maandag 10 maart 2014

Sự ra đời của Văn đoàn độc lập Việt Nam

Sự ra đời của Văn đoàn độc lập Việt Nam

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2014-03-08
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này

1961787_220989648102423_995673566_305.jpg
Cuộc gặp gỡ của nhóm Văn đoàn Độc lập Việt Nam tại Sài Gòn hồi tháng 1 năm 2014.
Courtesy FB Phạm Đình Trọng



Một tổ chức của xã hội dân sự gồm 62 người hoạt động trong lĩnh vực văn học trong và ngoài nước do nhà văn Nguyên Ngọc đứng ra vận động thành lập mang tên Văn đoàn độc lập Việt Nam. Như tên gọi, Văn đoàn này hoàn toàn độc lập với mọi hệ thống tổ chức và thiết chế trong nước.

Khôi phục nền văn học tự do

Sự thành lập Văn đoàn độc lập này tuy muộn màng so với dòng chảy lịch sử văn học Việt Nam nhưng vẫn nói lên được nhu cầu thành lập hội tương trợ những người cùng chí hướng nhằm khôi phục nền văn học tự do qua quyền sáng tác và công bố tác phẩm của mình.
Chủ trương tập trung người viết trong và ngoài nước của Văn đoàn độc lập Việt Nam cho thấy sự cần thiết lắng nghe và được nghe giữa trong và ngoài qua cầu nối của Văn đoàn là một chủ trương mở, khá mới lạ giúp người sáng tác hiểu và chia sẻ với nhau rất nhiều trong khi cầm viết.
Văn đoàn độc lập Việt Nam tuy trong thời gian vận động thành lập theo như quy định của chính phủ nhưng tiếng vang của nó đã tới nhiều quốc gia xa xôi nhất. Không biết chính quyền có cấp giấy phép cho họ hoạt động hay không nhưng hình như giới chức thẩm quyền đang đứng trước hai lựa chọn thái độ chính trị. Nếu cho phép thì phải đối phó với một tổ chức hợp pháp nhưng tôn chỉ và mục đích khác xa với chính sách hiện hành. Nếu không thì phải đối phó với một tổ chức bất hợp pháp vì hoạt động không giấy phép nhưng lại hợp pháp với bản hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Trong khi chờ đợi nhà nước có quyết định lựa chọn một trong hai thái độ ấy chúng tôi lấy ý kiến của người ký tên trên văn bản vận động thành lập để tìm hiểu sâu hơn vấn đề này. Trước nhất là nhà văn Nguyên Ngọc, người thay mặt ban vận động Văn đoàn độc lập Việt Nam:
Cố gắng cùng nhau cổ vũ cho được tinh thần tự do trong sáng tác, và thứ hai đấu tranh cho quyền được bảo vệ quyền tự do sáng tác thể hiện qua quyền công bố tác phẩm.-Nhà văn Nguyên Ngọc
Ở Việt Nam cho đến nay tôi thấy dần dần đến sự phát triển và đờì sống xã hội, cái nhu cầu đó chín muồi cho nên anh em thì họ thấy tôi là người đảm nhiệm được cái vai trò tập hợp anh em cho nên họ bảo tôi làm thì tôi sẳn sàng tôi nhận tôi làm, nhưng mà đấy không phải là sáng kiến đầu tiên của tôi.
Chúng tôi xác định những nội dung công việc, mục đích đầu tiên mà qua hội đã làm, tức là mình mong muốn nó có một nền văn học Việt Nam đích thực. Một nền văn học Việt Nam phong phú, đa dạng. Mà muốn như vậy theo tôi hai điều kiện đầu tiên trước hết đó là: Một, có tự do sáng tác, thứ hai nó phải có quyền tự do công bố tác phẩm, thực ra hai cái đó nó phải gắn liền với nhau, nhà văn họ viết hay nhất là họ viết cái gì họ thích nhất, thế thì đối với họ, họ muốn nói say sưa, họ trằn trọc muốn nói, thứ hai nữa họ viết rồi phải được công bố chứ, công bố được tác phẩm.
Một trong những điều của chúng tôi lập ra hội này là cố gắng cùng nhau cổ vũ cho được tinh thần tự do trong sáng tác, và thứ hai đấu tranh cho quyền được bảo vệ quyền tự do sáng tác thể hiện qua quyền công bố tác phẩm.”
Nhà thơ Bùi Minh Quốc từ Đà Lạt cho biết nhận xét của ông về bản vận động thành lập Văn đoàn:
“Tình hình chung đã tiến đến chỗ những trí thức, văn nghệ sĩ có bản lĩnh cố tình thực hiện một cái đột phá về tổ chức, tức là tự đứng ra tổ chức cái tổ chức của mình. Những nhà văn tự do tự nguyện tập họp lại lập ra tổ chức của mình và nó độc lập với các hệ thống hiện hành. Người công dân, người trí thức tự thực hiện cái quyền tự do lập hội của mình. Cái quyền đó đã được ghi trong hiến pháp bao nhiêu năm nay nhưng chỉ tồn tại trên giấy. Thậm chí họ làm ngược lại khi lập những tổ chức với mục đích là những lồng những rọ nhốt trí thức, nhốt công dân vào đấy. Không phải là những tổ chức bảo vệ quyền lợi của các thành viên.
Tổ chức này được lập ra ít nhất thông qua sức mạnh của tổ chức này để đóng góp vào sự phát triển đích thực của nền văn học. Thứ hai là bảo vệ quyền lợi của các hội viên mà trước hết là quyền tự do sáng tác gắn liền với tự do công bố tác phẩm.”
1836726_220989834769071_2013818677_250.jpg
Cuộc gặp của nhóm Văn đoàn Việt Nam tại Sài Gòn hồi tháng 1 năm 2014. Courtesy FB Phạm Đình Trọng.

Đối với nhà văn Trang Hạ, một ngòi viết trẻ nhưng có rất nhiều độc giả yêu thích tác phẩm của cô thì việc cô tham gia vào Văn đoàn là một quyết định đương nhiên vì ở đó Trang Hạ cảm thấy những gì thiếu sót hiện nay sẽ được bù đắp một cách tích cực. Từ Hà Nội Trang Hạ cho biết:
“Đối với nhà văn việc viết không quan trọng bằng việc được nhìn nhận. Nếu tác phẩm anh viết ra nhưng xếp vào một xó không được phép xuất bản không được đánh giá đúng, bị vùi dập bị các nhà phê bình văn học đánh đập, chụp mũ thế này thế kia, thậm chí nhiều khi các nhà phê bình văn học còn bỏ qua thì các điều đó làm cho nhà văn cảm thấy mình không có chỗ trong đời sống văn học.
Anh có thể lên trang của Trang Hạ và thấy rằng tại sao cho tới ngày hôm nay có khoảng 290 nghìn độc giả thích Trang Hạ thế nhưng không có một nhà phê bình văn học nào tại Việt Nam viết về Trang Hạ cả và diều đó làm Trang Hạ thấy rằng ở Việt Nam đang có một vấn đề gì đó xảy ra. Cái gì đó trong đời sống văn học rất mất bình thường. Nó không lành mạnh, nó không hỗ trợ những nhà văn có độc giả như Trang Hạ.
Dù ít dù nhiều thì Trang Hạ tin rằng 290 ngàn độc giả không phải là con số không và chắc chắn nó cũng tương đương với tấm thẻ của Hội Nhà văn Việt Nam. Vì thế Trang Hạ hy vọng rằng mình có một động thái nào đó để nhìn nhận rằng mình là nhà văn thật sự.
Thứ nhất tôi có tâm huyết, có độc giả và công chúng. Thứ hai tôi hy vọng là được nhìn nhận như một người có tư cách công dân và tư cách một người viết. Thứ ba nữa là một điểu rất quan trọng: các nhà văn Việt Nam từ xưa tới nay dường như không nhấn mạnh tới giá trị lập ngôn của một nhà văn.
Chúng ta nhìn nhận nhà văn là cỗ máy để sản xuất ra tác phẩm và chúng ta hoàn toàn không coi những lập ngôn của nhà văn như trả lời phỏng vần, như tương tác với đám đông, như nói lên tiếng nói của mình đối với thời cuộc đối với hiện tượng xã hội đối với thân phận phụ nữ trong xã hội, đối với hạnh phúc gia đình thậm chí đối với “cái tôi”. Việc lập ngôn của nhà văn đã bị lãng quên.”

Có độc lập, mới có thể viết trung thực

Còn nhà văn Trương Anh Thụy hiện sinh sống và sáng tác tại Hoa kỳ nhìn nhận việc tham gia của mình vào Văn đoàn là một việc làm cần thiết. Từ tiểu bang Virginia bà cho biết:
Tôi thấy đã đến lúc các nhà văn phải được có tiếng nói độc lập và tự do. Có độc lập có tự do thì mới có thể viết lách một cách trung thực.
-Nhà văn Trương Anh Thụy
“Nhìn danh sách của ban vận động thì tôi thấy một số người rất có uy tín như nhà văn Nguyên Ngọc, nhà văn Tiểu Dao Bảo Cự nhà thơ Dương Thuấn hay nhà văn Vũ Thư Hiên. Họ là những người tôi đã gặp và đã trao đổi ít nhiều thành ra tôi biết họ là những người có uy tín. Thứ hai nữa tôi thấy đã đến lúc các nhà văn phải được có tiếng nói độc lập và tự do. Có độc lập có tự do thì mới có thể viết lách một cách trung thực. Việt Nam cũng có nhu cầu bắt kịp với văn học thế giới mà nếu cứ bị phải viết theo một khuôn phép hay chỉ thị nào thì tiếng nói đó giả tạo và lạc lõng không ai nghe được.
Thứ nữa là tôi rất tâm đắc với một câu trong bản tuyên bố thành lập Văn đoàn là: “một trong những chức năng quan trọng nhất của văn học là thức tỉnh lương tri và bồi đắp đạo đức xã hội”. Tôi thấy mọi sự đều thuận lợi nên tôi gia nhập một cách rất tự nguyện. Tôi hy vọng một ngày rất gần các nhà văn trong nước và các nhà văn hải ngoại có thể nói chung một thứ ngôn ngữ, có thế thì mới xích lại gần nhau được mà không còn sợ bị kiểm duyệt hay xuyên tạc.”
Hy vọng của nhà văn Trương Anh Thụy tuy có khác với kỳ vọng của nhà văn Trang Hạ nhưng hai đường thẳng ấy không hề song song, chúng sẽ gặp nhau khi mà Văn đoàn độc lập Việt Nam thanh hình.
image00121-250.jpg
Cuộc gặp của nhóm Văn đoàn Việt Nam tại Sài Gòn hồi tháng 1 năm 2014. Courtesy FB Phạm Đình Trọng.

“Kỳ vọng lớn nhất của Trang Hạ đối với Văn đoàn Độc lập Việt Nam đó là nơi ủng hộ và hỗ trợ cho các nhà văn lập ngôn. Cái lập ngôn đấy không phải anh bắt loa giữa đám đông anh nói tôi nghĩ thế này tôi nói thế kia, mà nó là sự ủng hộ những người có cùng chí hướng. Cùng tin vào khát vọng sáng tạo, tin vào giá trị của cái tôi nhỏ bé nhưng mạnh mẽ trong một xã hội có nhiểu giá trị bị đảo lộn như ngày hôm nay.
Việc lập ngôn nó không chỉ cần thiết cho nhà văn Việt Nam mà nó có thể là một trong những chất xúc tác vận động xã hội này.
Sự ra đời của Văn đoàn chính là một cách lập ngôn, nói lên cái khao khát củ những người viết giống như Trang Hạ. Trang Hạ tin rằng những người nào có tâm huyết thực sự với đời sống văn hóa và đời sống tinh thần tại Việt Nam thì sẽ có chung một kỳ vọng với Văn đoàn Độc lập.”
Nhà văn Nguyên Ngọc trình bày những việc mà nhóm vận động sẽ làm trong thời gian ngắn trước mắt trong khi chờ đợi bước tiếp theo là giấy phép hoạt động của chính phủ, ông cho biết:
“Trong mấy câu cuối cùng của cái bản công bố hôm nay chúng tôi nói là: Chúng tôi phải có điều lệ của văn đoàn, chúng tôi đang ở trong giai đoạn thành lập vận động mà.  Đến một lúc nào đó chúng tôi phải xin phép. Ở Việt Nam theo hiến pháp  quy định quyền tự do lập hội, nhưng mà sau đó lại có những nghị định hướng dẫn thực hiện cái quyền tự do lập hội đó của chúng ta. Trong cái nghị định đó, muốn lập hội phải có bao nhiêu người tối thiểu trong ban sáng lập, rồi có những điều này khác gì đấy. Chúng tôi sẽ có những động tác sẽ làm sắp đến để biến nó thành một Văn Đòan chính thức, một cơ hội chính thức.
Thứ hai, chương trình hoạt động của hội chúng tôi vẫn có thể, trước hết trong một thời gian không dài nữa đâu, chúng tôi có trang web của hội, tiếng nói của hội. Có thể trang web đó sẽ đăng những hoạt động của hội. Anh em có thể hội luận, thảo luận, bàn bạc với nhau về văn học, và chúng tôi cũng ra một phụ trương của trang web. Chúng tôi sẽ  có một trang để đăng tác phẩm của nhau. Chúng tôi có thể tổ chức những cuộc trao đổi, tọa đàm, những cuộc hội thảo về vấn đề văn học mà bây giờ nó có trăm nghìn vấn đề văn học đang đặt ra đối với người viết ở Việt Nam.”
Về việc công bố tác phẩm thì Văn đoàn độc lập Việt Nam cũng đã có chương trình cụ thể nhà văn Nguyên Ngọc tiết lộ vài hình thức để đưa tác phẩm tới công chúng:
“Chúng tôi có thể có những hình thức xuất bản họăc trên online, mạng Internet qua Amazone…những tác phẩm mà trong nước do điều kiện khó khăn trong xuất bản thì chúng tôi sẽ hỗ trợ với nhau. Ngoài ra chúng tôi cũng có những hình thức hỗ trợ với nhau bảo vệ quyền tự do sáng tác, quyền công bố tác phẩm, hỗ trợ nhau về mặt nghề nghiệp, giúp đỡ nhau về mặt tiếp cận với văn học mới của thế giới, …tôi nghĩ hoạt động có thể rất phong phú sau đó chúng tôi dần dần triển khai trước hết có lẽ là trang web. Trước mắt trong khoảng 1 tuần, mười ngày gì đó chúng tôi sẽ có trang web chính thức, trên trang web đó sẽ triển khai dần những họat động như tôi vừa nói.”
Trong khi chờ đợi sự xuất hiện chính thức hay không chính thức của Văn đoàn độc lập Việt Nam, người viết trong và ngoài nước có quyền hy vọng sẽ chứng kiến những biến chuyển tích cực trên mặt trận chữ nghĩa nhằm tìm kiếm một mảnh đất đích thực cho người sáng tác, đặc biệt cho những ngòi bút luôn thao thức trước thân phận con người, số mệnh dân tộc và ý nghĩa thật của cuộc sống qua hai chữ Tự Do.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten