vrijdag 3 januari 2025

Tổng thống Jimmy Carter: Đại ân nhân của thuyền nhân vượt biển... qua đời ngày 29/12/2024 thọ 100 tuổi.

 

Tổng thống Jimmy Carter: Đại ân nhân của thuyền nhân vượt biển

Jimmy Carter là tổng thống Mỹ thứ 39, lãnh đạo từ năm 1977 đến 1981.

Nguồn hình ảnh,Getty Images

Chụp lại hình ảnh,Jimmy Carter là tổng thống Mỹ thứ 39, lãnh đạo từ năm 1977 đến 1981.
  • Tác giả,Bùi Văn Phú
  • Vai trò,Gửi cho BBC từ Berkeley, California

Khi còn ở Bạch Ốc, Tổng thống Jimmy Carter đã có các quyết định quan trọng mở ra sinh lộ cho các thuyền nhân vượt biển thời hậu Chiến tranh Việt Nam.

Cựu Tổng thống Jimmy Carter vừa qua đời hôm 29/12/2024, hưởng thọ 100 tuổi.

Hai năm qua ông trong tình trạng sức khỏe yếu và được gia đình chăm sóc. Phu nhân của ông là bà Rosalynn Carter đã mất ngày 19/11/2023.

Jimmy Carter là tổng thống thứ 39, lãnh đạo Hoa Kỳ từ năm 1977 đến 1981.

Phong thư kỷ niệm ngày nhận chức của Tổng thống Jimmy Carter

Nguồn hình ảnh,Bùi Văn Phú

Chụp lại hình ảnh,Phong thư kỷ niệm ngày nhậm chức của Tổng thống Jimmy Carter

Đó cũng là giai đoạn khởi đầu cao trào vượt biển của người Việt rời bỏ quê hương ra đi vì không thể sống dưới sự áp bức của chế độ cộng sản Hà Nội.

Trước làn sóng vượt biển, những năm đó tôi và các bạn sinh viên tại Đại học U.C. Berkeley đã cùng với sinh viên hai miền nam bắc California và nhiều hội đoàn của cộng đồng người Việt quốc gia tổ chức những cuộc biểu tình, những buổi thảo luận nói lên thảm trạng thuyền nhân, những buổi văn nghệ gây quỹ giúp người vượt biển, những vận động chính giới Hoa Kỳ cứu giúp người tị nạn trên Biển Đông.

Năm 1979 có cuộc biểu tình lớn trước Bạch Ốc với sự có mặt của ca sĩ Joan Baez để ủng hộ thuyền nhân khiến Tổng thống Carter đã ra lệnh cho Đệ Thất Hạm đội của Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương vớt người vượt biển. Nếu không có quyết định này của lãnh đạo Hoa Kỳ, nhiều người trong chúng ta có thể đã vùi thây trong lòng biển cả. Trước đó không lâu, chính quyền Carter đã có chính sách nhận cho vào Mỹ định cư mỗi tháng 14.000 người tị nạn Đông Nam Á, một chính sách tị nạn chưa bao giờ có trước đó.

Biểu tình kêu gọi cứu giúp thuyền nhân, Đại học U.C. Berkeley, năm 1979

Nguồn hình ảnh,Bùi Văn Phú

Chụp lại hình ảnh,Biểu tình kêu gọi cứu giúp thuyền nhân, Đại học U.C. Berkeley, năm 1979

Sau đợt định cư 130.000 người tị nạn Việt đầu tiên đến Mỹ vào năm 1975, với làn sóng vượt biển và chính sách định cư thuyền nhân được Tổng thống Carter ban hành, từ 1977 đến 1981 đã có hơn 300.000 người tị nạn Đông Nam Á, đại đa số là thuyền nhân Việt, được Hoa Kỳ cho nhập cư, là con số người tị nạn được Mỹ nhận nhiều nhất trong một nhiệm kỳ của tổng thống.

Sau đó lãnh đạo Mỹ tiếp tục có chính sách đón nhận cho định cư thuyền nhân vượt biển, con lai, cựu tù cải tạo cũng như thân nhân được đoàn tụ gia đình qua chương trình ODP, vì thế Tổng thống Jimmy Carter được tôn vinh là một đại ân nhân của thuyền nhân tị nạn người Việt.

Cũng liên quan đến Việt Nam, ngay sau khi vừa nhậm chức ngày 20/1 thì ngày 21/1/1977 Tổng thống Carter ký pháp lệnh ân xá cho hơn 100.000 thanh niên đã trốn nghĩa vụ quân sự trong thời Chiến tranh Việt Nam, đa số chạy qua sống bên quốc gia láng giềng Canada. Đây là quyết định gây nhiều tranh cãi và bất bình cho những chiến binh Hoa Kỳ đã từng tham chiến tại Việt Nam.

Về ngoại giao, chính sách của Tổng thống Carter đặt nhân quyền làm trọng tâm và đã giúp cho nhiều chục ngàn người gốc Do Thái được rời Liên Xô.

Tuy nhiên, chính sách ngoại giao của chính quyền Carter được cho là quá yếu mềm và đã gặp thử thách ở nhiều nơi trên thế giới.

Đầu năm 1979, đế chế của vua Shah bị lật đổ, nhà vua phải rời Iran qua Ai Cập và Lực lượng Cách mạng Hồi giáo lên nắm quyền cai trị. Cuối năm đó, sứ quán Mỹ ở Tehran bị thành phần Hồi giáo cực đoan tấn công và hơn 50 nhân viên, trong đó có tổng lãnh sự, bị bắt làm con tin. Sự kiện gây khủng hoảng chính trị cho Tổng thống Carter trong nhiều tháng. Một vụ giải cứu con tin được thực hiện nhưng thất bại vì trực thăng gặp trục trặc khi đáp xuống vùng sa mạc trong lãnh thổ Iran.

Sau 444 ngày bị giam giữ, 52 con tin Mỹ được thả chỉ ít phút trước khi Tổng thống Carter chấm dứt nhiệm kỳ vào ngày 20/1/1981 để chuyển giao quyền hành cho tổng thống kế nhiệm là Ronald Reagan.

Cũng dưới thời Tổng thống Jimmy Carter, cuối năm 1979, Hồng quân Liên Xô đã qua chiếm đóng Afghanistan. Sự kiện này khiến Hoa Kỳ kêu gọi thế giới tẩy chay Olympic được tổ chức tại Moscow vào hè 1980 và là một quyết định gây nhiều tranh cãi cho đoàn thể thao Mỹ và cũng không được cả thế giới hưởng ứng vì chỉ có 64 quốc gia theo Hoa Kỳ không tham dự, còn lại 80 quốc gia khác vẫn đưa đoàn tới Moscow thi đấu.

Một điểm son trong chính sách ngoại giao mà Tổng thống Carter đạt được là cuối năm 1978 ông đã mời Thủ tướng Menachem Begin của Do Thái và Tổng thống Anwar Sadat của Ai Cập đến Camp David để thảo luận và sau đó vào tháng 3/1979 hai bên đã ký một hiệp ước hòa bình chấm dứt thù nghịch giữa hai quốc gia.

Về đối nội, cuộc khủng hoảng năng lượng ảnh hưởng nhiều đến kinh tế. Khi đó dân Mỹ phải xếp hàng đổ xăng và có một thời gian người dân chỉ được đổ xăng theo ngày chẵn, lẻ tùy theo bảng số xe.

Lạm phát, mức thất nghiệp lên cao, lãi vay ngân hàng để mua nhà lên gần 20%. Kinh tế trì trệ vì thế Tổng thống Jimmy Carter không được dân tín nhiệm khi ông tái tranh cử nhiệm kỳ thứ hai trong kỳ bầu cử tháng 11/1980.

James Earl Carter Jr. chào đời ngày 1/10/1924 tại thị trấn nhỏ Plains, bang Georgia, là con cả trong gia đình bốn người con.

Nguồn hình ảnh,Getty Images

Chụp lại hình ảnh,James Earl Carter Jr. chào đời ngày 1/10/1924 tại thị trấn nhỏ Plains, bang Georgia, là con cả trong gia đình bốn người con.

Tổng thống Jimmy Carter sinh ngày 1/10/1924 tại Plains, vùng nông thôn đậu phộng của bang Georgia. Ông tốt nghiệp sĩ quan từ Học viện Hải quân Hoa Kỳ ở Annapolis, Maryland năm 1946 và phục vụ trong quân ngũ 7 năm. Tham gia chính trường tiểu bang, ông được bầu làm thống đốc Georgia.

Năm 1976, ông được Đảng Dân chủ tiến cử ra tranh đua với ứng viên của Đảng Cộng hòa là Tổng thống đương nhiệm Gerald Ford. Thống đốc Carter đã thắng với 297 phiếu cử tri đoàn.

Sau bốn năm làm chủ Bạch Ốc, rời thủ đô Washington, cựu Tổng thống Jimmy Carter trở về Georgia, tiếp tục rao giảng Phúc âm và hoạt động xã hội giúp xây nhà cho người nghèo qua tổ chức Habitat for Humanity do ông khởi xướng.

Về mặt quốc tế, ông thường được mời để tổ chức giám sát các cuộc bầu cử tại nhiều quốc gia đang trong tiến trình phát triển dân chủ.

Ông cũng tham gia qua vai trò trung gian trong các thương thảo hòa bình giữa các quốc gia có xung đột. Những đóng góp đó của ông được ghi nhận với giải Nobel Hòa bình 2002.

Tác giả Bùi Văn Phú là nhà báo tự do, giảng viên đại học cộng đồng tại vùng Vịnh San Francisco. Ông từng hoạt động giúp thuyền nhân và đã làm việc trong các trại tị nạn ở Đông Nam Á nhiều năm.

Tổng thống Jimmy Carter: Đại ân nhân của người thuyền nhân vượt biển - BBC News Tiếng Việt

Jimmy Carter: Từ nông dân trồng đậu đến tổng thống Mỹ và Nobel Hòa bình

 

Jimmy Carter: Từ nông dân trồng đậu đến tổng thống Mỹ và Nobel Hòa bình

Cố Tổng thống Mỹ Jimmy Carter

Nguồn hình ảnh,Getty Images

Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter vừa qua đời ở tuổi 100. Khi lên nắm quyền, ông đã hứa sẽ không bao giờ nói dối người dân Mỹ.

Sau vụ bê bối Watergate đầy hỗn loạn (dưới thời Tổng thống Richard Nixon), Tổng thống Carter - từng là nông dân trồng đậu phộng ở bang Georgia - đã ân xá cho những người trốn nghĩa vụ quân sự trong Chiến tranh Việt Nam và trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Mỹ coi trọng vấn đề biến đổi khí hậu.

Trên trường quốc tế, ông làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình lịch sử giữa Ai Cập và Israel nhưng ông đã khổ sở để giải quyết cuộc khủng hoảng con tin Iran cũng như cuộc xâm lược Afghanistan của Liên Xô.

Sau một nhiệm kỳ, ông thất bại trước ứng viên Cộng hòa Ronald Reagan trong cuộc bầu cử năm 1980 khi chỉ giành chiến thắng ở sáu tiểu bang.

Sau khi rời Nhà Trắng, ông Carter làm rất nhiều để khôi phục lại danh tiếng của mình: trở thành một người làm việc không biết mệt mỏi vì hòa bình, môi trường và nhân quyền. Những nỗ lực của ông được ghi nhận bằng giải Nobel Hòa bình.

Là vị tổng thống thọ nhất lịch sử Mỹ, ông tổ chức sinh nhật lần thứ 100 vào tháng 10/2024. Trước khi mất, ông được điều trị ung thư và dành 19 tháng cuối đời trong viện dưỡng lão.

Jimmy Carter tại trang trại trồng đậu của mình ở bang Georgia

Nguồn hình ảnh,Getty Images

Chụp lại hình ảnh,Jimmy Carter tại trang trại trồng đậu của mình ở bang Georgia vào năm 1976

James Earl Carter Jr sinh ngày 1/10/1924 tại thị trấn nhỏ Plains, Georgia và là con cả trong gia đình có bốn người con.

Cha ông, một người phân biệt chủng tộc, đã khởi nghiệp trong ngành đậu phộng, còn mẹ ông, Lillian, là một y tá qua đào tạo.

Kinh nghiệm sống qua cuộc Đại Suy thoái và đức tin trung thành với giáo phái Báp-tít góp phần định hình triết lý chính trị của ông.

Ông Carter - cựu ngôi sao bóng rổ trung học - dành bảy năm phục vụ trong Hải quân Mỹ. Trong thời gian đó, ông kết hôn với Rosalynn, một người bạn của em gái mình và trở thành sĩ quan tàu ngầm.

Nhưng sau khi người cha qua đời năm 1953, ông đã trở về điều hành trang trại gia đình vốn đang gặp khó khăn.

Vụ mùa đầu tiên thất bát do hạn hán, nhưng Jimmy Carter đã xoay chuyển tình thế kinh doanh và tự mình trở nên giàu có trong quá trình đó.

Ông bước chân vào chính trường từ cấp cơ sở, được bầu vào một loạt các hội đồng quản trị trường học và thư viện địa phương, trước khi tranh cử vào Thượng viện bang Georgia.

Nhà vận động dân quyền

Chính trường Mỹ bùng nổ sau quyết định của Tòa án Tối cao về việc bãi bỏ phân tách chủng tộc trong trường học.

Với xuất thân là một nông dân miền Nam, người ta có thể kỳ vọng Carter sẽ phản đối cải cách - nhưng ông có quan điểm khác với cha mình.

Trong hai nhiệm kỳ tại Thượng viện Georgia, ông tránh xung đột với những người theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, bao gồm nhiều người trong Đảng Dân chủ.

Nhưng khi trở thành thống đốc Georgia năm 1970, ông Carter công khai ủng hộ dân quyền hơn.

Tổng thống Carter cùng với cha của Martin Luther King. Ông Carter đã vận động cho quyền công dân vào những năm 1960

Nguồn hình ảnh,Getty Images

Chụp lại hình ảnh,Tổng thống Carter cùng với cha của Martin Luther King. Ông Carter đã vận động dân quyền vào những năm 1960.

"Tôi sẽ nói thẳng thắn rằng thời kỳ phân biệt chủng tộc đã kết thúc," ông tuyên bố trong bài phát biểu nhậm chức.

Ông đã treo những bức ảnh của Martin Luther King trên các bức tường của điện Capitol tiểu bang, trong khi Ku Klux Klan, nhóm phân biệt chủng tộc khét tiếng, biểu tình bên ngoài.

Ông hứa đảm bảo rằng người Mỹ gốc Phi sẽ được bổ nhiệm vào các chức vụ công.

Ông Jimmy Carter khi vận động tranh cử tổng thống. Ông giơ một nắm đậu phộng lên để nhấn mạnh nguồn gốc giản dị của mình.

Nguồn hình ảnh,Getty Images

Chụp lại hình ảnh,Ông Jimmy Carter khi vận động tranh cử tổng thống. Ông giơ một nắm đậu phộng lên để nhấn mạnh nguồn gốc giản dị của mình.

Tuy nhiên, ông thấy khó cân bằng giữa niềm tin Cơ Đốc giáo mạnh mẽ và tính cấp tiến của mình khi nói đến luật phá thai.

Mặc dù ủng hộ quyền của phụ nữ trong việc phá thai nhưng ông Carter từ chối tăng ngân sách để điều này trở thành hiện thực.

Khi ông Carter khởi động chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1974, cả nước vẫn đang chấn động trước vụ bê bối Watergate.

Ông giới thiệu mình là một nông dân trồng đậu phộng bình dân, không bị thói đạo đức giả của các chính trị gia ở Điện Capitol tác động.

Ngoại tình tư tưởng

Jimmy Carter tranh cử vào đúng thời điểm người dân Mỹ muốn một người ngoài cuộc và ông phù hợp với vai trò đó.

Thật ngạc nhiên khi ông thừa nhận (trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Playboy) rằng ông đã "ngoại tình tư tưởng nhiều lần". Nhưng hóa ra không có gì đáng xấu hổ về quá khứ của ông.

Ban đầu, các cuộc thăm dò cho thấy ông chỉ được khoảng 4% đảng viên Dân chủ ủng hộ. Tuy nhiên, chỉ chín tháng sau, ông đã đánh bại tổng thống đương nhiệm Gerald Ford của phe Cộng hòa.

Jimmy Carter cùng gia đình ăn mừng khi chiến thắng cuộc bầu cử năm 1976

Nguồn hình ảnh,Getty Images

Chụp lại hình ảnh,Jimmy Carter cùng gia đình ăn mừng khi chiến thắng cuộc bầu cử năm 1976

Vào ngày đầu tiên với cương vị tổng thống, ông đã ân xá cho hàng trăm ngàn người trốn nghĩa vụ quân sự thời Chiến tranh Việt Nam. Họ đã trốn ra nước ngoài hoặc không đăng ký với hội đồng tuyển quân địa phương.

Một nhà phê bình của Đảng Cộng hòa, Thượng nghị sĩ Barry Goldwater, đã mô tả quyết định này là "điều đáng xấu hổ nhất mà một tổng thống từng làm".

Ông Carter từng thú nhận rằng đó là quyết định khó khăn nhất mà ông đưa ra khi tại vị.

Ông bổ nhiệm phụ nữ vào các vị trí chủ chốt trong chính quyền và khuyến khích bà Rosalynn tăng sức ảnh hưởng trên toàn quốc với vị thế là Đệ nhất Phu nhân.

Ông đã ủng hộ (tuy không thành công) Tu chánh án Bình đẳng Quyền lợi đối với Hiến pháp Hoa Kỳ, hứa hẹn bảo vệ pháp lý chống lại sự phân biệt đối xử dựa trên giới tính.

Là một trong những nhà lãnh đạo quốc tế đầu tiên coi trọng vấn đề biến đổi khí hậu, Tổng thống Carter mặc quần jean và áo len trong Nhà Trắng cũng như tắt lò sưởi để tiết kiệm năng lượng.

Ông cho lắp các tấm pin mặt trời trên mái - sau đó đã bị người kế nhiệm Ronald Reagan tháo dỡ - và thông qua các luật để bảo vệ hàng triệu mẫu đất hoang sơ ở bang Alaska khỏi sự khai thác.

Nhiệm vụ giải cứu thảm khốc

Những "cuộc trò chuyện bên lò sưởi" (bài nói chuyện với nhân dân của tổng thống Mỹ) được truyền hình của ông Carter được đạo diễn theo một cách thoải mái có chủ ý, nhưng cách tiếp cận này có vẻ quá bình dị khi mà các vấn đề ngày càng gia tăng.

Khi nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, sự ủng hộ dành cho Tổng thống Carter bắt đầu giảm sút.

Ông đã cố gắng thuyết phục cả nước chấp nhận các biện pháp nghiêm ngặt để đối phó với khủng hoảng năng lượng - bao gồm cả việc hạn chế xăng dầu - nhưng vấp phải sự phản đối kịch liệt của Quốc hội.

Kế hoạch giới thiệu một hệ thống chăm sóc sức khỏe phổ quát cũng thất bại trong cơ quan lập pháp, cùng lúc đó thì tỷ lệ thất nghiệp và lãi suất đều tăng vọt.

Chính sách về Trung Đông của ông bắt đầu gặt được thành tựu khi Tổng thống Ai Cập Sadat và Thủ tướng Israel Begin ký kết Hiệp định Camp David năm 1978.

Tổng thống Ai Cập (trái) và Thủ tướng Israel (phải) bắt tay ký kết Hiệp định Camp David

Nguồn hình ảnh,Getty Images

Chụp lại hình ảnh,Tổng thống Ai Cập (trái) và Thủ tướng Israel (phải) bắt tay ký kết Hiệp định Camp David

Nhưng thành công ở nước ngoài không kéo dài được lâu.

Cuộc cách mạng ở Iran, dẫn đến việc bắt giữ con tin Mỹ, và cuộc xâm lược Afghanistan của Liên Xô là những thử thách nghiêm trọng.

Tổng thống Carter đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran và áp đặt các lệnh trừng phạt thương mại trong một nỗ lực tuyệt vọng để giải cứu người dân Mỹ.

Bức ảnh chụp con tin tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran năm 1979

Nguồn hình ảnh,Getty Images

Chụp lại hình ảnh,Bức ảnh chụp con tin tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran năm 1979

Nỗ lực giải cứu bằng vũ lực đã trở thành thảm họa, khiến tám quân nhân Mỹ thiệt mạng.

Sự cố này gần như chắc chắn đã chấm dứt mọi hy vọng tái đắc cử cho ông Carter.

Thất bại trước Reagan

Ông Carter đánh bại đối thủ đáng gờm là Thượng nghị sĩ Edward Kennedy để trở thành ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ năm 1980 và giành 41% số phiếu phổ thông trong cuộc bầu cử sau đó.

Nhưng điều đó vẫn chưa đủ để đánh bại ứng viên Cộng hòa Ronald Reagan.

Cựu nam diễn viên tiến vào Nhà Trắng với chiến thắng áp đảo trong số phiếu đại cử tri đoàn.

Vào ngày cuối nhiệm kỳ, ông Carter tuyên bố đã hoàn tất suôn sẻ các cuộc đàm phán để thả các con tin.

Iran trì hoãn thời gian thực hiện cho đến sau khi Tổng thống Reagan tuyên thệ nhậm chức.

Vợ chồng ông Carter chào mừng vợ chồng ông Reagan sau cuộc bầu cử năm 1980

Nguồn hình ảnh,Getty Images

Chụp lại hình ảnh,Vợ chồng ông Carter chào mừng vợ chồng ông Reagan sau cuộc bầu cử năm 1980

Khi rời nhiệm sở, Tổng thống Carter có một trong những tỷ lệ ủng hộ thấp nhất trong số các tổng thống Mỹ. Trong những năm sau đó, ông làm rất nhiều việc để khôi phục lại danh tiếng của mình.

Thay mặt cho chính phủ Mỹ, ông đã thực hiện một sứ mệnh hòa bình tới Triều Tiên, cuối cùng đã đưa đến Khung thỏa thuận, một nỗ lực ban đầu nhằm đạt được thỏa thuận về việc tháo dỡ kho vũ khí hạt nhân của nước này.

Thư viện của ông, Trung tâm Tổng thống Carter, đã trở thành một trung tâm trao đổi ý tưởng và chương trình có ảnh hưởng nhằm giải quyết các vấn đề và khủng hoảng quốc tế.

Năm 2002, ông Carter trở thành tổng thống Mỹ thứ ba, sau Theodore Roosevelt và Woodrow Wilson, được trao Giải Nobel Hòa bình - và là người duy nhất được trao giải thưởng này sau khi rời nhiệm sở.

Cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela (trái) và ông Carter từng làm việc với nhau để thúc đẩy hòa bình và nhân quyền

Nguồn hình ảnh,Getty Images

Chụp lại hình ảnh,Cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela (trái) và ông Carter từng làm việc với nhau để thúc đẩy hòa bình và nhân quyền

"Vấn đề nghiêm trọng và phổ biến nhất là khoảng cách ngày càng lớn giữa những người giàu nhất và người nghèo nhất thế giới," ông phát biểu khi nhận giải Nobel.

Cùng với Nelson Mandela, ông đã thành lập tổ chức The Elders, một nhóm các nhà lãnh đạo toàn cầu cam kết hoạt động vì hòa bình và nhân quyền.

Lối sống bình dị

Khi nghỉ hưu, ông Carter đã chọn một lối sống giản dị.

Ông từ chối các buổi diễn thuyết có thù lao cao cũng như các vị trí trong hội đồng quản trị công ty để có một cuộc sống đơn sơ với bà Rosalynn ở thị trấn Plains - nơi cả hai chào đời.

Ông Carter không muốn sử dụng thời gian của mình tại Phòng Bầu dục để kiếm tiền.

"Tôi không thấy có gì sai trái trong việc đó. Tôi không chê trách người khác khi họ làm điều đó. Chỉ là tôi không có tham vọng để trở nên giàu có," ông trả lời Washington Post.

Ông là vị tổng thống hiện đại duy nhất trở về ngôi nhà mà ông đã sống trước khi tham gia chính trường, một ngôi nhà một tầng, hai phòng ngủ.

Ngôi nhà của gia đình Carter được định giá 167.000 USD - thấp hơn cả giá trị xe của Mật vụ đỗ bên ngoài để bảo vệ họ, theo Washington Post.

Năm 2015, ông tuyên bố rằng mình đang được điều trị ung thư, căn bệnh đã giết chết cả cha mẹ lẫn ba người em gái của ông.

Chỉ vài tháng sau khi phẫu thuật gãy xương hông, ông đã trở lại làm việc tình nguyện với tổ chức Habitat for Humanity.

Cựu tổng thống và vợ ông bắt đầu làm việc với tổ chức từ thiện này vào năm 1984 và đã giúp sửa chữa hơn 4.000 ngôi nhà kể từ đó.

Ông Carter trong đám tang vợ mình vào năm 2023

Nguồn hình ảnh,Getty Images

Chụp lại hình ảnh,Ông Carter trong đám tang vợ mình vào năm 2023

Ông tiếp tục giảng dạy tại một trường học Chủ nhật tại Nhà thờ Báp-tít Maranatha ở Plains, đôi khi đón cả những ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ đến lớp học của mình.

Vào tháng 11/2023, bà Rosalynn Carter qua đời. Để tỏ lòng tôn kính, cựu tổng thống đã nói rằng người vợ 77 năm của ông là "người bạn đồng hành ngang hàng với tôi trong mọi thứ mà tôi từng đạt được".

Khi tổ chức sinh nhật lần thứ 100 vào năm 2024, ông Carter cho thấy mình vẫn còn theo dõi chính trị.

"Tôi sẽ bỏ phiếu cho Kamala Harris," ông nói.

Ông đã làm như vậy, dù chiến thắng sau cùng ở tiểu bang Georgia thuộc về ông Donald Trump.

Triết lý chính trị của ông Carter chứa đựng những yếu tố đôi khi xung đột giữa nền giáo dục bảo thủ ở một thị trấn nhỏ và bản năng cấp tiến tự nhiên của ông.

Nhưng điều thực sự thúc đẩy ông phục vụ cộng đồng suốt đời là niềm tin tôn giáo mãnh liệt.

"Không thể tách rời niềm tin tôn giáo khỏi việc phụng sự cộng đồng," ông nói.

"Tôi chưa bao giờ thấy bất kỳ xung đột nào giữa ý muốn của Chúa và nghĩa vụ chính trị của tôi. Nếu bạn vi phạm một trong hai, bạn sẽ vi phạm cả hai."