Một phụ nữ Mỹ gốc Việt bị an ninh sân bay TSN bắt giữ và đánh đập
Câu chuyện của bà Nguyễn Thị Bích Hạnh kể lại chuyến về thăm quê, bất ngờ đã trở thành một vụ bắt giữ, đánh đập, thậm chí hai đứa con của bà bị tách ra khỏi bà dù có một bé trong tình trạng nguy cấp, khiến bất cứ ai nghe được cũng rùng mình về sự tàn bạo của công an CSVN.
Bà Hạnh, cư ngụ tại North Carolina, về Việt Nam thăm mẫu thân ở Nghệ An vào ngày 7 Tháng Sáu, khi đến sân bay Tân Sơn Nhất đã không thể nhập cảnh bình thường. Nhân viên an ninh sân bay sau khi xem sổ thông hành của bà, rồi im lặng giao qua cho một nhân viên an ninh khác, đưa bà đi đến một căn phòng. Nơi đó, công an cửa khẩu thông báo là bà không được nhập cảnh vào Việt Nam vì “lý do an ninh.” Bà Hạnh có hỏi cụ thể lý do an ninh là như thế nào, vì bà chỉ là một phụ nữ về thăm nhà với hai con nhỏ, Thiên Ân (12 tuổi) và An Việt (4 tuổi). Thế nhưng viên công an không nói lý do, cũng không có giấy tờ gì xác minh lệnh này, chỉ nói bà phải quay lại ngay.
Bà Hạnh đành đồng ý, nhưng lúc đó, chuyến bay dài khiến đứa con nhỏ 4 tuổi của bà vốn bị bệnh về phổi, trở nên khó thở. Bà Hạnh xin bác sĩ sân bay khám và xem qua em bé giúp trước khi bà đi về, nhưng từ đó, mọi chuyện đột nhiên trở nên phức tạp và thô bạo.
Lúc đó gần 12 giờ đêm tại Việt Nam, bà Hạnh khẩn khoản xin giúp nhưng công an từ chối, bà chỉ còn cách xin cho lấy hành lý để tìm thuốc cho con. Điện thoại của bà không có sóng một cách kỳ lạ, nên khi muốn liên lạc cho chồng là ông Thái Văn Tự ở Mỹ biết là mẹ con bà phải quay về, nhưng bà không sao gọi được. Vì vậy, bà nhờ đứa con nhỏ đi mua giùm một sim điện thoại Viettel bán ở sân bay để gọi, nhưng cũng không được.
Lúc đó, nhân thấy một du khách ngoại quốc đang đi ngang qua ái ngại nhìn, bà vội xin mượn điện thoại gọi cho chồng. Đó là cuộc điện thoại duy nhất, và bây giờ nghĩ lại, bà nhận ra đó là cuộc điện thoại cứu mạng của ba mẹ con, vì sau đó, những gì xảy ra hoàn toàn là địa ngục giữa thế giới văn minh.
Một nhóm công an khoảng chục người xông tới, bắt giữ hai đứa con bà, tách riêng, và khoảng 4-5 người ập đến giật điện thoại của bà, bẻ tay, xách chân để khiêng đi. Bà Hạnh sợ lạc con mình nên giẫy giụa và la hét thì bị đánh vào đầu, mặt, cổ, còn tay chân thì bị bẻ, thậm chí có cả thủ thuật bấm vào huyệt để tê bại mà bà còn chụp lại hình ảnh để làm bằng chứng.
Bà Hạnh bị ngất đi, cho đến khi tỉnh dậy thì thấy đang nằm trên sàn nhà, trong một căn phòng bị khóa trái. Bà đập cửa và la hét đòi con, một lúc sau, công an mới đưa con bà vào.
Nói chuyện với Sài Gòn Nhỏ, bà Hạnh kể là bà đã khóc vì mừng khi gặp lại hai đứa con, đặc biệt là đứa con nhỏ đang đau yếu nhưng lúc này cả hai đều tổn thương tinh thần. Bà chỉ có thể im lặng khi một đứa hỏi “Sao công an Việt Nam lại ác đến vậy?”
Có thể cuộc giằng co của bà Hạnh vì muốn cho đứa con mình được gặp bác sĩ, đã làm trễ chuyến bay về Mỹ mà công an muốn đẩy bà lên, nên họ đã nhốt cả 3 mẹ con bà Hạnh trong một căn phòng nhỏ suốt cho đến ngày chiều ngày 11 Tháng Sáu.
Không có thức ăn, không nước uống, khi con bà quá khát và mệt, bà Hạnh đã phải gõ cửa liên tục gần nửa tiếng để xin một chai nước. “Tôi không sợ và không ngại bất cứ chuyện gì, nhưng lúc đó thật sự tôi đã phải van xin, vì con tôi đang rất cần nước,” bà kể. Một viên công an bỏ đi, lát sau mang lại một chai nước, đó là tất cả những gì được “cho” của công an sân bay Tân Sơn Nhất trong cuộc tiếp đón tàn bạo với 3 mẹ con bà Hạnh.
Bà Hạnh yêu cầu được gặp Tổng Lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn, nhưng một viên công an tên Hải cười gằn, và nói “không có chuyện đó.” Đó là nụ cười mà bà Hạnh không bao giờ quên trong đời, vì nó xuất hiện cùng những cú đánh vào bà, những lời đáp trả không cần lý lẽ và cả khi viên công an tên Luận (Bà Hạnh ghi được số hiệu của tên này) khi hắn xông đến giật, rút điện máy thở của đứa bé 4 tuổi, bất chấp bé đang trong tình trạng nguy cấp, để làm áp lực với bà.
“Đó là một hành động giết người. Con tôi đang đau yếu và chỉ mới 4 tuổi, nhưng hắn đã hành động độc ác, vô nhân tính, tôi không bao giờ có thể quên gương mặt đó,” bà Hạnh nói với Sài Gòn Nhỏ.
Bên ngoài, kể từ khi gia đình bà Hạnh ở Mỹ không còn liên lạc được, chồng bà đã gọi và viết email cho Đại Sứ Quán Và Tổng Lãnh Sự Mỹ ở Việt Nam để yêu cầu can thiệp. Có vẻ như thoạt đầu công an sân bay đã chối và tìm cách nói với đại diện Tổng Lãnh Sự Mỹ để cho qua chuyện, rồi đẩy bà lên chuyến bay sắp tới. Nhưng bà Hạnh nói với công an rằng vì an nguy của cả gia đình, bà sẽ không rời khỏi đây nếu không phải là người của Tổng Lãnh Sự Mỹ đưa bà đi ra, bởi bà và hai con là công dân Mỹ nên có quyền được bảo hộ trực tiếp.
Đến ngày thứ ba của cuộc giam giữ bất hợp pháp này, có vẻ Tổng Lãnh Sự Mỹ đã liên lạc đến cấp ngoại giao nên thái độ của các công an trở nên nhẹ nhàng hơn. Chiều ngày 11 Tháng Sáu, có thể do yêu cầu đến gặp trực tiếp không thành công, nên Tổng Lãnh Sự Mỹ gọi trực tiếp cho viên công an chịu trách nhiệm ở sân bay, yêu cầu đưa máy cho bà Hạnh.
Thoạt đầu điện thoại bị công an mở loa ngoài để kiểm soát, nhưng sau đó, bà Hạnh tắt loa ngoài và kể nhanh mọi sự tình với nhân viên tổng lãnh sự. “Tôi nói rõ mình và hai con bị nhốt ở đây ba ngày, bị bỏ đói bỏ khát, bị đánh đập, bị sỉ nhục, hăm dọa và tệ nhất là con tôi đang bệnh nhưng không được tiếp cận y tế dù có yêu cầu,” bà Hạnh kể.
Cuối cùng bà Hạnh cùng hai con bị xô lên chuyến máy bay về Mỹ, công an còn dọa là nếu bà hô hoán sự việc trên đường hay trên máy bay, thì họ sẽ cùm chân bà. Những chi tiết hành hạ, làm nhục được kể trong bài viết này chỉ là tạm liệt kê so với ba ngày mà bà Hạnh đã trải qua. Trên thực tế, bà Hạnh mang nhiều vết thương trên thân thể và một cú sốc lớn, đặc biệt khi nhìn những đứa con mình phải mang một trải nghiệm đen tối về quê hương đang bị kiểm soát bởi CSVN.
“Tôi tin mình và hai con bị trả thù vì công an nhận ra chồng tôi là Thái Văn Tự, thành viên tranh đấu có liên quan đến vụ 14 thanh niên Công giáo phản kháng ở Nghệ An năm 2013, bị công an lùng bắt, dù mọi thứ đã qua lâu lắm rồi,” bà Hạnh nói.
Cũng vì lấy chồng là người có “vấn đề” với nhà nước, nên bà Hạnh cũng bị cho nghỉ dạy học, và mọi thứ khó khăn ập đến, cho đến lúc bà ra khỏi Việt Nam.
Nói với Sài Gòn Nhỏ, bà Hạnh khẳng định bà sẽ làm các báo cáo gửi Liên Hợp Quốc, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Đại Sứ quán Mỹ ở Việt Nam, cùng các dân biểu Hoa Kỳ và tổ chức nhân quyền khác để tố cáo tình trạng đàn áp và bức hại hai đứa con nhỏ của bà, cũng như làm rõ sự kiện để không một người Việt Nam nào còn ảo tưởng về một chế độ CSVN có “văn minh.”
Geen opmerkingen:
Een reactie posten