donderdag 8 september 2022

Nữ hoàng Anh vừa tạ thế ở Lâu đài Balmoral, Scotland, thọ 96 tuổi + Nhìn lại cuộc đời Nữ hoàng Anh Elizabeth II (1926-2022) + Ảnh Nữ hoàng Elizabeth II bổ nhiệm 15 đời thủ tướng Anh

 

Nữ hoàng Anh vừa tạ thế ở Lâu đài Balmoral, Scotland, thọ 96 tuổi

Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ nhị của Anh Quốc
Chụp lại hình ảnh,

Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ nhị của Anh Quốc

Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị vừa tạ thế ở Lâu đài Balmoral, Scotland, thọ 96 tuổi, theo cáo phó của Hoàng gia Anh.

Bà trị vì trên ngai vàng Anh Quốc 70 năm.

Những người thân thiết của bà trong Hoàng gia đang có mặt ở dinh thự tại Scotland sau khi tin tức về sức khoẻ kém đi của bà được loan báo hôm Thứ Năm.

Ngay sau khi có tin Nữ hoàng từ trần, con trai cả của bà, Thái tử Charles, sẽ trở thành vị Vua mới và chủ trì các lễ tưởng niệm, lễ tang cho bà. Ông cũng sẽ thay bà làm nguyên thủ quốc gia của 14 thuộc Khối Thịnh vượng chung.

Điện Buckingham cho biết "Nữ hoàng từ trần trong yên lặng ở Balmoral chiều nay.

"Nhà vua sẽ ở tại Balmoral tối nay và trở về London ngày mai.

Cháu nội lớn của Nữ hoàng, Hoàng tử William đã có mặt ở Balmoral, và em trai ông Hoàng tử đang trên đường tới nơi.

Đài BBC và các kênh truyền hình tại Anh Quốc vừa chạy tin dữ với các bài điếu văn ghi nhận và ca ngợi công lao đóng góp của Nữ hoàng cho Anh và cho thế giới.

Lên ngôi trong thập niên 1950, thời kỳ cai trị lâu dài của Nữ hoàng Elizabeth II được đánh dấu bằng ý thức nghĩa vụ mạnh mẽ và quyết tâm dâng hiến đời mình cho ngai vàng và nhân dân.

Với nhiều người, bà trở thành điểm tựa trong một thế giới thay đổi nhanh chóng: ảnh hưởng của Anh quốc suy giảm, xã hội thay đổi chóng mặt và vai trò của chế độ quân chủ bị nghi ngờ.

Thành công của bà khi duy trì nền quân chủ qua những thời gian biến động càng đáng khâm phục hơn khi chúng ta biết, vào lúc bà sinh ra, không ai dự đoán ngai vàng sẽ là định mệnh của bà.

Bài đang được cập nhật.

https://www.bbc.com/vietnamese/62842287

Nhìn lại cuộc đời Nữ hoàng Anh Elizabeth II (1926-2022)

Nữ hoàng Anh Elizabeth II năm 1966

NGUỒN HÌNH ẢNH,YOUSUF KARSH / CAMERA PRESS

Chụp lại hình ảnh,

Nữ hoàng Anh Elizabeth II năm 1966

Thời kỳ cai trị lâu dài của Nữ hoàng Elizabeth II được đánh dấu bằng ý thức nghĩa vụ mạnh mẽ và quyết tâm dâng hiến đời mình cho ngai vàng và nhân dân.

Với nhiều người, bà trở thành điểm tựa trong một thế giới thay đổi nhanh chóng: ảnh hưởng của Anh quốc suy giảm, xã hội thay đổi chóng mặt và vai trò của chế độ quân chủ bị nghi ngờ.

Thành công của bà khi duy trì nền quân chủ qua những thời gian biến động càng đáng khâm phục hơn khi ta biết, vào lúc bà sinh ra, không ai dự đoán ngai vàng sẽ là định mệnh của bà.

Elizabeth Alexandra Mary Windsor sinh ngày 21/4/1926 trong ngôi nhà không xa Quảng trường Berkeley, London. Bà là con đầu của Albert, Công tước xứ York (con trai thứ hai của Vua George V) và Elizabeth Bowes-Lyon.

Elizabeth và em gái, Margaret Rose, sinh năm 1930, được dạy ở nhà, lớn lên trong môi trường gia đình thương yêu. Elizabeth rất gần gũi với cha và ông, Vua George V.

Em bé Elizabeth và bố mẹ trong lễ rửa tội

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Em bé Elizabeth và bố mẹ trong lễ rửa tội

Bà được cho là có ý thức trách nhiệm cao ngay từ khi còn bé. Winston Churchill, thủ tướng tương lai, được dẫn lời nói rằng Elizabeth "có phong thái lãnh đạo thật đáng kinh ngạc cho một đứa trẻ".

Dù không đến trường, Elizabeth giỏi ngôn ngữ và nghiên cứu kỹ cả lịch sử hiến pháp.

Khi Vua George V qua đời năm 1936, con trai cả, David, trở thành Vua Edward VIII.

Nhưng việc ông chọn vợ, bà Wallis Simpson người Mỹ hai lần ly hôn, không được chấp nhận vì lý do tôn giáo và chính trị. Đến cuối năm đó, ông từ ngôi.

Công tước xứ York miễn cưỡng trở thành Vua George VI. Ngày đăng quang của ngài cho Elizabeth nhìn thấy phần nào những gì chờ cô phía trước. Sau này bà viết mình thấy buổi lễ "rất tuyệt vời".

Công chúa Elizabeth, cùng bố mẹ và em gái Margaret, tại lễ đăng quang của bố

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Công chúa Elizabeth, cùng bố mẹ và em gái Margaret, tại lễ đăng quang của bố

Trong bối cảnh căng thẳng tăng cao ở châu Âu, vị tân vương, cùng vợ, Hoàng hậu Elizabeth, muốn phục hồi niềm tin của người dân vào nền quân chủ. Hình mẫu của họ hẳn được con gái chú ý.

Năm 1939, công chúa 13 tuổi đi theo Vua và Hoàng hậu đến Trường Hải quân Hoàng gia ở Dartmouth. Cùng em gái Margaret, công chúa có sự tháp tùng của người anh em họ ba đời, Hoàng tử Philip xứ Hy Lạp.

Trở ngại

Đó không phải lần đầu họ gặp mặt, nhưng là lần đầu tiên cô chú ý anh ta. Đến năm 1944, khi cô 18 tuổi, Elizabeth rõ ràng đã yêu anh. Cô giữ hình anh trong phòng và họ trao đổi thư từ.

Cô công chúa tham gia Lực lượng Hỗ trợ mặt đất (ATS) vào lúc chiến tranh sắp hết, học lái xe tải.

Trong ngày Chiến thắng, cô cùng hoàng gia có mặt ở Điện Buckingham, cùng hàng ngàn người dân chào mừng ngày kết thúc chiến cuộc ở châu Âu.

Sau chiến tranh, việc cô muốn cưới Philip gặp nhiều trở ngại.

Nhà vua không muốn con gái mà ông yêu quý, và Philip phải vượt qua thành kiến của giới quý tộc không chấp nhận nguồn gốc nước ngoài của ông.

Công chúa Elizabeth (phải) và Margaret phát thanh tới nhân dân trong Thế chiến Hai
Chụp lại hình ảnh,

Công chúa Elizabeth (phải) và Margaret phát thanh tới nhân dân trong Thế chiến Hai

Nhưng ý muốn của cặp đôi đã chiến thắng. Ngày 20/11/1947, họ kết hôn ở Tu viện Westminster.

Philip trở thành Công tước xứ Edinburgh tiếp tục là sĩ quan phục vụ trong hải quân. Ít nhất trong thời gian ngắn, việc ông ở Malta giúp cặp đôi trẻ có cuộc sống tương đối bình thường.

Con trai đầu, Charles, sinh năm 1948, theo sau là em gái chào đời năm 1950.

Nhưng nhà vua, đã bị căng thẳng trong những năm chiến tranh, bị ung thư phổi, do cả đời hút thuốc.

Tháng Giêng 1952, Elizabeth, khi đó 25 tuổi, và Philip có chuyến đi nước ngoài. Nhà vua, không nghe bác sĩ, đã ra phi trường tiễn họ. Đó là lần cuối Elizabeth nhìn thấy cha.

Elizabeth nghe tin cha mất khi đang ở Kenya và ngay lập tức về lại London trong tư cách Nữ hoàng.

Sau này bà nhớ lại: "Phần nào đó tôi không kịp học việc. Cha tôi qua đời quá trẻ, nên bỗng dung tôi nhận việc và cố gắng làm sao cho tốt."

Công chúa Elizabeth làm lễ cưới với Philip Mountbatten

NGUỒN HÌNH ẢNH,PA

Chụp lại hình ảnh,

Công chúa Elizabeth làm lễ cưới với Philip Mountbatten

Australia và New Zealand

Lễ đăng quang tháng Sáu 1953 được truyền hình, bất chấp phản đối của Thủ tướng Winston Churchill. Hàng triệu người quây quần quanh máy truyền hình, với nhiều người đây là lần đầu tiên, theo dõi Nữ hoàng Elizabeth II tuyên thệ.

Đây là lúc Anh quốc vẫn đang thắt lưng buộc bụng sau chiến tranh, và nhiều nhà bình luận xem lễ đăng quang mở đầu cho thời đại Elizabeth.

Thế chiến Hai làm sự kết liễu của Đế chế Anh xảy ra nhanh hơn. Đến khi tân Nữ hoàng có chuyến công du dài ngày tới Khối thịnh vượng chung tháng 11/1953, nhiều cựu thuộc địa như Ấn Độ đã giành lại độc lập.

Elizabeth trở thành nhà vua đương kim đầu tiên thăm Australia và New Zealand. Ước tính ba phần tư dân Úc khi đó ra đường để nhìn thấy nữ hoàng.

Trong thập niên 1950 thêm nhiều nước giã từ lá cờ liên hiệp. Các cựu thuộc địa nay trở thành cộng đồng các nước tự nguyện.

Nhiều chính khách cảm thấy Khối thịnh vượng chung có thể là đối trọng của Cộng đồng Kinh tế châu Âu mới thành lập. Ở một mức nào đó, chính sách của Anh tách ra khỏi Lục địa.

Lễ đăng quang là dịp đầu tiên truyền trực tiếp trên tivi Anh

NGUỒN HÌNH ẢNH,PA

Chụp lại hình ảnh,

Lễ đăng quang là dịp đầu tiên truyền trực tiếp trên tivi Anh

Công kích cá nhân

Nhưng sự đi xuống ảnh hưởng của Anh quốc bị đẩy nhanh vì biến cố kênh đào Suez năm 1956. Khi đó rõ là Khối thịnh vượng chung không có ý chí tập thể để hợp tác trong lúc khủng hoảng.

Quyết định gửi quân Anh vào Ai Cập để ngăn đe dọa quốc hữu hóa kênh đào Suez rốt cuộc chỉ dẫn đến việc rút lui nhục nhã, khiến Thủ tướng Anh Anthony Eden phải từ chức.

Nữ hoàng Anh dính vào khủng hoảng chính trị. Đảng Bảo thủ không có cơ chế bầu lãnh đạo mới và sau một loạt tham vấn, Nữ hoàng mời Harold Macmillan thành lập chính phủ mới.

Nữ hoàng cũng bị Lord Altrincham chỉ trích cá nhân. Trong một bài báo, ông nói triều đình "quá Anh" và "thượng lưu", cáo buộc bà không biết nói chuyện mà không cần văn bản.

Bình luận của ông gây giận dữ trên báo chí, và ông bị đánh trên đường phố.

Tuy vậy, vụ việc cho thấy xã hội và thái độ của người Anh với nền quân chủ đang thay đổi nhanh chóng, và những sự chắc chắn cũ đang bị đặt dấu hỏi.

Được chồng khuyến khích, Nữ hoàng bắt đầu thích ứng với trật tự mới. Chữ "nền quân chủ" dần dần được thay bằng "gia đình hoàng gia".

Chuyến công du đến Mỹ năm 1957 của Nữ hoàng

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Chuyến công du đến Mỹ năm 1957 của Nữ hoàng

Năm 1963 khi Harold Macmillan từ chức thủ tướng, Nữ hoàng một lần nữa ở trong trung tâm tranh cãi chính trị. Đảng Bảo thủ vẫn chưa lập ra hệ thống chọn tân lãnh đạo, Nữ hoàng nghe lời khuyên của ông và bổ nhiệm Alec Douglas-Home thay thế.

Đó là thời điểm khó khăn cho Nữ hoàng. Dấu ấn chung của thời kỳ bà cai trị là tuân thủ hiến pháp, và tách nền quân chủ ra khỏi chính phủ.

Đây là lần cuối bà ở trong tình trạng này. Đảng Bảo thủ sau đó xóa bỏ truyền thống để lãnh đạo mới "tự hiện ra" và lập nên một hệ thống chính thức.

Việc Harold Macmillan từ chức gây ra khủng hoảng hiến pháp

NGUỒN HÌNH ẢNH,TERRY DISNEY / GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Việc Harold Macmillan từ chức gây ra khủng hoảng hiến pháp

Đến cuối thập niên 1960, Điện Buckingham thấy cần có bước đi tích cực để chứng tỏ Hoàng gia không xa cách.

Kết quả là có một phim tài liệu đặc biệt, Hoàn gia. Đài BBC được phép quay hoàng gia tại nhà. Có hình ảnh họ ăn uống ở vườn, trang trí cây Noel, lái xe đưa con đi chơi - những hoạt động bình thường nhưng chưa từng cho ai thấy.

Những người chỉ trích cho rằng bộ phim này của Richard Cawston phá hủy sự huyền nhiệm của hoàng gia khi cho thấy họ cũng chỉ là người bình thường.

Nhưng bộ phim phản ánh không khí thay đổi của thời đại và góp phần giúp khôi phục sự ủng hộ của công chúng dành cho nền quân chủ.

Đến năm 1977, người dân nhiệt tình đón mừng lễ kỷ niệm 25 năm nữ hoàng tại vị, qua các lễ hội đường phố và buổi lễ khắp vương quốc. Nền quân chủ có vẻ yên tâm được công chúng yêu chuộng, và vai trò lớn phải kể là nhờ Nữ hoàng.

Phim tài liệu Royal Family
Chụp lại hình ảnh,

Phim tài liệu Royal Family

Hai năm sau, Margaret Thatcher trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Anh. Quan hệ giữa nữ nguyên thủ và người phụ nữ đứng đầu chính phủ được cho là có lúc không thoải mái.

Bê bối và tai họa

Một lĩnh vực khó khăn là tình cảm của Nữ hoàng dành cho Khối Thịnh vượng chung, mà bà đứng đầu. Bà biết các lãnh đạo châu Phi và có thiện cảm với họ.

Bà được cho là "khó hiểu" về thái độ và phong thái đối đầu của bà Thatcher, trong đó có sự phản đối của thủ tướng đối với các biện pháp trừng phạt Nam Phi dưới chế độ apartheid.

Năm tháng qua đi, các nghĩa vụ chính thức của Nữ hoàng vẫn tiếp tục. Sau Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, bà thăm Mỹ, trở thành người đứng đầu hoàng gia đầu tiên của Anh phát biểu trước lưỡng viện Mỹ.

Lâu đài Windsor bị cháy

NGUỒN HÌNH ẢNH,PA

Chụp lại hình ảnh,

Lâu đài Windsor bị cháy

Tuy nhiên, một năm sau, một loạt bê bối và tai họa bắt đầu ảnh hưởng đến Hoàng gia.

Con trai thứ hai của Nữ hoàng, Công tước xứ York, và vợ Sarah ly thân. Cuộc hôn nhân của Công chùa Anne với Mark Phillips cũng kết thúc bằng cuộc ly hôn. Rồi con trai trưởng của bà, Charles cùng vợ, Công nương Diana, hóa ra cũng không hạnh phúc và chia tay.

Năm đó còn có đám cháy lớn tại Lâu đài Windsor, dinh thự được Nữ hoàng ưa thích nhất. Đó dường như là biểu tượng thích hợp cho hoàng gia đang gặp khó khăn.

Định chế quân chủ ở trong thế phòng thủ. Điện Buckingham được mở cho khách vào thăm để có tiền sửa Windsor. Nữ hoàng Anh và Thái tử cũng loan báo sẽ đóng thuế trên thu nhập đầu tư.

Hy vọng vào Khối Thịnh vượng chung, từng rất cao khi bà mới lên ngôi, đã không được như ý. Anh quốc có những quan hệ mới tại châu Âu.

Nữ hoàng vẫn thấy Khối Thịnh vượng chung nhiều giá trị và rất hài lòng khi Nam Phi xóa bỏ chế độ apartheid. Tháng Ba 1995, bà thăm nước này.

Ở trong nước, Nữ hoàng cố gắng giữ uy tín của nền quân chủ trong lúc công chúng tranh luận liệu định chế này có tương lai không.

Nữ hoàng bị chỉ trích sau cái chết của Công nương Diana

NGUỒN HÌNH ẢNH,PA

Chụp lại hình ảnh,

Nữ hoàng bị chỉ trích sau cái chết của Công nương Diana

Cái chết của Công nương Diana

Hoàng gia bị rúng động và Nữ hoàng bị chỉ trích bất thường sau cái chết của Công nương Diana trong tai nạn ô tô ở Paris tháng 8/1997.

Trong lúc công chúng tụ họp ở các cung điện ở London, đặt hoa tưởng nhớ, Nữ hoàng dường như miễn cưỡng không muốn làm tâm điểm như bà vẫn làm trong những khoảnh khắc quan trọng của quốc gia.

Nhiều người chỉ trích bà không hiểu rằng bà thuộc thế hệ dội lại trước cơn bộc lộ thương đau của quần chúng, gần như kích động, thể hiện sau khi công nương mất.

Bà cũng cảm thấy mình là người bà cần an ủi các con trai của Diana trong vòng gia đình riêng tư.

Cuối cùng bà phát biểu truyền hình trực tiếp, tôn vinh người con dâu và cam kết nền quân chủ sẽ thích ứng với thời đại.

Nữ hoàng Elizabeth II tại một buổi lễ mừng sinh nhật 80 của bà

NGUỒN HÌNH ẢNH,PA

Chụp lại hình ảnh,

Nữ hoàng Elizabeth II tại một buổi lễ mừng sinh nhật 80 của bà

Mất mát, và đón mừng

Cái chết của Mẹ Nữ hoàng và Công chúa Margaret, trong năm 2002 (đánh dấu 50 năm trị vì), phủ bóng lên các lễ ăn mừng trên toàn quốc.

Dù vậy, và dù vẫn còn tranh cãi về tương lai nền quân chủ, một triệu người đã có mặt ở khu trước Điện Buckingham, vào buổi tối đánh dấu 50 năm trị vì của bà.

Tháng Tư 2006, hàng ngàn người có mặt trên đường phố Windsor khi Nữ hoàng xuất hiện đánh dấu sinh nhật 80.

Và tháng 11/2007, bà cùng chồng ăn mừng 60 năm hôn nhân, với buổi lễ có 2.000 người dự tại Tu viện Westminster.

Tháng Tư 2011, bà lại dự lễ cưới của cháu trai, William, cùng Catherine Middleton.

Trưng cầu dân ý

Trưng cầu dân ý độc lập của Scotland tháng Chín 2014 là lúc thử thách cho Nữ hoàng.

Ít ai lại quên diễn văn của bà trước Quốc hội năm 1977, là lúc bà bày tỏ cam kết về một vương quốc thống nhất.

Khi nói chuyện với người dân ở Balmoral ngay trước lúc diễn ra trưng cầu dân ý, mà rõ ràng cố tình để nghe được, bà nói bà hy vọng người dân nghĩ rất cẩn thận về tương lai.

Sau khi có kết quả, tuyên bố công khai của bà bày tỏ sự an lòng rằng vương quốc vẫn thống nhất, dù thừa nhận không gian chính trị đã thay đổi.

Tháng Chín 2015, bà trở thành nhà cai trị lâu nhất trong lịch sử Anh quốc.

Tháng Tư 2016, bà đón mừng sinh nhật 90.

Mặc dù nền quân chủ có thể không còn mạnh như lúc bà mới lên ngôi, bà quyết tâm làm sao định chế này vẫn giữ được sự yêu kính trong trái tim người Anh.

Vào dịp đánh dấu 25 năm cai trị, bà nhắc lại lời cam kết bà từng nói khi năm Nam Phi 30 năm trước.

"Khi tôi 21, tôi hiến đời mình cho nhân dân và tôi nhờ Thượng đế giúp hoàn thành lời thề. Mặc dù lời thề nói ra lúc tôi còn thanh xuân, tôi không hối hận hay rút lại một chữ nào."

https://www.bbc.com/vietnamese/world-37899748

Ảnh Nữ hoàng Elizabeth II bổ nhiệm 15 đời thủ tướng Anh

Queen

NGUỒN HÌNH ẢNH,PA MEDIA

Chụp lại hình ảnh,

Nữ hoàng Elizabeth II bổ nhiệm mọi thủ tướng kể từ năm 1955, ba năm khi bà lên ngôi, làm nguyên thủ quốc gia Anh, và sau khi Winston Churchill từ chức. Trong hình: Nữ hoàng đón bà Liz Truss tại Cung Balmoral vào ngày 6/9.

Nữ hoàng Anh Elizabeth II bổ nhiệm mọi thủ tướng kể từ thời Anthony Eden vào năm 1955, nhưng bà Liz Truss là thủ tướng đầu tiên được mời tới Scotland.

Khác với truyền thống, tân thủ tướng Anh không gặp Nữ hoàng ở London tại Cung điện Buckingham.

Vào thứ Ba (6/9), bà Liz Truss tiếp kiến Nữ hoàng tại Cung Balmoral ở Scotland. Vì lý do đi lại khó khăn, Nữ hoàng không về London làm lễ phong chức thủ tướng cho người lãnh đạo đảng Bảo thủ.

Nữ hoàng Elizabeth II lên ngôi vào năm 1952, khi Winston Churchill là thủ tướng Anh. Dưới đây là những hình ảnh Nữ hoàng cùng với 15 đời thủ tướng Anh trong 70 năm trị vì của bà.

Winston Churchill 1951 - 1955

Queen

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Nữ hoàng, cùng với Thái tử Charles và Công chúa Anne, gặp gỡ Sir Winston Churchill vào năm 1953

Anthony Eden 1955 - 1957

Queen

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Nữ hoàng bắt tay Sir Anthony Eden năm 1956

Harold Macmillan 1957- 1963

Queen

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Harold Macmillan, người cũng từng là hiệu trưởng Đại học Oxford, chào mừng Nữ hoàng đến thăm trường vào năm 1960

Alec Douglas-Home 1963 - 1964

Queen

NGUỒN HÌNH ẢNH,PA MEDIA

Chụp lại hình ảnh,

Nữ hoàng trò chuyện với Sir Alec Douglas-Home và Lady Home trong biểu tiệc chiêu đãi tại Couty Hall năm 1964

Harold Wilson 1964 - 1970

Queen

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Harold Wilson cùng với Nữ hoàng vào năm 1969

Edward Heath 1970 - 1974

Queen

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Nữ hoàng với Edward Heath, Richard Nixon và Pat Nixon tại Chequers năm 1970

Harold Wilson 1974 - 1976

Queen

NGUỒN HÌNH ẢNH,ALAMY

Chụp lại hình ảnh,

Nữ hoàng được Harold Wilson đón tiếp khi bà tới tòa nhà chính phủ ở Số 10 Phố Downing vào năm 1976.

James Callaghan 1976 - 1979

Queen

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

James Callaghan gặp Nữ hoàng khi dùng bữa trưa tại Lâu đài Windsor năm 1977

Margaret Thatcher 1979 - 1990

Queen

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Nữ hoàng với Margaret Thatcher và Ronald Reagan tại Cung điện Buckingham năm 1984

John Major 1990 - 1997

Queen

NGUỒN HÌNH ẢNH,PA MEDIA

Chụp lại hình ảnh,

Nữ hoàng cùng với John Major, thứ ba bên trái, và các cựu thủ tướng Margaret Thatcher, Harold Wilson, Edward Heath và James Callaghan năm 1992

Tony Blair 1997 - 2007

Queen

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Nữ hoàng chụp ảnh với Tony Blair tại Cung điện Buckingham khi bà mời ông thành lập chính phủ vào năm 2002

Gordon Brown 2007 - 2010

Queen

NGUỒN HÌNH ẢNH,ALAMY

Chụp lại hình ảnh,

Gordon Brown tiếp kiến Nữ hoàng năm 2007

David Cameron 2010 - 2016

Queen

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

David Cameron tại Cung điện Buckingham vào năm 2010 khi Nữ hoàng mời ông thành lập chính phủ

Theresa May 2016 - 2019

Queen

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Theresa May tới Cung điện Buckingham khi bà trở thành thủ tướng năm 2016

Boris Johnson 2019 - 2022

Queen

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Boris Johnson tới Cung điện Buckingham năm 2019 để kế nhiệm Theresa May

Liz Truss 2022 - 2024

Queen

NGUỒN HÌNH ẢNH,PA MEDIA

Chụp lại hình ảnh,

Bà Liz Truss được mời thành lập chính phủ mới tại Cung Balmoral ngày 6/9/2022

Liz Truss trở thành thủ tướng thứ 15 được bổ nhiệm bởi Nữ hoàng khi bà thay thế cương vị của Boris Johnson.

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cz971v4x3wvo

Geen opmerkingen:

Een reactie posten