zondag 4 december 2022

Cuộc chiến Ukraine: Mỹ nói giá trần dầu Nga (60 USD/thùng) sẽ giáng đòn ngay vào Putin

 Cuộc chiến Ukraine: Mỹ nói giá trần dầu Nga sẽ giáng đòn ngay vào Putin

gia tran dau Nga

NGUỒN HÌNH ẢNH,REUTERS

Mức giá trần mới đối với dầu Nga sẽ "ngay lập tức cắt giảm nguồn thu quan trọng nhất của Putin", phía Mỹ cho biết.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết mức giá trần mà các đồng minh phương Tây chính thức thông qua hôm 2/12, được đưa ra sau nhiều tháng làm việc.  

Mức giá này ngăn các quốc gia trả hơn 60 USD cho một thùng dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga.  

Giá trần sẽ có hiệu lực vào ngày 5/12 hoặc không lâu sau đó.

Những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá lương thực và năng lượng tăng cao sẽ đặc biệt được hưởng lợi từ mức giá trần này, bà Yellen cho biết. 

Bộ trưởng Mỹ nói rằng điều này cũng hạn chế nhiều hơn tài chính của Tổng thống Nga Vladimir Putin và "hạn chế các khoản thu mà ông ta sử dụng để tài trợ cho cuộc xâm lược tàn bạo của mình". 

“Với nền kinh tế Nga đang suy thoái và ngân sách ngày càng hạn hẹp, mức giá trần sẽ ngay lập tức cắt giảm nguồn thu quan trọng nhất của ông Putin”, bà Yellen phát biểu.  

Mức giá trần đã được nhóm các quốc gia G7 (Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và EU) đưa ra hồi tháng 9 nhằm đánh vào khả năng tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine của Moscow. 

Liên minh châu Âu đã thông qua mức giá trần - vốn cần có sự đồng ý của tất cả các quốc gia thành viên - vào hôm 2/12, sau khi thuyết phục được Ba Lan tán thành. 

Ba Lan tuyên bố ủng hộ sau khi được đảm bảo rằng mức giá trần sẽ được giữ ở mức thấp hơn 5% so với tỷ giá thị trường. 

Có thông tin cho rằng EU muốn đặt giá trần ở mức 65-70 USD nhưng điều này đã bị Ba Lan cũng như Litva và Estonia bác bỏ vì cho rằng quá cao. 

Warsaw muốn giá trần dầu càng thấp càng tốt và đã kéo dài thời gian trong khi xem xét một cơ chế điều chỉnh giữ mức trần dưới mức thị trường khi giá dầu thay đổi. 

Trong một tuyên bố chung, G7, EU và Úc cho biết quyết định áp giá trần được đưa ra để "ngăn Nga trục lợi từ cuộc chiến xâm lược Ukraine". 

Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cho biết nước Anh sẽ không dao động trong việc ủng hộ và sẽ tiếp tục tìm kiếm những cách thức mới để "kiềm chế các dòng thu của Putin". 

Thỏa thuận về giá trần được đưa ra chỉ vài ngày trước khi lệnh cấm dầu nhập khẩu bằng đường biển của Nga có hiệu lực trên toàn EU, cũng vào ngày 5 tháng 12. 

Mức giá trần – gây ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu trên toàn thế giới - là để bổ sung cho lệnh cấm này.

Các quốc gia đăng ký chính sách do G7 dẫn đầu sẽ chỉ được phép mua dầu và các sản phẩm dầu mỏ vận chuyển qua đường biển ở mức bằng hoặc thấp hơn giá trần. 

Các đồng minh phương Tây của Ukraine cũng có kế hoạch từ chối bảo hiểm cho các tàu vận chuyển dầu của Nga tới các quốc gia không tuân theo giá này. Điều này sẽ khiến Nga khó bán dầu trên mức giá trần. 

Nga phản đối kế hoạch này, nói rằng họ sẽ không cung cấp dầu cho những quốc gia áp đặt giá trần. 

Chủ tịch uỷ ban đối ngoại, chính trị gia cấp cao của Nga Leonid Slutsky nói với hãng tin Tass rằng EU đang gây nguy hiểm cho an ninh năng lượng của chính họ với mức giá trần.

Tỷ trọng dầu nhập khẩu từ Nga ở một số nước châu Âu
Chụp lại hình ảnh,

Tỷ trọng dầu nhập khẩu từ Nga ở một số nước châu Âu

Trước cuộc chiến ở Ukraine, vào năm 2021, hơn một nửa lượng dầu xuất khẩu của Nga là sang châu Âu, theo Hiệp hội Năng lượng Quốc tế. Đức là quốc gia nhập khẩu nhiều nhất, tiếp theo là Hà Lan và Ba Lan. 

Nhưng kể từ sau cuộc xâm lược, các nước EU đã cố gắng hết sức để giảm sự phụ thuộc của họ vào mặt hàng này. Mỹ đã cấm dầu thô của Nga, trong khi Anh có kế hoạch loại bỏ dầu Nga vào cuối năm nay. 

Mặc dù Nga chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp này, nhưng đòn giáng sẽ được xoa dịu một phần nhờ việc bán dầu cho các thị trường khác như Ấn Độ và Trung Quốc - những nước hiện là khách hàng mua dầu thô lớn nhất của Nga.

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cw4npkjg4emo

Geen opmerkingen:

Een reactie posten