zaterdag 1 oktober 2011

Bún tươi, giò chả 'ngậm' hàn the và formol

21/8/2011
Kết quả này được thanh tra Sở Y tế TP HCM công bố hôm nay, sau khi xét nghiệm 6 mẫu thực phẩm gồm giò chả và bún tươi lấy ngẫu nhiên trên thị trường.

Thức ăn vỉa hè dễ có khả năng gây các bệnh về đường tiêu hóa. Ảnh: Thiên Chương
Tại hội nghị phòng chống ngộ độc thực phẩm do Chi cục An toàn thực phẩm TP HCM tổ chức trưa nay, thanh tra Sở Y tế cho biết trong 5 mẫu giò chả không có nhãn hiệu đang bày bán trên thị trường được mang đi xét nghiệm, đã có đến 4 mẫu chứa hàn the vượt mức quy định. Ngoài ra, một mẫu bún tươi sau khi xét nghiệm cũng cho kết quả dương tính với formol.

Đại diện thanh tra Sở Y tế cho biết, formol là hóa chất giúp bún lâu bị hỏng; còn hàn the làm giòn giò chả. Đây là những loại hóa chất có hại, cấm sử dụng trong thực phẩm vì nếu không gây ngộ độc cấp thì cũng ảnh hưởng lâu dài cho sức khỏe người dùng.
Qua các đợt kiểm tra từ đầu năm đến nay, hơn 400 quả trứng chưa qua kiểm dịch cũng bị tiêu hủy; tịch thu 63 kg thịt lợn, bò dê không đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. "Điều này cho thấy, thực phẩm chưa an toàn vẫn còn tồn tại và người dân dễ dàng lãnh đủ hậu quả", một cán bộ thanh tra nói.
Gần một nửa trong số 530 cơ sở cung cấp suất ăn sẵn và bếp ăn tập thể khi kiểm tra có vi phạm. Lỗi thường thấy là điều kiện cơ sở vật chất không đạt vệ sinh. Kiểm tra nhanh 727 dụng cụ chế biến và chứa thức ăn sẵn, có đến 357 mẫu không đạt tiêu chuẩn vi sinh.
Theo thống kê của Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM, chỉ trong hơn một tháng qua, thành phố có 5 vụ ngộ độc tập thể với hơn 628 người nhập viện. Hầu hết các bếp ăn liên quan được kiểm tra sau đó đều không đạt các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
"Nguyên nhân gây ngộ độc thường do thực phẩm không có nguồn gốc; thức ăn nấu từ bếp ăn bên ngoài đưa vào công ty xí nghiệp trên quãng đường xa, phương tiện vận chuyển không đạt chuẩn, thức ăn không được hâm nóng. Đây là điều kiện thuận lợi để vi sinh và các độc tố tự nhiên sinh sôi", ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM nói.
Ông Phạm Kim Bình, Phó chánh Thanh tra Sở Y tế nhận xét, hầu như các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn ít chấp hành quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tỷ lệ bếp ăn tập thể đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm còn rất thấp.
ca_ngu.jpg
Độc tố histamine trong cá ngừ không còn tươi là nguyên nhân chính gây ngộ độc tập thể. Ảnh: Thiên Chương.
Trong khi đó, theo "Điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh, dịch vụ, phục vụ ăn uống" của Bộ Y tế, tất cả các dịch vụ liên quan đến ăn uống từ người bán hàng rong, quán chế biến thức ăn tại chỗ, đến cơ sở chế biến thức ăn tập thể, cơ sở bán thực phẩm, chợ đầu mối... đều phải tuân thủ các nguyên tắc quy định nhằm đảm bảo mang đến thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.
Trên thực tế, việc cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm cho các cơ sở đều chưa thực hiện triệt để, đặc biệt là các cơ sở chế biến thực phẩm theo dạng dùng trong ngày, thực phẩm hàng rong.
Từ năm 2005 đến hết tháng 7/2011, TP HCM có gần 10.000 người bị ngộ độc thực phẩm với 8 trường hợp tử vong. Để hạn chế các vụ ngộ độc tập thể có liên quan đến suất ăn tập thể, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM đã yêu cầu các cơ sở chế biến thức ăn ký cam kết đảm bảo sử dụng thực phẩm có nguồn gốc; đảm bảo thức ăn nóng đến người dùng; thời gian thức ăn thành phẩm đến người dùng không quá 2 giờ đồng hồ...
"Những trường hợp vi phạm cam kết sẽ bị xử phạt nghiêm, thậm chí rút giấy phép kinh doanh", ông Chi cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM nói.
Thiên Chương

http://www.thuocbietduoc.com.vn/tin-tuc-13925-2-4/bun-tuoi-gio-cha-ngam-han-the-va-formol.aspx


Geen opmerkingen:

Een reactie posten