi dữ liệu về sức khỏe của từng người và qua đó cho phép Bắc Kinh nắm vững tình hình dịch Covid-19 trong số các vận động viên, nhà báo, quan chức nước ngoài đến dự sự kiện thể thao trọng đại này. Chức năng thứ nhì của MY2022 là nhằm giúp ích cho người sử dụng, nào là cung cấp cấp những thông tin cần thiết trong các sinh hoạt thường ngày, các dịch vụ thiết yếu trong suốt thời gian cư ngụ tại Bắc Kinh. Bên cạnh đó MY2022 còn là một hộp thơ điện tử, là người dẫn đường với bị hệ thống định vị để người nước ngoài không bị lạc đường, và và nhờ chức năng dịch thuật, MY2022 là thông dịch viên đắc lực với những ai không biết tiếng Hoa

Có điều, trong báo cáo công bố hôm 18/01/2022,  nhóm The Citizen Lab thuộc đại học Toronto -Canada báo động : mức độ an toàn của ứng dụng này hoàn toàn không được bảo đảm. Những thông tin và dữ liệu MY2022 thu thập được và lưu trữ rất dễ bị đánh cắp. Những tổ chức tội phạm trên mạng có thể dễ dàng làm chủ tất cả những thông tin trên và nguy hiểm hơn nữa là « gài thông tin giả » vào điện thoại di động của những đối tượng được chiếu cố.

Vẫn Citizen Lab, nghi ngờ « chính quyền Trung Quốc » điều khiển toàn bộ chiến dịch dọ thám này. Chính vì thế mà ủy ban Olympic của Úc, Anh, Canada hay Mỹ đã khuyến cáo phái đoàn sang Bắc Kinh « tránh mang theo điện thoại và máy tính cá nhân », thậm chí trong thời gian có mặt ở Trung Quốc nên dùng điện thoại mới, sử dụng một lần rồi nên cố ý « để quên lại » ở Bắc Kinh. Ủy ban Thế Vận của Anh tặng không cho các vận động viên những chiếc điện thoại còn mới nguyên trong vỏ, không mang theo bất kỳ dữ liệu hay thông tin cá nhân nào, không có luôn cả số điện thoại hay email của thân nhân, bởi giới chuyên gia không loại trừ khả năng, ngay cả khi đã rời khỏi Trung Quốc sau Thế Vận Hội 2022 « tai mắt » của Trung Quốc vẫn có thể đeo đuổi người sử dụng một khi họ đã trở về nguyên quán.

Có chứng cớ nào cho phép kết luận Trung Quốc sử dụng phần mềm MY2022 để dọ thám các phái đoàn quốc tế hay không ?

Các tờ báo Pháp, từ tuần san Le Point có lập trường bảo thủ cho đến nhật báo cánh tả Libération đều thận trọng cho rằng ngay cả các chuyên gia Canada cũng chưa đưa ra được những bằng chứng « vững chắc » về cáo buộc Trung Quốc dùng MY2022 để « theo dõi » người nước ngoài. Một số người tự nhận là « chuyên gia tin học » - như trường hợp của sinh viên tin học Jonathan Scott được Libération trích dẫn, đã không ngần ngại tung tin đồn « tất cả những files âm thanh của các vận động viên đều bị thu thập, rồi được phân tích và giữ lại  trong các máy chủ của Trung Quốc ». Không đưa ra thêm chứng cớ, không đi sâu vào chi tiết, nhưng tin nhắn này cũng đủ khiến cộng đồng mạng xôn xao, chuyền tay nhau đến hơn 6.000 lần trên Twitter và được hơn 10.000 « like ».

Trong khi đó Will Strafach người phát triển phần mềm Guardian bảo vệ mức độ an toàn cho hệ điều hành iOS của Apple cũng được Libération trích dẫn, thận trọng hơn với nhận xét : micro gài trong ứng dụng MY2022 chỉ hoạt động khi sử dựng chức năng « thông dịch ». Có nghĩa là không phải mọi trao đổi qua điện thoại đều bị thu lại và lưu trữ ở một nơi nào đó. Strafach cho biết thêm « không phát hiện thấy dấu vết cho phép kết luận rằng những tài liệu bằng âm thanh của người sử dụng được chuyển về một máy chủ nào khác ».

Dù vậy, Citizen Lab của đại học Canada ghi nhận với những ai có dịp đến Trung Quốc vào dịp này thì nên nhớ rằng ở Hoa Lục có gần 2.500 từ « cấm kỵ » đó là những từ khóa hay cụm từ « thuộc danh sách đen illegalworlds.txt». Trong số này có những cụm từ như « thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn », « Tây Tạng » « Duy Ngô Nhĩ » hay những từ ngữ liên quan đến lãnh đạo tôn giáo Tây Tạng Đạt Lai Lat Ma, đến đạo Hồi …

Thế còn về lo ngại dữ liệu về sức khỏe, kết quả xét nghiệm Covid-19, tuổi tác, số hộ chiếu, sở thích….  của các vận động viên bị Trung Quốc lưu giữ thì sao ? Chính nhóm chuyên về an ninh mạng thuộc đại học Toronto nhìn nhận : tất cả những thông tin đó đều đã được công an Trung Quốc thu thập và lưu lại từ ở cửa khẩu sân bay tức là trong tay chính quyền Trung Quốc. Dùng MY2022 chỉ với mục đích thu thập thêm những thông tin ấy thêm một lần nữa là « vô lý ». Phải chăng đây là cách gián tiếp để các nhà nghiên cứu Canada báo động rằng Bắc Kinh còn tìm kiếm những thông tin gì khác  nữa ?

Không có lửa làm sao có khói ?

Chưa thể giải đáp tất cả các câu hỏi chung quanh ứng dụng MY2022 của Trung Quốc, song giới phân tích đưa ra một nhận định chung : nghi ngờ Bắc Kinh theo dõi, dọ thám các phái đoàn quốc tế đến dự Thế Vận Hội lần này xuất phát từ mối ngờ vực càng lúc càng lớn giữa Trung Quốc với các nền dân chủ phương Tây.

Trung Quốc là nơi sử dụng các phương tiện tối tân nhất để theo dõi chính người dân của mình. Theo điều tra của báo Pháp, Libération (ngày 26/07/2019) Bắc Kinh đề ra mục tiêu đến 2020, trang bị 600 triệu camera theo dõi nhất cử nhất động của trên dưới 1,4 tỷ dân trên toàn lãnh thổ, đặc biệt là tại hai thành phố lớn là Bắc Kinh và Thượng Hải, ứng dụng MY2022 gây lo ngại là « điều dễ hiểu ».

Sự ngờ vực đó càng « được châm thêm củi lửa » trong bối cảnh địa chính trị căng thẳng hiện nay, Bắc Kinh đang phải đối mặt với những cáo buộc triệt sản phụ nữ Duy Ngô Nhĩ, cưỡng bức lao động Tân Cương, bóp ngạt phong trào dân chủ và những quyền tự do hạn hẹp tại Hồng Kông đưa đặc khu hành chính này khuôn phép … Từ nhiều năm qua Trung Quốc  thường xuyên bị cho là tác giả nhiều vụ tấn công  tin học thâm nhập vào các hệ thống vi tính của Âu, Mỹ trong nhiều lĩnh vực, kể cả ở các trường đại học đến trong làng giải trí.  

Do vậy, đề nghị cung cấp mạng VPN cho người nước ngoài đến dự Thế Vận Hội Bắc Kinh để số này có thể « vượt tường lửa của Trung Quốc để truy cập vào những địa chỉ bị cấm sử dụng tại Trung Quốc (như Facebook, Twitter …) không trấn an các chuyên gia phương Tây về an ninh mạng chút nào.

Jean- Marc Bourguignon, thuộc tổ chức Nothing2Hide chuyên về bảo mật thông tin, giải thích VPN cho phép bảo vệ kênh liên lạc từ điểm A đến điểm B. Chỉ cần « đứng ở vị trí của điểm B » là có thể biết được tất cả nội dung, số liệu được trao đổi. Do vậy ông Bourguingon được tuần báo Le Point trích dẫn ghi nhận ở vị trí B, nhà nước Trung Quốc « có thể biết hết được tất cả » và có thể tiếp tục theo dõi các đối tượng nhắm tới một khi họ đã rời khỏi Bắc Kinh. Tuy nhiên Nothing2Hide lưu ý : hiện tượng theo dõi các vận động viên quốc tế và phóng viên nước ngoài đến Trung Quốc đưa tin về Olympic 2022 chỉ là « một cái cây che khuất cánh rừng » bởi chính người dân Trung Quốc mới là những nạn nhân đầu tiên của hệ thống giám sát và kiểm duyệt cực kỳ tinh vi của chế độ. Jean-Marc Bourguignon giải thích thêm : ưu tiên của chính quyền Trung Quốc là tránh để nhân sự kiện thể thao này các nhà bất đồng chính kiến có cơ hội bày tỏ quan điểm với thế giới. Nothing2Hide kết luận : « mức độ giám sát người Trung Quốc tại Hoa Lục đang ở nấc tối đa ».

https://www.rfi.fr/vi/châu-á/20220204-olympic2022-trung-quoc-theo-doi-phai-doan-quoc-te

Geen opmerkingen:

Een reactie posten