maandag 10 maart 2014

Bình đẳng nam-nữ tại Pháp : quá trình đấu tranh còn dài

Thứ bảy 08 Tháng Ba 2014

Bình đẳng nam-nữ tại Pháp : quá trình đấu tranh còn dài

Tổng thống Pháp François Hollande gặp đại diện 4 thế hệ phụ nữ, nhân ngay Quốc tế phụ nữ 08/03/2014
Tổng thống Pháp François Hollande gặp đại diện 4 thế hệ phụ nữ, nhân ngay Quốc tế phụ nữ 08/03/2014
Reuters

Lê Vy
Hôm nay, nhân ngày quốc tế phụ nữ 8-3, các nhật báo Pháp đồng loạt quan tâm phân tích vai trò của người phụ nữ trong xã hội, bước tiến triển của cuộc đấu tranh cho bình đẳng nam-nữ và những khác biệt giữa họ. « Phụ nữ muôn năm » là dòng tựa chạy trên trang nhất báo Aujourd’hui en France, kể cả tạp chí Le Nouvel Observateur cũng ghi nhận trên trang nhất : « Nam-nữ : Những khác biệt thật sự ».


Trước tiên, xin điểm qua bài xã luận trên báo Le Monde đề tựa : « Bình đẳng nam-nữ tại Pháp : …. Đòn bẩy của luật pháp ». Ngày quốc tế phụ nữ được Liên Hiệp Quốc chính thức thiết lập vào năm 1977. Thế nhưng, người ta vẫn mơ ước một thế giới mà bình đẳng giữa nam và nữ trở thành một điều hiển nhiên trong nhận thức con người, trong những văn bản pháp luật, trong đời sống chính trị cũng như trong đời sống riêng tư.
Tuy nhiên, tờ báo cũng nhận thấy là mơ ước đó còn rất xa vời. Nếu như chỉ lấy ví dụ tại Pháp thì hiện trạng là rất rõ : phụ nữ vẫn còn chịu nhiều bất công. Tuy phụ nữ đã tham gia rất nhiều vào thị trường lao động nhưng tỷ lệ thất nghiệp của họ vẫn cao hơn đàn ông. 1/3 phụ nữ làm việc bán thời gian, thường là những công việc mà họ không có sự lựa chọn. Chênh lệch tiền lương trung bình của người đàn ông cao hơn phụ nữ là 25%. Hơn nữa, những chức vụ quan trọng cũng do đàn ông nắm giữ (hơn 60%).
Tương tự, sự phân chia các công việc không tên như việc nhà cũng tiến triển rất chậm : phụ nữ làm việc nhà trung bình 3giờ30/ngày trong khi đàn ông chỉ dành 1giờ30 cho công việc này. Tệ hơn nữa là người phụ nữ còn là nạn nhân của những vụ bạo hành hay lạm dụng tình dục.
Trên chính trường, nguyên tắc cân bằng nam và nữ về số lượng đại biểu dân cử đã được quy định trong Hiến pháp từ 15 năm nay nhưng chỉ được áp dụng khi bị bắt buộc như khi bầu cử cấp thành phố, vùng, Châu Âu. Nói cách khác, các đảng phái chính trị chấp nhận trả tiền phạt do pháp luật quy định hơn là tuân theo nguyên tắc này. Kết quả là : tại Quốc hội chỉ có 27% dân biểu là phụ nữ và tại Thượng viện, chỉ có 22% nữ nghị sĩ.
Theo báo Le Monde, cuộc chiến vì bình đẳng nam-nữ đã bắt đầu từ nhiều thập niên nay và cần phải tiếp tục đấu tranh. Thế nhưng, suy nghĩ và tâm lý cổ hủ vẫn ngự trị. Quả thật, hơn nửa thế kỷ nay, trong khoảng thời gian khi thiết lập quyền bầu cử và quyền ứng cử của phụ nữ đến cuối những năm 90, tỷ lệ người nữ được bầu ở cấp toàn quốc hay địa phương đều dậm chân tại chỗ. Duy chỉ khi điều chỉnh Hiến pháp mới cho phép thay đổi tình trạng hiện tại. Việc quy định tỷ lệ cân bằng nam nữ trong kỳ bầu cử cấp tỉnh vào năm 2015 sẽ được đánh giá là một bước tiến mới có ích.
Trong thế giới việc làm cũng vậy. Vào năm 2007, các đại công ty Pháp được yết giá trên thị trường chứng khoán Paris chỉ có 8% phụ nữ trong Ban Giám đốc. Luật pháp vào năm 2011 ấn định mục tiêu đạt tỷ lệ là 40% ít nhất đến năm 2016.
Bài xã luận kết luận rằng, bình đẳng được hệ thống hóa bằng pháp luật chính là một điều kiện cần thiết cho tự do và phẩm cách con người.
Khác biệt giữa nam-nữ : bẩm sinh hay được xã hội nhào nặn ?
Bàn về sự khác nhau giữa nam và nữ, tạp chí Le Nouvel Observateur dành một hồ sơ khá dài để trả lời những câu hỏi : người ta sinh ra đã mang bản tính nam hay nữ ? hay là do quá trình xã hội hóa mà hình thành tính cách giới tính.
Điểm khác biệt giữa nam và nữ thường được thể hiện qua những thói quen và thành kiến xưa cũ như bé gái thì mặc màu hồng, bé trai thì mặc màu xanh. Từ thời tiền sử đã có một cách phân chia công việc giữa người nam và nữ do quy luật tiến hóa. Chiến tranh, những việc nặng nhọc là thuộc về cánh mày râu, còn phụ nữ đảm nhận việc nội trợ, bếp núc. Do đó, não bộ trẻ khi mới sinh ra đã được cha mẹ định dạng với những thành kiến như vậy.
Con gái được xem là không mấy giỏi toán và phụ nữ bị cho là nhiều chuyện, trong khi đàn ông được nuôi nấng tốt hơn để có chiều cao hơn phụ nữ. Một bộ phim tài liệu được chiếu trên kênh Arte (Pháp) : « Vì sao phụ nữ thấp hơn đàn ông » do bà Véronique Kleiner làm khi điều tra từ Ấn Độ đến Burkina Faso, thông qua vùng Auvergne (Pháp) cho biết : Phụ nữ ăn thức ăn dư thừa, để dành những miếng ngon cho đàn ông và các bé trai, đặc biệt là trong thời kỳ thiếu thốn lương thực. Thế nhưng, ngoài ra còn có yếu tố văn hóa làm cho người phụ nữ vẫn luôn bị đánh giá thấp hơn đàn ông. Trong lịch sử, phụ nữ đã không được đi làm, không tham gia vào chính trường, không có ý thức về nghệ thuật…
Từ năm 1949, nữ triết gia Pháp Simone de Beauvoir đã chỉ ra rằng, bản ngã về giới tính được xây dựng thông qua quá trình xã hội hóa. Ý kiến của bà vẫn chưa được chấp nhận hoàn toàn và vẫn còn gây tranh cãi trong xã hội Pháp. Còn nữ Bộ trưởng đặc trách quyền phụ nữ Najat Vallaud-Belkacem muốn xóa bỏ ở trường học những định kiến về mối quan hệ nam-nữ trong xã hội. Theo bà, mục đích không phải là theo chủ nghĩa bình quân tuyệt đối mà mỗi người đều cảm thấy được theo đuổi đến cùng tham vọng của mình bất kể nguồn gốc xã hội, chủng tộc, giới tính. Phụ nữ có thể trở thành tổng thống hay kỹ sư, và đàn ông có thể chăm con. Theo bà, bình đẳng trong mọi lĩnh vực sẽ không có ý nghĩa gì, nhưng quyền tự do lựa chọn của mỗi cá nhân không được bị giới hạn bởi những thành kiến từ lúc mới sinh.
Trung Quốc : kỳ thị chủng tộc vì an ninh
Báo Le Monde hôm nay trở lại với vụ khủng bố nhà ga tại Côn Minh hôm 1/03/2014 đã làm thiệt mạng 29 người. Theo tờ báo, vụ tấn công của người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương lần này làm dấy lên trở lại tình hình căng thẳng giữa Bắc Kinh và tộc người thiểu số này.
Thông tín viên tờ báo Le Monde tại Tân Cương tường thuật, người Trung Quốc không bao giờ có cái nhìn thiện cảm giành cho người Duy Ngô Nhĩ. Họ luôn bị xem là biểu tượng của « kẻ cắp » hay « khủng bố ». Bài báo nhắc lại cuộc bạo động xung đột sắc tộc giữa người Hán và người Duy Ngô Nhĩ, chủ yếu theo đạo Hồi tại Urumqi, thủ phủ của khu tự trị Tân Cương và kết thúc bằng cuộc trấn áp bạo lực làm thiệt mạng 200 người. Từ đó, Bắc Kinh càng quyết tâm chiến đấu chống các thành phần ly khai và khủng bố khi đặt người Duy Ngô Nhĩ dưới một chế độ giám sát gắt gao.
Năm 2007, nhà trí thức Vương Lực Hùng, một trong ít những người khai thác về đề tài người Duy Ngô Nhĩ trong vòng nhiều năm đã cảnh báo trong một tác phẩm của ông rằng Đảng Cộng sản không ngừng « làm hằn sâu những căng thẳng sắc tộc » khi cài người Hán vào giám sát người Duy Ngô Nhĩ, một dân tộc đang bị bắt làm con tin. Ông đã tung ra một trích đoạn trên các blog vào đầu tuần nay nhưng bị cấm lưu hành tại Trung Quốc. Theo ông, người Duy Ngô Nhĩ đang sôi sục trong việc chống lại những kẻ chiếm giữ đất Tân Cương, trong khi một số người Hán thì sẵn sàng đi đến việc « diệt chủng » để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Trung Quốc tại nơi này. Ông cũng dự báo là vùng Tân Cương sẽ trở thành « một Tchechnia mới ».
Theo thông tín viên báo Le Monde, chính quyền Trung Quốc tước hộ chiếu của người Duy Ngô Nhĩ, tránh nguy cơ họ xuất ngoại tránh gia nhập các nhóm Hồi giáo Thánh chiến khủng bố.
Bên cạnh đó, tạp chí Le Nouvel Observateur cũng có bài phân tích : « Những câu hỏi về một sự thảm sát ». Theo tuần báo này, trong khi người Tây Tạng đấu tranh chống chính sách đồng hóa của Trung Quốc và bày tỏ phẫn nộ bằng con đường tự thiêu thì người Duy Ngô Nhĩ lại chọn giải pháp truyền thống và bạo lực hơn. Do đó, tác giả bài viết nhận định ngày nào mà Trung Quốc chưa thay đổi chính sách ngoại giao với các tộc người thiểu số, thì bạo lực sẽ còn leo thang và đây là điều đáng ngại cho Trung Quốc.
Nhắm mắt làm ngơ trước áp lực : Putin trả đũa
Đề tài khác cũng thu hút sự chú ý của nhiều nhật báo Pháp là cuộc khủng hoảng tại Ukraina. Trang nhất báo Le Monde chạy tựa : « Tại Crimée, dân chúng bị cuộc chính biến của Mátxcơva chia rẽ » do việc Quốc hội địa phương đã bỏ phiếu thông qua việc đòi sát nhập vùng này vào Nga. Thủ tướng lâm thời Ukraina Arseni Iatseniouk thì kêu cứu Châu Âu giúp đỡ Ukraina bảo vệ « toàn vẹn lãnh thổ ».
Trang bên trong tờ báo có bài : « Khủng hoảng tại Ukraina mang lại cho Tổng thống Obama hình ảnh một nhà lãnh đạo ». Theo đó, Nhà Trắng đã gửi 6 máy bay tiêm kích F-15 đến Lítva và củng cố lực lượng không quân tại Ba Lan. Một bài khác trên tờ Le Monde đề tựa : « Tại Kiev, mọi chuyện diễn ra cứ như là Crimée đã bị rơi vào tay Nga ».
Bên cạnh đó, báo Le Figaro đăng tựa trên trang nhất : « Dửng dưng trước áp lực : Putin trả đũa ». Tờ báo nhận định quyết định trừng phạt của Hoa Kỳ và Châu Âu hồi thứ năm vừa qua không hề gây tác động gì đến Tổng thống Putin. Trước những trừng phạt của phương Tây, Nga tung ra con bài vũ khí năng lượng. Tập đoàn khổng lồ Nga Gazprom đe dọa sẽ cắt nguồn cung ứng khí đốt cho Ukraina như năm 2009 với cớ là một số hóa đơn chưa được thanh toán và một cách gián tiếp đe dọa đến Châu Âu.
Theo Le Figaro, trên hiện trường, quân đội Nga vẫn giành quyền kiểm soát tại Crimée, và âm vang về chiến tranh vẫn inh ỏi, gây lo ngại. Theo Kiev, không dưới 30 000 binh sĩ Nga hiện đóng quân tại bán đảo Crimée. Đây là lần thứ hai trong vòng hai ngày nay, những quan sát viên của tổ chức an ninh và hợp tác tại Châu Âu (OSCE) bị quân Nga với vũ khí trang bị đầy mình ngăn cản không cho vào vùng Crimée. Trong khi êkíp Ukraina thông báo sẽ không tẩy chay thế vận hội mùa đông cho người khuyết tật tại Sotchi thì Tổng thống Putin phát biểu ông hy vọng sự kiện này sẽ góp phần làm « hạ căng thẳng » do cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraina gây ra.
tags: Pháp - Xã hội - Điểm báo
 
http://www.viet.rfi.fr/phap/20140308-binh-dang-nam-nu-tai-phap-qua-trinh-dau-tranh-con-dai
 
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten