Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sắp sang Trung Quốc hội kiến với người tương nhiệm là Tổng bí thư Đảng Cộng sản-Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình theo lời mời của ông Tập.
Theo thông cáo của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng CSVN, đây sẽ là chuyến thăm chính thức kéo dài trong 4 ngày, từ 30/10-2/11/2022. Do là chuyến thăm chính thức nên ông Trọng sẽ được phía Trung Quốc tiếp đón với đầy đủ nghi lễ dành cho nguyên thủ quốc gia.
Thông cáo của Ban Đối ngoại không nêu rõ chương trình làm việc của ông Trọng ở Trung Quốc cũng như thành phần phái đoàn của ông Trọng gồm những ai.
Chuyến thăm của ông Trọng diễn ra sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ vừa kết thúc Đại hội lần thứ 20 hôm 23/10 để đưa ông Tập Cận Bình lên làm Tổng bí thư nhiệm kỳ thứ ba, củng cố quyền lực của ông Tập hơn nữa với tư cách là ‘lãnh đạo hạt nhân’ của đảng và với ban lãnh đạo tối cao mới chủ yếu là những người trung thành với ông Tập.
Như vậy, ông Trọng sẽ trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà ông Tập đón tiếp kể từ khi đắc cử nhiệm kỳ thứ ba.
Trung Quốc cũng là nước đầu tiên ông Trọng đến thăm và ông Tập cũng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên ông Trọng đến gặp kể từ sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 hồi đầu năm ngoái mà khi đó ông Trọng được bầu lên làm nhiệm kỳ thứ ba. Ông Trọng đã không công du nước ngoài kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Kể từ khi lên cầm quyền tối cao ở mỗi nước, ông Trọng ở Việt Nam vào năm 2011 và ông Tập ở Trung Quốc vào năm 2012, hai nhà lãnh đạo có những điểm tương đồng. Cả hai ông đều phá vỡ nguyên tắc về tuổi tác và nhiệm kỳ để tiếp tục nắm quyền sang nhiệm kỳ thứ ba.
Trong khi ông Tập phát động chiến dịch ‘đả hổ diệt ruồi’ để chống tham nhũng và triệt hạ đối thủ; ở Việt Nam, ông Trọng cũng thực hiện chiến dịch ‘đốt lò’ để làm trong sạch bộ máy đảng và củng cố quyền lực của ông. Ông Trọng đã nhiều lần cử các phái đoàn từ Việt Nam sang để học hỏi kinh nghiệm chống tham nhũng của Trung Quốc.
Khi ông Trọng mới lên nắm quyền sau Đại hội 11 hồi năm 2011, ông cũng đã dẫn đầu một phái đoàn hùng hậu gồm nhiều Ủy viên Bộ Chính trị đi thăm Trung Quốc đầu tiên vào cuối năm đó theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc khi đó là ông Hồ Cẩm Đào và tiếp xúc với người sắp lên nắm quyền là ông Tập Cận Bình.
Đến sau Đại hội 12 hồi năm 2016, ông Trọng cũng đã đi Trung Quốc vào đầu năm 2017 để hội kiến với ông Tập Cận Bình.
Việc lãnh đạo tối cao hai nước nhiều lần thăm viếng nhau đầu tiên sau khi đắc cử nhiệm kỳ mới cho thấy họ rất xem trọng mối quan hệ song phương giữa hai đảng, hai nước.
Trung Quốc hiện là một trong số rất ít nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Quan hệ hai nước vừa có mặt hợp tác vừa có mặt đấu tranh. Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch năm 2021 đạt 165,8 tỷ đô la, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam.
Đồng thời giữa Bắc Kinh và Hà Nội vẫn xảy ra nhiều tranh chấp trên Biển Đông. Dưới thời ông Tập Cận Bình, Trung Quốc đã hành xử quả quyết và mạnh bạo hơn trên Biển Đông và đã xảy ra những sự cố va chạm nghiêm trọng giữa hai nước như vụ Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào thềm lục địa Việt Nam hồi năm 2014 và đưa tàu vào quấy nhiễu Bãi Tư Chính hồi năm 2019 bất chấp lãnh đạo hai nước đã thống nhất về ‘nhận thức chung để xử lý các tranh chấp trên biển’.
Hôm 23/10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi điện chúc mừng ông Tập Cận Bình sau khi ông được tái bầu làm Tổng bí thự Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 20.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten