Ðại tá lãnh tụ tối cao hơn 2/3 đời người
Hà Tường Cát/Người Việt
Khi qua đời hôm Thứ Năm, Moammar Gadhafi trở thành lãnh tụ đầu tiên bị thiệt mạng trong cơn bão cách mạng tràn qua vùng Bắc Phi và Trung Ðông.
Lãnh tụ Moammar Gadhafi đọc bài diễn văn dài 1 giờ 30 phút tại Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc năm 2009. (Hình: Getty Images) |
Sinh năm 1942, hơn 2/3 cuộc đời ông đã là người lãnh đạo độc đoán và nổi tiếng tàn bạo trên một đất nước rộng lớn tới 1.8 triệu km2 nhưng không có quá 8 triệu dân.
Sự nghiệp của Gadhafi khởi đầu bằng cuộc đảo chính quân sự năm 1969 lật đổ chế độ quân chủ và kết thúc bi thảm dưới họng súng của những chiến binh quân nổi dậy qua cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài gần 9 tháng.
Từ thời trẻ, về mặt tinh thần Gadhafi đã chịu hai kích động chính: (1) sự kém cỏi của dân Á Rập Palestine trong cuộc chiến đấu chống Israel, (2) ngưỡng mộ Abdel Nasser, nhà lãnh đạo Ai Cập và thế giới Á Rập của thời đại mới khi cuộc Chiến Tranh Lạnh bước vào giai đoạn đối đầu quyết liệt giữa thế giới cộng sản và thế giới tự do.
Xuất thân trong một bộ tộc Á Rập gốc dân du mục, nhập ngũ năm 1961 sau đó được đưa đi tu nghiệp ở Anh, trở về nước với cấp bậc trung úy, Gadhafi tham gia “Phong trào Sĩ quan Tự do” và ngày 1 tháng 9 năm 1969 nhóm sĩ quan trẻ này thực hiện thành công cuộc đảo chính không đổ máu, lật đổ Quốc Vương Idris khi ông ta đang ở Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dầu thường được gọi là đại tá, sự nghiệp quân ngũ của Gadhafi chính thức dừng lại ở cấp trung úy và sau này chức thiếu tướng danh dự do Liên Ðoàn Á Rập Xã Hội Chủ Nghĩa phong cho ông chỉ có tính cách tượng trưng.
Trong những năm 1970, Gadhafi tập trung vào việc củng cố vị trí và quyền lực của mình. Cuộc khủng hoảng năng lượng trên thế giới năm 1973-1974 xảy ra vào lúc Libya đã tìm thấy và khai thác các mỏ dầu lửa, giúp Gadhafi có cơ hội đóng một vai trò then chốt trong cuộc vận động và liên kết các nước khu vực Phi Châu và Trung Ðông. Tham vọng của Gadhafi còn đi xa hơn khi ông ta muốn trở thành một nhà lãnh đạo Phi Châu. Nhưng ý muốn đó không đi đến kết quả và những chiến dịch can thiệp bằng quân sự sau này ở Cộng Hòa Trung Phi, Chad và Ai Cập đều thất bại.
Về mặt đối nội, Gadhafi đàn áp các phe phái và bộ tộc đối lập. Ðiểm đặc biệt trong chính sách bảo vệ vị trí cá nhân của mình là rút kinh nghiệm về nguy cơ xảy ra đảo chính Gadhafi chỉ cho tổ chức một lực lượng quân đội chính quy với quân số rất nhỏ, khoảng 40,000, trong khi chú trọng xây dụng những đơn vị vệ binh trung thành.
Một biến cố có tầm ảnh hưởng quan trọng xảy ra năm 1984 tại Anh. Trong cuộc biểu tình của những người chống Gadhafi trước tòa Ðại Sứ Libya ở London, một nhân viên sứ quán đã bắn chết Yvonne Fletcher, một nữ cảnh sát trẻ của Anh, và liên lạc ngoại giao giữa hai nước bị cắt đứt. Chính vào giai đoạn này, Libya ngả sang phía thế giới cộng sản và dần dần trở thành đối nghịch với phương Tây. Ðồng thời Libya trợ lực cho các tổ chức quá khích của Palestine và cả Ireland trong sự thực hiện các hoạt động khủng bố.
Cao điểm của tình trạng đối nghịch với Tây phương là ngày 15 tháng 4 năm 1986, Tổng Thống Ronald Reagan cho lệnh mở cuộc oanh tạc không quân vào Tripoli và Benghazi với lý do không quân Libya cản trở và đe dọa hoạt động tự do của Hoa Kỳ trên Ðịa Trung Hải.
Vụ tình báo Libya can dự trong âm mưu đạt bom phá nổ chiếc máy bay của Pan Am trên bầu trời Lockerbie, Scotland, Anh Quốc, ngày 21 tháng 2 năm 1988 làm thiệt mạng 270 người dẫn tới một thời gian dài hơn 10 năm căng thẳng quan hệ với các nước Tây phương và Libya bị đặt trong tình trạng cô lập của một quốc gia tán trợ khủng bố.
Từ 1999, Gadhafi tìm cách tạo hòa hoãn với Tây phương, khởi đầu bằng việc cho dẫn độ hai nghi can khủng bố Lockerbie qua Anh, Những năm tiếp theo, Libya loan báo bãi bỏ chương trình phát triển vũ khí nguyên tử và hóa học. Lệnh cấm vận được giải tỏa năm 2004 và Libya đã có thể trở lại sinh hoạt bình thường trong cộng đồng quốc tế. Năm 2009, Gadhafi được tham dự Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên. Ông đến New York và ngủ trong chiếc lều vải đặc biệt riêng thay vì ở khách sạn. Bài diễn văn trước Ðại Hội Ðồng, theo quy đinh chỉ có 30 phút cho mỗi nhà lãnh đạo, Gadhafi đã đọc dài 96 phút và đề cập đến đủ mọi vấn đề từ hiệu lực của Hội Ðồng Bảo An tới cúm heo, mà theo ông là được tạo ra vì mục tiêu quân sự.
Vẫn có nhiều tác phong không bình thường.như thế của cá nhân Gadhafi là tiêu biểu của một nhà lãnh đạo ở vị trí độc tôn suốt nhiều năm. Ông dùng những lính đánh thuê Phi Châu trong đơn vị phòng thủ Phủ Tổng Thống, và đi theo ông luôn luôn có những nữ cận vệ cũng được thuê từ nước ngoài.
Bất mãn chống đối ở quốc nội từng nhiều lần bị đàn áp tàn bạo có cơ hội bùng lên trở lại đầu năm do tác động của phong trào tranh đấu dân chủ đã thành công ở Tunisia và Ai Cập. Việc bắt giữ những nhà tranh đấu nhân quyền là ngòi lửa phát động các cuộc biểu tính chống chế độ trong các thành phố lớn. Phe chống đối đạt thành công quan trọng khi nắm được quyền kiểm soát thành phố Benghazi miền Ðông và nơi đây trở thành căn cứ của lực lượng nổi dậy.
Tại Tripoli, dân chúng biểu tình chống đối cũng làm chủ được tình thế trước khi Gadhafi phản công, để cho lực lượng trung thành của ông sử dụng vũ lực đàn áp thẳng tay. Lần lượt, Tripoli, Zawiyah, Zlitan,... Và nhiều thành phố khác bị quân của Gadhafi phản công chiếm lại và Benghazi cũng trong tình hình sắp chung số phận. Tới lúc đó, Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đồng thuận ban hành Nghị quyết 1973 lập vùng cấm bay và “cho phép sử dụng mọi phương cách cần thiết để ngăn chặn hành động sát hại dân chúng của chính quyền Gadhafi.”
Ngày 20 tháng 3, không lực Hoa Kỳ, NATO và các đồng minh Á Rập mở cuộc oanh tạc Libya, sau một tuần lễ Hoa Kỳ chấm dứt nhiệm vụ chiến đấu để cho NATO và đồng minh tiếp tục chiến dịch. Với sự hỗ trợ của những phi vụ oanh kích, lực lượng nổi dậy dần dần hồi phục và củng cố sức mạnh, cầm cự được với quân của Gadhafi. Nhưng cuộc nội chiến đẫm máu cũng đã kéo dài thêm 5 tháng trước khi quân nổi dậy chiếm được Tripoli và Gadhafi chạy trốn khỏi thủ đô.
Trong suốt hai tháng tiếp theo, quân nổi dậy chiếm giữ được hầu hết lãnh thổ và chính quyền lâm thời chính thức được sự công nhận của các quốc gia trên thế giới. Tuy vậy vẫn chưa biết Gadhafi ở đâu và đối với chính quyền mới, phải bắt giữ hay hạ sát được lãnh tụ độc tài này thì mới có thể coi là thành công toàn bộ và ổn định an ninh trật tự trở lại.
Cuộc tấn công vào thành phố Sirte, quê quán của Gadhafi, đã gặp sự kháng cự mạnh mẽ hơn hai tuần lễ. Tuy vậy cũng ít ai dự đoán là Gadhafi có mặt tại đây mà tin rằng ông ta đã lẩn tránh ở vùng sa mạc phía Nam, khó bị tìm ra và dễ có đường trốn chạy đi nơi khác. Sự kiện Gadhafi và một toán quân trung thành phải rời bỏ khu vực cầm cự cuối cùng chỉ còn khoảng gần một cây số vuông trong thành phố Sirte để tìm đường tẩu thoát, rồi bị bắt và bị giết sáng Thứ Năm, 20 tháng 10, là chuyện khá đột ngột. Nhưng bất ngờ ấy là điều may mắn tốt đẹp cho dân chúng Libya và toàn thế giới. Con người suốt 42 năm là ác mộng của dân chúng Libya và mối bận tâm cho thế giới, cuối cùng không thoát khỏi số phận bi thảm như đã và sẽ thấy ở những nhà độc tài tàn bạo, ngoan cố trong nỗ lực bám giữ vĩnh viễn quyền lực bất chính của mình. (HC)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=138783&z=313
Cuộc đời Gadhafi qua ảnh
Tự xưng là "vua của các ông vua châu Phi", "thủ lĩnh của các nhà lãnh đạo Ảrập", từ khi lên nắm quyền cách đây 42 năm, Moammar Gadhafi vẫn là một trong những lãnh đạo gây tranh cãi nhất thế giới.
Năm 1969, vị đại úy 27 tuổi Moammar Gadhafi lật đổ vua Libya trong một cuộc chính biến không đổ máu. Ông ta tự phong hàm đại tá và tuyên bố Libya là một quốc gia theo chủ nghĩa xã hội. Theo ông ta, Libya là một nền dân chủ song lời nói của ông ta là luật. |
Gadhafi tuyên bố bản thân là "vua của các vị vua" châu Phi, "lãnh đạo của thế giới Ảrập" và phản đối chủ nghĩa đế quốc. Tuy nhiên về sau này, năm 2009, Gadhafi lại ký một thỏa thuận hợp tác với nước từng đô hộ Libya - Italy. |
Sau khi giành quyền lực, Gadhafi không tự phong danh hiệu tướng lĩnh mà chỉ nhận làm đại tá. Ông ta lý luận rằng một quốc gia được điều hành bởi tập hợp ý chí của dân chúng như Libya không cần một vị tướng làm thủ lĩnh. |
Phương pháp tiếp cận chính trị của Libya là lập nên một thể chế dân chủ trực tiếp ở Libya - một điều mà những người phản đối cho rằng không thể thực hiện trong một quốc gia thuộc thế giới thứ ba có 3 triệu người nằm trên diện tích 1,7 triệu km vuông. Nó chỉ là tấm màn che cho chủ nghĩa độc tài của ông này, giới phân tích nói. |
Yasser Arafat, tổng thống đầu tiên của Palestine, gặp Gadhafi năm 1996. Quan hệ giữa Gadhafi và các quốc gia Ả rập khá êm đẹp. "Tôi không thể thừa nhận nước Palestine hay Israel", ông này từng nói. "Người Palestine là những kẻ ngốc, còn người Israel cũng là những gã khờ". Tháng 1/2009, ông ta viết rằng ông ta ủng hộ giải pháp một quốc gia để giải quyết xung đột Israel-Palestine. |
Một cảnh sát đứng cạnh khoang lái của chiếc máy bay Pan Am 103 phát nổ trên bầu trời Lockerbie, Scotland, làm chết 270 người trên khoang. Chỉ một nghi phạm bị kết án tù vì vụ đánh bom này. Đây là cựu điệp viên của lực lượng tình báo Libya. Nhiều người cho rằng chính phủ của Gadhafi đứng sau vụ Pan Am 103 và vụ đánh bom một hộp đêm Berlin năm 1986 nhằm trả đũa cho hoạt động của Hải quân Mỹ ở vịnh Sidra. |
Năm 2001, Gadhafi tuyên bố rằng bản án đối với cựu điệp viên Libya trong vụ Pan Am 103 là một trò đùa và trái với công lý. Sau đó, năm 2003, chính phủ Libya chính thức thừa nhận đứng đằng sau vụ đánh bom và năm 2008 đã trả nhiều triệu USD cho gia đình các nạn nhân của vụ Pan Am 103, vụ đánh bom ở Berlin và một số vụ khủng bố khác. |
Năm 1990, Nelson Madela và Gadhafi ở Tripoli. Mandela từng nói rằng Libya và Gadhafi từng kêu gọi việc thả ông ra khỏi nhà tù của chế độ phân biệt chủng tộc từ lâu trước khi các nền dân chủ phương Tây lên tiếng. Chính Mandela đã thuyết phục Gadhafi đưa những nghi phạm vụ đánh bom Pan Am 103 ra tòa án quốc tế. |
Gadhafi được bảo vệ bởi một nhóm các nữ binh sĩ và từ lâu kêu gọi giải phóng phụ nữ khắp thế giới. "Phải có một cuộc cách mạng toàn cầu nhằm chấm dứt những thứ ngăn cản phụ nữ thực hiện những vai trò tự nhiên của họ và cả thực hiện những nhiệm vụ của đàn ông để có thể bình đẳng về quyền lợi", ông lập luận. |
Gadhafi bắt tay với người đứng đầu ủy ban châu Âu Romani Prodi ở Bỉ năm 2004. Ông thường xuyên công du với 40-50 cận vệ nữ mặc đồng phục. |
Một trong những dinh thự của Gadhafi ở Tripoli bị hư hại trong một cuộc không kích bởi Mỹ năm 1986. Dấu tích của bom đạn vẫn còn hiển hiện trong bức ảnh chụp năm 2004. Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ra lệnh không kích sau khi có bằng chứng cho thấy Libya tham gia vào vụ đánh bom ở Berlin, nhằm vào binh sĩ Mỹ. Sau vụ đánh bom Berlin, Libya bị cô lập về kinh tế và ngoại giao trong suốt một thập kỷ. |
Năm 1979, nhà văn Italy Oriana Fallaci tiến hành một cuộc phỏng vấn nổi tiếng với Gadhafi, trong đó, bà đặt câu hỏi về sự ủng hộ của ông ta với những nhà độc tài như Idi Amin, ở Uganda. Gadhafi trả lời rằng ông ta là một người bạn với Amin vì "Amin đã và đang chống Israel". |
Gadhafi vạch ra triết lý chính trị trong Sách xanh, trong đó, ông ủng hộ một xã hội không dựa trên chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa xã hội và thể hiện ý chí của dân chúng. "Bạo lực và những thay đổi do bạo lực mang lại đều không phải là dân chủ dù nó là phản ứng trước điều kiện phi dân chủ trước đó. Vậy, giải pháp là gì? Giải pháp nằm ở chỗ người dân là công cụ của chính phủ". |
Gadhafi tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi năm 2003. Gadhafi kêu gọi thành lập một Hợp chủng quốc châu Phi, một liên bang các quốc gia châu Phi. Trong cuốn Sách Xanh, ông ta dự đoán sự nổi lên của lục địa đen. "Một vòng mới của lịch sử sắp xảy ra, sự thống trị của người da vàng ở châu Á và phong trào thuộc địa hóa khắp toàn cầu của người da trắng sắp nhường bước cho sự trỗi dậy của người da đen". |
Gadhafi gặp gỡ Tổng thống Italy Giorgio Bapolitano ở Rome tháng 1/2009. Trong những năm gần đây, Gadhafi liên tục xây dựng hình ảnh Libya là một quốc gia trung dung. Nhà lãnh đạo từng cực lực phản đối chủ nghĩa đế quốc giờ lại kết thân với Italy, từng đô hộ Libya. |
Điệp viên bị kết án trong vụ Lockerbie và con trai của Gadhafi trở về Tripoli tháng 8/2009. Điệp viên này được Scotland thả sau khi đã bóc lịch 8 năm trong tù. Ông này, luôn bác cáo buộc thực hiện vụ đánh bom, được đón như người hùng khi trở về. |
Gadhafi chờ cãc lãnh đạo Ả rập ở sân bay tại thành phố Sirte hồi tháng 3/2006. Phía sau ông ta là một trong những vệ sĩ nữ. "Tôi là một lãnh đạo quốc tế, thủ lĩnh của các lãnh đạo Ả rập, vua của các vị vua châu Phi, lãnh tụ của những con chiên Hồi giáo. Vị thế của tôi không cho phép tôi tự hạ thấp bản thân", Moammar Gadhafi nói năm 2009. |
Mai Trang (Ảnh: Life)
http://vnexpress.net/gl/the-gioi/tu-lieu/2011/10/cuoc-doi-gadhafi-qua-anh/page_1.asp
Geen opmerkingen:
Een reactie posten