donderdag 8 december 2022

Mỹ, Nga tranh nhau bán vũ khí cho Việt Nam tại triển lãm đầu tiên ở Hà Nội + Việt Nam chuyển hướng mua bán vũ khí trong lúc nới lỏng quan hệ với Nga

 

Mỹ, Nga tranh nhau bán vũ khí cho Việt Nam tại triển lãm đầu tiên ở Hà Nội

08/12/2022
Tên lửa phòng không S125-2TM do Nga sản xuất được trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng Việt Nam 2022, tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 8/12/2022.

Hôm 8/12, các công ty quốc phòng của Hoa Kỳ và Nga trưng bày vũ khí và quảng cáo các mẫu máy bay tại triển lãm quốc phòng quy mô lớn đầu tiên ở Việt Nam, khi hai cường quốc tranh giành ảnh hưởng và mua bán vũ khí ở quốc gia Đông Nam Á có địa thế chiến lược giáp với Trung Quốc, theo Reuters.

Sự kiện đang diễn ra tại căn cứ không quân Hà Nội thu hút 174 nhà triển lãm đến từ 30 quốc gia, bao gồm tất cả các quốc gia sản xuất vũ khí lớn, ngoại trừ Trung Quốc.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper nói với giới truyền thông bên lề sự kiện rằng Triển lãm quốc phòng này “đại diện cho một giai đoạn mới trong nỗ lực toàn cầu hóa, đa dạng hóa và hiện đại hóa của Việt Nam và Hoa Kỳ muốn tham gia vào đó”.

Ông Knapper cho biết Hoa Kỳ muốn tăng cường hợp tác quân sự với Việt Nam - chủ yếu giới hạn ở các tàu tuần duyên và máy bay huấn luyện kể từ khi lệnh cấm vận vũ khí kết thúc vào năm 2016 - và sẵn sàng thảo luận về các nhu cầu quốc phòng của Việt Nam, đặc biệt là về năng lực hàng hải.

170 nhà sản xuất vũ khí tham gia triển lãm quốc phòng lớn nhất tại Việt Nam

No media source currently available

0:000:01:410:00
 Đường dẫn trực tiếp 

Việt Nam và Trung Quốc vướng vào tranh chấp lãnh thổ kéo dài đối với các quần đảo và thăm dò năng lượng ở Biển Đông, với những lo ngại một ngày nào đó có thể dẫn đến đối đầu.

Trung Quốc được mời tham gia triển lãm vũ khí này nhưng đã từ chối lời mời, vẫn theo Reuters.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc tại sự kiện này nói rằng Hà Nội hiện hướng tới mục tiêu đa dạng hóa nguồn vũ khí “vì mục tiêu bảo vệ Tổ quốc”.

Mục tiêu đa dạng hóa này của Việt Nam được nhiều người xem là một phương châm để giảm sự phụ thuộc vào Nga về vũ khí, mặc dù các nhà phân tích nhấn mạnh rằng bất kỳ sự thay đổi nào có thể xảy ra sẽ diễn ra dần dần.

Tên lửa của Nga R17-E trưng bày tại Hà Nội, ngày 8/12/2022.
Tên lửa của Nga R17-E trưng bày tại Hà Nội, ngày 8/12/2022.

Cơ quan thương mại vũ khí của Nga Rosoboronexport có mặt tại triển lãm này với một gian hàng lớn trưng bày máy bay không người lái, xe bọc thép, máy bay trực thăng, máy bay và vũ khí hạng nhẹ của Nga.

Ông Alexander Mikheev, Tổng giám đốc Rosoboronexport, cho biết trong một tuyên bố rằng cơ quan này “sẵn sàng thảo luận về hợp tác trong lĩnh vực hợp tác công nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng” với Việt Nam.

Nga cho đến nay là nhà cung cấp vũ khí chính cho Việt Nam, đáp ứng 80% nhu cầu của Hà Nội, nhưng sức hấp dẫn của nước này đã giảm trong thời gian gần đây, trong khi cuộc chiến Ukraine có thể hạn chế xuất khẩu quốc phòng đến Việt Nam và các biện pháp trừng phạt ngăn cản những người mua tiềm năng.

Trong số các công ty trưng bày sản phẩm của họ có Colt thuộc sở hữu của Séc, công ty có vũ khí hạng nhẹ được binh lính Mỹ sử dụng nhiều nhất trong Chiến tranh Việt Nam.

“Những cựu thù có thể trở thành bạn hữu”, bà Jens Heider, giám đốc bán hàng quốc tế của Colt, nói với Reuters.

Triển lãm cũng là cơ hội để các công ty quốc phòng Việt Nam lần đầu tiên bán vũ khí của mình cho các khách hàng quốc tế tiềm năng.

Viettel, một công ty viễn thông thuộc sở hữu của quân đội, đồng thời là công ty quốc phòng lớn nhất của Việt Nam, trưng bày các hệ thống radar, máy bay không người lái và giám sát mới, những vũ khí mà các quan chức của họ cho biết đã thu hút các đại diện đến từ Mông Cổ, Campuchia và Belarus tại triển lãm.


Mỹ, Nga tranh nhau bán vũ khí cho Việt Nam tại triển lãm đầu tiên ở Hà Nội (voatiengviet.com)


Việt Nam chuyển hướng mua bán vũ khí trong lúc nới lỏng quan hệ với Nga

08/12/2022
Mẫu tàu ngầm KILO trưng bày tại Triển lãm vũ khí Moscow vào năm 2015. Việt Nam là khách hàng mua tàu ngầm KILO của Nga.

Việt Nam đang tập trung vào một sự thay đổi lớn trong quốc phòng khi tìm cách giảm phụ thuộc vào vũ khí của Nga và đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí sản xuất trong nước, với bên mua có thể đến từ châu Phi, châu Á và có thể thậm chí là cả Moscow, theo lời các quan chức và nhà phân tích nói với Reuters.

Quốc gia Đông Nam Á là một trong 20 quốc gia mua vũ khí lớn nhất thế giới giữa bối cảnh căng thẳng leo thang với Trung Quốc, với ngân sách nhập khẩu vũ khí hàng năm ước tính khoảng 1 tỷ USD và sẽ còn tăng, theo GlobalData, nhà cung cấp dữ liệu toàn cầu về mua sắm quân sự.

Hầu hết ngân sách này trước đây đều được trả cho Nga, quốc gia trong nhiều thập niên là nhà cung cấp vũ khí và hệ thống phòng thủ chính của Việt Nam. Điều đó khiến Việt Nam trở thành một trong những khách hàng mua vũ khí hàng đầu của Nga, theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), cơ quan theo dõi chi tiêu quân sự toàn cầu.

Nhưng điều này đang thay đổi khi Việt Nam đang cố trở nên tự chủ hơn, có được những thiết bị tiên tiến mà Nga không thể cung cấp và đối mặt với áp lực của phương Tây trong việc giảm mua vũ khí từ Moscow giữa bối cảnh nước này xâm lược Ukraine, các nhà phân tích cho biết.

Thay vào đó, Việt Nam đang chuyển sang các nhà cung cấp từ châu Âu, Đông Á, Ấn Độ, Israel và Hoa Kỳ, theo lời các nhà ngoại giao, quan chức và nhà phân tích. Việt Nam cũng đang thúc đẩy ngành công nghiệp quân sự trong nước với sự hỗ trợ từ Israel và các đối tác khác, đồng thời hy vọng sẽ có thể xuất khẩu vũ khí, vẫn theo lời các nhà phân tích và các quan chức.

Ông Nguyễn Thế Phương, trước đây là nhà nghiên cứu quốc phòng tại Đại học Quốc gia Việt Nam và hiện tại ở Đại học New South Wales, Australia, cho biết thậm chí đã có những cuộc thảo luận nội bộ vào tháng 10 về việc liệu Việt Nam có nên bán vũ khí cho Nga hay không, mặc dù chưa có quyết định nào về việc này sẽ sớm xảy ra.

Đại sứ quán Nga tại Hà Nội và các bộ quốc phòng và ngoại giao của Việt Nam không bình luận gì với Reuters.

Theo Bộ Quốc phòng Việt Nam, bắt đầu từ thứ Năm, Việt Nam sẽ tổ chức hội chợ thương mại vũ khí quốc tế quy mô lớn đầu tiên, với hơn 170 công ty từ 30 quốc gia đã đăng ký.

Danh sách bao gồm các công ty phương Tây như nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin của Hoa Kỳ, Nexter của Pháp, các nhóm quốc phòng từ Israel, Ấn Độ, Nhật Bản và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Sự kiện kéo dài ba ngày tại Hà Nội sẽ giúp Việt Nam “đa dạng hóa các kênh mua sắm và nguồn công nghệ để sản xuất thiết bị quân sự cho quân đội đất nước và xuất khẩu”, Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết trong một tuyên bố vào tháng 11.

CHÀO HÀNG

Ngành công nghiệp quốc phòng của Việt Nam đang sản xuất các phương tiện vũ trang và vũ khí hạng nhẹ, chẳng hạn như tên lửa chống tăng, súng phóng lựu và súng máy, ông Nguyễn Thế Phương nói.

Ông cho biết thêm rằng Việt Nam đã bắt đầu phát triển các hệ thống công nghệ cao hơn, bao gồm máy bay không người lái, radar và tên lửa chống hạm, thường là hợp tác với các công ty nước ngoài.

Bộ Quốc phòng Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters mà đề nghị chuyển các câu hỏi về công nghiệp quốc phòng của Việt Nam cho Bộ Ngoại giao.

Tuần trước, Bộ Quốc phòng trên tờ báo chính thức của mình cho biết công ty quân sự Z111 thuộc sở hữu nhà nước sẽ trưng bày súng ngắn, súng máy, súng trường tấn công và súng bắn tỉa tại hội chợ vũ khí, với mục đích xuất khẩu chúng.

Hàng chục công ty quốc phòng Việt Nam, bao gồm cả Viettel do quân đội kiểm soát, cũng sẽ trưng bày sản phẩm của họ. Chính phủ và các công ty quân sự không công bố dữ liệu về doanh số bán hàng.

Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao tại SIPRI, cho biết khả năng sản xuất vũ khí của Việt Nam được biết đến là rất hạn chế, chỉ có máy bay không người lái trinh sát loại nhỏ được ra mắt trong thập niên qua, mặc dù nước này đã tăng cường khả năng lắp ráp radar, tên lửa và tàu do đối tác nước ngoài thiết kế.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một chuyên gia về mua sắm quân sự và là khách mời cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore, cho biết những bên mua vũ khí nhỏ có thể là Lào, quốc gia láng giềng của Việt Nam, và các nước châu Phi, nơi Việt Nam có thể đưa ra mức giá cạnh tranh.

Các nước Mỹ Latinh và các quốc gia Đông Nam Á khác là những khách hàng tiềm năng, theo ông Nguyễn Thế Phương.

Gần mười công ty quốc phòng Nga đã đăng ký tham gia hội chợ ở Hà Nội, bao gồm cả Rosoboronexport, cơ quan nhà nước xuất nhập khẩu vũ khí.

ĐA DẠNG

Theo TS. Hà Hoàng Hợp, Việt Nam đang đàm phán các thỏa thuận khả thi để nhập khẩu vệ tinh và các sản phẩm lưỡng dụng khác từ các đối tác khác ngoài Nga.

Điều đó sẽ đẩy nhanh xu hướng giảm nhập khẩu vũ khí của Nga, với giá trị giảm xuống chỉ còn 72 triệu đôla vào năm ngoái (30% tổng lượng nhập khẩu) từ mức cao nhất năm 2014 là 1 tỷ đô la, chiếm gần 90% tổng số năm đó, theo SIPRI .

Nhập khẩu từ Nga đã giảm hàng năm kể từ đó, ngoại trừ năm ngoái, khi phục hồi nhẹ sau năm 2020. Năm đó, đại dịch COVID-19 làm giảm nhập khẩu quân trang của Việt Nam xuống chỉ còn 32 triệu đôla, trong đó 9 triệu đôla là vũ khí của Nga.

Dữ liệu của SIPRI cho thấy, trong những năm gần đây, Việt Nam đã mua thiết bị quân sự từ các nhà cung cấp mới, bao gồm Hoa Kỳ, Israel, Hà Lan và Hàn Quốc.

Với cuộc chiến ở Ukraine, mà Nga gọi là “chiến dịch đặc biệt”, Việt Nam dường như đang tăng tốc đa dạng hóa.

Các nhà phân tích nói Ấn Độ, Israel và các nước Đông Âu có vị thế tốt hơn trong tư cách là nhà cung cấp thay thế vì họ có thể cung cấp vũ khí tương thích với các hệ thống của Nga hiện vẫn chiếm 80% kho vũ khí của Việt Nam.

Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về ngoại giao Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc ở Canberra, nói đối với các hệ thống tiên tiến hơn, các nhà sản xuất ở Tây hoặc Đông Á cũng có thể là những nhà cung cấp tiềm năng cho Việt Nam.


Việt Nam chuyển hướng mua bán vũ khí trong lúc nới lỏng quan hệ với Nga (voatiengviet.com)


Geen opmerkingen:

Een reactie posten