donderdag 11 februari 2021

Covid-19 : Nếu vac-xin tương lai của Pháp là thuốc xịt mũi ?

 

Covid-19 : Nếu vac-xin tương lai của Pháp là thuốc xịt mũi ?

Phần âm thanh 07:10
Ảnh minh họa: Nếu vac-xin ngừa Covid-19 của Pháp là một dạng thuốc xịt mũi?
Ảnh minh họa: Nếu vac-xin ngừa Covid-19 của Pháp là một dạng thuốc xịt mũi? AFP - NICOLAS TUCAT
Minh Anh
16 phút

Sanofi cho biết vac-xin ngừa Covid-19 của hãng sẽ không thể có sớm hơn vào cuối năm 2021. Viện Pasteur thông báo từ bỏ một dự án nghiên cứu vac-xin do không cho thấy kết quả khả quan. Điều đó không có nghĩa là các nhà khoa học Pháp từ bỏ việc nghiên cứu một loại vac-xin chống Covid-19 cho nhân loại.

Viện Pasteur thành phố Lille, miền bắc nước Pháp đang ráo riết phát triển một loại vac-xin khác, không kém phần độc đáo, nếu thành công : Vac-xin xịt mũi. RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với ông Camille Locht, giám đốc nghiên cứu Viện Y tế và Nghiên cứu Y khoa Quốc gia (Inserm), trực thuộc Viện Pasteur Lille.

*****

RFI Tiếng Việt : Trước hết, giáo sư có thể cho biết vac-xin do Viện nghiên cứu có những lợi điểm gì ?

GS. Camille Locht : Điều trước tiên tôi xin lưu ý là dự án này vẫn còn ở giai đoạn nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Nhưng nếu vac-xin này được bào chế thành công, thì chúng có nhiều điểm lợi.

Thứ nhất, đó là loại vac-xin được dùng qua đường mũi. Chúng tôi hy vọng rằng vac-xin này sẽ tạo ra một phản ứng miễn dịch cục bộ ở khoang mũi, có thể ngăn chận virus ngay từ lối vào. Bởi vì, chúng ta biết rõ là Covid-19 là một căn bệnh do virus gây ra, thâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp.

Các loại vac-xin hiện nay như Moderna, AstraZeneca hay Pfizer đều là các loại vac-xin được tiêm thẳng vào cơ bắp để tạo ra các kháng thể cho toàn bộ hệ miễn dịch, nhưng có khả năng là rất thấp ở cấp độ khoang mũi. Thế nên, chúng tôi hy vọng là có thể tạo ra một phản ứng miễn dịch mạnh ở đường mũi nhằm ngăn chặn trực tiếp virus ngay từ cửa vào.

Điểm lợi thứ hai, công nghệ được sử dụng là một loại công nghệ rất rẻ, có thể sử dụng đại trà để sản xuất một số lượng lớn quan trọng trong một thời gian rất ngắn. Chỉ là nuôi cấy vi khuẩn, thu hoạch, rồi để vào những lọ giữ nhiệt nhỏ, đông khô chúng lại và như vậy, vac-xin đã sẵn sàng để sử dụng, không cần phải làm gì khác cả.

Đồng thời, trong nhiều nghiên cứu khác, đặc biệt là đối với bệnh ho gà, cũng là một bệnh đường hô hấp, lây qua đường mũi, chúng tôi thấy là tính ổn định loại vac-xin này là khá cao, hơn hai năm, kể cả khi ở nhiệt độ mát, vừa phải.

Các loại vac-xin ngừa Covid hiện nay như Pfizer phải được bảo quản từ -80 đến -60°C, hay -20°C cho những loại vac-xin khác, hay như AstraZeneca là phải ở nhiệt độ tủ lạnh, trong khi vac-xin mà viện đang nghiên cứu có thể cất giữ ở nhiệt độ mát, vừa phải. Như vậy, để vận chuyển, nhất là ở những xứ nóng, người ta thật sự không phải lo lắng về chuỗi kho lạnh để bảo quản.

Tôi cho rằng, ba lợi điểm này : tính miễn dịch cục bộ ở khoang mũi, khả năng sản xuất đại trà với số lượng lớn và có thể bảo quản nhiều năm ở nhiệt độ vừa phải là những đặc tính « hấp dẫn » cho dạng vac-xin này.

RFI : Nếu được đưa ra thị trường, đây sẽ là loại vac-xin đời thứ hai. Giữa thế hệ 1 và 2 có gì khác biệt ?

GS. Camille Locht : Thế hệ vac-xin còn tùy thuộc vào loại vac-xin. Đối với Covid, thế hệ I là loại vac-xin hiện có lúc này. Pfizer, Moderna, AstraZeneca hay Johnson&Johnson… đó là những loại vac-xin được đưa ra thị trường đầu tiên. Chúng có hiệu quả, có nhiều đặc tính thú vị, nhưng cũng còn nhiều điểm mà chúng ta chưa biết hết được. Chẳng hạn như tính miễn dịch của chúng kéo dài được bao lâu ? Liệu những vac-xin đó bảo vệ chúng ta ngừa Covid-19 nhưng còn có thể phòng ngừa được các chứng bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác, có giúp tránh lây nhiễm hay không… ?

Chúng ta có thể hình dung là khi được tiêm ngừa bằng các loại vac-xin này, chúng ta có thể không bị mắc bệnh, nhưng vẫn có thể mang mầm bệnh và có khả năng lây nhiễm cho người khác. Những điều này chúng ta chưa biết rõ đối với các loại vac-xin hiện nay.

Thế nên, các vac-xin thế hệ 2 là những loại vac-xin xuất hiện đợt hai, sau khi vac-xin thế hệ 1 được đưa ra thị trường. Liệu vac-xin đời thứ 2 có thay thế hay là bổ sung cho đợt 1, chắc chắn là chưa thể biết được.

RFI : Khi nào thì vac-xin xịt mũi có thể được đưa ra thị trường ?

GS. Camille Locht : Thật là khó nói. Việc bào chế một vac-xin đòi hỏi nhiều công đoạn : Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, rồi sau đó là ba công đoạn thử nghiệm trên người 1,2 và 3.

Thời gian công đoạn tiền thử nghiệm trên người thường rất khó lường, lệ thuộc nhiều vào sự may mắn. Người ta có thể phát hiện nhanh chóng ở các mẫu thử động vật liều vac-xin có hiệu quả hay không ? Đây cũng chính là giai đoạn chúng tôi đang làm hiện nay. Hàng chục sơ đồ nghiên cứu đang được song song tiến hành, với hy vọng một trong số các sơ đồ đó có cái này hay cái khác cho một kết quả « thú vị » dù ở thí nghiệm trên động vật.

Nhưng cũng có thể không bao giờ chúng ta có được. Có những loại vac-xin mà người ta phát hiện ra nhanh như Covid-19 hiện nay, nhưng cũng có những loại vac-xin từ hơn 30 năm qua vẫn còn trong khâu nghiên cứu như vac-xin ngừa Sida. Do vậy khó mà biết trước được là lúc nào.

Nhưng một khi vac-xin cho những kết quả thú vị ở phòng thí nghiệm, lúc đó chúng ta có thể dự tính thời gian cho các công đoạn 1,2 và 3 tùy theo nguồn tài chính có sẵn. Đây còn là một yếu tố « khó lường » khác. Sau khi vac-xin đời thứ nhất được đưa ra thị trường, nguồn tài chính có sẵn còn lại là bao nhiêu ? Bởi vì hiện nay, các chính phủ chi ra những khoản tiền cực lớn trong việc phát triển các loại vac-xin hiện có. Vậy chính phủ có còn đủ ngần ấy tiền cho vac-xin thế hệ hai hay không ? Điều này rất có thể làm mất nhiều thời gian.

Yếu tố bất định thứ ba, trên phương diện thời gian là công đoạn 3. Thời gian sẽ ngắn nếu dịch bệnh kéo dài. Công đoạn 3 này là gì ? Tức là ở giai đoạn này, người ta cho đối chiếu giữa một nhóm tình nguyện được tiêm thuốc thật sự với một nhóm người tham gia mà chúng tôi gọi là « placebo » (nghĩa là giả tiêm thuốc nhưng họ không được biết). Rồi người ta quan sát một thời gian số ca bệnh ở nhóm « placebo » so với nhóm được tiêm thuốc thật.

Khi dịch bệnh kéo dài, như trường hợp Covid-19 hiện nay, thì khâu này chỉ cần vài tháng. Người ta có đủ số ca bệnh để có được những con số thống kê có giá trị giữa hai nhóm đối chiếu. Nếu như dịch bệnh ít, thời gian có đủ bệnh nhân và các nhóm khảo sát sẽ dài hơn, và như vậy khâu thứ ba này sẽ lâu hơn. Thế nên, khó có thể dự báo là trong vòng 1-2 năm dịch bệnh sẽ kéo dài bao lâu nữa.

RFI : Liệu rằng trong tương lai công nghệ ARN thông tin có sẽ là công nghệ chính trong việc bào chế các loại vac-xin ?

GS. Camille Locht : Không. Tôi không tin là tất cả các loại vac-xin sẽ được phát triển theo công nghệ ARN thông tin. Tôi nghĩ là loại công nghệ này có lợi cho một thể loại thuốc tiêm ngừa, như trường hợp Covid hiện nay. Lấy ví dụ như bệnh Sida, không có gì bảo đảm là vac-xin ARN có thể phòng chống được bệnh Sida.

Vac-xin ARN cũng chưa hẳn là biện pháp miễn dịch cục bộ tốt nhất, có thể ngăn chận sự nhiễm khuẩn và lây lan các mầm vi khuẩn hay vi trùng. Do vậy cần phải nghĩ đến những công nghệ khác nữa.

Hơn nữa, vac-xin ARN chỉ dùng đến một loại kháng nguyên hay một số kháng nguyên rất hạn chế, trong khi đó các loại vi trùng, vi khuẩn có đến hàng trăm, hàng nghìn kháng nguyên khác nhau. Nếu vac-xin chỉ tạo có một loại kháng nguyên, các loại vi khuẩn sẽ tìm cách phát triển để thoát sự miễn dịch đối với kháng nguyên đó. Đây chính là những gì chúng tôi thấy được trong các bệnh nhiễm khuẩn như ho gà chẳng hạn.

RFI Tiếng Việt xin cảm ơn nhà nghiên cứu Camille Locht.

Covid-19 : Nếu vac-xin tương lai của Pháp là thuốc xịt mũi ? (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten