zaterdag 20 februari 2021

Tại sao Pháp chống Covid-19 kém hiệu quả dù có hệ thống y tế hùng mạnh ?

 

Tại sao Pháp chống Covid-19 kém hiệu quả dù có hệ thống y tế hùng mạnh ?

Phần âm thanh 12:07
(Ảnh minh họa) – Chiến dịch tiêm ngừa Covid-19 tại bệnh viện Aulnay-sous-Bois, tỉnh Seine-Saint-Denis, ngoại ô Paris, Pháp, ngày 13/01/2021.
(Ảnh minh họa) – Chiến dịch tiêm ngừa Covid-19 tại bệnh viện Aulnay-sous-Bois, tỉnh Seine-Saint-Denis, ngoại ô Paris, Pháp, ngày 13/01/2021. AFP - BERTRAND GUAY
Thùy Dương
34 phút

Cách nay tròn 1 năm, vào giữa tháng 02/2020, Pháp ghi nhận bệnh nhân đầu tiên tử vong vì virus corona. Dịch bệnh mà ban đầu rất nhiều người ví với bệnh « cảm cúm nhẹ » cho đến giữa tháng 02/2021 đã cướp đi sinh mạng của hơn 83.000 người dân tại Pháp và khiến đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội bị đảo lộn.


Nghịch lý là nước Pháp, một trong những quốc gia được đánh giá là hùng mạnh nhất thế giới về hệ thống y tế, lại nằm trong nhóm các nước bị dịch bệnh Covid-19 tàn phá nặng nề nhất, với nhiều thiệt hại nhân mạng nhất cho dù trong 11 tháng qua, chính quyền đã hai lần triển khai biện pháp phong tỏa toàn quốc kéo dài, kèm theo đó là những giai đoạn giới nghiêm, biện pháp hạn chế các hoạt động kinh tế - xã hội - văn hóa, giãn cách xã hội, truy vết ca nhiễm, xét nghiệm tầm soát đại trà …

Để hiểu hơn về tình hình dịch bệnh tại Pháp cũng như những hạn chế khiến cuộc chiến chống dịch tại Pháp không hiệu quả nhiều như ở một số nước châu Á, RFI Việt ngữ ngày 17/02/2021 phỏng vấn giáo sư - bác sĩ chuyên khoa hô hấp, Đinh Xuân Anh Tuấn, bệnh viện Cochin, Paris.

Mời quý vị nghe phần phỏng vấn bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn :

 

Phỏng vấn BS. Đinh Xuân Anh Tuấn

 

RFI : Bác sĩ có thể giải thích tại sao Pháp lại không chống đỡ với dịch Covid-19 hiệu quả như một số nước châu Á cho dù có hệ thống y tế hùng mạnh ?

Bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn : Thực ra vấn đề của nước Pháp không phải là chỉ của riêng nước Pháp mà là vấn đề chung của các nước Âu - Mỹ. Nếu mà nhìn lại thì tình hình ở bên Pháp ngày nay không khá hơn và cũng không thua các quốc gia hùng mạnh khác như là Đức hoặc Anh Quốc.

Tôi nghĩ là vấn đề đầu tiên là cách đây hơn một năm ở miền đông nước Pháp có sự hội tụ của rất đông tín đồ Thiên Chúa giáo. Khi đó các nhà chức sắc của nhà thờ ở miền đông nước Pháp chưa biết là đang có nguy cơ rất lớn là đại dịch Covid-19 ụp xuống Âu châu nên họ mới tổ chức buổi hội tụ đó. Thực ra đó là buổi hội tụ hàng năm nên cũng không thể trách một ai cả, nhưng vì không biết nguy cơ nên gần như không ai có biện pháp ngăn ngừa như chúng ta biết ngày nay. Ngay cả những vị phụ trách nhà thờ đó cũng không có danh sách rõ ràng những người tham gia, thế rồi sau đó tất cả mọi người ai về nhà đó, ai về vùng đó. Sau đấy thì mới vỡ lẽ ra là có rất đông người nhiễm Covid-19, rồi từ đó mọi chuyện mới trở thành không kiểm soát được nữa tại Pháp.

Cũng nên nói thêm là tại Âu châu nói chung và nước Pháp nói riêng thì quyền tự do cá nhân đôi khi cao quá, ngay cả chính phủ cũng không có khả năng ép buộc dân chúng làm một số những biện pháp mà tất cả mọi người đều biết rằng đó là những biện pháp cần thiết, chẳng hạn về việc đeo khẩu trang, một việc rất đơn giản ở các quốc gia Á châu. Hoặc đến ngày hôm nay, khi mà nước Pháp đã bắt đầu có những thuốc tiêm chủng tương đối hiệu quả thì cũng có một số người rất e ngại và không chịu tiêm chủng, chích ngừa Covid. Nói cách khác, dân chúng Pháp nói riêng và rất đông quốc gia Âu châu khác không tuân thủ nghiêm túc các lời khuyến cáo của chính phủ và của các khoa học gia.

Thêm nữa, theo tôi có hai thành phần mà nếu nhìn lại chúng ta có thể có đôi lời lời trách móc : Thứ nhất, có một số đồng nghiệp, ngay của cả cá nhân tôi, thậm chí có một số vị giáo sư đã lên tiếng có vẻ thiếu trách nhiệm, người nói trắng, kẻ nói đen gây ra sự hoang mang trong quần chúng. Trong khi đó, lại có một số cơ quan truyền thông, nhất là các đài truyền hình, đã phỏng vấn nhiều các vị đó, khiến sự hoang mang ngày càng lớn. Thành phần thứ nhì là một số chính trị gia, tôi có cảm tưởng là một số vị làm chính trị ở bên Pháp gần như lúc nào cũng chống đối tất cả những gì chính phủ đưa ra. Đó là yếu tố thứ nhì gây sự hoang mang trong quần chúng và gây sự nghi ngờ ngay cả đối với những biện pháp rõ ràng và thiết thực nhất, như đeo khẩu trang và chích ngừa Covid.

RFI : Là bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19 trong suốt năm qua, bác sĩ có thể cho biết các bệnh viện đã có những tiến bộ thế nào trong cuộc chiến chống dịch ?

Bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn : Dĩ nhiên, so với cách đây một năm thì các bác sĩ có kinh nghiệm hơn.Thứ nhất là về cách tổ chức. Cách đây một năm, dịch đến quá nhanh, với cường độ quá cao, nhưng ngày hôm nay, trong tất cả các bệnh viện của Pháp đã có sự tổ chức, sẵn sàng để đương đầu với làn sóng thứ ba hoặc thứ tư. Điều thứ nhì là về những kinh nghiệm thuần túy y khoa : Sau khi đã tiếp xúc với hàng hoạt bệnh nhân thì các bác sĩ và các hội khoa học, chuyên môn đều đã có những khuyến cáo về cách xử lý mà tôi nghĩ là vừa hữu hiệu hơn lại vừa khả thi hơn.

Ví dụ, ban đầu những bệnh nhân bị nhiễm Covid ở phổi thì rất đông người được chữa trị bằng cách thở máy xâm lấn. Thực ra đây là cách chữa trị rất hữu hiệu, nhưng cũng rất khó xử lý bởi một khi mà đã thở máy rồi thì rất khó để mà « cai » cho bệnh nhân đó, có nghĩa là từ từ giúp bệnh nhân không cần máy đó nữa. Hiện nay có rất đông bệnh nhân trước khi được thở máy xâm lấn thì đã được chữa trị bằng liệu pháp gọi là « oxy lưu lượng cao ». Liệu pháp này rất công hiệu, không có những hậu quả nghiêm trọng như là thở máy xâm lấn.

Nói một cách khác, ngày nay các bác sĩ đã có cách nhìn rõ hơn, và biết phân định bệnh nặng, bệnh nhẹ, bệnh rất nặng hoặc nặng vừa và đối với mỗi loại bệnh nhân thì có cách chữa trị khả thi hơn.

Điều thứ ba tôi muốn nói là tuy là các bệnh viện ngày nay sẵn sàng hơn, tổ chức tốt hơn, và có những biện pháp chữa trị khả thi hơn, nhưng  phải nói một điều là đại đa số các nhân viên trong các bệnh viện, từ các giáo sư, bác sĩ đến điều dưỡng … đều đã rất mệt mỏi vì dịch này đã kéo dài một năm và đến hôm nay chúng ta vẫn chưa có thể xác định là khi nào dịch sẽ hoàn toàn được kiểm soát hoặc chấm dứt.

Có một hậu quả khác mà cũng rất ít người nói đến : Ngày hôm nay chúng ta mới chỉ nói đến những người bị bệnh hoặc tử vong vì Covid, nhưng ít người quan tâm đến những người không bị mắc bệnh Covid nhưng vì dịch Covid mà không được chú ý hoặc không được chăm sóc chữa trị như đáng lẽ họ phải được hưởng. Thành ra sau này khi mà nhìn lại, tôi nghĩ nếu chúng ta làm thống kê những người được gọi là nạn nhân của Covid thì chúng ta cũng phải kể đến những nạn nhân gián tiếp của Covid, chẳng hạn những người bị bệnh ung thư hay những bệnh khác mà vì dịch Covid đã không được chữa trị đến nơi đến chốn.

RFI : Cách đây vài ngày, bộ y Tế Pháp đã khởi động « kế hoạch trắng » để tăng cường chống dịch. Bác sĩ có thể giải thích rõ hơn về kế hoạch này ? Tại sao Pháp lại phải tăng cường chống dịch trong khi theo số liệu công bố hàng ngày thì dịch dù vẫn cao nhưng ổn định, không tăng đột biến như dự báo ban đầu ?

Bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn : Plan blanc (Kế hoạch trắng) rất đơn giản, có nghĩa là làm sao tái tổ chức bệnh viện để đương đầu với đợt sóng thứ ba hoặc thứ tư. Một số khoa thông thường là để chữa trị các bệnh khác thì bây giờ phải chuyển một số giường để dành cho bệnh nhân Covid. Các điều dưỡng hoặc nhân viên trong bệnh viện trước đây thường có chế độ làm việc 3x8 tức là trong một ngày 24 tiếng thì chia thành 3 đội, mỗi đội làm việc 8 tiếng.

Nay thì chế độ 3x8 vẫn còn giữ nhưng có thêm chế độ 2x12, tức là các nhân viên thay vì làm việc 8 tiếng thì làm việc 12 tiếng giúp cho chúng ta có thể tổ chức bệnh viện hữu hiệu hơn. Dĩ nhiên là một điều dưỡng hay một bác sĩ cũng chỉ làm việc một số thời gian nhất định trong tuần nhưng nếu làm việc theo chế độ 2x12 thì số ngày có mặt ở bệnh viện ít hơn là làm việc ở chế độ 3x8, sau đó họ có thể về nhà và nghỉ ngơi cho đỡ mệt 2-3 ngày rồi mới quay trở lại.

Và ở một số khoa rất ít bệnh nhân, vì có thể các bệnh nhân thông thường đến bệnh viện nay họ ít đến vì sợ bị lây Covid, thì các bác sĩ được điều đến các khoa chuyên chữa Covid. Nói nôm na thì Plan blanc (Kế hoạch trắng) là như vậy.

Còn tại sao bộ Y Tế Pháp, tất cả các bệnh viện, các ban giám đốc, các giáo sư trưởng khoa đều đang sửa soạn để có thể đương đầu với đợt sóng dịch thứ ba hay thứ tư cho dù chúng ta chưa thấy rõ ràng các đợt sóng dịch đó cụ thể sẽ diễn ra như thế nào ? Cách đây mấy tuần thì đã xuất hiện một số biến thể gen mà có người gọi là biến thể đến từ Anh Quốc, Brazil hoặc Nam Phi, chúng ta biết là các biến thể đó khả năng lây lan cao hơn các biến thể gọi là cổ điển. Đồng thời, những biến thể Brazil, Nam Phi cũng có khả năng không được kiềm chế bởi những thuốc chống Covid hiện nay.

Thành ra hiện giờ đang có sự chạy đua, một đằng là chiến dịch tiêm ngừa và một đằng là phải có sự phòng ngừa để nhỡ mà các biến thể mới đó quả thật là những biến thể rất nguy hiểm thì các bệnh viện Pháp không bị như cách đây 1 năm, mà sẵn sàng có thể đón tiếp bệnh nhân để có thể ngăn chặn và làm sao cho đợt sóng đó càng thấp càng tốt. Ngày hôm nay chúng ta chưa có câu trả lời nhưng tôi nghĩ là thà chúng ta thận trọng còn hơn là chúng ta coi thường để rồi sau đó cái giá mà chúng ta phải trả sẽ là rất đắt.

RFI tiếng Việt chân thành cảm ơn giáo sư - bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn, bệnh viện Cochin, Paris !

Tại sao Pháp chống Covid-19 kém hiệu quả dù có hệ thống y tế hùng mạnh ? - Tạp chí xã hội (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten