Samsung đối diện nạn ăn cắp công nghệ và hút chất xám của Trung Quốc
MINH ĐĂNG
Trung Quốc từ lâu nổi tiếng là chuyên gia ăn cắp công nghệ. Nạn nhân lớn nhất của các chiến dịch chôm chỉa công nghệ Trung Quốc là Mỹ. Trong thực tế, Trung Quốc chôm chỉa khắp nơi, từ châu Âu đến châu Á. Samsung cũng là nạn nhân của họ…
Mặc trang phục tù, hai cựu nhân viên Samsung ngồi im lặng khi công tố viên trình bày trước tòa. “Thiệt hại tài chính sẽ ra sao nếu bản vẽ này rơi vào tay Trung Quốc?” – công tố viên hỏi, trong phiên xử vào tháng 11-2020 tổ chức tại tòa án quận ở Suwon, thủ phủ tỉnh Gyeonggi của Hàn Quốc.
Hai bị cáo, với một người là cựu nghiên cứu viên cấp cao tại Samsung Display, bị Văn phòng Công tố quận Suwon bắt vào tháng 8-2020 với tội tuồn tài liệu công nghệ sản xuất tấm nền hữu cơ phát quang điện (organic electroluminescent-OLED) của Samsung cho Trung Quốc. Công tố viên cáo buộc họ hợp tác với một nhà sản xuất thiết bị của Hàn Quốc để phát triển thiết bị sản xuất màn hình dựa trên công nghệ Samsung để bán sản phẩm cho một công ty Trung Quốc. Samsung là một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới hiện nay. Samsung Electronics có giá trị vốn hóa thị trường là 556 nghìn tỷ won (486,54 tỷ USD); đạt doanh thu 236,2 nghìn tỷ won và lợi nhuận kinh doanh 35,9 nghìn tỷ won trong năm kinh doanh 2020. Samsung đang dẫn đầu thị phần toàn cầu ở nhiều thị trường, từ điện thoại thông minh và TV cho đến chip nhớ – theo Nikkei Asia ngày 12-2-2021.
Thành công Samsung đã khiến tập đoàn này trở thành mục tiêu rình mò chôm chỉa công nghệ của các đối thủ Trung Quốc. Vấn đề bảo vệ bí mật công nghệ thật ra không chỉ liên quan Samsung. Nó đang được xem là vấn đề an ninh quốc gia của Hàn Quốc. Trong thực tế, cuộc điều tra dẫn đến việc bắt giữ một số nhân viên Samsung bắt nguồn từ một cuộc kiểm tra bí mật của Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS). Chính phủ Hàn Quốc đã đưa các ngành công nghệ liên quan tấm nền OLED vào nhóm “công nghệ cốt lõi quốc gia” và NIS thậm chí có một bộ phận riêng để bảo vệ bí mật kỹ thuật của các ngành công nghệ này. Trong 5 năm tính đến năm 2019, đã có 123 trường hợp rò rỉ công nghệ từ Hàn Quốc, theo một báo cáo do NIS đệ trình Quốc hội; trong đó có 83 vụ rò rỉ liên quan Trung Quốc, mà nhiều vụ trong đó liên quan các lĩnh vực mà các công ty Hàn Quốc có thế mạnh, chẳng hạn chất bán dẫn, màn hình và đóng tàu.
Phần mình, Samsung lâu nay đã áp dụng chính sách nghiêm ngặt bảo mật công nghệ. Samsung vô hiệu hóa chức năng ghi âm và camera trên điện thoại thông minh của nhân viên tại các phòng thí nghiệm và nhà máy của họ. Tại một phòng thí nghiệm, giấy in sử dụng cho máy photocopy có chứa lá kim loại, một phần của hệ thống phát hiện nhằm ngăn nhân viên in những thông tin nhạy cảm và mang ra bên ngoài. Báo động sẽ phát ra nếu tờ giấy rời khỏi tòa nhà. Trong khi chính phủ Hàn Quốc kêu gọi các công ty áp dụng biện pháp làm việc tại nhà trong bối cảnh đại dịch coronavirus, Samsung vẫn kiên quyết không cho phép nhân viên mang tài liệu có thông tin kỹ thuật ra khỏi văn phòng để về nhà làm việc. Dù vậy, với lực lượng nhân sự khổng lồ với 287.000 người khắp thế giới, Samsung khó có thể kiểm soát hết mọi thứ, đặc biệt khi Trung Quốc đang chơi trò tuyển dụng nhân viên với hứa hẹn lương cao hơn.
Theo các kỹ sư thuộc BOE Technology Group, nhà sản xuất tấm panel lớn nhất Trung Quốc này hiện đang thuê khoảng 120 người Hàn Quốc; trong đó có hơn 50 cựu kỹ sư Samsung thuộc nhóm kỹ thuật viên chịu trách nhiệm chính trong dự án phát triển tấm nền OLED cung cấp cho Apple. Nhiều người trong số họ đã rời Samsung khi công ty này sa sút trong năm 2015 và 2016. Nhà máy của BOE ở Thành Đô, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, có dây chuyền sản xuất được thiết lập y chang nhà máy của Samsung Display tại Asan thuộc tỉnh Chungcheong, Hàn Quốc. BOE cũng có nhiều máy móc do Nhật Bản sản xuất mà họ mua bằng trợ cấp từ chính phủ Trung Quốc. BOE hiện là một trong những nhà cung cấp lớn nhất về sản phẩm màn hình OLED cho thị trường sửa chữa iPhone. Công ty này đang tìm cách trở thành nhà cung cấp được chứng nhận cho iPhone mới trong năm nay. Nếu khả năng này thành hiện thực thì điều này trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với thị phần toàn cầu của Samsung.
Không có luật nào ngăn cản người tài năng Hàn Quốc bán sức lao động một cách tự do trên thị trường việc làm quốc tế, dù những người này ý thức rằng việc đó có thể khiến họ bị dư luận trong nước chỉ trích. Do vậy, các kỹ sư Hàn Quốc làm việc tại Trung Quốc thường sử dụng bí danh để tránh bị chính quyền hoặc công ty cũ của họ ở Hàn Quốc truy tìm. Khi có dịp về nước, họ thường quá cảnh từ Hong Kong hoặc Thượng Hải. Một kỹ sư BOE cho biết anh ta tránh các chuyến bay thẳng vì sợ bị bắt – do có thể bị nghi ngờ làm rò rỉ công nghệ cốt lõi – trong quá trình kiểm tra tái nhập cảnh tại Phi trường Quốc tế Incheon gần Seoul. Bay trên những tuyến đường hàng không đông đúc, anh ta giả làm một doanh nhân bình thường.
Năm 2020, giám đốc điều hành cấp cao nhất của BOE đã tuyển dụng Chang Won-ki, một kỹ sư công nghệ đầy kinh nghiệm của Hàn Quốc, từng đứng đầu liên doanh sản xuất màn hình tinh thể lỏng giữa Samsung và Sony. Chang Won-ki được trao ngay ghế phó chủ tịch tại một nhà sản xuất màn hình Trung Quốc. Chang phải rời bỏ công ty Trung Quốc này, một chi nhánh của BOE, ngay sau khi vụ việc được báo chí Hàn Quốc phanh phui và làm dấy lên lo ngại về rò rỉ công nghệ…
Chảy máu chất xám nhìn chung đang tăng trong công nghệ bán dẫn, một lĩnh vực trọng tâm trong cuộc chiến công nghệ cao giữa Mỹ và Trung Quốc. Đang nằm trong danh sách đen của Mỹ là Tập đoàn quốc tế sản xuất bán dẫn (Semiconductor Manufacturing International Corp – SMIC) của Trung Quốc. Phân tích danh sách đơn đăng ký bằng sáng chế do Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ công bố, Yoo Kyoung-dong, chuyên gia tư vấn bằng sáng chế tại Hàn Quốc, đã xác nhận 62 cái tên Hàn Quốc trong các đơn đăng ký của SMIC. Dựa trên con số đó, Yoo nói rằng có khả năng “hơn 100 nhà nghiên cứu Hàn Quốc đang đầu quân cho SMIC”.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten