zondag 23 oktober 2011

Chân dung 2 nhà kinh tế đoạt giải Nobel 2011

11/10/2011

Dù nghiên cứu kinh tế vĩ mô nhưng cả Giáo sư Christopher Sims và Thomas Sargent đều có cái nhìn rất thực tế. Một trong 2 người cho biết sẽ giữ tiền mặt nhận được từ giải thưởng và chưa vội đầu tư trong tình hình hiện nay.
> Nobel Kinh tế 2011 thuộc về hai người Mỹ


Nobel kinh tế 2011 được trao cho 2 vị Giáo sư người Mỹ Christopher Sims (phải) và Thomas Sargent vì những thành tựu mà 2 ông đã đạt được trong việc nghiên cứu mối quan hệ giữa nền kinh tế và các công cụ chính sách. Năm nay cùng 68 tuổi, 2 vị Giáo sư từng là đồng môn (tại Đại học Harvard) vào những năm 1960 và đồng nghiệp khi còn giảng dạy tại Đại học Minnesota.

Sinh năm 1942, Christopher Albert "Chris" Sims hiện được xem là một trong những nhà kinh tế và kinh tế lượng có uy tín nhất tại Mỹ. Ông lần lượt nhận bằng Cử nhân (1963) và Tiến sĩ (1968) tại Đại học Harvard và hiện là Giáo sư tại Princeton - một trong những trường Đại học danh giá nhất của nước Mỹ. Giáo sư Sims hiện cũng giữ cương vị Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Hoa Kỳ.

Là người được Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển liên lạc ngay sau khi giải thưởng Nobel được công bố, Giáo sư Sims cho biết ông không kỳ vọng nhưng cũng không quá bất ngờ khi nhận được giải thưởng này. Khi được khỏi sẽ sử dụng số tiền tương đương 750.000 USD (một nửa trong số 1,5 triệu USD tiền thưởng Nobel) vào việc gì, vị Giáo sư này cho biết trước mắt ông sẽ giữ tiền mặt trong khi suy nghĩ về các phương án đầu tư.

Trong khi đó, Giáo sư Thomas John "Tom" Sargent nhận bằng Cử nhân tại Đại học California năm 1964 với tư cách là một trong những sinh viên nhận học bổng danh giá nhất của trường. Ông nhận bằng Tiến sĩ 4 năm sau đó của Đại học Harvard và trở thành Giáo sư của Khoa Kinh doanh & Kinh tế - Đại học New York. Ông cũng từng là giảng viên của nhiều trường đại học danh tiếng khác tại Mỹ.

Tại Đại học New York, chuyên ngành chính của Giáo sư Sargent là kinh tế vĩ mô - tiền tệ. Ông là một trong những nhà kinh tế học bảo vệ quan điểm cho rằng các cơ quan hoạch định chính sách không thể can thiệp một cách có hệ thống vào nền kinh tế thông qua các chính sách được hoạch định từ trước mà không căn cứ vào các yếu tố thực tế. Ông cũng có đóng góp quan trọng cho trong việc mô hình hóa và định lượng các yếu tố trừu tượng trong nền kinh tế, chẳng hạn như các kỳ vọng của nhà đầu tư, doanh nghiệp...

Năm 2011, cả 2 vị Giáo sư Christopher Sims và Thomas Sargent cùng có chương trình giảng dạy tại đại học Priceton. Đây cũng là địa điểm tổ chức họp báo ngay sau khi giải Nobel được công bố. Mặc dù tiến hành nghiên cứu độc lập nhưng theo 2 vị Giáo sư, những gì mà mà họ có được là kết quả của một quá trình hợp tác - tranh luận mà đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Nói về công trình nghiên cứu của mình, Giáo sư Christopher Sims cho biết nó không phải là câu trả lời cho hoạt động điều hành của tất cả các Chính phủ trên thế giới nhưng có thể đóng vai trò nhất định trong việc giải quyết những bất ổn của kinh tế toàn cầu hiện nay.

Nhật Minh

Ảnh: AP, AFP

Geen opmerkingen:

Een reactie posten