Ngôi làng với cái tên Huaxi thuộc tỉnh Giang Tô của Trung Quốc nằm ngoài tưởng tượng của bất cứ ai bởi sự giàu có và thịnh vượng.
> 18 thương hiệu hàng đầu thế giới của Trung Quốc
> 5 điều thú vị về người đàn bà giàu nhất Ấn Độ
Đi lên từ ngôi làng thuần nông lạc hậu với dân số 328.700 người, giờ đây, mọi người dân của Huaxi đều được hưởng các dịch vụ y tế và giáo dục miễn phí, và sở hữu những ngôi nhà đắt tiền.
Nơi đây còn có cả một “Công viên Thế giới” (World Park) với bản sao của các biểu tượng nổi tiếng của thế giới từ Tượng nữ thần tự do của Mỹ cho đến Khải hoàn môn (Arc de Triomphe) của Pháp. Đây cũng là nơi tòa nhà cao thứ 15 trên thế giới đang trong giai đoạn hoàn thành.
Và tất nhiên, cuộc sống giàu có tại ngôi làng này cũng có cái giá của nó. Người dân ở đây phải làm việc cả tuần, và thường là trong các nhà máy công nghiệp. Nếu họ bỏ việc, họ sẽ mất tất cả.
Dưới đây là những hình ảnh về cuộc sống xa hoa của ngôi làng Huaxi được nhiếp ảnh gia Bert van Dijk chụp:
Huaxi nổi tiếng với mức sống ngoài sức tưởng tượng dành cho một ngôi làng ở nông thôn Trung Quốc. Trên các con đường của Huaxi người ta đã quen thuộc với hình ảnh của những chiếc BMW, Cadillac và Mercedes nhập khẩu. |
Mỗi ngôi nhà tại đây đều có giá ít nhất 250.000 USD. |
Mỗi công dân trưởng thành đều được hưởng một ngôi nhà miễn phí. Đây là tòa chung cư xa hoa nhìn ra bờ sông. |
Mặt trái của Huaxi là tất cả cư dân tại đây đều phải làm việc cả tuần, và thường là tại các nhà máy thép công nghệ cao và nhà máy dệt. |
Làng Huaxi là đứa con tinh thần của Wu Ren Bao, hơn 80 tuổi, từng là trưởng thôn của Huaxi, người đã đưa ngôi làng thuần nông buồn tẻ này trở thành một thành phố thịnh vượng, còn được vinh danh là “làng tỷ phú”. |
Đây là hình ảnh tuyên truyền cho ông Bao, người đã có ý tưởng đưa làng Huaxi lên sàn chứng khoán. |
Tại làng Huaxi, người ta không còn canh tác nông nghiệp theo hình thức truyền thống mà đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp. |
Để đảm bảo cho cư dân của Huaxi không bị ướt mỗi khi trời mưa, ông Bao cho xây dựng một hệ thống đường đi xung quanh làng. |
Các cửa hàng tại đây cũng được trang trí hết sức ấn tượng. |
http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/quoc-te/2011/10/can-canh-ngoi-lang-giau-nhat-trung-quoc/page_1.asp
Ngôi làng giàu nhất Trung Quốc muốn lên thành phố
Sau 20 năm, một ngôi làng thuần nông nghèo của Trung Quốc đã trở thành "làng tỷ phú". Tuy nhiên, người dân nơi đây muốn ngôi làng trở thành một thành phố trong 5 năm tới.
>Cận cảnh ngôi làng giàu nhất Trung Quốc
Khi nhận chức trưởng làng Huaxi năm 1947, ông Wu Renbao cũng trải qua cuộc sống cơ cực như hầu hết người dân trong làng. Đến năm 1957, ngôi làng Huaxi của ông Wu chỉ có tài sản khoảng 1.800 tệ (tương đương 240 USD).
Không chấp nhận một cuộc sống thiếu thốn, trưởng thôn Wu Renbao của ngôi làng Huaxi quyết tâm làm giàu. Ông Wu quyết tâm đổi mới theo hướng kết hợp các nguyên tắc cộng sản truyền thống với kinh tế thị trường tự do.
Ngôi làng giàu có Huaxi nhìn từ trên cao. Ảnh: Business Insider |
Theo quy định của trưởng làng, mọi sinh hoạt ở đây đều phải diễn ra hết sức quy củ không có cờ bạc, không karaoke, không đầu cơ vì lợi ích cá nhân. Cán bộ trong làng phải hết lòng tuân thủ cấp trên và phục vụ quần chúng. Mỗi sáng, trước khi bắt đầu công việc, cư dân trong làng phải tập trung nghe thông tin, quán triệt đường lối lãnh đạo của đảng và cùng hát bài hát truyền thống của làng.
Làng Huaxi hoạt động giống như môt tập đoàn và người dân đóng vai trò như những cổ đông. Họ tái đầu tư một phần tiền lương của mình cho cộng đồng và các doanh nghiệp tại làng. Lợi tức họ thu được từ phần đóng góp này thường gấp nhiều lần so với mức lương của họ.
Năm 2003, ông Wu Renbao nghỉ hưu. Làng Huaxi bầu Wu Xie'en, con trai của ông Wu Renbao làm trưởng thôn mới. Vì vậy, những đường lối của ông Wu được duy trì.
Yang Yongchang, 43 tuổi, một người dân làng chia sẻ: "Huaxi có một hệ thống quản lý rất tốt. Đó là một hệ thống với những điều lệ ngặt nghèo đối với các quan chức. Không có chuyện tham nhũng ở Huaxi. Các quan chức địa phương không những giàu có về vật chất mà họ còn giàu có về tinh thần nữa".
Nguồn thu chủ yếu của Huaxi là từ hai công ty luyện kim, một nhà máy thiết bị ôtô, các xưởng dệt và một số hãng thuốc lá, rượu. Đấy là chưa kể nguồn thu không nhỏ từ du lịch. Các nhà chức trách cho biết, mỗi năm ngôi làng thu hút hàng triệu khách du lịch trong và ngoài nước tới tham quan.
Nhờ những đường lối, chiến lược đúng đắn và đầy quyết tâm của ông Wu Renbao cũng như con trai là Wu Xie'en, Huaxi giờ đây đã hoàn toàn thay đổi và còn được mệnh danh là "làng tỷ phú". Năm 1998, Huaxi trở thành ngôi làng đầu tiên được niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Hiện nay, người dân Huaxi có một cuộc sống rất sung túc, mỗi hộ đều sở hữu ít nhất một ngôi nhà khang trang, hai xe hơi, được hưởng dịch vụ y tế giáo dục miễn phí. Bên cạnh đó, người dân còn được hưởng phúc lợi là một công viên hoành tráng với nhiều bản sao của các công trình danh tiếng trên thế giới.
Theo một báo cáo của địa phương, làng Huaxi có hơn 800 chiếc xe hơi và một loạt xe tham quan dùng nhiên liệu xanh được cấp miễn phí cho dân làng và khách du lịch sử dụng.
Trong vòng 5 năm tới, làng cũng có kế hoạch mua 20 chiếc máy bay và huấn luyện một đội phi công khoảng 100 người. Hiện chỉ có 2 chiếc máy bay trực thăng và 2 phi công đang thực hiện các chuyến bay tham quan thử nghiệm.
Sự phát triển của Huaxi cũng thu hút đông đảo người nhập cư từ nhiều nơi khác, đặc biệt là từ các ngôi làng xung quanh. Dân của ngôi làng chỉ có khoảng 2.000 người nhưng đến nay đã có khoảng 60.000 người nhập cư làm việc trong các doanh nghiệp tại Huaxi. Tuy không có cuộc sống thực sự sung túc như cư dân chính gốc của Huaxi, nhưng những công nhân nhập cư cũng được đãi ngộ, cùng điều kiện làm việc tốt.
Những người đứng đầu Huaxicho biết, họ đang tham vọng xây dựng ngôi làng thành địa điểm du lịch nổi tiếng để phát triển kinh tế. Tòa tháp khách sạn Longxi với độ cao 328 mét (đứng thứ 15 thế giới) mới khánh thành hôm 8/10/2011, dự kiến thu hút nhiều những đoàn khách du lịch và giúp giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lao động.
Trưởng làng Wu Xie'en cho biết hiện Huaxi đang cố gắng thay đổi cái mác "làng" để trở thành một thành phố trong 5 năm tới. Người dân Huaxi tỏ ra hết sức tự hào về cuộc sống sung túc của mình. Tuy nhiên, cô Lu Jianmin, một cư dân của làng Huaxi cho biết: "Tự hào không có nghĩa là chúng tôi kiêu ngạo. Cuộc sống đầy đủ chúng tôi có ngày hôm nay là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt, tinh thần đoàn kết và làm việc chăm chỉ của tất cả mọi người trong làng".
Tuyến Nguyễn (theo Business Insider)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten