Gia đình ông chủ Tân Hiệp Phát lập hơn 20 công ty bất động sản thâu tóm ‘đất vàng’
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Sau khi ông Trần Quí Thanh, tổng giám đốc tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát, và hai con gái bị bắt và khởi tố với cáo buộc “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản,” công luận mới vỡ lẻ “nghề phụ” mà họ bị bắt là kinh doanh bất động sản.
Ông Thanh cùng con gái Trần Uyên Phương (phó tổng giám đốc) bị công an bắt giam, đồng thời người con gái thứ hai là Trần Ngọc Bích (phó tổng giám đốc, kiêm giám đốc công ty Number One Hà Nam) bị khởi tố, vào chiều 10 Tháng Tư.
Theo báo VietNamNet hôm 11 Tháng Tư, giai đoạn 2018-2019, gia đình ông Trần Quí Thanh gây chú ý khi thành lập hơn 20 công ty có kinh doanh bất động sản với tổng vốn điều lệ lên đến 20,000 tỷ đồng (gần $852.9 triệu).Kể từ khi tham gia lĩnh vực bất động sản, Tân Hiệp Phát đã âm thầm gom quỹ đất trải dài khắp các tỉnh thành nhưng chủ yếu ở thành phố Đà Nẵng, Sài Gòn và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đỉnh điểm là vào năm 2019, chỉ trong vòng một tuần, bà Phạm Thị Nụ – vợ ông Trần Quí Thanh – và hai con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích đã thành lập 10 công ty bất động sản. Và vốn sở hữu hầu hết do vợ con ông Thanh đứng tên góp vốn.
Chỉ ít tháng sau khi thành lập, 10 công ty bất động sản bất ngờ giải thể với cùng lý do “không có dự án để đầu tư, phát triển và việc duy trì hoạt động của doanh nghiệp không có hiệu quả.”
Trong hơn 20 công ty, hiện chỉ còn một số ít công ty còn hoạt động, đơn cử như công ty Cổ Phần Đầu Tư Century Bay Đà Nẵng (Century Bay Đà Nẵng) do bà Trần Uyên Phương đại diện pháp luật.
Century Bay Đà Nẵng là chủ sử dụng hai khu “đất vàng” tổng diện tích gần 15,000 mét vuông tại phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, Đà Nẵng.
Năm 2018, công ty Tân Hiệp Phát nhận chuyển nhượng quyền sử dụng của hai khu đất này từ một cá nhân rồi lại chuyển nhượng cho Century Bay Đà Nẵng.
Một doanh nghiệp khác là công ty Cổ Phần Bất Động Sản Song Thanh. Công ty này đang triển khai dự án khu phức hợp Suntory Bay nằm ở quận Hải Châu, Đà Nẵng, với tổng mức đầu tư 5,000 tỷ đồng ($213.2 triệu).
Tại Sài Gòn, năm 2018, gia đình ông Thanh đã bỏ ra 163 tỷ đồng ($6.9 triệu) để nhận chuyển nhượng tám lô “đất vàng” từ một cá nhân.
Ngoài tích lũy các khu “đất sạch” để không phải giải tỏa mặt bằng, gia đình ông Thanh còn tham gia các cuộc đấu giá đất.
Giai đoạn 2017-2020, trong chín khu đất tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bán đấu giá thành công, thì có ba khu đất về tay ông Thanh và con gái Trần Ngọc Bích.
Trong đó, nhiều nghi vấn nhất là cuộc đấu giá khu đất 79,481 mét vuông khu An Hải-An Hội, huyện Côn Đảo, hồi Tháng Mười Hai, 2019. Khu đất này có giá khởi điểm 537 tỷ đồng ($22.9 triệu), chỉ có bà Trần Ngọc Bích và một người khác tham gia đấu giá. Và cuối cùng qua hai vòng đấu giá, bà Bích “trúng thầu” với giá hơn 537.3 tỷ đồng ($22.91 triệu).
Nghi ngờ có gian lận, qua thẩm định, cơ quan hữu trách tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định hai người tham gia đấu giá “có sự trùng hợp về thời gian, địa điểm xác nhận số dư tài khoản ngân hàng, cam kết cấp tín dụng của ngân hàng; trùng khớp về địa điểm công chứng ủy quyền tham gia đấu giá.”
Sau đó, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã không ra quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá khu đất này cho bà Trần Ngọc Bích.
Tương tự hồi Tháng Mười Hai, 2022, ông Trần Quí Thanh được đồn thổi là “đại gia có nhiều tiền mặt nhất Việt Nam,” gây xôn xao dư luận khi tham gia buổi đấu giá bốn lô “đất vàng” tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức, song khi kết thúc buổi đấu giá này, ông Thanh ra về tay không. (Tr.N) [qd]
Gia đình ông chủ Tân Hiệp Phát lập hơn 20 công ty thâu tóm ‘đất vàng’ (nguoi-viet.com)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten