zaterdag 27 februari 2021

Covid-19 : Các công viên giải trí tại Pháp vẫn chưa thoát nạn + 30% các tiệm quần áo Pháp có nguy cơ... đóng cửa luôn

 

Covid-19 : Các công viên giải trí tại Pháp vẫn chưa thoát nạn

Lâu đài biểu tượng của công viên giải trí Disneyland Paris, vùng Marne-la-Vallée, ngoại ô Paris, Pháp.
Lâu đài biểu tượng của công viên giải trí Disneyland Paris, vùng Marne-la-Vallée, ngoại ô Paris, Pháp. RFI/Anthony Terrade
Tuấn Thảo
8 phút

Cũng như các rạp chiếu phim, sân khấu lớn hay viện bảo tàng, các công viên giải trí phải hứng chịu tác động kéo dài của dịch Covid-19. Sau khi phải đóng cửa trong suốt tháng 11/2020 trong đợt phong tỏa thứ nhì tại Pháp, ban điều hành các công viên giải trí hy vọng được phép hoạt động trở lại vào mùa lễ cuối năm, nhưng rốt cuộc họ đã mừng hụt.

Cho dù các biện pháp phong tỏa đã được nới lỏng trong mùa nghỉ lễ Giáng Sinh 2020, chính phủ Pháp vẫn quyết định duy trì (kể từ hôm 24/11/2020) việc đóng cửa các công viên giải trí, cũng như toàn bộ các cơ sở văn hóa khác. Cho tới giờ này, chưa ai biết được chừng nào mới đến ngày mở lại, điều đó tùy thuộc rất nhiều vào vào diễn biến của dịch bệnh, cũng như mức độ triển khai chiến dịch tiêm chủng vac-xin Covid-19. Vấn đề ở đây là ngành công viên giải trí lại rất cần đến mùa Halloween cũng như Noël, vốn là hai thời điểm kinh doanh bội thu và các công viên này thường có truyền thống tổ chức nhiều sinh hoạt lớn trong mùa nghỉ lễ gia đình.

Thiệt hại kinh tế toàn ngành xấp xỉ hàng tỷ euro 

Họa vô đơn chí, sau khi bị thất thu trong mùa Giáng Sinh và Tết Tây, các công viên giải trí vẫn phải tiếp tục đóng cửa nhân kỳ nghỉ học mùa đông trung tuần tháng 02/2021, do vẫn chưa được các cơ quan y tế bật đèn xanh. Điều đó đi ngược lại với dự phóng ban đầu, hầu hết các công viên lớn ở Pháp như Disneyland Paris, Parc Astérix, Futuroscope hay La Mer de Sable từng thông báo sẵn sàng tiếp đón khách tham quan trong tháng 02/2021, giờ đây buộc phải lùi lại ngày mở cửa cho đến đầu tháng 04 và các ban giám đốc hy vọng sẽ không bị mất thêm kỳ nghỉ mùa xuân, rơi đúng vào lễ Pâques, mùa lễ Phục Sinh tại Pháp.

Về mặt kinh tế, một công viên giải trí cỡ lớn như Parc Astérix, khai thác các nhân vật từ thế giới truyện tranh của anh hùng Gô-loa, tiếp đón 2,2 triệu lượt khách mỗi năm, doanh thu lên tới 108 triệu euro. Cho dù đã mở cửa đón khách trong suốt mùa hè 2020, công viên này vẫn bị thất thu nặng nề sau hai đợt phong tỏa và lệnh đóng cửa kéo dài kể từ tháng 11/2020. Theo tuần báo Capital, Astérix đã mất khoảng 60% doanh thu. Trong trường hợp của Disneyland Paris, tình trạng lại càng tồi tệ hơn, do công viên giải trí này thu hút khá nhiều khách nước ngoài, trong khi Covid-19 đã làm cạn kiệt các nguồn thu nhập đến từ khách du lịch quốc tế.

Với hơn 10 triệu lượt khách hàng năm, mức doanh thu đạt tới mức 1,7 tỷ euro trong năm 2019, công viên giải trí Disneyland Paris hứng chịu trực tiếp cú sốc gây choáng váng của dịch Covid-19. Theo báo Capital, mức thiệt hại của toàn khâu dịch vụ công viên giải trí của Disney lên tới mức chóng mặt. Tập đoàn này khai thác 11 công viên trên thế giới dưới nhiều thương hiệu khác nhau. Kể từ tháng 03/2020, các công viên của Disney mất khoảng 20 triệu đô la mỗi ngày, nếu tính gộp lại cả năm, chi nhánh này của Disney bị thất thu từ 5 đến 7 tỷ đô la trong vòng 12 tháng qua.

Ngành công viên giải trí bị khủng hoảng nhấn chìm

Mặc dù không đón khách tại Pháp, nhưng  các công viên giải trí vẫn phải duy trì hoạt động ở một mức tối thiểu nhằm bảo trì hạ tầng cơ sở, tránh cho máy móc bị hư hỏng. Đa số các ban giám đốc tận dụng thời gian đóng cửa để trùng tu hay phục hồi. Trong trường hợp của Disneyland Paris, nhiều dự án đã được xúc tiến, trong đó có việc sửa chữa động cơ cho hệ thống tàu lượn siêu tốc "Indiana Jones and the Temple of Peril", tân trang mặt tiền của lâu đài "Người đẹp ngủ trong rừng" hay là trùng tu trò chơi "Buzz Lightyear Laser Blast". Riêng tại không gian Walt Disney Studios kết hợp các trò giải trí với thế giới điện ảnh, công việc trùng tu đang được tiến hành cho khu vực "Cars Route 66 Road Trip" và xây dựng thêm thế giới dành riêng cho "Avengers Campus", sắp được khai trương trong  thời gian tới. 

Về phía "La Mer de Sable", ban điều hành công viên giải trí cho biết cho dù có được mở cửa trở lại vào tháng 04/2021 hay không, công viên này vẫn tiến hành việc xây dựng một không gian giải trí hoàn toàn mới dành cho khách tham quan. Trò chơi tàu lượn trên núi bạc "Silver Mountain" ban đầu được lên kế hoạch cho năm 2020, rồi bị gián đoạn nhiều lần do dịch Covid-19. Thế nhưng, dự án này không thể bị trì hoãn mãi và cho dù đã mất nhiều thời gian hơn để xây xong, công viên "La Mer de Sable" vẫn hy vọng sử dụng tàu lượn mới "Silver Mountain" để thu hút nhiều hơn nữa các hộ gia đình, một khi được phép mở lại. 

Tương tự, công viên giải trí khai thác chuyên đề "lịch sử" cổ trang như Puy du Fou ở vùng Vendée, hay công viên giải trí Parc Spirou ở vùng Provence cũng có kế hoạch trùng tu, chuẩn bị cho ngày khai trương lại, cho dù trước mắt chưa có dấu hiệu nào cho thấy tình hình sẽ khả quan, tươi sáng hơn vào đầu tháng 04/2021. Hầu hết các liên hoan ca nhạc điện ảnh hay nghệ thuật văn hóa, dự trù ban đầu được tổ chức vào mùa xuân, đều lần lượt quyết định lùi đến hè 2021, một thời điểm được cho là thuận lợi hơn. 

25% nhân viên được duy trì 

Nhưng dù có nỗ lực cách mấy, giới chuyên ngành công viên giải trí vẫn tiếp tục lo lắng trước những khó khăn đang chờ đón họ đầu năm 2021. Theo ông Frédéric Carlier, giám đốc điều hành "La Mer de Sable ", công viên này đã mất hơn một nửa lượng khách sau các đợt đóng cửa theo lệnh của chính phủ, mức thiệt hại lên tới hàng chục triệu euro. Cho dù nhà nước có chính sách hỗ trợ các mảng doanh nghiệp, nhưng đa số các khoản trợ cấp này nhắm vào giới nhân viên, hầu tạm thời tránh tình trạng sa thải hàng loạt, nhưng không thể nào tránh được mãi. Những biện pháp như vậy chỉ mang tính tạm thời và sẽ không bao giờ bù đắp được những thiệt hại mà ngành công viên giải trí phải gánh chịu khi toàn bộ guồng máy ngưng hoạt động. Năm 2020 là một năm gây tổn thất lớn, nhưng ngành này cần được mở lại vào năm 2021.

Theo tuần báo Paris Match, kể từ khi phải đóng cửa từ cuối tháng 10/2020, Parc Astérix nay chỉ giữ lại khoảng 200 nhân viên (đa số có thâm niên và hợp đồng dài hạn) tức chỉ bằng 1/4 so với bình thường. Vào những mùa cao điểm, công viên này có thể tuyển dụng hơn cả ngàn nhân viên thời vụ. Theo ông Nicolas Kremer, tổng giám đốc Parc Astérix, đây là lần đầu tiên trong hơn 3 thập niên qua, công viên này bị lún sâu vào khủng hoảng như vậy, ông hy vọng ngày mở lại các công viên giải trí đi kèm với hàng quán, khách sạn, tiệm ăn, các dịch vụ này bổ sung cho nhau và ngành công viên giải trí cũng dựa vào đó để có thêm thu nhập.

Theo giới chuyên ngành, dù có lạc quan cách mấy, các công viên giải trí cũng khó thể tìm lại một sớm một chiều mức doanh thu bình thường, quá trình phục hồi kinh tế có thể đòi hỏi nhiều thời gian hơn dự kiến. Đối với ngành hội chợ giải trí tổ chức theo mùa chứ không hoạt động quanh năm suốt tháng, tình hình lại càng khó khăn hơn nhiều. Các ban quản lý các hội chợ như Foire du Trône (dự trù vào tháng 04/2021) hay là Fête des Loges (tổ chức vào cuối tháng 06/2021) đều hy vọng sẽ được duy trì, nếu không, các hội chợ này không còn cách nào khác ngoài việc đóng cửa vĩnh viễn.

Covid-19 : Các công viên giải trí tại Pháp vẫn chưa thoát nạn (rfi.fr)

Covid-19 : 30% các tiệm quần áo Pháp có nguy cơ đóng cửa luôn

Một chủ tiệm quần áo loan báo nguy cơ bị sạt nghiệp (vì covid-19). Ảnh tại Blotzheim, miền đông Pháp, ngày 31/10/2020..
Một chủ tiệm quần áo loan báo nguy cơ bị sạt nghiệp (vì covid-19). Ảnh tại Blotzheim, miền đông Pháp, ngày 31/10/2020.. SEBASTIEN BOZON / AFP
Tuấn Thảo
8 phút

Tại Pháp, đợt bán hàng hạ giá trong 4 tuần lễ mùa đông (soldes d'hiver) đã không thành công như mong đợi. Giới chuyên ngành hy vọng là truyền thống tặng quà nhân mùa lễ Valentine 2021 sẽ kích thích nhu cầu mua sắm. Nhưng hẳn chắc là mùa soldes đầu năm sẽ không có bội thu và tình trạng hàng tồn kho đang làm tê liệt ngành phân phối áo quần may sẵn.

Mùa bán hàng hạ giá tại Pháp đã bắt đầu từ hôm 20/01 và dự trù kết thúc vào ngày 16/02/2021, nhưng doanh thu của ngành y phục may sẵn sau 3 tuần lễ hoạt động vẫn ở một mức thấp. Cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch Covid-19 tác hại cùng lúc trên nhiều mặt. Đa số người tiêu dùng ở Pháp bị xuống tinh thần, nên có tâm lý tiết kiệm nhiều hơn là mua sắm. Doanh thu của giới buôn bán bị sụt giảm trong khi các quy định giãn cách xã hội cũng như lệnh giới nghiêm 6 giờ chiều khiến cho nhiều tiệm quần áo cũng khó mà tranh thủ bán hàng thêm.

Hàng ế ẩm nhiều gấp 4 lần mức bình thường

Vấn đề đầu tiên là khối lượng quần áo không bán được đã tăng gấp ba hay gấp bốn lần so với mức bình thường. Các chủ tiệm phải làm gì đây khi hàng ế ẩm bị ứ đọng lại, chồng chất trong kho. Trong khi ngành thời trang y phục may sẵn chuẩn bị tung ra thị trường các bộ sưu tập mùa xuân và mùa hè. Từ các tiệm nhỏ cho đến các cửa hàng lớn, giới kinh doanh đều gặp cùng một khó khăn như nhau : lượng hàng tồn kho vẫn còn nhiều, cho dù ngay từ những ngày đầu tiên của mùa bán hàng hạ giá, nhiều chủ tiệm đã quyết định giảm giá từ -50% cho đến -65% với hy vọng thu hút thêm nhiều người mua. 

Thế nhưng theo lời ông Eric Mertz, chủ tịch Liên đoàn Quốc gia ngành May mặc (FNH), trong 3 tuần vừa qua, người tiêu dùng ở Pháp vẫn ít lui tới các cửa hàng và mọi dấu hiệu đều cho thấy là đầu năm nay, khối lượng hàng tồn kho sẽ đạt mức kỷ lục, đủ để gây xáo trộn ở khâu cuối của chuỗi cung ứng, tức là các cửa hàng phân phối áo quần may sẵn.

Đối với cô Audrey Mercier, chủ một cửa hàng độc lập chuyên bán quần áo và phụ kiện thời trang ở Paris quận 9, vấn đề này là một tai họa bởi vì các chủ cửa hàng nhỏ thường phải ứng tiền mua kho hàng, giờ đây họ phải chịu thêm chi phí quản lý hàng ứ đọng, trong khi doanh thu buôn bán đang ở một mức thấp. Theo cô Audrey, đa số các chủ tiệm quần áo đã không thể bán bộ sưu tập thời trang mùa đông 2020. Thông thường lượng hàng tồn kho là khoảng 10% đến 15% sau mùa bán hạ giá, nhưng năm nay khối lượng hàng tồn đọng lên đến từ 50% đến 70%.

Covid-19 : Các cửa hàng độc lập bị tác hại mạnh nhất 

Theo chủ tịch Liên đoàn ngành May mặc Eric Mertz, tình trạng này tạo ra vòng lẩn quẩn, các tiệm quần áo nhỏ cần bán nhiều vào mùa đông để sau đó có thể ứng tiền mua bộ sưu tập mùa xuân, đem hàng mới về trưng bày trong tiệm. Theo ông, giới tự làm ăn kinh doanh ở khâu cuối nguồn bị ràng buộc rất nhiều ở chỗ thiếu tiền mặt. Trong khi đó, giới sản xuất, các nhà cung cấp ở đầu nguồn cũng đang gặp khó khăn, cho nên họ cũng ít khi nào chấp nhận, để cho các nhà phân phối thanh toán chậm.

Phải ứng tiền trước, thì họ mới giao hàng cho các tiệm buôn bán. Vòng lẩn quẩn đó khiến cho nhiều chủ tiệm quần áo thêm lo lắng, tuyệt vọng. Cô Audrey cho biết nhiều chủ tiệm cầu mong cho mùa đông kéo dài sang tháng 03/2021, trời càng lạnh và càng đổ tuyết, thì các chủ cửa hàng mới hy vọng bán được thêm nhiều áo ấm, nếu không họ có nguy cơ bị phá sản từ đây cho tới cuối tháng 04/2021.

So với các công ty độc lập cỡ nhỏ, các cửa hàng lớn và các thương hiệu có uy tín quốc tế lớn tương đối may mắn hơn. Các cửa hàng chi nhánh có thể trả lại các sản phẩm không bán được cho công ty mẹ, sau đó công ty mẹ sẽ chuyển khối quần áo tồn đọng đến các cửa hàng outlet, bán với giá rất thấp với mục đích xử lý sản phẩm còn dư hay là hàng đã "hết thời". Thông thường, các hệ thống phân phối lớn hay lập ra một cửa hàng outlet cho 15 tiệm quần áo "truyền thống", làm như vậy để dễ xử lý các vấn đề liên quan tới mặt hàng dư thừa. 

Họa người phúc ta : kinh doanh trực tuyến bội thu 

Hiện giờ, chỉ có các dịch vụ chuyên bán quần áo trên mạng mới có thể hưởng lợi từ khối hàng tồn đọng. Các mạng này không có chủ trương phát triển bền vững, và chủ yếu khai thác mô hình "fast fashion" thông qua các kiểu thời trang "dùng liền" và thay đổi thường xuyên. Các công ty Pháp chuyên kinh doanh trực tuyến như VeePee (trước đây là VentePrivée) hoặc là ShowRoomPrivé, đều đã nhân gấp đôi số sản phẩm được rao bán trên mạng. Các dịch vụ này cũng đã tăng thêm hơn 30% các quan hệ đối tác chỉ trong vòng một năm. Các đối tác mới ở đây thường ít phát triển về mặt kinh doanh trực tuyến hay chưa chuyển đổi số kịp thời, cho nên đã chuyển qua hợp tác với các hệ thống dịch vụ này để bán thêm hàng. Kết quả là doanh thu của ShowRoomPrivé đã tăng thêm hơn 30 triệu euro trong năm vừa qua.

Theo ông Yohann Petiot, giám đốc của liên đoàn ngành kinh doanh độc lập, để giải quyết vấn đề hàng tồn đọng, nhiều chủ công ty có thể chịu bán sản phẩm với giá thấp hơn nữa để dễ xuất khẩu mặt hàng sang nước ngoài, chủ yếu là thị trường Trung Đông và các nước châu Phi. Một số doanh nghiệp chọn cách quyên góp và biếu tặng hàng tồn kho cho các đoàn thể hay hiệp hội từ thiện. Các hiệp hội này có thể đem bán lại nhằm mục đích gây quỹ giúp đỡ người nghèo. Biện pháp dùng quần áo cũ để tái chế thành sản phẩm mới cũng phần nào có giới hạn và buộc phải có thêm điều kiện tài chính, cùng cơ sở kỹ thuật để tái xử lý sản phẩm.

Tại Pháp nói riêng và tại châu Âu nói chung, việc tiêu hủy các khối hàng tồn đọng vẫn là phương sách cuối cùng, khi không còn biện pháp khả thi nào khác. Tuy nhiên, ngành công nghiệp may mặc châu Âu sẽ có thêm nhiều ràng buộc kể từ ngày 31/12/2021, thời điểm áp dụng luật về kinh tế tuần hoàn cũng như các quy định mới chống phung phí. Các doanh nghiệp chỉ có thể tiêu hủy sản phẩm với điều kiện là để tạo ra năng lượng.

Dù chọn cách nào đi chăng nữa để xử lý khối hàng tồn đọng,  thì các doanh nghiệp ngành may mặc cũng lo lắng trước cú sốc tài chính thứ nhì. Theo dự phóng của Liên đoàn ngành May mặc (FNH), đầu năm 2021 là thời điểm cực kỳ khó khăn đối với giới sản xuất cũng như các nhà phân phối. Có ít nhất 30% các tiệm quần áo, hoạt động dưới dạng công ty độc lập hay công ty gia đình, có nguy cơ đóng cửa luôn trong vòng 60 ngày tới.

Covid-19 : 30% các tiệm quần áo Pháp có nguy cơ đóng cửa luôn (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten