Vac-xin Covid-19 cho nước nghèo: Phương Tây cam kết gia tăng đóng góp
Đăng ngày:
Hàng loạt hứa hẹn gia tăng đóng góp cho chiến dịch tiêm chủng phòng Covid-19 tại các nước nghèo, từ phía các cường quốc phương Tây, dự kiến được đưa ra hôm nay, 19/02/2021, nhân phiên họp của G7, khối các cường quốc công nghiệp hàng đầu.
Trong phiên họp trực tuyến hôm nay với các đồng nhiệm Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada và Nhật Bản, tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đưa ra cam kết đóng góp 4 tỉ đô la cho chương trình tiêm chủng Covax của Liên Hiệp Quốc, theo thông báo của Nhà Trắng hôm qua. Thủ tướng Đức Angela Merkel mong muốn « G7 có trách nhiệm nhiều hơn » trong việc đối phó toàn cầu với đại dịch. Về phần mình, thủ tướng Anh Boris Johnson đã hứa tái phân phối một phần lớn lượng vac-xin dư thừa thông qua cơ chế Covax, do Tổ chức Y tế Thế giới điều phối.
Theo một nguồn tin châu Âu, Liên Hiệp Châu Âu sẽ thông báo tăng gấp đôi mức đóng góp cho chương trình Covax, tức lên thành một tỉ euro. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen cũng sẽ thông báo đóng góp 100 triệu euro « trợ giúp nhân đạo » cho chương trình tiêm chủng tại châu Phi.
Trước cuộc họp của G7, trên Financial Times, hôm qua, tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi các nước giàu dành từ 3% đến 5% dự trữ vac-xin phòng Covid cho châu Phi, và việc này cần phải được tiến hành « khẩn trương ». Châu Phi hiện cũng là một tâm điểm của đại dịch, với số người chết vì Covid-19 vừa vượt ngưỡng 100.000, theo số thống kê chính thức. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, tổn thất nhân mạng do đại dịch Covid, trên thực tế tại châu Phi, là nghiêm trọng hơn nhiều.
Hội nghị đầu tiên của G7, kể từ khi tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, cũng tập trung vào nhiều chủ đề khác, như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, hồ sơ hạt nhân Iran, cuộc đảo chính ở Miến Điện, cũng như vụ nhà đối lập Nga Navalny bị đầu độc. Riêng về Trung Quốc, theo AFP, ông Biden trong cuộc họp hôm nay sẽ khẳng định lập trường cứng rắn với Bắc Kinh, đặc biệt trong việc « sửa đổi các quy tắc quốc tế để đáp ứng các thách thức kinh tế, như những thách thức mà Trung Quốc đặt ra hiện nay ».
Vac-xin Covid-19 cho nước nghèo: Phương Tây cam kết gia tăng đóng góp (rfi.fr)
ICC: Thế giới có thể thiệt hại hơn 9.000 tỉ đô la vì độc chiếm vac-xin chống Covid-19
Đăng ngày:
Cuộc chiến giành giật vac-xin có thể gây tổn thất ghê gớm cho nền kinh tế toàn cầu, theo một nghiên cứu của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC), một tổ chức của giới doanh nhân quốc tế, công bố ngày 25/01/2021.
Thông tín viên Jérémy Lanche tường trình từ Genève :
« Nếu chỉ có các quốc gia giàu phòng ngừa được đại dịch Covid-19, thì tổn thất với kinh tế toàn cầu có thể lên tới trên 9.000 tỉ đô la, tương đương khoảng một nửa GDP của Liên Hiệp Châu Âu. Và các nước giàu sẽ phải gánh chịu hơn một nửa số thiệt hại nói trên.
Ông John Denton, tổng thư ký Phòng Thương mại Quốc tế (ICC), một tổ chức của giới doanh nhân quốc tế, có trụ sở tại Paris nhận định : Nhiều việc làm, ví dụ như ở Mỹ, phụ thuộc trực tiếp vào các trao đổi thương mại (với các nước đang phát triển). Ví dụ như lốp xe được sản xuất tại Thái Lan. Nếu Thái Lan không cung cấp sản phẩm này cho thị trường Mỹ, thì đây sẽ tổn thất cho Hoa Kỳ. Tại sao Thái Lan không thể cung cấp ? Chính là vì Thái Lan bị đại dịch Covid.
Đây không phải là lần đầu tiên mà một báo cáo quốc tế phê phán đích danh những mâu thuẫn của hiện tượng mà Tổ chức Y tế Thế giới gọi là « chủ nghĩa dân tộc vac-xin ». Ẩn đằng sau những lời lẽ chỉ trích này là sự phê phán các kế hoạch chấn hưng, của các nền kinh tế lớn.
Tổng thư ký Phòng Thương mại Quốc tế nhấn mạnh : Nếu quý vị thực sự muốn khôi phục nền kinh tế quốc gia, quý vị cần phải khôi phục toàn bộ nền kinh tế thế giới. Điều đó có nghĩa là phải bảo đảm được là vac-xin có thể đến được với tất cả các nước, và được phân phối công bằng. Đây hoàn toàn không phải là chuyện từ thiện. Đây hoàn toàn đơn giản chỉ là sự sáng suốt về kinh tế ».
ICC: Thế giới có thể thiệt hại hơn 9.000 tỉ đô la vì độc chiếm vac-xin chống Covid-19 (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten