Đỉnh Everest, 'nóc nhà thế giới' sẽ tiếp tục cao lên tới mức nào?
Harriet Constable
BBC Future
Với độ cao hơn 8.849 mét (29.032 bộ), Đỉnh Everest là ngọn núi cao nhất thế giới hiện nay. Liệu danh hiệu này sẽ tiếp tục duy trì đến bao giờ?
Aurora Elmore đang đến gần trại phía nam, South Base Camp ở Đỉnh Everest, phần thuộc Nepal. Nhưng thay vì đi theo tuyến thông thường, mất 12 ngày lội bộ trekking, cô di chuyển bằng trực thăng giữa những đỉnh núi băng giá, cánh quạt của chiếc trực thăng kêu phành phạch trong không khí loãng.
Lúc đó là tháng 4/2019, và cô đang làm nhiệm vụ tiếp tế cho nhóm các khoa học gia làm việc trên sườn của ngọn núi cao nhất thế giới. Phần thưởng dành cho cô là một cảnh tượng ngoạn mục: không gian ban ngày trong trẻo như pha lê và toàn bộ dãy Himalaya hiển hiện ngay trước mắt.
Trong hai tháng tiếp theo, các nhà nghiên cứu thuộc đoàn thám hiểm của Hội Địa lý Quốc gia và Rolex mà cô giúp đỡ sẽ tổ chức tìm hiểu những tác động của biến đổi khí hậu đối với ngọn núi này.
Elmore, nhà địa chất học và đồng thời là quản lý chương trình cấp cao của Hội Địa lý Quốc gia, Hoa Kỳ, đã hỗ trợ nhóm nghiên cứu lắp đặt trạm khí tượng cao nhất thế giới trên sườn của Đỉnh Everest. Trong quá trình thám hiểm, các đồng nghiệp của cô phát hiện ra bằng chứng cho thấy có ô nhiễm chất vi nhựa tại vị trí nóc nhà thế giới, trong tuyết và nước suối ở phía gần đỉnh núi.
Đỉnh Everest, nóc nhà của thế giới
Bay lướt tới gần chỏm núi mang tính biểu tượng của Đỉnh Everest, Elmore nhìn bao quát được tất cả. Một thành phố thu nhỏ được tạo thành từ những chiếc lều màu xanh lá cây và màu vàng dành cho những người leo lên đỉnh núi, đã hình thành nên trại dừng chân Everest Base Camp, nằm ở độ cao hơn 5km (3 dặm) so với mực nước biển.
Vào mỗi mùa xuân, hàng ngàn người đổ về Everest để cố gắng thực hiện ước mơ được đặt chân tới được nóc nhà thế giới.
Và chỉ ít người trong số những người leo núi nhận ra được rằng, trong thời gian họ leo núi thì Đỉnh Everest đồng thời cũng nhô cao thêm.
Đỉnh Everest, cũng như những phần còn lại của dãy Himalaya, dâng cao thêm vài cm mỗi năm.
Một câu hỏi thú vị được đặt ra – vậy Đỉnh Everest có thể cao đến mức nào mới dừng lại? Có những ngọn núi trên các hành tinh khác trong Hệ Mặt trời của chúng ta có thể khiến những ngọn núi sừng sững của chúng ta trở nên bé nhỏ, vậy liệu có giới hạn nào đối với chiều cao tối đa mà một ngọn núi trên Trái Đất có thể đạt tới hay không?
Đỉnh Everest cao 8.848,86m (29.032 bộ) so với mực nước biển, theo cuộc khảo sát chung chính thức gần đây nhất của Trung Quốc và Nepal, hai nước có biên giới chạy ngang qua đỉnh núi.
Nhưng nó không phải là đỉnh núi khổng lồ duy nhất ở miền đất này - dãy Himalaya có tới 10 trong số 14 đỉnh núi trên thế giới cao hơn 8.000m (26.247 bộ) so với mực nước biển.
Elmore nói rằng không có nhiều khác biệt về độ cao của Đỉnh Everest so với những ngọn núi xung quanh. "Nếu bạn đã từng bay trên Greenland hoặc dãy Rockies của Canada, bạn cũng có thể nhìn thấy những ngọn núi lớn, nhưng [dãy Himalayas] lại là một tầng khác," cô nói.
Bạn cảm giác gì khi nói Đỉnh Everest là ngọn núi có chiều cao khủng thế nào khi nó được bao quanh bởi rất nhiều ngọn núi khổng lồ khác?
Elmore phân vân trước khi trả lời. "Giống như kiểu nhìn ra xem ai là người cao nhất trong đội bóng rổ vậy," cuối cùng cô nói. "Tất cả các ngọn núi đều cao, nhưng đỉnh này cao hơn cả [dù chỉ là cao hơn chút ít thôi]?"
Lật lại lịch sử, ngọn núi cao nhất thế giới này được đo đạc vào năm 1852.
Thời đó tại châu Âu, Charles Dickens đang đăng nhiều kỳ cuốn tiểu thuyết Căn Nhà Hoang Vắng (Bleak House). Bắc Mỹ đã bắt đầu thử nghiệm động cơ cứu hỏa chạy bằng hơi nước đầu tiên. Vậy nhưng ở châu Á, độ cao của Đỉnh Everest vẫn còn là điều bí ẩn. Ngọn núi này chỉ được biết đến với cái tên "Đỉnh XV" (đỉnh thứ 16).
Radhanath Sikdar, nhà toán học Ấn Độ, đã được người Anh tuyển dụng để làm Khảo sát Lượng giác Đại Quy mô đối với toàn bộ tiểu lục địa Ấn Độ.
Anh quốc muốn thu thập một bức tranh địa lý chính xác hơn về lãnh thổ mà họ đang chiếm đóng để có thể kiểm soát lãnh thổ này hiệu quả hơn, dù là vì mục đích thương mại hoặc quân sự.
Sikdar đã áp dụng phương pháp đo lượng giác. Ông đo các góc ngang và dọc của Đỉnh Everest từ những đỉnh núi khác mà vị trí và độ cao đã được biết trước. Trong quá trình đo, ông đã khám phá ra một điều quan trọng: đây là ngọn núi cao nhất từng được ghi nhận đến thời điểm đó. Theo tính toán của ông, ngọn núi cao tới 8.839,8m (29.002 bộ).
Mặc dù so với thời thập niên 1850 thì về sau này kỹ thuật đo núi đã có những bước tiến lớn, nhưng con số mà ông tính toán được vẫn chính xác một cách đáng kinh ngạc, chỉ chênh lệch có 9 mét so với độ cao chính thức mới đây nhất.
Tuy đây là những phát hiện của Sikdar, nhưng ngọn núi cuối cùng vẫn được đặt theo tên của ông chủ trước đây của ông là Huân tước George Everest, nhà khảo sát người Anh, đã nghỉ hưu vài năm trước khi có khám phá của Sikdar.
Kể từ đó, nhiều nhóm khảo sát đã tiếp tục làm việc để tìm hiểu về độ cao của đỉnh Everest.
Vào năm 1954, một cuộc khảo sát của Ấn Độ đã xác định Đỉnh Everest có độ cao 8.848m (29.029 bộ) và con số này đã được chính phủ Nepal chấp nhận.
Nhưng sau đó, vào năm 2005, Trung Quốc lại đo được độ cao của ngọn núi này là 8.844,43m (29.017 bộ), tức là thấp hơn gần 4m (13 bộ). Năm 2020, các nhóm Trung Quốc và Nepal đã thống nhất rằng độ cao được chấp nhận chính thức mới nhất của ngọn núi này là cao hơn kết quả tính toán ban đầu của cuộc khảo sát của Ấn Độ 0,86m (2,8 bộ).
Ngoài lý do những cải tiến trong công nghệ đo đạc mà các nhà khảo sát sử dụng đã dẫn đến các kết quả khác nhau về độ cao của ngọn núi, còn có một số vấn đề chính trị liên quan. Tỷ như tranh cãi mang tính lịch sử giữa Trung Quốc và Nepal về việc có tính cả phần mũ tuyết trên đỉnh núi khi đo độ cao của ngọn núi hay không.
Núi vẫn tiếp tục cao thêm
Song chúng ta không thể chối bỏ một thực tế là đỉnh Everest vẫn cứ cao dần lên hàng năm.
Những chỏm đá vôi vươn giữa lưng chừng trời mây hiện nay của đỉnh Everest từng có thời nằm dưới đáy đại dương.
Các nhà khoa học cho rằng tất cả bắt đầu thay đổi khoảng 200 triệu năm trước - vào khoảng thời gian khủng long kỷ Jura bắt đầu xuất hiện, khi siêu lục địa Pangea nứt ra thành nhiều mảnh.
Lục địa Ấn Độ cuối cùng tách hẳn ra và bắt đầu trôi về phía bắc qua vùng biển rộng lớn của Đại dương Tethys trong vòng 150 triệu năm trước khi va chạm với một lục địa cùng cảnh ngộ là châu Á hiện nay - vào khoảng 45 triệu năm trước.
Lực tạo ra khi lục địa này va vào lục địa kia khiến cho mảng thạch quyển ở đáy Đại dương Tethys, được tạo thành từ lớp vỏ đại dương, trượt xuống dưới mảng lục địa Á-Âu, tạo ra đới hút chìm.
Tiếp theo, mảng thạch quyển này trượt ngày càng lún sâu vào lớp vỏ Trái Đất, loại ra những vỉa đá vôi, cho đến khi hai mảng Ấn Độ và Á-Âu bắt đầu áp chặt lại với nhau.
Mảng Ấn Độ bắt đầu trượt xuống dưới mảng châu Á, nhưng vì được cấu tạo từ những thành phần cứng hơn đáy đại dương nên nó không bị đè lún xuống. Bề mặt lục địa bắt đầu vênh lên, đẩy lớp vỏ và các mảng đá vôi trồi lên trên.
Và thế là dãy núi Himalaya bắt đầu dâng cao lên.
Vào khoảng 15-17 triệu năm trước, đỉnh Everest đã cao khoảng 5.000m (16.404 bộ) và vẫn tiếp tục cao lên.
Sự va chạm giữa hai mảng lục địa vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay.
Ấn Độ tiếp tục trôi về phía bắc 5cm (2 inches) mỗi năm, khiến cho Đỉnh Everest cao thêm khoảng 4mm (0,16 inches) mỗi năm (trong khi các phần khác của dãy Himalaya cao thêm khoảng 10mm mỗi năm [0,4inches]).
Nhưng để hiểu được cách thức và lý do Đỉnh Everest thay đổi độ cao thì phức tạp hơn nhiều. Trong khi các kiến tạo mảng lục địa đẩy đỉnh núi nhô lên cao hơn, thì tình trạng xói mòn lại bào bớt đi độ cao của đỉnh núi.
Để hiểu rõ hơn về quá trình này, các nhà khoa học đã nghiên cứu một ngọn núi khác cách Đỉnh Everest khoảng 8.700km (5.405 dặm), ở Alaska.
Rachel Headley, Phó Giáo sư Khoa học Địa chất tại Đại học Wisconsin-Parkside, đã tham gia đoàn thám hiểm khoa học đến Núi Saint Elias ở biên giới Alaska và Canada từ năm 2005-2008.
Nhiệm vụ của đoàn là tìm hiểu vai trò phức tạp của kiến tạo và xói mòn trong cách các ngọn núi tăng hoặc giảm độ cao. Là ngọn núi lớn thứ hai ở Canada và Mỹ, Saint Elias phải đối mặt với những tác động tương tự như Everest, cả kiến tạo đến xói mòn, nhưng trên một diện tích nhỏ hơn, dễ nhận diện hơn.
“Ở vùng Alaska này, có những kiểu thời tiết rất đặc biệt giúp những sông băng lớn phát triển,” Headley nói. “Và tất nhiên sông băng cũng là sông thôi, tuyết lở và đất trôi đều là những yếu tố gây ra xói mòn cho các ngọn núi."
Vai trò của Headley trong nhóm là tìm hiểu về độ dày của sông băng Steward, vốn chảy qua dãy núi Saint Elias, và tốc độ di chuyển của nó. Hai yếu tố này đều có thể ảnh hưởng đến mức xói mòn, là thứ có thể ảnh hưởng đến chiều cao của đỉnh núi.
“Nếu có một sông băng mỏng hơn, và nó di chuyển siêu nhanh… thì ắt hẳn phải có một số vết trượt, điều sẽ là thực sự trọng yếu gây ra xói mòn,” bà nói. "Trượt" có thể khiến băng bị mòn đi, sông băng kéo theo các mảnh đất đá trên bề mặt khi nó di chuyển, tạo ra hiệu ứng như đánh giấy ráp.
Thời tiết cũng có thể gây ra xói mòn đáng kể cho một ngọn núi. Elmore mô tả một trong những trạm khí tượng mà cô đã giúp lắp đặt trong chuyến thám hiểm Đỉnh Everest 2019 là "bị hư hại do những tảng đá có kích thước bằng quả bóng cricket bị gió bốc lên và đập vào". Gió liên tiếp cuốn đá và băng khỏi ngọn núi sẽ làm cho núi bị xói mòn qua năm tháng.
Nhiều đỉnh núi cao nhất trên thế giới, bao gồm cả Everest, luôn có các mũ tuyết vĩnh viễn bảo vệ cho chúng khỏi những trận gió tạt này. Khi được một lớp tuyết mềm che phủ, đá ít sẽ chịu tác động bởi thời tiết và xói mòn hơn so với đỉnh núi trơ trọi, Headley cho biết.
Lớp tuyết cũng bảo vệ đá khỏi các phản ứng hóa học với không khí, điều có thể làm mất dần các khoáng chất trong đá vôi là thành phần chính của hầu hết đỉnh cao nhất của Everest.
Nhưng vẫn có những nơi đá không được che chắn trước các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
“Trong dãy núi cao, kiểu gì cũng có những góc dốc đứng đến nỗi băng tuyết không thể bám chặt được vào đá, rồi tuyết bị lở ra, và vách đá đó sẽ lại trở nên trơ trọi,” Elmore nói.
Đá rơi và đất lở - hiểm họa thường trực trên Đỉnh Everest và khu vực xung quanh - làm giảm độ cao của Đỉnh Everest, và các con sông cũng có vai trò tương tự. Ước tính, chúng tạo ra các khe ở núi đá với tốc độ bào mòn từ 4-8mm (0,2-0,3 inches) mỗi năm.
Nhưng tác động chính xác của tình trạng xói mòn đối với chiều cao của một ngọn núi vẫn cần phải được tìm hiểu thêm. Một số nhà khoa học tin rằng khi trọng lượng của một ngọn núi giảm đi (tuyết, băng và đá cấu tạo nên nó bị bào mòn đi) các mảng kiến tạo sẽ có thể đẩy ngọn núi, nay đã trở nên nhẹ hơn, lên cao hơn nữa.
Terry Pavlis, đồng nghiệp của Headley, là người khảo sát chính trong Dự án Kiến tạo Xói mòn St Elias (St Elias Erosion Tectonics Project - Steep), giải thích rằng khi xảy ra trên quy mô lớn, "tình trạng xói mòn tấn công địa hình nào thì sẽ làm cho địa hình đó dâng cao".
Ở một số nơi trên thế giới, toàn bộ mảng đất liền vẫn đang dâng cao lên sau kỷ băng hà cuối cùng - hiện tượng được gọi là sự phục hồi đẳng tĩnh.
Các khu vực ở Bắc Mỹ và Bắc Âu, bao gồm cả Scotland, đang phục hồi sau khi lớp vỏ đá ở đó bị những lớp băng lục địa khổng lồ đang trong quá sáp hóa và suy yếu từ kỷ Pleistocen đè bẹp.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Postdam, Đức đã chỉ ra rằng có tới 90% hiện tượng cao thêm ở dãy núi Alps ở châu Âu có thể được giải thích bởi phản ứng co giãn đáng ngạc nhiên này vào cuối kỷ băng hà.
Các chuyên gia tin rằng sự phục hồi đẳng tĩnh tương tự có thể cũng đã diễn ra trên Cao nguyên Tây Tạng và trên dãy Himalaya, khi các sông băng thời kỳ băng hà tan chảy - nâng cao từ 1 đến 4mm (0,04-0,16 inches) mỗi năm.
“Nhưng ở đây có sự cân bằng nào đó giữa tốc độ xói mòn địa hình và độ cao mà những đỉnh núi đó có thể đạt đến,” Pavlis nói thêm.
Các chi tiết chính xác của trạng thái cân bằng nói trên vẫn đang được tìm hiểu.
Tại một khu vực như Appalachians ở đông bắc Bắc Mỹ, hoặc Cao nguyên Scotland, các lực ăn mòn như sông suối và lở đất đang khiến cho núi ngày càng thấp đi, Headley nói.
"Nhưng ở những vùng có hoạt động kiến tạo, lực kiến tạo có thể đẩy các ngọn núi cao lên chậm hơn, nhanh hơn hoặc với tốc độ tương đương với tốc độ xói mòn đang làm cho ngọn núi thấp xuống. Chúng tôi chưa hiểu đầy đủ về tất cả những gì đã đang tác động tới các hệ thống đó."
Các cách đo chiều cao của núi
Vậy cách đo núi thực sự hiện nay như thế nào?
Một trong những công cụ phổ biến nhất được sử dụng là Hệ thống Vệ tinh Định vị Toàn cầu (GNSS), ghi lại vị trí chính xác của đỉnh núi bằng cách sử dụng một mạng lưới các vệ tinh.
GNSS có thể "đo chiều cao chính xác đến từng milimet", theo Pavlis. Đối với một ngọn núi như Everest, trọng lượng của thiết bị luôn là vấn đề thách thức.
"Thật khó để lên đến đỉnh núi – bạn hãy thử vác thêm một thiết bị nặng 30lb (13kg) mà xem," ông nói.
Một chiếc trực thăng bay lên đỉnh với hành lý nặng nề là điều không thể thực hiện - không khí loãng xung quanh Đỉnh Everest có nghĩa là động cơ không thể hoạt động đúng công suất, và có quá nhiều lực cản từ các cánh quạt để vận hành an toàn.
Gió mạnh và những khe núi lởm chởm cũng khiến cho việc hạ cánh ở chỗ nào gần đỉnh núi cũng trở nên nguy hiểm. Một phi công trực thăng đã lập kỷ lục thế giới khi đáp máy bay xuống đỉnh của ngọn núi Everest vào năm 2005 trong thời gian rất ngắn, nhưng chỉ sau khi nhà sản xuất đã loại bỏ mọi thứ không cần thiết để cho máy bay trở nên nhẹ tới mức không thể nhẹ hơn.
May mắn là các hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GNSS) đã trở lên nhỏ gọn hơn trong những năm qua. Hiện nay chúng chỉ nặng hơn 1,2kg (2,6 cân Anh) và "có kích thước bằng một hộp cơm trưa, có thể còn nhỏ hơn một chút", Pavlis nói.
Nhưng các thiết bị vẫn cần pin, mà pin có thể khó hoạt động trong môi trường lạnh. Nhiệt độ trung bình trên đỉnh Everest trong những tháng gió mùa của tiết hè là -19C. Và có nhiều rắc rối khác nữa.
"Bạn biết đấy, cần một chiếc ăng-ten đường kính khoảng nửa mét. Và những thứ như vậy phải được lắp đặt bằng cách nào đó để chúng hoàn toàn cố định ở nơi này, "Pavlis giải thích.
Để thu thập kết quả chính xác đến từng milimet, thiết bị phải ghi chép dữ liệu trong vài giờ. Trong môi trường không khí loãng của "tử địa" Everest, việc vận hành những thiết bị này có thể gây nguy hiểm cho những người khảo sát. Các thành viên của đoàn thám hiểm người Nepal, để đo theo phương pháp GNSS trên Đỉnh Everest vào năm 2019, đã phải dành ra hai giờ trên đỉnh của ngọn núi - lâu hơn nhiều so với thời gian thông thường mà những người leo núi lên đến đỉnh - sau khi đến nơi vào lúc 03:00, lúc trời tối đen và không khí lạnh buốt.
Một lựa chọn nữa, thường được sử dụng ngoài phương pháp GNSS để có kết quả chính xác nhất, là Radar xuyên đất (GPR).
“GPR sử dụng các xung radar để tạo ra hình ảnh bên dưới bề mặt, vì vậy nó có thể cho chúng ta biết độ dày và cấu trúc bên trong của băng tuyết phủ trên các tảng đá trên đỉnh của núi Everest,” Elmore nói. "Có lẽ có khoảng 4m (13 bộ) băng tuyết dày trên đỉnh núi này, nhưng điều này có thể thay đổi tùy thuộc vào khí hậu."
Trong khi Elmore và nhóm đồng nghiệp đang tiến hành các thí nghiệm khoa học của riêng họ trên đỉnh Everest, họ đã hướng dẫn đoàn thám hiểm Nepal cách sử dụng thiết bị GPR để họ có thể thực hiện các phép đo từ đỉnh núi.
“Đó phải là một thiết kế GPR chuyên dụng, một thiết kế siêu nhẹ để [có thể mang được] lên Đỉnh Everest, nhưng cũng phải có đủ thiết bị thu phát phù hợp để đo băng,” Elmore nói. Thiết bị GPR đó gần đây đã được sử dụng trên đỉnh ngọn núi Denali cao nhất nước Mỹ, vì vậy họ biết rằng nó có thể đảm nhận được việc đo đạc Đỉnh Everest.
Bất chấp nhiều trở ngại mà họ phải đối mặt, nhóm nghiên cứu Nepal đã thực hiện thành công cuộc thám hiểm đo độ cao Đỉnh Everest.
Họ hy vọng trả lời được các câu hỏi về việc liệu trận động đất gây chết người có cường độ 7,8 độ Richter xảy ra ở Nepal vào tháng 4/2015 có ảnh hưởng đến độ cao của đỉnh Everest hay không. Các báo cáo ban đầu cho thấy ngọn núi đã dịch chuyển 3cm (1,9 inches) về phía tây nam do trận động đất lớn khiến 9.000 người thiệt mạng và hàng trăm nghìn ngôi nhà bị hư hại, nhưng độ cao của ngọn núi vẫn không thay đổi.
Tuy nhiên, dự án đã sớm trở nên bị bỏ bê do tác động của tình hình chính trị thế giới.
Vài tháng sau, một nhóm các nhà khảo sát Trung Quốc đã tiến hành các phép đo của riêng họ trong chuyến thám hiểm từ phía bên kia của ngọn núi. Họ có số liệu đo đạc riêng của mình, theo đó không tính phần mũ tuyết trên đỉnh núi.
Trong khi đó, số liệu đo đạc của Nepal bao gồm cả mũ tuyết.
Vào tháng 10/2019, hai quốc gia đã quyết định kết hợp dữ liệu của họ, và vào tháng 12/2020 đã công bố con số về độ cao chính thức mới - 8.848,86m (29.032 bộ), bao gồm cả tuyết trên đỉnh núi.
Như Trung Quốc và Nepal đã nhận thấy, điều cơ bản để xác định độ cao của một ngọn núi là việc cần phải quyết định chính xác về những gì cần đo và cách đo.
Ví dụ, để thống nhất về độ cao của một ngọn núi, trước tiên phải thống nhất về vị trí của đáy. Thoạt nghe như vậy thì có vẻ dễ dàng nhưng thực tế lại khác hẳn.
Trong nhiều thế kỷ, các ngọn núi đã được đo bằng cách sử dụng mực nước biển làm cơ sở cho việc tính toán độ cao của chúng.
Nhưng Trái Đất lại không hoàn toàn tròn mà phình ra dọc theo đường xích đạo. Và mực nước biển cũng không ở trạng thái tĩnh, mà bị lực hấp dẫn của hành tinh chúng ta tác động và làm cho thay đổi.
Hơn nữa, Đỉnh Everest không nhô ra từ đại dương mà nằm trong địa hình của những ngọn núi khác.
Nhiều tính toán phức tạp phải được thực hiện để xác định điểm thực sự là mực nước biển và độ cao tương đối của Đỉnh Everest so với mực nước biển đó. Khi điểm xuất phát đó bị thay đổi thì mọi thứ sẽ thay đổi theo.
Nhưng giả sử các nhà khoa học bắt đầu tính toán từ tâm Trái Đất thì Everest sẽ không còn được coi là ngọn núi cao nhất hành tinh.
Ngọn núi có khoảng cách từ tâm Trái Đất đến đỉnh lớn nhất là Chimbarozo ở Equador, với độ cao 10.920m (35.826 bộ).
Trường hợp điểm bắt đầu từ đáy biển thì kết quả sẽ ra sao? Danh hiệu ngọn núi cao nhất khi đó sẽ thuộc về Mauna Kea, một ngọn núi lửa ở Hawaii có hình vòm cách đáy đại dương 10.000m (32.808 bộ).
Nhìn xa hơn hành tinh của chúng ta, chúng ta có thể thấy những ví dụ về việc những ngọn núi khổng lồ có thể phát triển to cao cỡ nào.
Olympus Mons, một ngọn núi lửa trên sao Hỏa, cao 21 km (19,2 dặm) và trải rộng 624 km (388 dặm). Ngọn núi này to gần bằng kích thước của bang Arizona. Do lực hấp dẫn trên sao Hỏa yếu hơn trên Trái Đất và sao Hỏa không có các mảng kiến tạo dịch chuyển và va chạm bên dưới bề mặt, dung nham chảy ra từ núi lửa trên sao Hỏa trong quá khứ của hành tinh này có thể phát triển đến mức to cao khủng khiếp.
Liệu Đỉnh Everest có thể trở thành một ngọn núi khổng lồ tương tự?
Vào thập niên 1980, một nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Cavendish ở Cambridge, Anh, đã thử ước tính mức giới hạn có thể tồn tại trên Trái Đất, có tính đến cường độ của trọng lực và sức nặng của đá bên dưới ngọn núi.
Các tính toán, "tách rời với địa vật lý một cách nghiêm túc", đã ước tính chiều cao lý thuyết tối đa của một dãy núi có nền đá granite - thứ có rất nhiều ở Đỉnh Everest - là 45 km (28 dặm) trên Trái Đất.
Headley còn cho rằng ngoài yếu tố thời tiết khắc nghiệt của hành tinh chúng ta thì những thứ khác cũng có thể gây cản trở để Everest tiến đến độ cao đó.
Khởi đầu là việc "lực kiến tạo dịch chuyển có thể bị cạn kiệt, và sau đó núi ngừng cao lên", cô nói.
Các nhà khoa học tin rằng cuối cùng lớp vỏ Trái Đất sẽ nguội đi khiến cho vũ điệu kiến tạo mảng trên toàn hành tinh kết thúc. Cho đến lúc đó thì động đất và lở đất cũng vẫn làm xói mòn ngọn núi.
“Tại một thời điểm nào đó, [ngọn núi] sẽ trở nên nghiêng đến mức không đứng vững được và các khối đá bắt đầu vỡ ra,” Elmore nói.
Với việc gió cuốn tuyết và băng tạt vào sườn núi, gây nứt và vỡ đá, Đỉnh Everest khó có thể đạt được kích thước của các ngọn núi trên sao Hỏa.
“Hành tinh của chúng ta có hệ thống thời tiết đặc thù và thời tiết thực sự đã tạo ra các lực ăn mòn một cách hiệu quả," Headley nói. “Về cơ bản, thực tế là chỉ cần có nước, dù ở dạng băng hay tuyết, hoặc chỉ là mưa cũng đã là thứ thực sự có thể hạn chế việc tăng độ cao của núi rồi."
Hiện tại, Everest vẫn tiếp tục nhích cao dần trong khi các lực tự nhiên vẫn cố gắng xói mòn ngọn núi.
Nhóm nghiên cứu năm 2019 của Elmore đã phát hiện ra rằng hiện tượng ấm lên toàn cầu cũng là một nguyên nhân khác khiến băng tuyết ở phần trên của ngọn núi mỏng đi đáng kể trong những thập kỷ gần đây và để lộ nhiều đá trơ trụi hơn trước tác động ăn mòn của thời tiết.
Everest không phải là ngọn núi có độ cao tăng lên nhanh nhất trên hành tinh của chúng ta.
Có khả năng chiếm ngôi đầu bảng là Nanga Parbat, cách Đỉnh Everest không xa, nằm trên dãy Himalaya ở phần thuộc Pakistan, hiện cao 8.126m (26.660 bộ) và cao lên 7mm (0,27 inches) mỗi năm. Khoảng 241.000 năm nữa, ngọn núi này có thể vượt Đỉnh Everest để trở thành ngọn núi cao nhất trên Trái Đất, với điều kiện tốc độ xói mòn không thay đổi.
Những ngọn núi khác, chẳng hạn như ở dãy Alps của Thụy Sĩ, đang cao lên nhanh hơn do sự mất cân bằng với tốc độ xói mòn. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng tốc độ dâng cao diễn ra nhanh hơn 50 lần so với tác động từ tình trạng xói mòn làm núi thấp đi.
Nhưng dãy Alps của Thụy Sĩ lại thấp hơn rất nhiều so với Đỉnh Everest và hầu hết các nghiên cứu cho thấy những ngọn núi ở đó hiện đang cao lên với tốc độ 2-2,5mm (0,08-0,1 inch) mỗi năm.
Trong khi đó, Đỉnh Everest vẫn giữ nguyên vẻ quyến rũ với tư cách một ngọn núi ở cực điểm của những gì có thể tìm thấy và tồn tại ở đây trên Trái Đất. Với danh tiếng là đỉnh cao nhất trên hành tinh của chúng ta, Everest tiếp tục thu hút các nhà leo núi từ khắp nơi trên thế giới ngay cả khi chiều cao của nó không ngừng thay đổi.
Qua một cuộc gọi điện video, tôi hỏi Billi Bierling, nhà báo chuyên viết về leo núi đã tự mình lên đến tận Đỉnh Everest vào năm 2009, rằng liệu việc tăng lên một milimet, một mét hay một dặm có là vấn đề quan trọng đối với những người như cô ấy hay không.
Ngồi thư giãn trên ghế sofa tại nhà mẹ mình ở Đức và chuẩn bị quay trở lại Nepal vào tháng Ba khi hè tới, cô nói: “Số đo chính xác không phải là việc cần lưu tâm,” và nở nụ cười ấm áp.
"Điều quan trọng là ngọn núi này là điểm cao nhất, và bạn đi đến điểm cao nhất. Nếu bạn đang có một ngày tồi tệ, hoặc ai đó xử sự không tốt với bạn, hoặc họ hạ thấp bạn, bạn có thể tự nhủ, bạn biết là điều gì không? Rằng ta đã chinh phục được Đỉnh Everest, nóc nhà của Trái Đất. "
Đối với hầu hết những người lên được đến đỉnh của ngọn núi này, việc đã đặt chân đến được nơi đó là điều duy nhất đáng kể.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten