maandag 24 maart 2014

Bắc Ninh : Gián đất bị thiêu hủy, 'chuyên gia Trung Quốc' xách va ly về nước

Gián đất bị thiêu hủy, 'chuyên gia Trung Quốc' xách va ly về nước Sunday, March 23, 2014 3:55:51 PM 





BẮC NINH (NV) - Toàn bộ số gián đất được nuôi ở các xã Xuân Lai, huyện Gia Bình và xã Quảng Phú, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, theo hướng dẫn của chuyên gia Trung Quốc đã bị thiêu hủy.
Ðây là lần đần đầu tiên chính quyền Việt Nam hành xử nhanh, dứt khoát với những hiểm họa đến từ Trung Quốc.

Ðầu tuần vừa qua, báo chí Việt Nam loan báo, một số nơi ở Bắc Ninh đang bắt đầu nuôi gián đất dưới sự hướng dẫn của một số cá nhân được gọi là chuyên gia đến từ Trung Quốc.




Thiêu hủy gián đất ở tỉnh Bắc Ninh. (Hình: Dân Việt)

Chủ những cơ sở đó cho biết, sau khi xây dựng chuồng, trại theo hướng dẫn của các chuyên gia Trung Quốc, họ đặt mua trứng gián từ Trung Quốc và tùy loại giống mà giá dao động từ 450 ngàn đến 9 triệu đồng một ký, rồi ấp cho trứng nở thành gián.

Lúc đó, trò chuyện với báo giới, một “chuyên gia Trung Quốc,” khẳng định, gián đất được nuôi rộng rãi tại Trung Quốc để cung cấp cho các công ty dược phẩm. Việc đưa gián đất sang Việt Nam là vì muốn giúp người Việt Nam làm giàu.

Trong khi đó giới hữu trách Việt Nam vẫn chưa biết gì về gián đất. Trên thực tế, gián vẫn được xem là loài trung gian gieo rắc nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, ví dụ như dịch tả.

Trước đây, thương lái Trung Quốc đã từng đặt nông dân Việt Nam nuôi ốc bươu vàng, một loại côn trùng hủy hoại mùa màng và trong hàng chục năm qua, ốc bươu vàng vẫn là đại nạn của nông nghiệp Việt Nam.

Dẫu chuyện nuôi gián đất có thể bùng phát thành phong trào như nhiều phong trào do thương lái Trung Quốc khởi xướng trên lãnh thổ Việt Nam, tuần trước, Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Bắc Ninh cho biết, họ vẫn chưa thể quyết định có ngăn chặn việc nuôi gián đất hay không vì đang chờ hướng dẫn từ Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn.

Sau khi chuyện nuôi gián đất được báo giới cảnh báo, Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn của Việt Nam ra lệnh thiêu hủy ngay toàn bộ gián đất ở Bắc Ninh vì “tự ý nhập khẩu và nuôi côn trùng.”

Ông Vũ Thái Ninh, trưởng phòng chăn nuôi của Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Bắc Ninh, cho biết, đến cuối ngày 20 Tháng Ba, cơ quan của ông đã cùng Sở Tài Nguyên-Môi Trường, Sở Công An và chính quyền các địa phương thiêu hủy sạch gián đất ở Bắc Ninh. Những nơi nuôi gián đã đổ đất tẩm xăng vào các khay, bồn chứa gián đất, đốt trụi rồi đào hố, rắc vôi khử trùng tại nơi đã nuôi và chôn gián đất.

Tờ Dân Việt tường thuật, sau sự kiện vừa kể, các “chuyên gia Trung Quốc” đã thu dọn hành lý cá nhân, lên đường về nước.

Tuy nhiên chuyện nuôi gián đất vẫn còn một số lấn cấn cần được giải quyết. 

Ông Nguyễn Ðình Nguyên, ngụ ở huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, một trong những người nuôi gián đất với quy mô lớn cho biết, trước khi cùng hai người khác mở cơ sở nuôi gián đất, ông đã liên lạc với Sở Kế Hoạch-Ðầu Tư tỉnh Bắc Ninh để làm thủ tục đăng ký kinh doanh và được cơ quan này cấp giấy phép thành lập công ty Ðại Thiên, với ngành nghề kinh doanh chính là... nuôi gián đất.

Trò chuyện với tờ Lao Ðộng, ông Nguyên bảo ông và bạn bè đã bỏ ra rất nhiều tiền để đầu tư cho việc nuôi gián đất. Ông chấp nhận thiêu hủy theo yêu cầu của chính quyền nhưng đòi Sở Kế Hoạch-Ðầu Tư tỉnh Bắc Ninh phải có trách nhiệm vì đã cấp giấy phép kinh doanh, chứ không ngăn cản ông đầu tư.

Ông Nguyên còn kể thêm rằng, trước khi báo chí lên tiếng cảnh báo, phòng chăn nuôi của Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Bắc Ninh đã từng đến kiểm tra, lập biên bản, cho phép công ty Ðại Thiên được nuôi thử nghiệm, chứ ông và thân hữu không làm bừa.

Chưa thấy Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Bắc Ninh có ý kiến về trách nhiệm khi cho phép nuôi thử nghiệm. Hiện chỉ mới có một phó giám đốc của Sở Kế Hoạch-Ðầu Tư tỉnh Bắc Ninh cho rằng, cán bố của ông “kém hiểu biết” khi cấp giấy phép cho công ty Ðại Thiên nuôi gián đất.

Ðược biết, ngoài công ty Ðại Thiên, Sở Kế Hoạch-Ðầu Tư Bắc Ninh còn cấp giấy phép kinh doanh cho một cơ sở khác nuôi gián đất. (G.Ð.)


http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=185073&zoneid=2#.UzCJQah5N8E
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten