zaterdag 27 februari 2021

Mái nhà lợp kẽm ở Paris, di sản kiến trúc Haussmann thời Napoleon Đệ Tam + Paris phong cách Haussmann : Dấu ấn thời hoàng đế Napoléon III

 

Mái nhà lợp kẽm ở Paris, di sản kiến trúc Haussmann thời Napoleon Đệ Tam

Phần âm thanh 09:46
Vẻ đẹp của những mái nhà xám ở Paris đã đi vào rất nhiều tác phẩm nghệ thuật. Ảnh chụp từ Khải Hoàn Môn, Paris.
Vẻ đẹp của những mái nhà xám ở Paris đã đi vào rất nhiều tác phẩm nghệ thuật. Ảnh chụp từ Khải Hoàn Môn, Paris. RFI/Vietnam
Thùy Dương
22 phút

Ngày 16/02/2021, bộ Văn Hóa Pháp thông báo nghề lợp mái kẽm các ngôi nhà ở Paris, cùng với nghề làm bánh mì baguette truyền thống, lễ hội nấu rượu vang vùng Arbois ở miền đông nước Pháp, sẽ được bộ trưởng Văn Hoá Roselyne Bachelot cân nhắc chọn lựa để đến năm 2022 đệ trình lên UNESCO hồ sơ đề cử di sản văn hoá phi vật thể thế giới.


Mái nhà: « Tấm danh thiếp » bản sắc địa phương

Những mái nhà bằng kẽm màu xam xám có gì đặc biệt mà nước Pháp, một quốc gia nổi tiếng có nhiều di sản văn hoá phi vật thể thế giới, lại hy vọng được UNESCO công nhận là di sản ? Nhiều người có lẽ không biết « mái » là một thành phần quan trọng, nếu không muốn nói là đặc điểm nhận diện của hình thái kiến trúc. Trả lời phỏng vấn của đài RFI Việt ngữ ngày 23/02/2021, tiến sĩ về quy hoạch đô thị, kiến trúc sư Bùi Uyên, Paris, giải thích :

« Khi mới đến thăm một khu làng, một thành quách, ngay từ xa, điều chúng ta quan sát dễ nhất chính là những đỉnh mái của nhà thờ, cung điện. Ngay trong kiến trúc Á Đông, những mái chóp hay diềm mái vuốt cong của đình chùa, cổng làng ... cũng là những đường nét ấn tượng nhất. Vì thế, với các công trình tôn giáo, lăng tẩm, cung điện, thành quách, mái là yếu tố biểu trưng, thể hiện quyền lực và sự thịnh vượng, sử dụng vật liệu quý hiếm như mạ vàng hay đồng. Kết cấu mái luôn là động lực để những người xây dựng cải tiến nhằm chinh phục những tầm cao mới, những khẩu độ vòm vươn xa hơn, dần định hình những phong cách kiến trúc mới.

Còn với các căn nhà ở hay công trình dân dụng khác, mái là bộ phận quan trọng, phản ánh rõ nhất sự khác biệt khí hậu, vật liệu địa phương và kỹ thuật xây dựng đương thời. Đến các vùng xứ lạnh, tuyết rơi nhiều, sẽ thấy ngay những mái dốc lớn, dày, kết cấu gỗ đồ sộ, ốp vật liệu đá kiên cố, và vì thế chiếm tỉ lệ lớn trong khối tích công trình. Ngược lại, ở khu vực nắng ấm, độ dốc mái lại thấp hơn hẳn, vật liệu, kết cấu cũng thoáng nhẹ hơn, để đảm bảo thông thoáng, thoát nhiệt là chủ yếu. Vì thế, yếu tố mái, từ vật liệu, tỉ lệ đến đường nét, là « tấm danh thiếp » cô đọng bản sắc và lịch sử địa phương.

Cũng nằm trong quy luật đó, những mái nhà lợp kẽm (zinc), hiện che phủ phần lớn các toà nhà Paris, giữ trong nó dấu ấn của thời kỳ bước ngoặt của quy hoạch và kiến trúc thủ đô Pháp, và trở thành đặc trưng cảnh quan đô thị đến tận ngày nay ».

 

Thành phố Paris nhìn từ tầng 3 tháp Eiffel.
Thành phố Paris nhìn từ tầng 3 tháp Eiffel. Wikimedia Commons

 

Mái nhà lợp kẽm: « Mặt đứng thứ 5 » của kiến trúc Haussmann

Mái kẽm màu xanh xám, vốn che phủ khoảng 80% các tòa nhà ở Paris, một trong những đặc trưng kiến trúc của kinh đô ánh sáng Paris, có nguồn gốc thế nào, trong khi ở nhiều vùng miền khác tại Pháp, mái nhà chủ yếu là ngói đất nung màu nâu đỏ hoặc đá ardoise ? Kiến trúc sư Bùi Uyên, cũng là một người chuyên về cảnh quan và di sản, nhắc lại :

« Bộ mặt « Paris hoa lệ » mà chúng ta thấy ngày hôm nay được tạo dựng và định hình phần lớn nhờ công của nam tước Georges Eugène Haussmann thời Napoleon Đệ Tam, nửa cuối thế kỷ 19. Dấu ấn của ông không chỉ ở quy hoạch toàn Paris như hiện nay và kiến thiết lại phần lớn các trục, tuyến đại lộ trung tâm, quảng trường …, mà đặc biệt còn định hình phong cách kiến trúc mang tên ông. Paris lột xác từ những ngõ phố nhỏ hẹp, tối tăm, lụp xụp, mất vệ sinh, trở thành những toà nhà 5-6 tầng kiên cố, có đường nét kiến trúc hài hoà, vật liệu chọn lọc, tỉ lệ vần luật, tạo các mặt đứng thống nhất. Nếu khách tham quan và bộ hành dễ dàng chiêm ngưỡng các mặt tiền của phong cách kiến trúc chiếm đến 60% các toà nhà trong Paris trên tuyến phố, thì lại ít người để ý được phần mái của các toà nhà này chúng, cũng gắn liền với kiến trúc phong cách Haussmann, thành một nét đặc trưng của Paris, mà trong ngành kiến trúc, được mệnh danh « mặt tiền thứ 5 » của công trình ».

Trước đó, vật liệu lợp mái đa phần là đá ardoise hay đồng, đối với những công trình lớn quan trọng, nhưng để đáp ứng nhu cầu xây dựng số lượng lớn trong thời gian ngắn, kẽm trở thành vật liệu phù hợp nhất. Trong thời đại thịnh vượng của cách mạng công nghiệp thế kỷ 19, kim loại là vật liệu được đưa vào ứng dụng rộng khắp, việc lựa chọn vật liệu kẽm trở thành biểu trưng mang tính thời đại. Vật liệu này sản xuất được số lượng lớn, rẻ tiền hơn đá ardoise, lại nhẹ, bền chắc, dễ thao tác, phù hợp nhất để phủ hàng ngàn toà nhà được xây dựng chỉ trong vòng 17 năm.

Chính nhờ tính chất mỏng và nhẹ của kẽm mà hệ khung kết cấu mái cũng vì thế được giảm tải, nhỏ gọn hơn, chừa lại không gian đủ lớn để tận dụng thiết kế các phòng ở nhỏ dưới hệ dầm mái. Nhờ thế khai sinh ra khái niệm « chambre de bonne » - căn phòng tầng áp mái dành cho người giúp việc, mỗi phòng chỉ vỏn vẹn 9-10m2, đặc thù trong kiến trúc Haussmann. Ngày nay, các căn phòng nhỏ này thường được giới trẻ hay sinh viên thuê để trọ học ở Paris, để vẫn được sống giữa Paris đắt đỏ với chi phí trong khả năng tài chính ».

Nếu xưa kia, tầng cao nhất dành cho những người giúp việc - tầng lớp thấp nhất trong xã hội đô thị, thì ngày nay trật tự đó có phần thay đổi. Nhiều người Paris và đặc biệt người trong giới nghệ thuật, kiến trúc, mong muốn sở hữu một căn hộ trên tầng cao nhất để tận hưởng tầm nhìn không giới hạn, thả tầm mắt trên những ống khói gạch đỏ, những lớp mái xanh ghi, ngắm nhìn lũ chim nhởn nhơ đậu trên đỉnh mái.

 

Khoảng 80% mái nhà Paris được lợp bằng kẽm với màu xám đặc trưng như hòa vào màu trời.
Khoảng 80% mái nhà Paris được lợp bằng kẽm với màu xám đặc trưng như hòa vào màu trời. REUTERS/Philippe Wojazer

 

Hình ảnh đi vào nghệ thuật, một phần của Paris thơ mộng

Đối với du khách đến thăm Paris, chắc không ai bỏ lỡ cơ hội lên thăm đồi Montmartre, quần thể kiến trúc nhà thờ Sacré Coeur, khu phố nghệ sỹ và những dốc thang huyền thoại. Cũng chính tại nơi có địa hình cao nhất Paris, khách tham quan được có cơ hội ngắm toàn cảnh Paris từ trên cao. Và có lẽ họ sẽ không thể không ấn tượng trước một biển màu xanh ghi của những mái kẽm trải dài đến chân trời, điểm xuyết màu ghi sẫm của mái đá ardoise phủ các công trình lớn, những mái đồng xanh vì ôxy hoá theo thời gian của nhà thờ Madeleine, Đại điện Grand Palais, hay chóp vàng lấp loá của Điện Invalides. Kiến trúc sư Bùi Uyên chia sẻ cảm xúc :

« Nếu khéo léo chọn được thời điểm ngồi bên những bậc thềm trên đồi Montmartre lúc hoàng hôn buông xuống, ta sẽ được chiêm ngưỡng ánh sáng cuối ngày lấp lánh phản chiếu trên những mái kẽm như sóng bạc. Hoặc giả, ngay giữa một chiều đông xám mù đặc trưng khí hậu miền Bắc nước Pháp, khung cảnh vẫn không làm ta thất vọng, bởi màu mái đan hoà như tan vào màu trời, thành một lớp loang xám xanh trên bức tranh màu nước. Ngoài ra, đứng trên những công trình cao như nóc Khải Hoàn Môn, Nhà thờ Đức Bà, tháp Eiffel cũng đủ để mọi người ngắm nhìn những trùng điệp mái nhà Paris phủ màu xanh xám.

Cá nhân tôi, nơi tôi thích ngắm nhìn những mái nhà Paris nhất lại là trên tầng 5 của Beaubourg - Trung tâm văn hoá và bảo tàng nghệ thuật đương đại Pompidou. Ở đây, gần như ngang tầm độ cao của những ô cửa sổ căn phòng áp mái « chambre de bonne », tôi như được bập bềnh giữa những mái sóng xanh mờ tỏ, lấp ló những đỉnh ổng khói lô nhô, nơi lũ bồ câu xám nghỉ chân sau khi chán chê sà xuống gần những nhóm khách thăm quan đông như trảy hội nơi quảng trường bên dưới.

Không biết có phải vì chính ngọn đồi Montmartre vốn là nơi quy tụ của giới nghệ sỹ thời đầu thế kỷ 20, mà khung cảnh Paris trải dài những mái nhà ghi xanh đi vào nhiều tranh vẽ của các hoạ sỹ lớn như Cézanne, Van Gogh, Gustave Caillebotte hay Nicolas de Staël và sau này là trong những bức ký họa màu nước như của Fabrice Moireau, rồi đến bộ ảnh Paris đầy chất nghệ thuật của Michael Wolf hay Gilles Mermet - tác giả cuốn sách « Les Toits de Paris - Những mái nhà Paris » (2011).

Người yêu điện ảnh Pháp cũng được mãn nhãn với những khung hình mái nhà Paris trong nhiều bộ phim nổi tiếng, từ chú chuột Ratatouille ngồi ngắm những mái nhà trong màn đêm, đến trường đoạn rượt đuổi gay cấn của nam tài tử Belmondo trên những mái nhà trong bộ phim « Peur sur la ville » (1975), hay trong nhiều cảnh quay của bộ phim lãng mạn đạt 4 giải César và đề cử Oscar « Le fabuleux destin d’Amélie Poulain » (2001), và gần đây nhất là những cảnh panorama 3D Paris đầy ấn tượng trong bộ phim Hugo Cabret dành 5 giải Oscar (2011) ».

 

Một bức vẽ chì minh họa mái nhà Paris lợp kẽm.
Một bức vẽ chì minh họa mái nhà Paris lợp kẽm. © Silvia Fantini

 

Hành trình chọn đề cử di sản UNESCO - từ tiềm thức của một cô bé Paris

Trở lại với ý tưởng đưa những mái nhà Paris, và sau đó là nghề lợp mái kẽm, vào đề cử di sản thế giới, kiến trúc sư Bùi Uyên gọi đó là một câu chuyện thú vị và đầy cảm hứng :

« Nếu như đề xuất này được đưa ra vào năm 2014, bởi bà Delphine Bürkli, người vừa trúng cử thị trưởng quận 9 Paris thời điểm đó, thì tình yêu với khung cảnh những mái nhà Paris lại ấp ủ trong bà từ khi còn là một cô bé con sống ở khu phố dưới chân đồi Montmartre, mỗi cuối tuần được cha mẹ dẫn đi dạo trên đỉnh đồi để mê mải ngắm nhìn Paris ngay dưới chân mình. Để rồi, khi trưởng thành, cô bé Paris thủa ấy đặt câu hỏi cho bản thân về một hình ảnh thủ đô mà cô muốn giữ gìn, dựng xây. Ở đó, những mái nhà xám xanh là một nét đặc trưng riêng biệt chỉ có ở Paris, cùng với nó là nghề lợp mái kẽm tồn tại hơn 200 năm đang có nguy cơ bị mai một, là những di sản cần được bảo vệ và tôn vinh. Nhất là khi đây là một công việc luôn cần thợ có tay nghề để cải tạo, sửa chữa và làm mới thường xuyên, nhằm giữ gìn chất lượng và thẩm mỹ của « mặt đứng thứ 5 » này.

Cùng với nhiếp ảnh gia Gilles Mermet, người chia sẻ tình yêu với những mái nhà Paris, hồ sơ xin đề cử nghề lợp mái zinc Paris được gây dựng trong nhiều năm, để đến năm 2017, chính thức được liệt kê trong danh sách di sản phi vật thể của Pháp ».

Hơn trăm năm trước, họa sĩ Van Gogh đã trải qua những tháng năm ngắn ngủi của đời nghệ sỹ trong một căn gác mái khu đồi Montmatre, nơi ông đã ngắm và vẽ những mái nhà Paris, với niềm hy vọng trong những ngày chập chững bước vào nghiệp vẽ, bởi Kinh Đô Ánh Sáng là mảnh đất tự do để ươm mầm nghệ thuật, và ở đó, vẻ đẹp sóng mái xanh ghi đã in sâu trong tiềm thức của những tâm hồn yêu Paris.

 

Thấp thoáng những mái nhà phong cách kiến trúc Haussmann. Ảnh chụp từ Pont des Arts, Paris.
Thấp thoáng những mái nhà phong cách kiến trúc Haussmann. Ảnh chụp từ Pont des Arts, Paris. © RFI/Vietnamu

Mái nhà lợp kẽm ở Paris, di sản kiến trúc Haussmann thời Napoleon Đệ Tam - Tạp chí văn hóa (rfi.fr)


Paris phong cách Haussmann : Dấu ấn thời hoàng đế Napoléon III

Phần âm thanh 09:34
Paris phong cách Haussman
Paris phong cách Haussman Ảnh chụp màn hình.
Thùy Dương
22 phút

Paris mang dáng dấp hiện đại như ngày nay, với những đại lộ trải dài, rộng thênh thang, những công trình kiến trúc hoành tráng, không gian xanh rải rác khắp nơi … là thành quả 17 năm quy hoạch của nam tước Haussmann, từ năm 1853 đến năm 1870, dưới triều hoàng đế Napoléon III, thời Đệ Nhị Đế Chế Pháp. Haussmann đã tạo cho Paris một dấn ấn riêng hiếm có. « Paris Haussmannien », tạm dịch là « Paris theo phong cách Haussmann » đã góp phần không nhỏ đưa Paris lên tầm thành phố tráng lệ nhất thế giới.


Nhìn lại lịch sử, cho tới thế kỷ XIX, kinh thành Paris vẫn giữ cấu trúc cũ từ thời Trung Cổ, với các con phố nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo, các tòa nhà chen chúc, chật chội, nhiều khu phố ngột ngạt, xấu xí. Cơ sở hạ tầng dần xuống cấp nghiêm trọng, toàn thành phố chỉ có 100km cống thoát nước, đường phố bẩn thỉu, dân cư nhiều nơi sống trong cảnh bần cùng. Thêm vào đó, nhiều người từ nông thôn đổ về Paris kiếm kế sinh nhai, khiến dân số Paris tăng nhanh, cơ sở hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu của dân cư. Điều kiện vệ sinh tồi tệ đã góp phần không nhỏ khiến đại dịch hạch thế kỷ XIX (1832-1834) tàn phá Paris.

Vào năm 1848, nước Pháp bước sang Đệ Nhị Đế Chế, Louis-Napoléon Bonaparte lên ngôi hoàng đế. Đã từng trải qua một thời gian tại Luân Đôn, bị mê hoặc bởi các khu vườn và sự thoáng đãng trong các khu phố của thành phố này, hoàng đế Napoléon III thấy Paris thực sự cũ kỹ, tối tăm và không đảm bảo vệ sinh, nhất là sau dịch hạch 1849.

Napoélon III đã nghĩ tới một dự án quy hoạch lại Paris cho sạch đẹp, sáng sủa, nhằm cải thiện điều kiện sinh sống cho người dân thành phố, mở nhiều trục lộ giao thông mới, thúc đẩy giao thương phát triển, tạo nhiều công ăn việc làm và giúp người dân đi lại được thuận tiện. Ngoài ra, xây dựng một Paris hiện đại, đẹp bậc nhất châu Âu cũng nhằm góp phần khẳng định, minh chứng uy lực của hoàng đế.

Thực ra, hoàng đế Napoélon III không phải người đầu tiên tính đến việc cải tạo bộ mặt của Paris. Hoàng đế Napoléon I đã từng có một dự án lớn quy hoạch lại Paris, nhưng chưa có thời gian và chưa hội tụ đủ điều kiện thực hiện mong muốn đó. Trong giai đoạn 1815-1830, khi chế độ quân chủ được tái lập và dưới nền Quân Chủ tháng Bảy - giai đoạn 1830 -1848, chính quyền cũng đã đầu tư cải tạo Paris : lắp đặt nhiều đài nước ở nơi công cộng, cải thiện hệ thống chiếu sáng đường phố, …

Nhưng phải đến thời Napoélon III, công cuộc tái quy hoạch thực sự Paris mới được tiến hành. Vào năm 1853, hoàng đế bổ nhiệm nam tước, luật sư George-Eugène Haussmann, 44 tuổi, người vùng Alsace, làm tỉnh trưởng tỉnh Seine (nay là Paris) và giao cho Haussmann nhiệm vụ mở rộng, cải tạo kinh thành Paris, đưa Paris trở thành một trong những đô thành đẹp nhất châu Âu.

Trong bối cảnh hòa bình, kinh tế phát triển khả quan, hoàng đế Pháp nắm nhiều thực quyền, thêm vào đó, với lòng trung thành tuyệt đối, nam tước Haussman đã được sự ủng hộ vô điều kiện của hoàng đế Napoléon III, khiến công cuộc tái quy hoạch Paris tiến triển thuận lợi.

Các dự án cải tạo của Haussmann phải được Nhà nước thông qua và điều hành, nhưng công việc thực hiện được giao cho các công ty tư nhân, với nguồn vốn vay khổng lồ. Vào năm 1860, khoảng 8.000 doanh nghiệp tham gia dự án Haussmann sử dụng tới 31.000 thợ nề, 6.000 thợ đúc sắt, 3.500 thợ lợp mái nhà, 8.000 thợ mộc, 600 thợ sơn … Tổng cộng, 55.000 lao động tham gia công trường khổng lồ ở Paris.

Paris thay đổi bộ mặt

Xét về tổng thể, 60% bộ mặt Paris đã thay đổi hoàn toàn sau 17 năm quy hoạch dưới thời Napoléon III. Tính tới năm 1868, 18.000 ngôi nhà (hơn 50% số nhà ở của người dân) đã bị phá hủy để xây dựng đường sá mới và các khu nhà mới. Haussman mở rộng Paris bằng cách cho sáp nhập một số làng mạc ở ngoại ô, chẳng hạn Passy, Auteuil, Monceau, Monmartre, Charonnne, Bercy ... Từ 12 quận, Paris được mở rộng thành 20 quận. Ngoài tòa thị chính thành phố, mỗi quận đều có tòa chính riêng của mình. Diện tích Paris tăng từ 3.000 ha lên thành 6.000 ha, dân số tăng từ 800.000 người lên thành 2 triệu người.

Một trong những thay đổi lớn đầu tiên là về giao thông. Haussman đã cho phá nhiều công trình cũ để mở những tuyến đường mới, những đại lộ dài rộng, thẳng tắp, thông thoáng theo hai trục bắc - nam, đông - tây (boulevard Sébastopol, de Strasbourg, Magenta, Voltaire, Diderot, Saint Germain, Malesherbes, Saint Michel, avenue Kléber, Foch, Victor Hugo, Carnot, Niel, Iéna …) và những con phố khang trang (rue de Rivoli, Soufllot, Réamur, rue du Quatre-Septembre, de Rennes, des Ecoles …). Tổng cộng, 175 km đường lộ mới được hình thành.

Thêm vào đó, Haussmann cho xây dựng các ga xe lửa lớn : Gare de Lyon (1855), Gare du Nord (1865) và Gare Saint Lazare (1885). Kiến trúc sư Pierre Rinon giải thích : « Napoléon III có một câu nói rất hay về các ga xe lửa. Ông nói rằng nhà ga là cánh cửa mới của thành phố. Hoàng đế nói rằng giao thông đường bộ cơ bản sẽ biến mất. Con người sẽ đi lại và vận chuyển hàng hóa chủ yếu bằng đường sắt và đến Paris tại các ga xe lửa ». Cho đến nay, các ga này vẫn là các ga lớn với lưu lượng tàu xe rất cao. Gare du Nord và Gare Saint Lazare hiện là hai ga có số hành khách đi lại hàng ngày nhiều nhất châu Âu.

Các không gian xanh bao quanh thành phố được phân bố đều: rừng Boulogne nằm ở phía tây và rừng Vincennes ở phía đông, ngoài ra còn có hai công viên lớn là Buttes-Chaumont ở phía bắc và Montsouris ở phía nam. Trong trung tâm thành phố có công viên Monceau … Ngoài ra, còn có rất nhiều vườn hoa công cộng, công viên nhỏ trong các khu dân cư.

Để khắc phục tình trạng vệ sinh yếu kém của thành phố, Haussmann cho cải tạo và xây dựng mới hệ thống cấp và thoát nước. Nước sạch được dẫn đến từng tòa nhà. Từ năm 1865 đến năm 1900, Paris có thêm 600 km đường ống dẫn nước sạch, nhiều đường ống quy mô lớn gọi là aqueduc, dẫn nước từ những nguồn nước từ các nơi xa về thành phố. Haussmann còn cho xây bể chứa nước lớn nhất thế giới vào thời đó ở nội thành, gần công viên Montsouris, phía nam Paris, để trữ nước sạch dẫn từ vùng ngoại ô Vannes về.

Song song với hệ thống cấp nước sạch, 500 km cống thoát nước cũng được lắp đặt. Dưới mỗi con phố, đều có hệ thống cống ngầm. Các ống cống ngầm đều có kích cỡ đủ lớn để công nhân dễ dàng di chuyển và bảo dưỡng, nạo vét lòng cống. Nước đã qua sử dụng từ các tòa nhà phải được dẫn vào hệ thống cống ngầm chứ không được đổ ra cống lộ thiên trên phố như trước đó. Cả hai hệ thống cấp và thoát nước trên sau Đệ Nhị Đế Chế đều được tiếp tục mở rộng và hiện vẫn duy trì hoạt động.

Kỹ sư về cấp thoát nước, ông Olivier Jacques, giải thích : « Trong những năm đầu thế kỷ XIX, các vấn đề vệ sinh ngày càng nghiêm trọng. Dân số lại tăng đáng kể, nên thường xảy ra dịch bệnh. Hàng trăm ngàn người đã chết vì bệnh dịch trong nửa đầu thế kỷ XIX. Với quy hoạch của Haussmann, Paris mới thực sự có một hệ thống thoát nước hoàn chỉnh. Một mục tiêu khác là cung cấp nước sạch tới mọi tòa nhà ở Paris. »

Phong cách kiến trúc Haussmann

Dấu ấn Haussmann còn hiện hữu rõ nhất cho đến bây giờ qua kiến trúc nổi bật của các tòa nhà được gọi là « immeubles haussmanniens ». Hàng chục ngàn tòa nhà kiến trúc Haussmann đã được xây dựng, kể cả sau khi Đệ Nhị Đế Chế sụp đổ. Hiện nay, 60% số tòa nhà trong Paris có kiến trúc Haussmann. Đặc trưng kiến trúc Haussmann thể hiện rõ nhất ở mặt tiền tòa nhà. Các tòa nhà trong cùng một tuyến phố phải có chiều cao bằng nhau, gồm tối đa 6 tầng, cùng phong cách trang trí mặt tiền, tạo sự thống nhất về tổng thể kiến trúc. Độ cao của các tòa nhà tỉ lệ thuận với bề rộng của con phố.

Quy định thiết kế mặt tiền phải được tuân thủ chặt chẽ, chỉ nhà ở tầng hai và tầng năm (tầng ba và tầng sáu nếu tính theo kiểu Việt Nam) là có balcon. Mái nhà thường dốc 45o. Tường phía mặt tiền tòa nhà thường được xây bằng đá đẽo chất lượng cao, lấy từ các mỏ đá Saint-Maximin, vùng Oise và mỏ Petit-Montrouge ngay tại Paris. Tường đầu hồi và tường phía mặt hậu cũng được cũng được xây bằng đá đẽo nhưng chất lượng kém hơn.

Kiến trúc sư Pierre Rinon giải thích : « Mặt tiền tòa nhà bắt buộc phải được xây bằng đá khối. Đó là một điều khoản bắt buộc được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng đất. Đó là điều Haussmann làm. Vào thời kỳ đó, chưa có giấy phép xây dựng. Khi một người mua một mảnh đất để xây khu nhà, người ta ghi rõ loại đá khối và cả khu khai thác đá. Người ta cũng nói rõ các tòa nhà phải ngay hàng thẳng lối, tạo thành sự hài hòa, thống nhất. Một số người không thích phong cách này thì coi sự đồng nhất đó là nhàm chán, tẻ nhạt. Ý định của Haussmann là tòa nhà đầu tiên được xây dựng trong khu phố trở thành hình mẫu cho các tòa nhà kế tiếp. Thiết kế các tòa nhà được lặp lại và tạo sự đồng nhất ».

Tầng trệt thường dành cho việc buôn bán, trừ tại các tòa nhà được gọi là « de haute bourgeoisie », có nghĩa là dành cho giới quý tộc giàu sang, chẳng hạn ở khu phố Monceau. Thời đó, do chưa có thang máy, tầng hai (tầng ba theo cách tính của người Việt Nam) là tầng « có giá nhất », dành cho các gia đình giàu có, vì không cao quá nên việc trèo thang bộ không quá bất tiện, nhưng tầng hai lại đủ cao để ngắm được quang cảnh xung quanh. Các căn hộ ở tầng này cũng có độ cao lớn nhất so với các tầng còn lại, ô cửa sổ cũng được trang trí cầu kỳ hơn. Tầng áp sát mái thường dành cho người nghèo. Như vậy là giữa các tầng nhà đã có sự phân hóa xã hội lớn.

Suốt một thời gian dài, các tòa nhà Haussman được coi là hình mẫu nhà ở lý tưởng, tiện ích, với không gian thông thoáng, sáng sủa nhờ các ô cửa sổ lớn. Cho đến nay, sau 150 năm xây dựng, các căn hộ này vẫn được ưa chuộng và có giá cao.

Chi phí khổng lồ

Công cuộc quy hoạch tiến triển thuận lợi cho đến năm 1867, khi ngày càng có nhiều lời than phiền về chi phí quá tốn kém cho dự án. Quốc Hội Pháp quyết định tái thiết việc giám sát công việc của tỉnh trưởng Haussmann, điều nam tước không hề mong muốn. Quả thực, tổng số tiền chi cho sự án của Haussmann lên tới 2,5 tỉ franc, tăng 2,27 lần so với số tiền 1,1 tỉ franc dự kiến ban đầu.

Việc bội chi đặc biệt nghiêm trọng đã khiến tiền thuế người dân Paris phải đóng cũng tăng chóng mặt. Chẳng hạn, vào năm 1852, trước khi có quy hoạch, chính quyền Paris thu 52 triệu franc tiền thuế. Con số này là 232 triệu franc vào năm 1869 (tăng gần 4,5 lần), nhưng một phần cũng do dân số Paris đã tăng hơn 2,5 lần.

Quy hoạch cũng khiến nạn đầu cơ ngày càng nghiêm trọng, giá bất động sản ở Paris tăng chóng mặt khiến sự phân tách về không gian sống giữa các tầng lớp xã hội ngày càng lớn. Tới năm 1870, chỉ vài tháng trước khi Đệ Nhị Đế Chế sụp đổ, Haussmann vẫn hy vọng được bổ nhiệm làm bộ trưởng để có thể mở rộng quy hoạch tầm quốc gia, nhưng cuối cùng ông bị cách chức vào ngày 05/01/1870 và để lại một món nợ lớn cho ngân sách Nhà nước.

Vào những tháng ngày cuối của Đệ Nhị Đế Chế, nam tước Haussmann là nhân vật bị công chúng chế giễu, đả kích nhiều nhất. Thậm chí, Jules Ferry còn viết một bài văn đả kích nối tiếng có tiêu đề « Sự chi tiêu quái dị của Haussmann ».

Giờ đây, sau gần 150 năm, khi nhìn lại lịch sử, bất chấp những mặt trái trong quá trình mở rộng, cải tạo Paris, không ai có thể phủ nhận giá trị lớn lao của công cuộc cải tạo kinh đô Paris của « bộ đôi » Napoléon III - Haussmann. Nếu không có 17 năm quy hoạch đó, liệu Paris có được sự hiện đại, tráng lệ như bây giờ ? Chẳng ai dám chắc là nếu không có « bộ đôi » lừng danh đó, Paris có trở thành một trong những thành phố lộng lẫy nhất thế giới, một điểm đến mơ ước của du khách quốc tế.

Paris phong cách Haussmann : Dấu ấn thời hoàng đế Napoléon III - Tạp chí văn hóa (rfi.fr)





Geen opmerkingen:

Een reactie posten