Năng lượng tái tạo VN: Nghịch lý tăng than dù thừa điện mặt trời và câu hỏi về điện khí LNG - Bài 1
- Mỹ Hằng
- BBC News Tiếng Việt
Việt Nam có kế hoạch tăng nhập khẩu than để sản xuất điện, ít nhất trong thập kỷ tới, bất chấp đang thừa điện mặt trời và mới ký thỏa thuận trị giá hơn 15 tỷ USD hỗ trợ từ các nước phát triển để giảm điện than.
Việc này cũng đặt ra một câu hỏi là Việt Nam có nên tập trung đầu tư khí hóa lỏng (LNG) vì có ý kiến cho rằng chúng rẻ hơn và ít rủi ro hơn so với năng lượng tái tạo.
Tăng nhập than...
"Kế hoạch tăng nhập than của Việt Nam sẽ làm căng thẳng thêm năng lực nhập khẩu than hiện tại.
"Chỉ riêng việc nhập khẩu than đã có thể đòi hỏi phải có thêm các cơ sở hạ tầng mới, ngay khi Việt Nam vừa tiến một bước gần hơn tới cam kết phát thải bằng không", ông Ryan Driskell Tate, Giám đốc Chương trình Than của Global Energy Monitoring nói với BBC News Tiếng Việt.
Việc 'tiến một bước gần hơn' mà ông Ryan Driskell Tate đề cập, là ám chỉ thỏa thuận JETP mà Việt Nam ký cuối 2022 để nhận khoản hỗ trợ hơn 15,5 tỷ USD từ các nước phát triển nhằm chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Trên thực tế, ngành than Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi lượng than nhập khẩu mỗi năm cho sản xuất công nghiệp trong thập kỷ tới, theo tờ trình chính phủ cuối năm 2022 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Theo đó, tổng nhu cầu than trong nước năm 2022 hơn 108,4 triệu tấn, sẽ tăng lên:
- 2025: gần 115 triệu tấn
- 2030: 137,3 triệu tấn
- 2040: 150,5 triệu tấn
Để đáp ứng nhu cầu nói trên, Việt Nam có kế hoạch nhập:
- Từ nay đến 2025: 71 triệu tấn than mỗi năm
- 2025-2030: 90 triệu tấn mỗi năm
- 2030-2035: 105 triệu tấn mỗi năm
- 2035-2040: 107 triệu tấn mỗi năm
Chỉ từ 2045 Việt Nam mới dự kiến giảm dần lượng than nhập khẩu xuống còn 32-35 triệu tấn/ nắm, với kỳ vọng đảm bảo được cam kết phát thải bằng 0 vào năm 2050 mà chính phủ Việt Nam đã đặt ra tại Thượng định Khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP26).
Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là nước dồi dào năng lượng mặt trời và gió vào bậc nhất Đông Nam Á.
Nghịch lý là các doanh nghiệp điện gió và mặt trời tại Việt Nam đang lao đao, thậm chí lâm vào nguy cơ phá sản do nhiều nguyên nhân như:
- Nhà nước thiếu cơ chế giá phù hợp cho loại hình điện tái tạo
- Quy trình cấp phép chưa rõ ràng
- Điện từ mặt trời và gió sản xuất ra chỉ bán được cho Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) khoảng 50%, do lưới điện quốc gia bị 'quá tải'
- Chưa có quy hoạch quốc gia về không gian biển (cho phát triển điện gió ngoài khơi)...
Tự 'mua dây buộc mình'
Theo bà Courtney Weatherby, Phó Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson, kế hoạch tăng nhập khẩu than trong ngắn hạn của Việt Nam là 'có thể hiểu được', khi mà năng lượng tái tạo còn là lĩnh vực mới mẻ với nước này.
"Việt Nam chỉ mới làm quen với năng lượng tái tạo trong vòng 5 năm qua và lưới điện quốc gia vẫn còn lạc hậu, chưa theo kịp sự chuyển đổi, do đó chưa thể tải hết lượng điện mặt trời và gió...."
Tuy nhiên, bà Weatherby cảnh báo rằng nếu Việt Nam tiếp tục quay trở lại đầu từ cho điện than thì sẽ chẳng khác nào 'mua dây buộc mình', tự 'trói' mình vào một loại năng lượng đã 'hết thời'.
Bà Weatherby cũng cảnh báo khả năng các công ty đa quốc gia đang đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam sẽ tìm đến các quốc gia khác - nơi chính phủ quan tâm đầu tư hơn cho năng lượng tái tạo.
Còn theo số liệu do bà Flora Champenois, chuyên gia phân tích tại Global Energy Monitor cung cấp cho BBC, ngoài các nhà máy điện than đang hoạt động, Việt Nam còn có 11 nhà máy điện than mới đang và sẽ được xây dựng trong những năm tới.
Hầu hết trong số đó là vốn đầu tư từ Trung Quốc.
Việt Nam hiện chỉ đứng sau Trung Quốc về điện than trong số các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong.
Có nên đầu tư LNG?
Giới chức Việt Nam và nhà đầu tư đã nói nhiều về đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hoá lỏng (LNG), coi đây là một nguồn năng lượng rẻ hơn và bớt rủi ro hơn đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Việt Nam cũng nổi lên là một trong những thị trường nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cho phát điện tiềm năng nhất ở châu Á với các dự án tỉ đôla, gắn với các tên tuổi như Exxon và AES Corporation.
Về vấn đề này, bà Courtney Weatherby cho rằng Việt Nam cần đầu tư vào cả năng lượng tái tạo và LNG, trong đó cần tập trung hơn vào chuyển đổi sang năng lượng tái tạo về mặt lâu dài.
"Hai cản trở lịch sử đối với năng lượng tái tạo là giá thành và tính rủi ro, hay còn gọi là tính không ổn định. Tuy nhiên, giá thành của năng lượng tái tạo đã hạ rất nhiều và đến nay không còn là vấn đề nữa," bà Courtney Weatherby nói với BBC News Tiếng Việt.
"Ví dụ, giá điện mặt trời đã giảm xấp xỉ 85% từ năm 2009 và tiếp tục giảm bởi quy trình sản xuất được mở rộng và cải thiện. Điện gió cũng giảm ở mức tương tự trong cùng khung thời gian.
"Thậm chí ngay giữa đại dịch, Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế đã chỉ ra rằng chi phí cho cả hai nguồn năng lượng tái tạo trên tiếp tục giảm và đang ngày càng trở nên cạnh tranh."
Trong khi đó, ông Robert Rozansky, nhà phân tích và nghiên cứu LNG tại tổ chức Global Energy Monitoring không tán thành việc đầu tư vào LNG. Ông nới với BBC:
"Năm vừa qua đã nhấn mạnh những rủi ro - đặc biệt là ở châu Á - khi phụ thuộc vào LNG.
"Sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, thị trường LNG toàn cầu đầy biến động đã làm giảm nhu cầu đối với LNG trên khắp châu Á, khiến các dự án mới bị đình trệ và thậm chí khiến một số nền kinh tế nhạy cảm về giá như Pakistan và Bangladesh, không có đủ nhiên liệu sản xuất điện.
"Về lâu dài, năng lượng tái tạo có lưu trữ là lựa chọn an toàn hơn và rẻ hơn cho Việt Nam so với LNG. Chi phí năng lượng tái tạo dự kiến sẽ tiếp tục giảm.
"Cơ sở hạ tầng LNG mới và các thỏa thuận mua bán sẽ trói Việt Nam vào việc phải nhập khẩu một loại nhiên liệu đắt tiền, dễ biến động trong nhiều thập kỷ, và thách thức khả năng đáp ứng các cam kết phát thải bằng không của Việt Nam," ông Robert Rozansky cảnh báo.
Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Năng lượng và Nghiên cứu Tài chính (IEEFA) công bố tháng 12/2022, nhu cầu LNG đang hạ ở các nước châu Á do giá cả không ổn định, đắt đỏ ( giá LNG tăng 300% vào tháng 10/2022 ở châu Á) và những thách thức về nguồn cung trên thị trường toàn cầu. Ở nhiều thị trường mới nổi, nhiều dự án nhập khẩu LNG đã bị hủy hoặc đình trệ.
Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) tuyên bố 'kỷ nguyên vàng của gas' đã chấm dứt.
Báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới mới đây nhất của IEA đã dự đoán nhu cầu LNG sẽ giảm vào năm 2050 xuống 750 tỷ mét khối, thấp hơn 15% so với dự báo năm ngoái.
* Các bạn đọc trọn vẹn Bài 2 và Bài 3 trong chùm 3 bài về năng lượng Việt Nam.
Năng lượng tái tạo VN: Thừa điện gió và mặt trời, chỉ còn 'chờ quyết tâm của chính phủ' - Bài 2
- Mỹ Hằng
- BBC News Tiếng Việt
Các nhà máy điện mặt trời và các tua bin điện gió dọc bờ biển Ninh Thuận hứa hẹn sự bùng nổ năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Tiềm năng thì ngút ngàn, nhưng rào cản cũng vô số, khiến Việt Nam dù được đánh giá là dồi dào điện gió và mặt trời nhất khu vực châu Á vẫn chật vật chuyển mình sang năng lượng sạch.
Năm 2021, Tập đoàn Trung Nam (Trungnam Group) gửi thư cho Bộ Công thương Việt Nam đề nghị tiếp tục sử dụng toàn bộ công suất điện mà nhà máy sản xuất để giúp họ trang trải chi phí đầu tư và "tránh phá sản", theo Reuters. Do EVN chỉ mua 50% điện cho tập đoàn này sản xuất.
Tình trạng này không chỉ xảy ra với Trung Nam, mà được cho là với tất cả các nhà máy điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam hiện nay.
"Vấn đề lớn ở đây là không có đầu tư đầy đủ, toàn diện để nâng cấp lưới điện quốc gia. Và do đó tại nhiều địa phương, lưới điện quốc gia đơn giản là không thể tải được điện từ các nguồn năng lượng tái tạo mới vốn luôn biến đổi," bà Courtney Weatherby, Phó Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm Stimson trụ sở tại Mỹ, nói với BBC News Tiếng Việt.
"Hệ thống điện lưới quốc gia được thiết kế để tải điện từ các nhà máy điện truyền thống và hiện không có sự linh hoạt để sử dụng tốt nhất nguồn năng lượng tái tạo được sản xuất," bà nói.
Chật vật làm điện tái tạo
Để tìm hiểu chi tiết hơn những khó khăn, thách thức mà các công ty điện gió và mặt trời tại Việt Nam đang đối mặt, BBC News Tiếng Việt đã liên hệ với một số doanh nghiệp tại Ninh Thuận nhưng không nhận được câu trả lời.
Khi chúng tôi gọi tới số điện thoại đăng trên website giới thiệu nhà máy điện mặt trời Sinenergy Ninh Thuận, một người đàn ông nghe máy nhưng cho hay đã nghỉ làm tại đó và nói không còn biết ai ở nhà máy nữa.
Liên hệ với nhà máy điện mặt trời Mỹ Sơn, câu hỏi của chúng tôi được phản hồi là 'hay', 'đúng trọng tâm', sau đó được chuyển cho bộ phận hành chính để 'chuyển cho lãnh đạo'. Nhưng sau đó không thấy hồi âm.
Một số doanh nghiệp khác khi gọi điện thoại đổ chuông nhưng không có người nhấc máy.
Trong khi đó, một bài viết trên Chinadialogue mới đây đăng phần trả lời ngắn của một số người làm việc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam, cho thấy phần nào khó khăn mà họ đang gặp phải.
Một người tên Tai Em nói: "Hệ thống lưới điện quốc gia đang quá tải."
"Đôi khi, nếu họ sản xuất 100 [megawatt] trong một ngày, họ chỉ có thể bán 50. Phần còn lại sẽ bị vứt bỏ."
"Đó là một sự lãng phí. Họ cần nâng cấp lưới điện quốc gia."
Tại trang trại gió Chính Thắng 50 MW ở miền nam Ninh Thuận, giám đốc nhà máy Phạm Minh Đức cho biết đôi khi họ cắt giảm tới 80% sản lượng.
"Điều đó phụ thuộc vào người điều phối từ EVN. Chúng tôi không có quy trình tính toán… Chúng tôi chỉ làm theo quy định."
"Quy định thay đổi đổi mỗi ngày."
Tại trang trại điện gió Adani Phước Minh, giám đốc nhà máy điện Đinh Văn Thắng cho hay nhà máy phải cắt giảm khoảng 20% sản lượng năng lượng mặt trời và 50% năng lượng gió mỗi tháng.
Làm ra thừa điện mà không bán được là nghịch lý của ngành năng lượng tái tạo non trẻ ở Việt Nam hiện nay.
Quyết tâm của chính phủ tới đâu?
Lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi tham nhũng," ông Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên của ISEAS tại Singapore được dẫn lời trên Chinadialogue nhận định.
Đặc phái viên khí hậu Hoa Kỳ John Kerry năm ngoái khi thăm Hà Nội đã phát biểu rằng tỷ lệ sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo đã lắp đặt của Việt Nam quá thấp.
Theo số liệu của Global Energy Monitoring cung cấp cho BBC News Tiếng Việt, cho tới tháng 1/2023, Việt Nam được xếp vào danh sách 20 nước có tiềm năng điện gió và mặt trời lớn nhất, có có khả năng đóng góp lần lượt 2,37% và 1,2% điện gió vào tổng công suất điện gió và mặt trời toàn cầu.
Tuy nhiên tính đến hết năm 2022, điện gió và mặt trời mới chỉ chiếm gần 13% tổng công suất phát điện của Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam dự kiến tăng công suất điện mặt trời và điện gió lên hơn 6 lần vào năm 2030 tăng thêm 30% vào 2050.
Vấn đề là Việt Nam sẽ làm thế nào để đạt được mục tiêu này.
Ông Hiệp nói rằng các nhà đầu tư ban đầu coi cơ chế giá điện tái tạo hào phóng của chính phủ Việt Nam là một cơ hội tốt để kiếm tiền, nên nhạy vào chạy giấy phép gấp rút để đáp ứng thời hạn.
Kết quả là công suất điện tái tạo tăng vọt và bị 'thừa', và giờ đây chính phủ Việt Nam không muốn phát triển các dự án mới nữa.
"Quy hoạch năng lượng tái tạo rất lộn xộn," ông Hiệp nói.
Trên Diễn đàn Năng lượng Tái tạo Việt Nam, ý kiến từ những doanh nghiệp và cá nhân bàn bạc rất sôi nổi về các khó khăn, vướng mắc và cơ hội cho ngành này tại Việt Nam.
Một ý kiến cho rằng với tiềm năng hiện tại, mọi vướng mắc đều có thể giải quyết, vấn đề là quyết tâm của chính phủ tới đâu.
Giải pháp?
Nâng cấp lưới điện quốc gia là ý kiến của ông Shradhey Prasad, Giám đốc Dự án Global Wind Power Tracker của Global Energy Mornitoring khi trao đổi với BBC:
"Với 12 GW năng lượng mặt trời quy mô lớn và 82 GW điện công suất gió đã công bố hoặc đang trong các giai đoạn phát triển khác nhau, Việt Nam nên ưu tiên bổ sung khả năng truyền tải và lưu trữ để phù hợp với cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo sắp tới của mình, đồng thời duy trì sự độc lập về năng lượng và giảm thiểu biến động giá quốc tế của nhiên liệu hóa thạch,"
Trong khi để đối phó với tình trạng quá tải lưới điện và sự thất thường của điện tái tạo, bà Courtney Weatherby từ Trung tâm Stimson nêu giải pháp với BBC:
"Có một số thay đổi mà lưới điện quốc gia có thể thực hiện để tải được nguồn điện tái tạo.
"Ví dụ, tìm cách tăng độ linh hoạt của hệ thống điện lưới quốc gia và có sự phối hợp để giảm lượng điện từ nguồn truyền thống như than hay gas khi có dồi dào điện từ mặt trời, sau đó lại tăng điện từ nguồn truyền thống khi nguồn điện từ mặt trời và gió giảm.
"Theo dõi các thông số hoạt động và thời tiết - và áp dụng các kiến thức này vào kế hoạch truyền tải lưới điện - có thể giúp giải quyết vấn đề."
Về cơ chế chính sách, đã có nhiều ý kiến tư vấn từ các chuyên gia năng lượng về việc Việt Nam cần:
- Xây dựng một Ủy ban liên bộ, ngành để hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc trong các quy trình cấp phép đầu tư, khảo sát thăm dò và xây dựng dự án.
- Xây dựng quy hoạch phát triển lưới điện quốc gia và các quy định về giá mua, bán điện, đấu thầu... hợp lý
- Xây dựng quy hoạch phát triển điện quốc gia và quy hoạch không gian biển
- Xây dựng các văn bản pháp luật hướng dẫn phát triển điện gió ngoài khơi, điện mặt trời...
- Có cơ chế cấp phép đơn giản, cơ chế giá mang tính khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư...
Năng lượng tái tạo Việt Nam qua các con số
Theo số liệu mới nhất của Global Energy Mornitoring cung cấp cho BBC News Tiếng Việt, hiện Việt Nam có:
- 147 nhà máy điện mặt trời đang vận hành. công suất 12300 MW
- 19 nhà máy điện đang xây dựng
- 79 trang trại điện gió đang vận hành,, công suất 4.646 MW
- 39 trang trại điện gió đang xây dựng
Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.200 km, chưa kể quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các tiểu hải đảo. được đánh giá là một lợi thế về nguồn tài nguyên năng lượng.
Theo số liệu đánh giá tiềm năng (về lý thuyết - kỹ thuật) của Ngân hàng Thế giới, công suất điện gió ngoài khơi của Việt Nam khoảng 475 GW. Trong một số nghiên cứu của tổ chức khác, tiềm năng gió ngoài khơi Việt Nam có thể đạt đến hơn 900 GW, tập trung chủ yếu vùng Trung bộ, Nam Trung bộ và một phần duyên hải Bắc bộ.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten