donderdag 18 februari 2021

Châu Mỹ Latinh : Trận địa đầu tiên cho Biden trong cuộc đọ sức với Trung Quốc

 

Châu Mỹ Latinh : Trận địa đầu tiên cho Biden trong cuộc đọ sức với Trung Quốc

Phần âm thanh 08:26
Một mô hình vệ tinh của Venezuela do Trung Quốc thiết kế.
Một mô hình vệ tinh của Venezuela do Trung Quốc thiết kế. AP - Howard Yanes
Minh Anh
21 phút

Học thuyết Monroe năm 1823 và chính sách Big Stick của Theodore Roosevelt năm 1904 đã cho phép nước Mỹ tạo dựng một vùng ảnh hưởng rộng lớn từ hơn một thế kỷ qua : Châu Mỹ Latinh. Nhưng từ hai thập niên nay, khu vực này trở thành địa bàn đối đầu chiến lược quan trọng giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo giới quan sát, Hoa Kỳ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc ngăn chận Trung Quốc ngay tại sân sau nhà mình.


Nhà nghiên cứu Christophe Ventura, giám đốc nghiên cứu Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS), trong một chương trình Địa Chính Trị của đài RFI đưa ra một nhận định cay đắng : Đà ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Mỹ Latinh gia tăng « không gì cưỡng lại được » và « không thể lay chuyển được ».

Nam Mỹ : Mặt trận liên minh đầu tiên chống Trung Quốc

Hoa Kỳ trong những năm 2000 vì quá bận rộn với những cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan, Irak,… lơ là « sân sau » Nam Mỹ, khi ấy rơi vào vòng xoáy chính trị quan trọng, rẽ hẳn theo cánh tả. Một bước ngoặt tạo cơ hội cho Trung Quốc có thể thâm nhập châu Mỹ Latinh một cách dễ dàng trong khi Bắc Kinh vào lúc đó chỉ là một đối tác còn rất khiêm tốn trong khu vực.

Nếu như vào đầu những năm 2000, trước khi gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), trao đổi mậu dịch giữa Trung Quốc với khu vực châu Mỹ Latinh chỉ ở mức 10 tỷ đô la, thì nay con số này đã tăng lên gấp 34 lần, đạt mức 340 tỷ đô la. Giao thương giữa đế chế Trung Hoa với các nước châu Mỹ Latinh không chỉ trên bình diện thương mại, mà cả trong lĩnh vực tài chính, dần chuyển sang cả địa chiến lược, thậm chí cả về quân sự.

Theo giải thích của ông Christophe Ventura, Trung Quốc giờ còn cung cấp cho nhiều nước Nam Mỹ từ vũ khí hạng nhẹ đến các hệ thống quân sự hoàn chỉnh, tinh vi hơn,… đến mức trở thành một đối tác lớn nhất trong khu vực.

« Trung Quốc cứ thế dần dần thâm nhập vào vùng châu Mỹ Latinh để rồi trở thành đối tác thương mại hàng đầu của khu vực Nam Mỹ, nhất là ở những nước quan trọng như Brazil, Achentina… đến mức mà từ nhiều năm qua, ngay từ dưới thời tổng thống Obama, Trung Quốc được xem như là một mối thách thức hàng đầu cho thế bá quyền của Washington trên bình diện quốc tế.

Đến thời kỳ tổng thống Trump, Trung Quốc là mối đe dọa cho an ninh quốc gia. Rồi bây giờ, đến thời ông Biden, mọi chuyện sẽ không thay đổi bởi vì ông Biden giải thích rất rõ Trung Quốc là một vấn đề của cả hai đảng tại Mỹ. Ông Biden xem Trung Quốc là một đối thủ có hệ thống đối với Hoa Kỳ.

Do vậy, tổng thống Mỹ cho rằng cần phải chiến đấu chống lại đối thủ này vì tương lai, và phải giành được thắng lợi trong cuộc cạnh tranh chống Trung Quốc.

Ở đây, có một điểm khác biệt với người tiền nhiệm là tổng thống Biden cho rằng cần phải có một chiến lược khác, bằng cách xây dựng một liên minh và một mặt trận thống nhất với các đồng minh của Mỹ đề kềm hãm thế mạnh của Trung Quốc.

Điều đó cần phải được bắt đầu từ châu Mỹ Latinh. Chúng ta sẽ thấy là thế nào rồi ông Biden cũng sẽ đề nghị chiến lược thành lập mặt trận chung với các nước châu Mỹ Latinh nhằm ngăn chận Trung Quốc, trên các bình diện thương mại, tài chính và công nghệ. »

Venezuela : Một điểm lớn cho Trung Quốc tại khu vực

Đây không phải là một chuyện dễ làm. Trong vòng hai mươi năm, Bắc Kinh thực hiện một chính sách ngoại giao nguyên liệu thô có thể nói là rất hiệu quả với các nước trong khu vực. Một chuỗi các hiệp định tự do mậu dịch song phương được ký kết với nhiều nước Nam Mỹ.

Sách Trắng về chính sách đối ngoại của Trung Quốc với khu vực châu Mỹ Latinh năm 2008 nêu rõ tính chất bổ sung giữa các nền kinh tế Trung Quốc và châu Mỹ Latinh. Mối quan hệ ngày càng chặt chẽ này cho thấy rõ nhu cầu to lớn của Trung Quốc về nguyên nhiên liệu (dầu lửa, khí ga, sắt, đồng, đậu nành, gỗ, lithium,…)

Tuy nhiên, theo quan sát của nhà nghiên cứu Viện IRIS, trong số các mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước Nam Mỹ, chính quyền Washington đặc biệt lo ngại về mối bang giao mật thiết giữa Bắc Kinh và Caracas. Ngược lại, Trung Quốc cũng rất lo lắng cho tiến triển quan hệ Mỹ - Cuba. Nhà nghiên cứu Christophe Ventura giải thích :

« Bởi vì, Venezuela là điểm tựa cho Trung Quốc tại Nam Mỹ. Đây là quốc gia tiếp nhận hỗ trợ của Trung Quốc nhiều nhất. Các khoản vay tài chính từ Trung Quốc đối với Nam Mỹ chủ yếu là cho Venezuela.

Bắc Kinh tài trợ cho nước này với một ý đồ sâu xa là nguồn tài nguyên dầu lửa, khí đốt và quặng khai thác vàng, những nguồn tài thiên nhiên chính mà Venezuela đang có.  Do vậy, Trung Quốc can dự nhiều vào Venezuela, quốc gia cùng với Cuba đang đối đầu với Mỹ.

Ngược lại, đúng là dưới thời ông Donald Trump, những gì diễn ra cùng với việc siết chặt cấm vận chống Cuba, là một vấn đề cho Trung Quốc. Vì những lý do kinh tế và địa chính trị, Bắc Kinh vẫn tiếp tục là một đồng minh của La Habana. Đây là một thách thức quan trọng giữa Mỹ và Trung Quốc. »

Vẫn theo Christophe Ventura, ở đây còn có một thách thức khác đối với Trung Quốc là vấn đề Đài Loan. Hiện vẫn còn đến 9 trong số 14 nước tại vùng biển Caribe công nhận Đài Loan là một nước độc lập. Đây là những nước đồng minh của Mỹ thời chiến tranh lạnh. Với nhà địa chính trị học, « thách thức này là hoàn toàn mang tính địa chiến lược cho Trung Quốc. Đây là một điểm thật sự cũng không kém phần quan trọng ».

Nam Mỹ : Chỉ là nhà khai thác và xuất khẩu nguyên liệu

Liệu rằng những chính sách ngoại giao mà Trung Quốc đang áp dụng có gây thiệt hại cho vùng Nam Mỹ hay không ? Nhà nghiên cứu địa chính trị nhắc lại rằng thỏa thuận ban đầu giữa Trung Quốc và các nước châu Mỹ Latinh vào đầu những năm 2000 là rất đơn giản.

Theo đó, các nước Nam Mỹ phải cung cấp, bảo đảm việc cung ứng nguyên liệu thô, nguồn tài nguyên thiên nhiên cho Trung Quốc. Đổi lại, Bắc Kinh xuất khẩu sang Nam Mỹ hàng hóa, sản phẩm tiêu dùng có giá trị gia tăng công nghệ và cho phép những nước này mở cửa thị trường tiêu thụ thông thường cho nhiều dòng sản phẩm như điện thoại, tivi…

Hệ quả của thỏa thuận này ra sao ? Chuyên gia Christophe Ventura cho biết : « Chỉ có điều, thỏa thuận đó đã khiến các nước châu Mỹ Latinh không thể làm gì hơn ngoài chức năng một nhà khai thác-xuất khẩu nguyên liệu thô, các nguồn tài nguyên thiên nhiên có giá trị gia tăng thấp mà không có được những lợi thế làm giầu công nghệ, cụ thể là đa dạng hóa các ngành công nghiệp, thậm chí còn bị phi công nghiệp hóa như Brazil, Achentina chẳng hạn.

Tuy nhiên, hiện nay đang có những thay đổi bởi vì có nhiều sự chuyển dịch nhỏ. Trung Quốc giờ chấp nhận đầu tư nhiều hơn trong các lĩnh vực dịch vụ hay năng lượng tái tạo tại châu Mỹ Latinh, và đến lượt họ phải đồng ý chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân công có tay nghề tại chỗ, các kỹ sư, kỹ thuật viên…

Châu Mỹ Latinh, đến lượt họ rất có thể tích lũy được vốn nhờ vào mối quan hệ với Trung Quốc. Đây sẽ là một trong những thách thức lớn cho tương lai các mối quan hệ giữa Nam Mỹ với Trung Quốc trong những năm sắp tới. »

Thế mạnh nào của Mỹ trong cuộc cạnh tranh ?

Sau kinh tế, tài chính, thương mại là quân sự, không gian. Bắc Kinh đầu tư khá nhiều trong lĩnh vực mà Washington đã bỏ lơ. Năm 2017, Achentina sở hữu một trạm quan sát không gian vệ tinh tại vùng Pentagonie do Trung Quốc phát triển. Ngoài ra, Bắc Kinh còn trang bị vũ khí cho quân đội nhiều nước như Achentina, Bolivia, Brazil, Chilê, Ecuador, Peru và cả Venezuela, hiện là khách hàng số một của Trung Quốc.

Thế nhưng, làm ăn với Trung Quốc không phải là không có rủi ro. Nguy cơ Hoa Kỳ trừng phạt kinh tế cũng có thể làm nhiều nước lao đao, vốn dĩ lệ thuộc nhiều vào nguồn tài chính của Hoa Kỳ. Một lợi thế tương đối của Mỹ để chặn đà phát triển của Trung Quốc ? Nhà nghiên cứu về Nam Mỹ đưa ra một số phân tích :

« Đấy từng là một thông điệp của chính quyền Donald Trump trong vòng bốn năm qua mà ông Pompeo đặc biệt chuyển tải đến. Nói một cách ngắn gọn như sau : Nếu quý vị có giao dịch làm ăn với Trung Quốc, thì quý vị sẽ có một cái giá phải trả. Và cái giá đó chính là hạn chế giao thương với Mỹ.

Họ sẽ ngưng toàn bộ chương trình hợp tác, nhất là đối với các nước vùng Trung Mỹ, hầu như lệ thuộc rất nhiều vào nguồn hỗ trợ tài chính của Hoa Kỳ. Những nước này thậm chí sống ‘thoi thóp’ nhờ vào nguồn hỗ trợ tài chính của Mỹ. Chính quyền Washington còn dọa đóng cửa thị trường Mỹ đối với những nước châu Mỹ Latinh nào quá gần gũi với Trung Quốc. 

Điều này làm chúng ta nghĩ đến Brazil, Achentina, những nước đặc biệt cung cấp thép cho Mỹ để sản xuất các loại máy móc nông nghiệp. Dù vậy, ngay cả khi đà tăng thế mạnh của Trung Quốc là không thể cưỡng lại, Hoa Kỳ vẫn duy trì được một lợi thế tương đối.

Có thể nói là châu Mỹ Latinh giờ trong thế trên đe dưới búa, bởi vì họ cũng rất cần đến mối quan hệ với Mỹ, vẫn còn là một đối tác thương mại không thể thiếu cho khu vực. Thế nên, lời giải cho phương trình này là không đơn giản chút nào và sẽ ngày càng khó cho các nước trong khu vực Nam Mỹ trong những năm sắp tới. »

Đấu trường đã mở màn

Trên trang mạng của viện IRIS, Christophe Ventura nhấn mạnh dịch bệnh bùng phát còn làm cho cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực thêm phần gay gắt. Washington và Bắc Kinh đua nhau cung cấp khẩu trang và các bộ xét nghiệm Covid-19. Trung Quốc dường như đang dẫn trước một bước khi hứa hẹn cung cấp vac-xin.

Hai siêu cường này còn đang chuẩn bị cho một cuộc đấu kinh tế và tài chính quy mô lớn trong triển vọng tái thiết các nền kinh tế châu Mỹ Latinh sẽ bước vào một cuộc khủng hoảng trong năm 2021. Nhìn từ lăng kính này, Washington ngay từ 12/09/2020 đã áp đặt ông Mauricio Claver-Carone làm lãnh đạo Ngân hàng Phát triển liên châu Mỹ (BID).

Đây cũng là lần đầu tiên một người không phải gốc châu Mỹ Latinh lãnh đạo định chế đa phương. Nổi tiếng có đường lối cứng rắn chống Trung Quốc, Mauricio Claver-Carone hy vọng có thể tăng thêm vốn cho BID khi phối hợp cùng Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân hàng Thế giới để dễ bề ngăn chận  chính sách đầu tư và cho vay của Trung Quốc trong khu vực.

Hoa Kỳ còn xúc tiến một kế hoạch đầu tư mới và tài trợ cơ sở hạ tầng Nam Mỹ trị giá 60 tỷ đô la. Được đặt tên « Growth in the Americas », cường quốc hàng đầu thế giới tìm cách ngăn chận các nước Nam Mỹ gia nhập vào dự án Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc, vốn dĩ đã thu hút sự tham gia của 19 nước.

Về phần mình, Bắc Kinh chăm chút các mối quan hệ song phương và đa phương với các nước châu Mỹ Latinh. Trung Quốc thông báo thiết lập một chương trình « kết hợp chiến lược toàn diện mới » với Achentina.

Dịch bệnh Covid-19 tại châu Mỹ Latinh và cuộc huy động sức lực của Mỹ cũng như là Trung Quốc để đối đầu nhau khẳng định rằng vùng lục địa này đã trở thành một trong số mặt trận tranh giành thế bá quyền giữa hai siêu cường trên đấu trường quốc tế.

Châu Mỹ Latinh : Trận địa đầu tiên cho Biden trong cuộc đọ sức với Trung Quốc - Tạp chí tiêu điểm (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten