vrijdag 21 oktober 2011

Toàn cảnh kết cục đẫm máu của Gadhafi

 21/10/2011

Chính quyền chuyển tiếp Libya từng tuyên bố muốn bắt sống Gadhafi để xử những tội ác và xây dựng nhà nước dân chủ mới, nhưng cách những tay súng của họ hành quyết Gadhafi cho thấy con đường đến mục tiêu này còn đầy chông gai.
> Libya hoãn chôn Gadhafi / Từ ngai vàng xuống ống cống
> Cuộc đời Gadhafi qua ảnh / Gadhafi bị bắn chết


Đại tá Gadhafi và những thuộc hạ thân tín trốn trong một hầm chỉ huy ở thành phố quê nhà Sirte trong suốt 10 ngày cuối cùng. Trước sức tấn công của các binh sĩ chính quyền lâm thời (NTC), họ và những tay súng còn lại quyết định thực hiện một kế hoạch chạy trốn đầy mạo hiểm bằng đoàn xe gần 100 chiếc từ Quận 2 của Sirte. Trong đó 5 chiếc đi ở giữa chở Gadhafi và những cộng sự thân tín.

Theo một chỉ huy NTC trực tiếp truy kích đoàn xe là Abdul Rauf Mohammad, kế hoạch chạy trốn của Gadhafi là sử dụng các tay súng bắn tỉa và số súng hạng nặng còn lại để mở đường máu, yểm trợ cho nhóm 5 chiếc xe chở Gadhafi tẩu thoát. Đoàn xe định chia làm hai cánh, trong đó nhóm chính gồm 75 chiếc chạy theo đường lớn và nhóm còn lại cắt đường băng sa mạc hướng về phía nam.

Tuy nhiên đoàn xe của Gadhafi quá đông nên đã bị một máy bay chiến đấu Tornado của Anh dễ dàng phát hiện qua thiết bị do thám. Giới chức NTC và NATO nhận định có "mục tiêu giá trị cao" trong đoàn xe hùng hậu này nên phát lệnh tấn công. Lập tức "sát thủ trên không" là chiếc máy bay không người lái Predator của Mỹ được điều tới bắn tên lửa Hellfire khiến đoàn xe tan tác.

Cùng lúc, chiến đấu cơ Rafale của không quân Pháp cũng tới oanh tạc đoàn xe Gadhafi. Tại một vị trí cách đường chính khoảng 20 mét, cạnh một trạm điện hạ thế gần Sirte, hơn 15 chiếc xe bán tải gắn vũ khí hạng nặng thuộc đoàn xe Gadhafi bị cháy đen và nát vụn sau vụ oanh kích của máy bay NATO. Khoảng 50 người chết tại đây gồm một số thi thể cháy đen chỉ còn xương vẫn ngồi trên ghế xe.

Những hình ảnh đẫm máu về vụ hành quyết Gadhafi
(Khuyến cáo hình ảnh có thể gây sốc)

Vụ hành quyết man rợ


Sau vụ oanh tạc, số còn lại trong đoàn xe bỏ chạy tứ tung tránh sự truy đuổi của lực lượng mặt đất. Theo các chiến binh NTC, Gadhafi bị thương và cầm theo một khẩu súng ngắn vỏ vàng tập tễnh bỏ chạy rồi chui vào một ống cống bê tông bên đường cố thủ. Một số vệ sĩ chạy theo Gadhafi nhưng lực lượng truy đuổi bằng xe đã theo sát và bắn chết 5 vệ sĩ cuối cùng của Gadhafi bên ngoài miệng cống.

Một chỉ huy quân NTC truy đuổi là Salem Bakeer kể lại: "Ban đầu chúng tôi bắn nhóm Gadhafi bằng súng phòng không từ trên xe nhưng không hiệu quả. Do đó chúng tôi nhảy khỏi xe để chạy bộ truy đuổi. Một trong những vệ sĩ của Gadhafi chạy ra ngoài ống cống khua khẩu súng trên đầu và xin đầu hàng. Nhưng ngay khi nhìn thấy chúng tôi anh ta lại nổ súng".

Cũng theo người trực tiếp chỉ huy truy bắt Gadhafi nói trên thì chính Gadhafi đã yêu cầu vệ sĩ cuối cùng của mình ngừng bắn và tay súng này đã cố tìm cách cứu cựu lãnh đạo Libya bằng cách hét to "Ông chủ tôi ở đây, Muammar Gadhafi đang ở đây, ông ấy bị thương".

Bakeer khẳng định ngay lập tức Gadhafi bị bắt sống với những vết thương ở chân và lưng. Cựu lãnh đạo Libya bị các tay súng NTC lôi đi khoảng 50 mét từ cửa cống tới một chiếc xe Jeep và quăng ông này lên phía mũi chiếc xe. Khi đó đám đông chiến binh vây quanh Gadhafi đã nổi điên và liên tục đánh vào mặt ông này.

Gadhafi, một ông già 69 tuổi bị lột hết áo, người đầm đìa máu, mang vẻ mặt hoảng loạn. Người từng tự phong là "Vua của các Vua châu Phi" này đã không nhận được bất cứ hành động ân xá nào. Câu cuối cuối cùng của Gadhafi là hỏi những người bắt mình: "Tôi đã làm gì các anh?" và xin họ "Đừng bắn! Đừng bắn!" để tha mạng. Nhưng các tay súng vẫn hành quyết tại chỗ Gadhafi với những viên đạn vào đầu và bụng.

Những chiến binh trực tiếp bắn chết Gadhafi đến từ thành phố Misrata, nơi từng là chiến trường ác liệt nhất trong 8 tháng nội chiến ở Libya. Họ nhồi xác Gadhafi lên sàn một chiếc xe cứu thương, vây quanh là các tay súng đang hồ hởi và chạy về thành phố Misrata quê nhà. Theo kênh truyền hình Al-Arabiya, xác của Gadhafi sau đó được đặt trên nóc một chiếc xe và diễu trên các con phố Misrata trong sự hò reo của đám đông xung quanh.

Libya mới thời hậu Gadhafi


Sau khi Gadhafi bị "bắn chết như một con chó trên đường" theo mô tả của những người chứng kiến, tiếng súng nổ vang trời trên khắp các đường phố Libya để ăn mừng. Xe cộ cũng đồng loạt bóp còi để thể hiện sự vui sướng và nhiều người ôm nhau nhảy múa vì Gadhafi đã bị giết.

Chiến thắng của phe cách mạng tại Libya là nhờ sự hỗ trợ mang tính quyết định của lực lượng quân sự quốc tế do NATO đứng đầu, can thiệp vào Libya từ tháng 3/2011 với danh nghĩa bảo vệ thường dân bị chế độ Gadhafi đàn áp. Sau khi chế độ này bị lật đổ hồi tháng 8, các chiến dịch của NATO tại Libya vẫn tiếp tục nhằm hỗ trợ lực lượng nổi dậy xoá bỏ hoàn toàn quyền lực của Gadhafi.

Sự yểm trợ của NATO trong vụ hạ sát Gadhafi đã giúp NTC có thể tuyên bố chiến thắng hoàn toàn trong cuộc cách mạng của họ. Trong cuộc họp báo tối qua, thủ tướng Libya và đứng đầu NTC Mahmoud Jibril tuyên bố đã đến lúc khởi đầu một nhà nước mới. "Chúng tôi chờ đợi khoảnh khắc này từ rất lâu và Muammar Gadhafi đã bị tiêu diệt. Tôi nghĩ sự kiện này khiến người dân Libya nhận ra rằng đã đến lúc bắt đầu một Libya mới, đoàn kết, một dân tộc, một tương lai".

Gadhafi là lãnh đạo đầu tiên ở Bắc Phi và Trung Đông bị giết kể từ khi làn sóng "Mùa xuân Ảrập" nổ ra nhằm chấm dứt các chế độ độc tài và xây dựng một nền dân chủ trong khu vực. Libya cũng là quốc gia duy nhất trong làn sóng biểu tình có sự thay đổi chế độ nhờ sự can thiệp của quân đội nước ngoài. Trước đó các tổng thống kỳ cựu của Tunisia và Ai Cập đều lần lượt bị hạ bệ do các cuộc biểu tình rầm rộ của người dân trong nước.

Cái chết của Gadhafi đánh dấu việc quốc gia nhiều dầu mỏ Libya bước sang một trang sử mới, nhưng sự bất ổn chưa thể sớm chấm dứt trong tương lai gần. Phe vốn được coi là phiến quân nổi dậy trước đây đang là người lãnh đạo đất nước Libya với sự thiếu tổ chức thể hiện ở nhiều lĩnh vực. Với một chính quyền như thế họ lại phải đối mặt với thách thức tái thiết đất nước khổng lồ phía trước.

Phản ứng của phương Tây


Lãnh đạo Anh, Pháp, Mỹ, những nước chủ chốt trong cuộc can thiệp quân sự vào Libya đều nhanh chóng lên tiếng bày tỏ sự hài lòng vì sự kiện đại tá Gadhafi đã bị tiêu diệt, trong khi những nhà lãnh đạo khác coi đây là một cột mốc quan trọng trong lịch sử của người Libya.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng 20/10 là một ngày quan trọng mang tính lịch sử của Libya. "Bóng tối chuyên quyền đã bị xoá bỏ. Với triển vọng to lớn ở phía trước, người dân Libya lúc này có trách nhiệm xây dựng một đất nước dân chủ và khoan dung, đối lập với nền độc tài của Gadhafi". Ông cũng cho rằng cái chết của Gadhafi là sự cảnh báo các chế độ đang bị phản đối khác ở Bắc Phi và Trung Đông.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho rằng cái chết của Gadhafi đánh dấu một bước tiến đối với người dân Libya và kêu gọi chính quyền mới ở nước này nhanh chóng tiến hành cải cách dân chủ. "Cái chết của Gadhafi là bước tiến quan trọng trong cuộc chiến kéo dài hơn 8 tháng qua của người dân Libya, nhằm tự giải phóng khỏi chế độ độc tài và tàn bạo tồi tại hơn 40 năm", ông Sarkozy nói thêm.

Phản ứng về cái chết của Gadhafi, Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng sự kiện này hứa hẹn một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân mà Gadhafi đã cai trị trong suốt 4 thập kỷ. "Người dân Libya hôm này còn có cơ hội vĩ đại hơn sau sự kiện này trong việc tự mình xây dựng một tương lai dân chủ và vững mạnh", ông Cameron phát biểu bên ngoài số 10 số Downing.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon phát biểu: "Ngày hôm nay đánh dấu bước chuyển lịch sử của Libya. Trong những ngày tới chúng ta sẽ chứng kiến cảnh vui mừng cũng như nỗi đau khổ của những người mất mát. Giờ là lúc để mọi người Libya đồng tâm. Người Libya chỉ có thể có tương lai tốt đẹp nếu có đoàn kết dân tộc và hòa giải. Chiến binh của mọi bên đều phải buông vũ khí trong hòa bình. Đây là lúc để hàn gắn và tái thiết, là thời điểm của lòng quảng đại chứ không phải để trả thù".

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nhận được thông tin về Gadhafi khi đang cùng Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte chuẩn bị cho một cuộc họp báo và ông bình luận: "Chỉ có người dân Libya mới có thể quyết định số phận của Gadhafi". Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle bày tỏ hy vọng Libya sẽ tiến vào một "chương mới hòa bình và dân chủ" sau cái chết của Gadhafi.

Đình Nguyễn

Khoảnh khắc đẫm máu cuối cùng của Gadhafi

Cửa cống bê tông nằm bên vệ đường, nơi Gadhafi và những vệ sĩ cuối cùng ẩn náu. Ảnh: AFP.
Sau khi bắn chết 5 vệ sĩ cuối cùng của Gadhafi ngay ngoài miệng cống, các tay súng NTC lôi ông này từ trong cống ra ngoài trong tình trạng bị thương. Ảnh: AP.
Một phần đoàn xe của Gadhafi bị máy bay tấn công cháy đen gần một trạm hạ thế ở Sirte.
Sau khi bị lôi ra từ ống cống, Gadhafi bị thương đầm đìa máu đang cố xin đám đông tay súng vây quanh tha mạng. Hình lấy từ một clip quay bằng điện thoại di động.
Các tay súng dùng vũ lực lôi Gadhafi trên đường, một số đánh vào mặt ông này trong tình trạng thương tích đầy mình.
Gương mặt hoảng loạn của Gadhafi trong vòng vây của đám đông đang hò hét.
Gadhafi vùng vẫy trong tuyệt vọng khi bị các thanh niên lôi trên đường và ấn lên mũi một chiếc xe bán tải. Một số liên tục đánh vào người cựu lãnh đạo Libya.
Gadhafi bị đè ngửa trên mũi chiếc xe.
Các tay súng truy đuổi và bắn chết Gadhafi đến từ thành phố Misrata. Họ nhanh chóng đưa xác ông này lên một chiếc xe cứu thương để chạy từ Sirte về Misrata ăn mừng.
Đám đông đông người Libya vây quanh xác Gadhafi và liên tục dùng điện thoại để chụp ảnh. Ảnh: AFP.
Đám đông đông vây quanh xác Gadhafi và liên tục dùng điện thoại để chụp ảnh. Ảnh: AFP.
Xác Gadhafi được đặt trên sàn xe bê bết máu trên đường chạy về Misrata ngày 20/10.

http://vnexpress.net/gl/the-gioi/phan-tich/2011/10/toan-canh-ket-cuc-dam-mau-cua-gadhafi/page_2.asp
http://vnexpress.net/gl/the-gioi/phan-tich/2011/10/toan-canh-ket-cuc-dam-mau-cua-gadhafi/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten