4 bộ phim kinh dị, ‘sởn gai ốc’ trong thập niên 1970
Nhất Anh/Người Việt
HOLLYWOOD, California (NV) – Trở về thời thập niên 1970, kinh đô điện ảnh Hollywood đón chào những tác phẩm kinh dị rùng rợn với thủ thuật điện ảnh hù dọa khán giả bằng tài năng diễn xuất hấp dẫn của dàn diễn viên, sự sáng tạo từ phục trang, tạo hình cho thấy sự đầu tư lớn của các hãng phim lớn.
Dưới bàn tay “nhào nặn” và tài biến hóa của các đạo diễn có tiếng, bốn bộ phim dưới đây không chỉ được xếp vào các tác phẩm kinh dị kinh điển mà còn đóng góp cho văn hóa điện ảnh Hollywood nói riêng và Nghệ Thuật Thứ Bảy trên thế giới nói chung.
Don’t Look Now (1973)
“Don’t Look Now” do hãng phim Casey Production phát hành năm 1973 là tác phẩm được xem là một trong những bộ phim kinh dị tàn khốc, ám ảnh và lại mang dáng vẻ gợi cảm nhất từng được thể hiện trên phim.
Bộ phim của đạo diễn Nicolas Roeg không khai thác theo chiều hướng hù dọa khán giả bằng các màn máu me rùng rợn mà sự kinh dị ở đây chính là những ám ảnh bên trong con người khi đối mặt với những mất mát, đau thương và bị kẹt trong mớ cảm xúc hỗn độn và rối như tơ vò đó.
Câu chuyện về cặp vợ chồng John Baxter và Laura Baxter quyết định chuyển đến Venice sinh sống sau khi trải qua mất mát to lớn vì đứa con gái yêu thương bé bỏng của mình qua đời. Tại đây, John và Laura vô tình gặp một nhà ngoại cảm già và bà cảnh báo cho cả hai biết một bi kịch khác lại sẽ chuẩn bị xảy ra mà không thể nào tránh khỏi.
Đạo diễn Nicolas Roeg đã lồng ghép rất nhiều hình ảnh ẩn dụ trong phim, từ lớp này sang đến lớp khác, đan xen những phân cảnh hồi tưởng và hiện tại, khiến người xem bị cuốn vào tầng tầng lớp lớp tâm lý của nhân vật khi chính họ không thể nào thoát ra khỏi mớ bòng bong đó.
Thủ thuật màu sắc trong phim cũng góp phần rất lớn trong việc tạo nên kịch tính và kết nối với khán giả khi sắc đỏ được làm nổi bật hơn trên khung hình, báo hiệu cho những nguy hiểm vô hình trong sâu thẳm trong lòng.
Bên cạnh việc chọn thể loại kinh dị theo một hướng rất khác thì tác phẩm của đạo diễn Nicolas Roeg cũng vấp phải vô số những tranh cãi khi lần đầu tiên có cảnh diễn viên khỏa thân 100% và có cả cảnh ân ái dài đến tận 4 phút.
Jaws (1975)
“Jaws,” hay tiếng Việt còn được biết đến với cái tên “Hàm Cá Mập,” là tác phẩm được mệnh danh là kinh điển thuộc thể loại kinh dị do thiên nhiên gây ra của nền điện ảnh thế giới.
Bộ phim của đạo diễn tài năng Steven Spielberg tiên phong trong việc thể hiện lại một thảm họa chết chóc ám ảnh cho loài người, trở thành một cơn ác mộng mà không ai muốn gặp phải trong đời.
Vùng Amity Island ở New England với thời tiết ấm áp, biển xanh và cát vàng luôn là địa điểm được mọi người ưa thích để tắm biển và thư giãn, bất thình lình bị một con cá mập trắng tấn công, khiến cảnh tượng trở nên hỗn loạn và có thương vong.
Với sự tấn công chết chóc của cá mập, bộ ba gồm cảnh sát trưởng New England, nhà nghiên cứu về hải dương học và thợ săn cá mập cùng hợp tác với nhau để tìm ra giải pháp chiến đấu, trả lại sự yên bình cho vùng biển nơi đây.
Hình ảnh chiếc hàm cá mập to lớn vồ lấy nạn nhân dễ như trở bàn tay khiến người xem “hồn vía lên mây.” Cảnh tượng máu me tung tóe, nước biển xanh thẫm bỗng dưng được nhuộm đỏ hay thậm chí là những cánh tay, cánh chân bị đứt lìa nằm chổng chênh trên cát sẽ làm ám ảnh và hoảng sợ cho những ai chứng kiến.
Carrie (1976)
Nhà văn Stephen King nổi tiếng với các cuốn tiểu thuyết kinh dị gây ám ảnh cho người đọc, một trong số đó có tác phẩm “Carrie,” được hãng Red Bank Films chuyển thể thành phim vào năm 1976.
Cô nữ sinh trung học Carrie White có biệt tài di chuyển các đồ vật không giống ai khác. Khi đi học, cô bị bạn bè châm chọc và bắt nạt khiến ngày càng bị cô lập, đơn độc và lập dị hơn. Không chỉ thế, tuổi thơ của cô gắn liền với những trận đòn roi hà khắc của người mẹ Margaret khi bà luôn ám ảnh về việc có quỷ dữ nhập vào con gái mình.
Carrie trở nên điên loạn và không thể kiểm soát được siêu năng lực của mình tại buổi tiệc trong trường khi cô tiếp tục trở thành trò cười để bạn bè trêu chọc, làm nhục bẽ bàng. Năng lực của Carrie biến cô từ một cô nữ sinh trung học ít nói, lầm lì trở thành một kẻ cuồng sát, trả thù cho những chịu đựng đau đớn về thể xác lẫn tinh thần mà cô trải qua từ nhỏ.
Với sự diễn xuất tuyệt vời của minh tinh Sissy Spacek trong vai Carrie và minh tinh Piper Laurie trong vai người mẹ lập dị Margaret đã khiến khán giả không khỏi khiếp vía, thông qua đó là thông điệp về những lời nói, hành động trêu chọc tưởng chừng như vô hại có thể đem lại nhiều tiềm ẩn nguy hiểm vô hình.
Alien (1979)
Trước đây, các bộ phim của các nhà làm phim Hollywood từng đề cập đến người ngoài hành tinh nhưng có thể nói “Alien” của đạo diễn Ridley Scott, phát hành năm 1973 là tác phẩm đầu tiên mạnh dạn khai thác xuyên suốt về những con người ở hành tinh khác ở thể loại kinh dị và khoa học viễn tưởng.
Phim xoay quanh cuộc chiến sinh tồn của một phi hành đoàn bao gồm bảy phi hành gia chuẩn bị trở về Trái Đất thì bất ngờ nhận được tín hiệu cầu cứu. Con tàu Nostromo không ngờ mình chính là con mồi của một quái vật ngoài hành tinh khát máu, tàn độc và ăn thịt người.
Đặc biệt là mỗi khi kẻ săn mồi Xenomorph xuất hiện cướp đi mạng sống của mỗi nhân vật, nó giống như một vết cứa vào da thịt người xem khi xảy ra một cách bất ngờ, đường đột và không hề có thời gian và tâm lý để chuẩn bị cho những gì sẽ xảy ra tiếp theo đó. Ngoài ra, sự sợ hãi tột độ, hoảng hốt của các nhân vật trong phim khi gặp nguy hiểm trên không gian của con tàu chật hẹp cũng sẽ khiến khán giả “hú hồn hú vía.” Hình ảnh con quái vật nhảy xé toẹt cái bụng của phi hành gia Kane và phóng ra ngoài săn mồi hay như cái miệng đầy dịch vàng chảy ra của Xenomorph cắn xé con mồi khiến nhiều người “yếu bóng vía” nôn mửa vì quá ám ảnh.
Sự kết hợp giữa đạo diễn Ridley Scott và nhà biên kịch Dan O’Bannon đã tạo tiền đề cho các nhà làm phim tiếp theo khai thác tiếp kẻ săn mồi ngoài hành tinh kinh hãi này, trong đó có tác phẩm “Alien” của đạo diễn James Cameron, phát hành năm 1986 và “Alien 3” của đạo diễn David Fincher, phát hành năm 1992. (Nhất Anh) [qd]
—–
Liên lạc tác giả: nguyen.nhatanh@nguoi-viet.com
4 bộ phim kinh dị, ‘sởn gai ốc’ trong thập niên 1970 (nguoi-viet.com)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten